Đài truyền hình NHK của Nhật Bản có chiếu 4 lần, mỗi lần khoảng một tiếng đồng hồ về hiệp ước an ninh Nhật Mỹ trong 50 năm qua. Buổi chiếu lần thứ tư được thực hiện vào thứ sáu 10-12-2010. Tôi ở Nhật nhưng rất tiếc không xem được hai phần đầu. Phần thứ ba và phần thứ tư thì mới được xem vào tối hôm qua qua đĩa thu hình.
Vẫn là cách làm thường tình của các đài truyền hình Nhật Bản. Nhưng nội dung và cách làm của họ cho phần thứ tư cứ làm tôi suy nghĩ vấn vương.
Nội dung buổi thứ tư là nên suy tính thế nào về quan hệ đối với Mỹ và ứng xử thế nào trong tình hình Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Sự kiện va chạm ở quần đảo Senkaku cũng xuất hiện. Những vấn đề họ đương đầu có những phần rất giống những gì Việt Nam đang trực diện.
Cách làm của đài NHK cũng không có gì mới. Họ cho những người có suy nghĩ khác nhau về đề tài trên xuất hiện trên đài truyền hình bảo vệ ý kiến của mình để cho người xem có thể nhìn nhiều mặt của vấn đề.
Lần này xuất hiện trên màn hình hai giáo sư đại học, hai người chủ chốt của hai sở nghiên cứu dân sự và ông thứ trưởng văn phòng chánh phủ và người hướng dẫn chương trình. Những người này thảo luận các vấn đề trong không khí lễ độ và căng thẳng tùy vấn đề và tùy thời điểm. Có đoạn họ tranh cãi nhưng không qui chụp thế này, thế kia.
Tôi không đi vào nội dung chi tiết họ thảo luận. Chỉ xin ghi lại đây một vài cảm nghĩ.
Ông thứ trưởng văn phòng chính phủ là người trẻ nhất trong những người có mặt. Ông nghiêm nghị lắng nghe ý kiến của mọi người và phát biểu ý kiến của mình một cách nhã nhặn không hề có thái độ kẻ cả. Các nhà nghiên cứu, giáo sư đại học đã thẳng thắn trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề hệ trọng của đất nước họ. Họ không chỉ cung cấp thông tin mà còn mổ xẻ vấn đề, xem mặt phải, mặt trái của nó giúp người dân có dữ kiện để suy nghĩ hay phán đoán về tình hình đất nước.
Tôi hoàn toàn không nghĩ là mọi cách làm của người Nhật là tốt cả. Nhưng phần thứ ba và thứ tư của chương trình về 50 năm hiệp ước an ninh Nhật Mỹ này có những phần quá giống đất nước của mình nên sau khi xem xong tôi cứ bị ám ảnh mãi.
Qua chương trình truyền hình, tôi thấy ở họ bàng bạc một lòng tin dân, tôn trọng người trí thức.
Ở phần cuối của lần thứ ba, người thuyết minh còn mong muốn có một cuộc thảo luận rộng rãi hơn trong nhân dân Nhật Bản về vấn đề an ninh của nước họ.
Ở Việt Nam chúng ta, không phải không có những thời như thế. Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, lãnh đạo nhân dân ta hết lòng tin dân, tin giới trí thức. Đối với dân thì kêu gọi không có súng thì dùng gậy tầm vông, hay cướp súng của địch mà chiến đấu. Trong không khí đồng lòng mà gian nan ấy, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ rời bỏ thành thị vào bưng cùng gánh vác việc nước.
Nhưng ngày nay thì sao? Thời thế thay đổi, đất nước phải đương đầu với những nguy cơ mới, nhiều trí thức ngày nay mang hết nhiệt huyết, đóng góp ý kiến, kêu gọi sửa đổi, sửa đổi cả những điều cơ bản, nhưng những tiếng nói thiết tha ấy rơi vào sự im lặng rất đáng sợ.
Cứ lấy lẽ bình thường mà suy nghĩ thì thấy có ba khả năng:
Một là những người trí thức ấy đã bị các thế lực thù địch hay diễn biến hòa bình mua chuộc.
Hai là những người ấy già rồi đâm lú lẫn, nói những điều viển vông.
Ba là những người ấy là những người nặng lòng với đất nước, với dân tộc mình, nên dù tuổi cao, sức có yếu đi vẫn còn vắt hết lực mình lo cho vận nước, không lo vui thú điền viên hoặc sống ẩn dật cho yên thân. Nhưng vì lý do nào đó, ý kiến cùa các vị ấy bị bỏ ngoài tai.
Những người trong Viện Nghiên cứu Phát triển trước đây, ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, các ông Trần Phương, Vũ Khoan, từng làm phó thủ tướng, và nhiều người nữa đã từng là rường cột của nhà nước, không lẽ các vị ấy nhẹ dạ đến nỗi bị các thế lực thù địch mua chuộc mất rồi hay sao.
Những điều họ nói rất có tính chất lý luận và khúc chiết cho nên nói họ già rồi, đầu óc lú lẫn, nói càn thì cũng là cách nghĩ không phải và rất thất lễ với họ.
Vậy chỉ còn khả năng thứ ba.
Lại lấy lẽ thường tình ở đời mà nói, thư đến thì phải trả lời. Làm ở công ty nhỏ, quên hay cố tình không trả lời thư hay mail của khách thì mất khách, mà mất khách nhiều lần thì có nguy cơ phá sản. Làm ở công ty lớn, không trả lời thư của khách thì sẽ bị cấp trên khiển trách vì công ty càng lớn thì trách nhiệm xã hội càng lớn, việc coi nhẹ chữ tín sẽ làm mất uy tín công ty. Nếu lấy công ty làm thí dụ, thì nhà nước là công ty lớn nhất nước, trách nhiệm xã hội nặng nề và lớn lao nhất. Cho nên cứ theo lẽ đời thường tình thì phải chăng nhà nước Việt Nam nên tham khảo và trả lời những góp ý của những công dân ưu tú đã từng là trụ cột của chính quyền.
Nhà nước Việt Nam thường nói người Việt ở nước ngoài là khúc ruột thân thương của Tổ Quốc và kêu gọi họ đóng góp cho đất nước. Một bộ phận đã và đang đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, nhưng bộ phận ấy chưa xứng với tiềm lực thật của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Một phần quan trọng trong đời sống của người Việt ở nước ngoài là hướng về và theo dõi những gì đang diễn ra hằng ngày trên Tổ Quốc thân yêu của mình. Cho nên để kết thúc bài tùy bút này, tôi xin đề đạt một điều là nhà nước Việt Nam trước hết và trên hết hãy tôn trọng các nhà trí thức chân chính trong nước. Bởi vì họ là vốn quí của đất nước. Họ là những người đã kinh qua nhiều gian khổ cùng đồng bào và chiến sĩ trong chiến tranh giải phóng và đã được thử thách. Những người Việt Nam ở nước ngoài không lơ là trong việc xem vốn quí của Tổ Quốc có được tôn trọng không. Tức là người Việt Nam ở nước ngoài rất quan tâm theo dõi coi những trí thức chân chính, những trí thức không dính dáng với các nhóm lợi ích được hay bị đối xử như thế nào.
Đặc biệt là trong tình hình đất nước ta đang phải đối đầu với một nguy cơ mà dân tộc ta đã phải chịu đựng và giải quyết cả ngàn năm. Một thời cứ ngỡ là trong thế giới của một mùa xuân đại đồng sẽ xuất hiện không chậm lắm, những nguy cơ đã từng gây khổ ải vô biên cho Tổ Tiên chúng ta sẽ không còn nữa, nhưng bây giờ nó lại lù lù xuất hiện. Phải chăng vì nó mà sinh ra không khí khó ăn khó nói, có người nói nhưng không có người nghe hoặc không muốn nghe. Nguyên khí quốc gia đang bị thương tổn và thử thách.
L. V. T.
Tokyo, ngày 20/12/2010
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.