– Đã hai ngày trôi qua, kể từ ngày được thông báo về cuộc họp của chủ nợ Vinashin diễn ra như dự kiến trước đó (8/12), vẫn chưa có kết luận chính thức cuối cùng: có hay không cho Vinashin hoãn trả nợ.
Thời gian qua, kể từ khi xuất hiện thư đề nghị hoãn trả nợ của Tổng giám đốc Vinashin ngày 29/11, sức ép ngày càng tăng từ các bản tin của các hãng thông tấn quốc tế đưa ra và được một số báo trong nước trích dẫn lại.
Theo đó, Chính phủ cần phải có trách nhiệm hỗ trợ hoặc trả nợ thay cho Vinashin. Lý do đưa ra là vì trong quá trình đàm phán vay tín dụng, Vinashin được các chủ nợ nhận định rằng có sự “bảo lãnh mặc định” từ Nhà nước.
Song song đó, cũng có ý kiến từ các nhà kinh tế trong nước và dư luận đề nghị Chính phủ cần kiên định thái độ trong việc không đứng ra trả nợ thay cho Vinashin trước sức ép từ các chủ nợ và những lời “cảnh báo” của các tổ chức quốc tế khác.
Hãng thông tấn Đức (DPA), trích dẫn từ nguồn tin thân cận với Ngân hàng Credit Suisse, khẳng định rằng chủ nợ nước ngoài sẽ không đồng ý cho hoãn nợ và bình luận: “Việc này (nếu Vinashin được coi là vỡ nợ) sẽ rất nguy hại cho một chính phủ đang muốn vay mượn các khoản tiền của quốc tế để chi cho các dự án phát triển hạ tầng”.
Đến ngày 9/11, trong bản tin mới nhất của tờ Finance Time vẫn chỉ là lời cảnh báo: Nếu chính phủ Việt Nam từ chối hỗ trợ Vinashin, có thể hậu quả để ổn định kinh tế vĩ mô là nghiêm trọng do một lượng vốn sẽ “bay” ra khỏi các công ty Nhà nước khác…
Và, còn nhiều lời cảnh báo được phát ra từ các chuyên gia quốc tế, một số tổ chức phi chính phủ chuyên đánh giá tín nhiệm quốc gia khác…
Trong khi đó, hãng thông tấn Reuters (Anh) – một cơ quan truyền thông của Anh có quan hệ thông tin mật thiết với các vấn đề kinh tế toàn cầu – đưa ra dự báo: các ngân hàng thông thường muốn đàm phán để cho hoãn nợ thay vì siết nợ bằng cách chia lẻ hay thanh lý tài sản của công ty. Bởi vậy giới ngân hàng trông đợi các chủ nợ của Vinashin cho phép tái cơ cấu lại khoản tiền vay.
“Nếu như các bên cùng thống nhất một Thỏa thuận tái cơ cấu có hạn kỳ, thì họ sẽ phải cùng làm việc để đưa ra lộ trình tái cơ cấu cả công ty vay nợ lẫn khoản vay”. Reuters đưa ra một trong những cách giải quyết thực tế hơn. Theo đó, bên cho vay sẽ trông đợi một lãi suất cao hơn, và có thể sẽ thu thêm phí.
Ngày 29/11, khi gửi thư đến các chủ nợ, Tổng Giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến nhấn mạnh rằng đây chỉ là xin “hoãn” và cam kết sẽ trả đủ khoản vay. Và mới đây, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin Nguyễn Ngọc Sự đã tuyên bố rõ rằng Tập đoàn này sẽ không có điều kiện trả bất kỳ khoản nợ nào trong năm nay và nếu có thì cũng phải từ cuối năm 2011.
Ngoài khoản nợ 600 triệu USD của Credit Suisse, Vinashin còn nợ Ngân hàng Natixis 25 triệu đôla Mỹ và khoản nợ này cũng đã quá hạn.
Tập đoàn KPMG chính thức xác nhận được trao trách nhiệm tư vấn tài chính về khoản vay 600 triệu đôla qua Credit Suisse cho Vinashin.
John Ditty, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Tư vấn KPMG Việt Nam cho biết: “KPMG có một mạng lưới các chuyên gia tái cấu trúc nợ trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Thỏa thuận cung ứng dịch vụ tư vấn hiện nay của chúng tôi chỉ liên quan đến nội dung cụ thể và duy nhất là cung cấp các hỗ trợ cho Tập đoàn Vinashin khi thương lượng với chủ nợ về khoản nợ nói trên của Vinashin”.
Bộ trưởng KH-ĐT, ông Võ Hồng Phúc nói với các nhà báo tại Hà Nội ngày 8/12 rằng Vinashin “sẽ phải tự trả nợ”. Tuy nhiên ông hứa: “Chính phủ sẽ tái cơ cấu các dự án của Vinashin và hỗ trợ Vinashin làm ăn có lãi để có thể tự trả nợ”.
TH
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/2043/201012/Reuters-goi-y-cho-chu-no-Vinashin-1782395/