Vào ngày 20/12/2010 tới đây, tập đoàn Vinashin trên nguyên tắc phải trả một phần nợ đã đáo hạn. Thế nhưng, theo nhật báo Mỹ Wall Street Journal, hôm 29/11 vừa qua, Tổng Giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến đã chính thức viết thư cho các chủ nợ xin được hoãn thanh toán 60 triệu đầu tiên trong số 600 triệu đô la đã mượn.
Theo các nhà phân tích, dù cho Vinashin có khất được nợ, nhưng sự kiện này sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam khi đi vay trên thị trường tài chánh quốc tế.
Do làm ăn thua lỗ và bê bối, hiện nay Vinashin đang phải gánh vác một món nợ lên đến 4,4 tỷ đô la. Con số 600 triệu đô la mà một phần nhỏ sắp đáo hạn đến từ một nhóm chủ nợ quốc tế do ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse tập hợp. Theo nội dung lá thư mà nhật báo Mỹ đọc được, Vinashin đã xin tạm hoãn việc thanh toán trong trường hợp không huy động được tiền đúng hạn để trả khoản nợ 60 triệu đô la. Đương kim Tổng giám đốc Vinashin đã nhấn mạnh rằng yêu cầu của ông chỉ là xin lùi ngày trả nợ, chứ còn tập đoàn Việt Nam vẫn quyết tâm thanh toán toàn bộ khoản tín dụng đã đi vay.
Ngân hàng Credit Suisse cho đến hôm nay vẫn rất kín đáo trên vấn đề này, và từ chối xác nhận nguồn tin trên. Tuy nhiên, theo báo chí Việt Nam, ngày 19/11 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng các Thành viên Vinashin đã xác nhận việc tập đoàn này đã đề nghị lùi ngày trả nợ thêm một năm, và Credit Suisse đã đồng ý, chỉ yêu cầu phía con nợ có công văn chính thức.
Theo giới quan sát, dù Vinashin có khả năng tạm thời thoát hiểm trong vụ này, nhưng tác hại của việc này rất lớn, đặc biệt là đối với các tập đoàn nhà nước Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi cần phải đi vay trên thị trường tài chánh quốc tế.
Hệ quả đầu tiên là lãi suất cho vay sẽ gia tăng. Phát biểu với hãng tin Bloomberg, ông Jonathan Pincus, một kinh tế gia tại Trường Harvard Kennedy ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định như sau về hậu quả của việc Vinashin phải khất nợ : “Điều đó chắc chắn không tốt cho Việt Nam và sẽ có nghĩa là chi phí vay mượn sẽ rất cao”. Trả lời phỏng vấn qua điện thoai, chuyên gia này lo ngại : “Hiện nay, có rất nhiều vốn đầu tư muốn đổ vào châu Á và Việt Nam có nguy cơ bị lỡ cơ may đó.”
Ông François Levasseau, trưởng nhóm nghiên cứu về thu nhập cố định tại Công ty cổ phần Sacombank Securities ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng cùng quan điểm khi cho rằng doanh nhân ngoại quốc có thể “suy đi nghĩ lại trước khi đầu tư vàoViệt Nam. Theo chuyên gia này, vụ Vinashin “chắc chắn đã tác động đến tâm lý dè dặt này”.
Đối với tập đoàn thẩm định tài chính quốc tế Moody’s, vụ một tập đoàn nhà nước như Vinashin lại phải khất nợ sẽ buộc giới đầu tư quốc tế phải hoài nghi về hậu thuẫn của nhà nước Việt Nam cho các tập đoàn quốc doanh trong cơn khó khăn. Trong tình hình đó, điểm đánh giá các doanh nghiệp này có nguy cơ bị hạ thấp với hệ quả rõ rệt là nếu muốn vay mượn, các định chế này sẽ phải trả tiền lời cao vì rủi ro cao.
Theo hãng tin Bloomberg, nạn nhân cụ thể đầu tiên của vụ Vinashin có thể là tập đoàn than khoáng sản Việt Nam Vinacomin. Ngày 01/12 vừa qua, Moody’s Investors Service, bộ phận chuyên trách đầu tư của Moody’s cho biết là điểm tín nhiệm của Vinacomin có thể bị hạ thấp. Tập đoàn này mới đây đã phải dời việc bán ra 500 triệu đô la trái phiếu thời hạn 10 năm vì điều kiện thị trường không phù hợp.
Vấn đề là các khó khăn của Vinacomin sẽ không phải là cá biệt, mà đây có thể là trường hợp của hàng loạt tập đoàn nhà nước khác của Việt Nam. Tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam mở ra tại Hà Nội vào hôm qua, một bản báo cáo của Hội Doanh Nghiệp Trẻ Hà Nội cho rằng sự sụp đổ của bất kỳ một đại tập đoàn nào của Việt Nam đều có nguy cơ làm toàn bộ nền kinh tế bị chấn động.
T. N.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20101203-vinashin-khat-no-doanh-nghiep-nha-nuoc-viet-nam-kho-di-vay