Nhớ lại phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội Việt Nam

(LĐ) – Phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội (QH) khoá XII vừa diễn ra vào thời điểm QH sắp kết thúc kỳ họp áp chót nhiệm kỳ. Những vấn đề nóng bỏng của xã hội đã phả vào không khí cuộc chất vấn. Sự đánh giá có thể khác nhau, ở trong QH và ở ngoài QH, của các đại biểu QH chất vấn và các thành viên Chính phủ được chất vấn.

Truyền hình trực tiếp và hiệu ứng của các phương tiện truyền thông góp phần tạo ra hiệu ứng xã hội. Mạng điện tử của Chính phủ và một vài tờ báo chính thức của các cơ quan Chính phủ cũng đăng lời nhắc nhở và cảnh báo hiện tượng có “biểu hiện như muốn lạm dụng diễn đàn… gây nên dư luận không tốt cho xã hội”, còn trong QH, các đại biểu vẫn thẳng thắn thực thi quyền hạn của mình…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ sau khi Chính phủ kháng chiến được thành lập tại kỳ họp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ sau khi Chính phủ kháng chiến được thành lập tại kỳ họp.

Cuối cùng, Chủ tịch QH kết luận sau 5 buổi chất vấn, xác nhận những tiến bộ đáng ghi nhận. Người khen nhiều hay ít, hy vọng hay thất vọng là tuỳ theo cái cao vọng về QH của mỗi người. Nhưng dẫu sao chúng ta cũng đang chứng kiến một tiến trình dân chủ không thể khác được.

Để có thể đánh giá được những gì QH Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang phấn đấu, xin ghi lại phiên chất vấn đầu tiên của QH Việt Nam thời Dân chủ Cộng hoà, cách đây ngót 65 năm. Đương nhiên, trong khoảng cách thời gian đó, đất nước đã có rất nhiều thay đổi, nhưng cái phẩm cách và kỹ năng của những người tham gia hoạt động QH thì không mấy thay đổi, đó là bản lĩnh của những con người phấn đấu cho dân chủ, dù là người chất vấn hay trả lời chất vấn.

Nội dung phiên chất vấn này được khai thác từ các tài liệu lưu trữ và tập hồi ức của cụ Lâm Quang Thự, một vị đại biểu QH khoá I và có nhiều năm gắn bó với công việc Văn phòng QH.

Kỳ họp đầu tiên của QH (2-3-1946) triệu tập các đại biểu QH vừa được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và chuẩn bị chương trình nghị sự cho QH khoá I trong đó ngoài việc thành lập Chính phủ Liên hiệp là sớm soạn thảo được bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Kỳ họp thứ 2 khai mạc ngày 23-10 và kéo dài cho đến 9-11-1946, với chương trình nghị sự quan trọng nhất là thông qua được bản Hiến pháp đầu tiên, Bộ Luật Lao động, nội quy và thông qua các báo cáo, trong đó có đề nghị của đại biểu tỉnh Rạch Giá Nguyễn Văn Tạo thay mặt các đại biểu Nam Bộ đề nghị suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người công dân số 1” của nước VNDCCH. Đề nghị này được mọi người tán đồng nhiệt liệt.

Nhưng không khí sôi nổi hơn cả khi các đại biểu chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn. Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền Trần Huy Liệu trả lời các câu chất vấn về việc một số đại biểu nêu việc thay đổi Quốc kỳ; về câu hỏi của một đại biểu thắc mắc vì sao Uỷ ban Thường trực lại xếp khối đại biểu của Việt Quốc sang phía cực hữu, ông Trần Huy Liệu cho biết: Vấn đề là đường lối chính trị chứ không phải chỗ ngồi trong QH.

Chủ tịch Quân uỷ hội Võ Nguyên Giáp trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề quân sự… Thay mặt Bộ Nội vụ, cụ bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng khiêm nhường phát biểu: “Nước nhà đã vượt qua nhiều khó khăn, đó là công lao của Hồ Chủ tịch. Nhưng trong nước có những việc không hay đó là việc của tôi!”. Còn Thứ trưởng Cù Huy Cận thì giải trình việc bắt giữ một số đại biểu QH của Việt Quốc là đúng theo trình tự quy định của pháp luật, vì họ là những người có liên quan đến vụ án Ôn Như Hầu.

Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hoè trả lời các câu chất vấn về việc áp dụng luật của Việt Nam đối với người ngoại quốc, tài sản của người Pháp và về tội hối lộ. Bộ trưởng khẳng định rằng nước Việt Nam đã là nước tự chủ thì người ngoại quốc sống ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Việt Nam và Chính phủ đang kiên quyết bài trừ tệ hối lộ nên trước đây tệ này thuộc tiểu hình thì nay đã đổi thành đại hình.

Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến phải trả lời những vấn đề xoay quanh việc phát hành đồng bạc mới, về các thứ thuế dự định ban bố, vấn đề chế độ tiền lương của công chức… Trả lời chất vấn về việc có phải Pháp và Trung Quốc đã ký hiệp ước với nhau biến Hải Phòng thành một thương cảng tự do, bộ trưởng Hiến thẳng thừng nói rằng, Việt Nam là nước có chủ quyền nên mọi thoả thuận mà không có sự tham dự của Việt Nam đều có “quyền không biết đến”.

Bộ trưởng Kinh tế Chu Bá Phượng thì bị các đại biểu “chê” là lúng túng khi trả lời chất vấn. Bí quá ông bèn mời các vị chất vấn có dịp sang bộ của ông, ông sẽ trình sổ sách giấy tờ… Đến lượt Bộ trưởng Y tế Hoàng Tích Trí “bị” các đại biểu như Đoàn Trọng Truyến, Nguyễn Thị Thục Viên, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hồ Đức Thành chất vấn cũng lúng túng trả lời không rõ ràng. Bộ trưởng cuối cùng là người đứng đầu Bộ Giáo dục Ca Văn Thỉnh trả lời xoay quanh các câu hỏi về chính sách văn hoá, những ngành học đặc biệt và nền giáo dục tiểu học.

Và cũng ngay tại phiên chất vấn đầu tiên này, người đứng đầu Chính phủ cũng phải trả lời các câu hỏi của đại biểu. Biên bản kỳ họp cho biết danh sách những người chất vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm: Trần Đình Tri (thuộc nhóm xã hội), Lê Huy Vân (trung lập), Khuất Duy Tiến (Mácxít), Nguyễn Đình Thi (Việt Minh), Nguyễn Sơn Hà (công thương), Trần Huy Liệu (Mácxít), Huỳnh Văn Tiểng (Dân chủ) Xuân Thuỷ (Việt Minh) và Nguyễn Văn Tạo (Mácxít).

Nhận xét chung về những vấn đề các đại biểu chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, sắc mắc khó trả lời, đề cập tới tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?”.

Trả lời câu hỏi vì sao Chính phủ lại đem vấn đề thay đổi quốc kỳ ra bàn, người đứng đầu Chính phủ lên tiếng một cách đanh thép: Chính phủ không bao giờ dám thay đổi quốc kỳ, chỉ vì một vài người trong Chính phủ (đại biểu Việt Quốc, Việt Cách – DTQ) đề nghị viêc ấy lên, nên Chính phủ phải để qua Ban Thường trực QH xem xét. Tình thế từ ngày ấy đến giờ biến chuyển nhiều, lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Âu sang Á, tới đâu cũng đuợc chào kính cẩn. Bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào, còn ra không ai có quyền gì mà thay đổi nó.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Đình Tri về việc Phó chủ tịch Nguyễn Hải Thần đã đào nhiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách rất ý nhị và sâu sắc: Đó là một câu chuyện thương tâm, không muốn nói đến nữa. Tin từ một vài người kia, ta nên quên đi là hơn. Còn cái tin ông Nguyễn Hải Thần tự xưng là Tổng tư lệnh hải, lục, không quân Việt Nam? Việt Nam không có hải, lục, không quân thì ông Nguyễn Hải Thần cứ việc làm tổng tư lệnh, và nếu Việt Nam không có hải, lục, không quân mà ông Nguyễn Hải Thần tổ chức được hải, lục, không quân cho Việt Nam thì cố nhiên chúng ta hoan nghênh!

Về chất vấn của đại biểu Trần Huy Liệu cho rằng: “Tạm ước 14-9 là bất bình đẳng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh (người ký với Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại) cho rằng: “Chính phủ không dám nhận như thế. Với bản Tạm ước ấy mỗi bên nhân nhượng một ít, ta bảo đảm những quyền lợi kinh tế và văn hoá ở đây thì Pháp cũng phải thi hành tự do dân chủ ở Nam Bộ, thả các nhà ái quốc bị bắt bớ. Còn nói Pháp không thành thật thi hành Tạm ước thì ta vơ đũa cả nắm. Pháp cũng có người tốt, người xấu. Tôi có thể nói quyết rằng nhân dân Pháp bây giờ đại đa số tán thành ta độc lập và thống nhất…”.

Còn về vấn đề “chính phủ liêm khiết”, người đứng đầu Chính phủ trả lời: Thì Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm, nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc trong các uỷ ban là đông lắm, phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết.

Sau phần chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ từ chức để trao quyền cho QH bầu ra chính phủ mới. Khi được QH tín nhiệm bầu lại một lần nữa để đứng ra lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bài phát biểu rất sâu sắc trong đó nhận định: “Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới, tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam…”.

Ngót 65 năm sau, đọc lại tường thuật phiên chất vấn đầu tiên của QH mới thấy giá trị của cái nền móng truyền thống của thế hệ những người gây dựng nền Cộng hoà Dân chủ quý giá đến dường nào. Cho dù QH và thể chế dân chủ của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng có những giá trị mà đến nay ta còn phải phấn đấu nhiều mới nối gót được người xưa.

D. T. Q.

(*) Trong bài này chúng tôi sử dụng nhiều tài liệu của cố đại biểu Quốc hội Lâm Quang Thự.

Nguồn: http://www.laodong.com.vn/Tin-Tuc/Nho-lai-phien-chat-van-dau-tien-cua-Quoc-hoi-Viet-Nam/22449

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.