Ghế trống (empty chair) là chiếc ghế không có người ngồi, ai cũng biết vậy, việc gì phải chua chữ tây, chữ u, chỗ này hơi bị dở. Không, không phải chua chát gì đâu, đây là chữ của Tây. Nói cho rõ như thế để khỏi mang tiếng là lòe. Thời buổi này dữ quá, chuyện nhỏ, chuyện lớn, chuyện quốc gia mà còn lòe loẹt tùm lum huống hồ là ba cái tào lao thổ tả.
Trở lại “ghế trống”, chiếc ghế này đặt ở bên Oslo, thủ đô Na Uy, vào ngày 10/12/2010 trong lễ trao giải Nobel Hòa Bình vinh danh ông Lưu Hiểu Ba, một người Trung Quốc. Nhưng thật sự thì ông không được đi đến đó nhận giải thưởng, nên chiếc ghế dành cho ông mới bị/được bỏ trống, lý do thì ai cũng biết, như chuyện chữ Anh trên kia, xin nhắc lại, trừ trẻ em mới đi học.
Ghế thì trống nhưng câu chuyện quanh cái ghế trống thì thật đầy, đầy cả thế giới, nên mới có chuyện để nói.
Dị ứng với giải Nobel hòa bình
Việc không được đi nhận giải Nobel hòa bình cũng không có gì là lạ. Năm 1935 Hitler cấm Carl Von Ossietzky đến Oslo nhận giải này. Năm 1975 Andrei Sakharov cũng vắng mặt trong lễ trao giải cho mình vì bị chính quyền Liên Xô cấm đi nhận. Còn những người như ông Lech Walesa (Ba Lan) giải 1983, bà Aung San Suuki (Miến Điện) giải 1991, nhận xong, về chưa kịp treo huy chương lên tường, chưa nghĩ ra cách sử dụng tiền thưởng như thế nào cho có nghĩa thì đã lãnh tù gần mục gông. A quên, bây giờ hiện đại người ta không dùng gông gỗ nữa thì lấy đâu mà mục, chỉ mục người thôi. Trong lịch sử trao giải Nobel hòa bình cũng còn có người “tự ý” không đi nhận.
Xem ra như vậy thì có một số chính quyền dị ứng với giải này. Đó là chính quyền như Đức Quốc Xã, Liên Xô trước đây và TQ bây giờ, họ không hề run sợ trước bất kỳ ai. Không những thế TQ gọi việc trao giải là trò hề, những người dự lễ là làm trò. Chưa đủ, nước này mới vừa lập ra một giải hòa bình của riêng mình, gọi là giải hòa bình Khổng Tử để đáp lại. TQ bây giờ sản xuất đủ các mặt hàng, từ thượng vàng đến hạ cám, từ đồ điện tử đến sữa có chứa mélamine bán đi khắp nơi với giá cực rẻ, cái gì TQ cũng làm theo kiểu của mình, thể chế thì XHCN theo kiểu TQ, giải thưởng hòa bình cũng theo kiểu TQ.
Tại sao TQ bức bối bởi giải Nobel?
Theo Kerry Brown thì “Ngụ ý mấu chốt là TQ, ít nhất theo danh sách người thắng giải đến nay, không thể sản xuất nhà văn, nhà khoa học, nhà kinh tế được quốc tế công nhận. Nước này chỉ có thể sản xuất được những nhà đối lập tầm cỡ thế giới.” Thánh thần ơi, có được những nhà đối lập tầm cỡ thế giới cũng quý chứ. Bình tĩnh mà nói, giải Nobel là number one, cụ Nguyễn Du, nếu còn cũng khen thì treo giải nhất chi nhường cho ai. Nếu giải này “ tào lao” thì chắc người ta mặc kệ nó, nó sướng thì nó làm, cần gì phải, đáp trả thích đáng. Phản pháo càng đùng đùng, càng bực tức càng chứng tỏ nó có ảnh hưởng.
ASIAD 16 ở Quảng Châu, TQ chiếm kỷ lục về số huy chương các loại một cách vô cùng ấn tượng, xếp loại A1 rất xứng đáng, bỏ xa nước thứ nhì, Hàn Quốc, cả cây số. Nhưng ASIAD là trò chơi cấp châu lục, đến như OLYMPIC thế giới mà TQ cũng không ngán thằng Mỹ thằng Tây nào. Huy chương của các đoàn TQ mang về treo đầy nhà triển lãm không hết (chắc mai mốt đem bán đấu giá gây quỹ từ thiện quá), chỉ còn thiếu cái huy chương có tượng ông Alfred Nobel. TQ mạnh mọi mặt, chỉ “yếu” cái giải Nobel, từ lâu rất thèm cái huy chương này, bộ môn nào cũng được, trừ hòa bình? – Sao thế? TQ không thích hòa bình à? Không phải, bằng chứng là TQ vừa phát hành giải hòa bình nội địa mang tên cụ Khổng. Thực, đến nay đã có người TQ như Cao Hành Kiện được giải Nobel văn chương, nhưng các vị đã “mất gốc” rồi nên TQ có muốn nhận bà con cũng không ổn Giả sử, năm sau, hay năm sau nữa Oslo chọn một vị trong ban lãnh đạo TQ trao giải Nobel hòa bình thì có chắc họ nhận không? Và phản ứng thế nào? Dễ òm, lúc đó sẽ có cách, mở binh pháp Tôn Tử ra chọn cách gì hay nhất thì “ hành”.
Giải hòa bình made in China
Việc lấy tên cụ Khổng để đặt tên các giải về văn hóa, đạo đức thì miễn bàn, trong lịch sử TQ còn có vị nào xứng đáng hơn đâu. Tôi không dám nói về tư tưởng, chủ trương của Khổng Tử, đặc biệt là nói với những “cháu nội” của cụ, những vị đang tại vị, vì như thế đúng là làm trò hề quá dở trước những đạo diễn quá tài. Nhưng có vài suy nghĩ lung tung:
Không biết tư tưởng, sách vở, của Khổng Tử nói cái gì, như thế nào mà một thời, từ bên quê hương cụ tới bên này, thiên hạ phê quá, chê quá trời trời. Thậm chí cái tượng cụ ở quê của cụ cũng bị đập tan. Trước đây họ có một chiến dịch hạ bệ Khổng Tử rầm rộ, cụ không buồn. Bây giờ, khi cần thì chính họ lại đặt Khổng Tử lên bàn thờ, chắc cụ cũng không vui gì. Cụ là bậc đại quân tử. Tôi mới vừa đọc một câu, chỉ môt câu thôi, nhớ đại ý là, đức của người quân tử thì như gió, còn đức của kẻ tiểu nhân thì thù vặt, ý quên, như cỏ. Gió thổi bên trên cỏ … Nếu sai xin bác nào chỉ giúp. Nhưng thôi, “quá vãng nhi bất thuyết”, mọi sự khi cùng phải biến mới thông, nếu không biến để thông thì “tắc tử ”.
Bây giờ thế giới có rất nhiều tỉ phú và ngay trên đất nước của cụ số người này chiếm ½ (làm tròn số) của toàn thế giới. Tiền của họ nghe đã sớn da gà. Tài sản của Bill Gates chẳng hạn, vượt xa của ông Nobel. Nếu muốn, ông ta cũng, dư sức qua cầu, lập một giải thưởng B. Gates, na ná giải Nobel. Nhưng ông ta không chọn con đường này vì, dù cho có hoành tráng gấp mấy lần, cũng là bắt chước thôi. Ở đời, việc gì làm sau người khác cũng không có giá trị Các tỉ phú Mỹ chuyển sang làm việc khác như cứu đói ở Châu Phi, giúp người nghèo chửa trị HIV. Các việc này tuy không hàn lâm, nhưng lại vô cùng thiết thực. Nghe nói họ cũng rủ rê mấy tỉ phú TQ tham gia, nếu các vị được rủ OK thì “hảo hảo” quá. Vệc gì phải tổ chức vội vàng một cái giải Nobel phẩy (nhái) mà hể vội vàng thì không đạt, dục tốc bất đạt, cụ Khổng đã dạy thế, đây cũng là câu cửa miệng. Chẳng lẽ người ta quá vội nên quên sao?
Còn điều này, một trong những chủ thuyết của cụ Khổng là “hòa”, nhưng oái ăm thay cái giải mới toanh mang tên cụ lại bắt nguồn từ một sự bất hòa. Nghe sao quá đã (thèm).
T. K. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.