Ngày 29/11, TGĐ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) viết thư gửi tới Ngân hàng Credit Suisse yêu cầu được trì hoãn việc trả 60 triệu USD lần thứ nhất, cho khoản vay gốc 600 triệu USD, tới hạn vào 20/12.
Tờ Wall Street Journal trích dẫn thư của Tổng giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến cho hay: Vinashin muốn nhấn mạnh, đây chỉ là yêu cầu trì hoãn và rằng Vinashin vẫn cam kết thanh toán khoản vay đầy đủ.
Tháng trước, Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã hoãn việc phát hành 500 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế. Lãnh đạo Vinacomin đổ lỗi cho tình hình thị trường bất lợi hiện nay và sẽ phát hành khi hoàn cảnh thuận lợi hơn.
Ngay sau lời đề nghị “khất nợ” của Vinashin, ngày 1/12, Công ty đánh giá tín nhiệm quốc gia, Moody’s Investors Service đã xem xét hạ thứ bậc việc phát hành trái phiếu do Vinacomin đề xuất.
Ban đầu, tổ chức này đánh giá việc phát hành trái phiếu này ở mức Ba3 với suy nghĩ rằng Việt Nam sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho công ty khai thác khoáng sản lớn nhất quốc gia.
“Những kỳ vọng của Moody’s về sự hỗ trợ cao (của Chính phủ -TG) dành cho Vinacomin đã giảm bởi các diễn biến tại Vinashin,” Alan Greene, một viên chức tín dụng cấp cao của Moody’s nói trong một tuyên bố hôm1/12 khi nhận thấy biểu hiện tập đoàn Vinashin có thể không thực hiện được việc trả khoản đầu tiên trong món nợ.
Đã có hai thông điệp rõ ràng mà các đối tác của Tập đoàn kinh tế Nhà nước nhận được thông qua lời “khất nợ” của Vinashin.
Thứ nhất, khi Chính phủ và đại diện Ban giám đốc Vinashin công bố rằng khỏan tiền vay của Vinashin không phải là nợ quốc gia và Vinashin phải có trách nhiệm tự hòan trả, không ít người người đã tỏ ra không tin cách xử lý này sẽ được thực hiện. Nhiều ý kiến vẫn hoài nghi, không chỉ là khả năng trả nợ, mà còn cho rằng đó chỉ là một tuyên bố mang tính “xoa dịu dư luận” nhằm giảm bớt những lời phê phán về trách nhiệm vật chất của Chính phủ trong sự đổ vỡ của Vinashin.
Bằng lời đề nghị xin khất nợ của người đại diện theo pháp luật, Vinashin đã khẳng định lại trách nhiệm trả nợ thuộc về khả năng tích lũy tài chính của bản thân doanh nghiệp này, không có sự hỗ trợ nào từ phía ngân sách hay sẽ nhận được khỏan vay ưu đãi nào từ phía Nhà nước để trả nợ đúng hạn.
Thứ hai, kể từ nay, bất cứ đối tác trong và ngòai nước nào khi đàm phán với các tập đoàn kinh tế Nhà nước của Việt Nam phải nhận thức rõ rằng sẽ không trông chờ vào một thế lực hay hỗ trợ vật chất nào từ phía Chính phủ. Theo luật Công ty có hiệu lực từ 1/7/2010, các Tập đoàn kinh tế sẽ họat động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và tự chịu trách nhiệm về các khoản vay và có nghĩa vụ tự hòan trả.
Theo Reuter, ít nhất 20 ngân hàng khác và nhà đầu tư tham gia đã cho Vinashin vay dưới sự bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam. Không rõ, sự bảo lãnh, như hãng tin này đưa ra, đã được ghi trong các điều khoản trong khế ước vay nợ hay là sự “ngầm hiểu” của các đối tác khi cho Tập đoàn kinh tế này vay vốn.
Nếu chỉ là sự “ngầm hiểu” thì rõ ràng các ông chủ hơn 20 nhà băng kia đã cố tình không tin rằng Nhà nước Việt Nam thực sự đã giao quyền tự chủ tài chính cho các doanh nghiệp như đã nhiều lần tuyên bố trước đó và được ghi rõ trong Luật.
Còn sự bảo lãnh trả nợ thay của Chính phủ Việt nam nếu đã nằm trong câu chữ các điều khoản của khế ước vay thì hệ quả sự “khất nợ” của Vinashin sẽ được đánh đổi bằng uy tín quốc gia trong những đợt phát hành trái phiếu quốc tế cũng như các khỏan vay thương mại sau này của các doanh nghiệp Việt Nam với các định chế và tổ chức tài chính quốc tế.
Thông điệp từ việc Vinashin phải “khất nợ” đã minh bạch hai điều: một mặt, Chính phủ cương quyết tước bỏ “hư danh” của doanh nghiệp Nhà nước trong các cuộc đàm phán thương mại; mặt khác, là thông điệp rõ ràng và dứt khóat của Chính phủ Việt Nam với các đối tác khi tiếp xúc và bàn chuyện góp vốn “làm ăn” với thành phần kinh tế, dù vẫn được coi là chủ đạo trong nền kinh tế, nhưng không còn quyền lực và khả năng vô hạn như trước đây.
Kiên trì thực hiện các hành xử với doanh nghiệp Nhà nước như đã thực hiện với Vinashin có lẽ là “ý chí chính trị” cần có của Nhà nước đối với thành phần doanh nghiệp quốc doanh trong tiến trình cải tổ và tạo lập mặt bằng kinh doanh bình đẳng của nền kinh tế Việt Nam.
T. H.
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/4541/201012/Nhung-he-luy-tu-de-nghi-khat-no-cua-Vinashin-1781681/