Bà Elena Bonner, phu nhân của viện sĩ Sakharov nói về giải Nobel Hòa bình

Năm 1975, nhà khoa học và cũng là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Andrey Dmitrievik Sakharov được trao giải Nobel Hòa bình. Quyết định của Ủy Ban giải Nobel ghi rõ rằng ông được trao giải vì: “sự ủng hộ kiên cường những nguyên tắc nền tảng của hòa bình giữa con người với nhau và cuộc đấu tranh anh hùng chống lại sự lạm dụng quyển lực và tất cả những hình thức đàn áp phẩm giá của con người”.

Nhà bác học không được đi dự lễ trao giải. Vợ ông, bà Elena Bonner, đã nhận thay chống.
35 năm sau, trước lễ trao giải Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc hiện đang bị ngồi tù là Lưu Hiểu Ba, bà Elena Bonner tâm sự về những ngày kỉ niệm đó với phóng viên BBC, Jamie Kumasaramy.

BBC: Andrey Sakharov biết tin ông được trao giải Nobel trong trường hợp nào?

Elena Bonner: Lúc đó tôi không có mặt ở Moskva, tôi đang ở Ý, tôi phải mổ mắt. Còn Andrey Sakharov thì đi cùng với mẹ tôi tới nhà một người bạn của chúng tôi để uống trà với bánh nhân táo. Các phóng viên đã tìm thấy ông trong ngôi nhà này. Lev Kopelev cũng đến đó vì ông nói rằng ông ngờ là Sakharov chơi ở nhà Iura Tuvin, Voinovich cùng với một người bạn và nhiều phóng viên cũng tới.

– Lúc đó bà đã quyết định sẽ đi tham dự buổi lễ trao giải?

– Tôi chẳng quyết định gì cả. Andrey Sakharov đã tuyên bố với toàn thế giới là vì người ta không cho ông đi cho nên ông đã trao cho tôi quyền nhận giải và tham gia vào tất cả các công việc liên quan. Ông nói qua sóng phát thanh và khắp nơi như thế, ông cũng gửi đến Ủy ban đề nghị đó.

– Đi nhận giải đối với bà có nghĩa như thế nào?

– Áp lực tinh thần rất lớn – đấy còn là nhiệm vụ vừa đáng mừng vừa đấy trách nhiệm mà chồng trao cho.

– Bà nghĩ gì khi người ta không cho ông nhà đi?

– Nghĩ gì được? Người Liên Xô chúng tôi vẫn sống như thế. Đi ra nước ngoài nghĩa là phải làm đơn gửi cho cơ quan của mình. Cơ quan xem xét, xem anh có đạo đức không, có trong sạch không, có ngủ với vợ người khác không, có đọc báo không? Sau đó phải tới đảng ủy khu vực, để đảng ủy chấp thuận. Sau đó người ta sẽ gọi tới phòng Thị thực và cho [thị thực xuất cảnh].

– Có lúc nào bà có nghĩ rằng sẽ có ngoại lệ cho lễ trao Nobel giải hay không?

– Không, tôi không nghĩ. Theo tôi, trước đó một hay hai năm tôi đã nghe radio nói rằng Sakharov được đưa vào danh sách. Nhưng… Có một ông người Anh nào đó giới thiệu, sau đó thì Soljenitsyn giới thiệu. Ở đâu người ta cũng nhắc đến Soljenitsyn, nhưng Sakharov được cả những nhà hoạt động xã hội khác giới thiệu thì người ta không nói. Đầu tiên theo tôi là người Anh. Nhưng tôi không nghĩ… Danh sách ngắn cũng dài lắm.

– Theo bà việc trao giải Nobel Hòa bình có vai trò gì trong việc sụp đổ Liên Xô?

– Tôi nghĩ là có vai trò, lớn nữa là khác. Việc trao cho Andrey Dmitrievik Sakharov, nhà bác học Nga đồng thời là nhà bất đồng chính kiến người Nga, buộc cộng đồng thế giới phải chú ý hơn tới tất cả những gì đang xảy ra ở nước Nga, và cụ thể là đang xảy ra với nhóm người được gọi là bất đồng chính kiến. Giải Nobel hòa bình đã làm người ta chú ý hơn tới những vấn đề mà những người bất đồng chính kiến nói. Đấy là ý nghĩa đạo đức và ý nghĩa chính trị của nó.

– Bà có nghĩ rằng việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay cho Lưu Hiểu Ba có thể đóng vai trò như thế trong sự phát triển của Trung Quốc không?

– Vai trò, ở mức độ nào đó thì nó đã có, vì trên khắp thế giới người ta đã quan tâm đến số phận của ông. Còn nó có phải là một cú hích tích cực với chính quyền Trung Quốc hay không? Đấy lại là vấn đề khác, tôi nghĩ là không. Nhưng trong chuyện này có những hành động cực kì không đẹp. Các nước tuyên bố rằng đại sứ của họ không tham gia buổi lễ đã hành động một cách vô đạo đức [Các quốc gia từ chối tham dự gồm có Nga, Ukraine, Saudi Arabia, Sudan, Venezuela, Cuba, Colombia, Tunisia, Iraq, Iran, Afghanistan, Kazakhstan, Serbia, Pakistan, Ai Cập, Morocco, Philippines và Việt Nam – BVN]. Thì không đi. Mặc xác các vị đại sứ đó. Nhưng, thế là vô luân.

Ở đây tôi phải nói rằng trong những năm qua uy tín của giải Nobel Hòa bình đã thay đổi rất nhiều. Sakharov được trao giải cách đây 35 năm. Lúc đó người ta rất tôn trọng giải này, tôi có thể nói, trên khắp thế giới. Trong những năm qua thái độ đã thay đổi rất nhiều.

– Thay đổi từ khi nào, khi họ trao cho Gorbachev ư?

– Thậm chí không phải là Gorbachev. Tôi nghĩ là Lê Đức Thọ và Kissinger [năm 1973 “vì có công trong việc lập lại hòa bình ở Việt Nam” – BVN]. Lê Đức Thọ có đủ tỉnh táo để từ chối vì làm gì có hòa bình. Sau đó, Nobel Hòa bình Trung Cận Đông đã làm mất giá hoàn toàn giải thưởng này.

– Nghĩa là theo bà thì đây không còn là giải thưởng cũ nữa?

– Trao – không trao… Bây giờ tiền được đem trao. Giải thưởng được mua… Mua. Sau khi người ta trao giải cho những nhà hoạt động xã hội trong ngoặc kép như Yasir Arafat – tên khủng bố số một – thì phải coi là Ủy ban đã trao giải khuyến khích cho một tên khủng bố. Hết. Sau đó thì chẳng còn gì… Làm sao còn có thể tôn trọng được nữa?

– Nhưng dù sao năm nay người ta cũng trao cho một nhà bất đồng chính kiến?

– Vâng. Khi thế này, cũng đôi khi thế khác. Đôi khi là Lưu Hiểu Ba, đôi khi là Aung San Suu Kyi, nhưng dù sao thì cũng có quá nhiều lần làm người ta choáng váng rồi.

– Người công khai phát biểu chống lại chính quyền


bà và Andrey Dmitrievik ở Liên Xô trước đây hay ở Trung Quốc hiện nay phải trả giá như thế nào? Tại sao một số người có đủ sức mạnh và lòng dũng cảm để bảo vệ quan điểm của mình trong khi những người xung quanh thì không dám ngẩng đầu lên?

– Tôi không biết… Số phận nó như vậy. Tôi không biết. Tôi thật khó trả lời câu hỏi này.

Phạm Nguyên Trường dịch từ BBCRussian.com

Người dịch gửi trực tiếp từ BVN

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.