Quan niệm thế nào về vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước?

Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh: LÊ TOÀN

Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh: LÊ TOÀN

(TBKTSG) – Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, nghĩa là có tài sản và có năng lực tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước xã hội vì vậy doanh nghiệp, ở góc nhìn của luật chủ thể, thực sự là một con người. Mà đã được nhân cách hóa, thì doanh nghiệp phải chịu sự chi phối của nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể trước pháp luật, một trong những nguyên tắc tạo thành nền tảng của một hệ thống pháp lý lành mạnh, vốn được coi là điều kiện cần cho sự bảo đảm công bằng, trật tự trong xã hội có tổ chức.

Chủ trương trao cho doanh nghiệp nhà nước vai trò chủ đạo trong nền kinh tế có định hướng phải tuân thủ nguyên tắc đó. Điều này có nghĩa là dứt khoát không thể tạo ra, bên cạnh một khung pháp lý dùng chung cho các doanh nghiệp loại khác, một hệ thống pháp lý riêng cho doanh nghiệp nhà nước với nhiều ngoại lệ mang tính ưu đãi, đặc quyền. Người làm luật có một thời lại chọn cách đối xử phân biệt ấy; thời gian sau nhận ra sai lầm, sửa. Bởi vậy mới có Luật Doanh nghiệp thống nhất năm 2005, kèm theo đó là một lộ trình ngưng áp dụng Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, gập ghềnh, phức tạp và tốn kém.

Vả lại, việc thống nhất chế độ pháp lý chỉ mới là điều kiện cần. Trên thực tế tình trạng bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp vẫn tồn tại dai dẳng. Ví dụ, trong mối quan hệ với các thiết chế công và cả với các ngân hàng, thế của doanh nghiệp nhà nước vẫn tỏ ra vượt trội so với các doanh nghiệp không phải nhà nước: gọi cửa dễ hơn, giao tiếp thân quen hơn, thủ tục gọn hơn, điều kiện giao kèo thông thoáng thuận lợi hơn…

Dứt khoát không thể tạo ra, bên cạnh một khung pháp lý dùng chung cho các doanh nghiệp loại khác, một hệ thống pháp lý riêng cho doanh nghiệp nhà nước với nhiều ngoại lệ mang tính ưu đãi, đặc quyền.

Đáng nói là lợi thế đó trong phần lớn trường hợp không phải do doanh nghiệp nhà nước tự tạo ra bằng các kết quả thu được từ hoạt động kinh doanh được thực hiện trên cơ sở tuân thủ các luật chơi chung về cạnh tranh, các kết quả có tác dụng gầy dựng uy tín xã hội và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Nó chủ yếu hình thành từ việc khai thác những suy nghĩ xã hội tồn tại dai dẳng như những định kiến về thành phần này, thành phần nọ trong hệ thống kinh tế của quốc gia.

Cho đến bây giờ, doanh nghiệp nhà nước trong tâm trí của con người ta vẫn được hiểu là doanh nghiệp của Nhà nước, nghĩa là của một nhà đầu tư đồng thời nắm quyền lực công. Thái độ ứng xử xã hội phổ biến, thôi thúc bởi lợi ích, cũng có xu hướng theo đó mà thích nghi. Ngân hàng có thể chấp nhận cho doanh nghiệp vay với những điều kiện dễ dãi; các chủ thể quan hệ kinh doanh, tiêu dùng thích chọn doanh nghiệp nhà nước để đối tác. Lý do chính không phải là xã hội tin tưởng vào sức sống, khả năng phát triển ổn định của bản thân doanh nghiệp nhà nước. Đơn giản, trong trường hợp có rủi ro dẫn đến mất khả năng thanh toán, thì doanh nghiệp nhà nước thường có Nhà nước như là một người bảo trợ rộng lượng sẵn sàng dang tay cứu giúp và thừa sức chi trả thay.

Đáng lý ra, Nhà nước, với tư cách là người tổ chức việc hiện thực hóa đường lối phát triển kinh tế có định hướng, phải giao cho doanh nghiệp do mình tạo ra nhiệm vụ nắm lấy và duy trì, củng cố vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần.

Cụ thể, người muốn được chỉ định vào chức vụ lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp nhà nước phải xây dựng và bảo vệ đề án phát triển doanh nghiệp với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trước một hội đồng thẩm định do Nhà nước thành lập. Trong trường hợp bảo vệ thành công, thì đề án phải trở thành bản cam kết có tính pháp lý ràng buộc người lãnh đạo doanh nghiệp và được bảo đảm thực thi bằng các biện pháp chế tài kỷ luật, vật chất nghiêm khắc.

Về phần mình, cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước, người được luật pháp giao các quyền của chủ sở hữu đối với công sản, phải giữ vai trò nhà đầu tư đích thực, nghĩa là phải biết cân nhắc chuyện lời lỗ và biết xót của. Trong quan hệ với doanh nghiệp, cơ quan ấy có thể đảm nhận vai trò thành viên góp vốn theo luật doanh nghiệp, hoặc tốt nhất là làm người cho vay với các quyền chủ nợ được bảo đảm ưu tiên bằng các tài sản của doanh nghiệp, thậm chí bằng tài sản tư của cá nhân người lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ luật chơi chung, khách quan, sòng phẳng, doanh nghiệp nhà nước phải làm sao hoàn thành cho được sứ mạng được giao; nếu không, thì cả pháp nhân doanh nghiệp cũng như cá nhân người lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc.

Nhìn vào hệ thống quản lý kinh tế đang vận hành, dễ có cảm giác rằng thay vì làm như thế, Nhà nước lại nhận lấy cho mình nhiệm vụ khẳng định vị trí chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước. Thế là xuất hiện những đứa con cưng được các bậc cha mẹ có thế lực hà hơi tiếp sức một cách đầy thiên vị và được nuông chiều trong một sân chơi đầy ắp tiện nghi. Không ít trong số đó đã hư hỏng và người lãnh hậu quả, rốt cuộc, là Nhà nước, nghĩa là nhân dân.

N. N. Đ.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/44011/Quan-niem-the-nao-ve-vai-tro-chu-dao-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc?.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.