Sự hoài nghi về dự án trồng rừng của InnovGreen

– Phóng viên VietNamNet tiếp tục có chuyến ngược nguồn, tìm về những nơi mà người dân chịu ảnh hưởng của dự án thuê đất trồng rừng dài hạn của Công ty InnovGreen (sau đây sẽ viết tắt là Cty IG) ở các tỉnh đông bắc. Có thể nhận thấy, lợi ích của địa phương cơ sở và người dân hầu như chưa thấy khiến cho nhiều cán bộ cơ sở bắt đầu hoài nghi về dự án này.

LTS: Tháng 3/2010, loạt bài “Giao đất rừng cho công ty nước ngoài” khởi đăng trên báo VietNamNet đã thu hút sự chú ý của công luận. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các tỉnh tạm ngừng cấp phép các dự án, thẩm tra lại tòan bộ quy trình cấp phép trong việc giao đất rừng cho công ty nước ngoài.

Nhóm phóng viên VietNamNet đã miệt mài cắt rừng, lội suối, xâm nhập các địa bàn trọng yếu tại các vùng biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) sang tới Tràng Định (Lạng Sơn), quay lại Quế Phong (Nghệ An), lên mạn Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) để chấm định vị các địa bàn xung yếu, phác thảo nên bức tranh tổng quát và lắng nghe tiếng nói của người dân các địa phương đang được xem là đối tượng hưởng lợi của các dự án trồng rừng này.

Xin giới thiệu loạt bài “Công ty InnovGreen đang làm gì trên biên giới của chúng ta?” để độc giả có thể hiểu thêm về một siêu dự án trồng rừng sát khu vực biên giới.

Xa cũng được, miễn là được cấp đất (?!)

Sau 5 tháng, chúng tôi có dịp trở lại xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên – Quảng Ninh), nơi mà Cty IG Quảng Ninh thuê đất rừng 50 năm với diện tích lên đến hơn 400ha. Đến đầu năm 2010, công ty này đã tiến hành trồng được hơn 200 ha.

Ông Lý Vì, Bí thư đảng ủy xã Hà Lâu: "Nhiều khu vực công ty InnovGreen vào thuê toàn đất đá, cỏ cũng khó sống, thế mà công ty này vẫn muốn thuê... Chắc có vấn đề gì nữa chứ không chỉ trồng rừng đâu?". Ảnh: Duy Tuấn

Ông Lý Vì, Bí thư đảng ủy xã Hà Lâu: "Nhiều khu vực công ty InnovGreen vào thuê toàn đất đá, cỏ cũng khó sống, thế mà công ty này vẫn muốn thuê... Chắc có vấn đề gì nữa chứ không chỉ trồng rừng đâu?". Ảnh: Duy Tuấn

Tiếp chúng tôi tại trụ sở, ông Lý Vì, Bí thư xã Hà Lâu bắt đầu câu chuyện với thông tin vui: Sau khi báo VietNamNet phản ảnh về việc tranh chấp giữa người dân thôn Bản Danh với Cty IG một quả đồi hơn 100 ha, đến nay không thấy thông tin tranh chấp với dân nữa.

“Dân bảo, nếu trồng rừng ở đấy thì không biết thả trâu bò ở đâu, Cty IG có nói lại là sau 3 năm trồng thì trâu bò thoải mái thả, dân đầu tiên cũng xuôi xuôi nhưng sau lại không đồng ý.

Khu vực IG nhận là khu vực chăn thả trâu bò của người dân, chúng tôi bảo với Cty IG lên họp dân với chúng tôi để làm công tác tư tưởng nhưng các anh ấy không lên nên có gây bức xúc cho người dân”, ông Vì nói.

Là một người gắn bó với làng bản bao năm, ông Vì hiểu được tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nên “mặc dù tỉnh giao cho các anh (Cty InnovGreen) rồi nhưng bản chất đất này là chăn nuôi của dân rồi. Nhà nước giao cho ai là quyền của nhà nước nhưng người dân kiến nghị để có chỗ mà chăn thả. Tư tưởng người Dao, nếu họ đã thông rồi thì sẽ đi (chấp nhận), nhưng nếu chưa thì kiểu gì cũng không”.

Ban đầu khi Cty IG vào đặt vấn đề về dự án, ông Vì và lãnh đạo xã đều hy vọng đến việc dự án sẽ đem lại công ăn việc làm cho người dân, nhất là đảm bảo đời sống cho những thôn còn rất khó khăn như bản Danh, Nà Hắc, Bản Buông. Thế nhưng đến bây giờ, vị Bí thư đưa ra nhận xét: “Trước mắt thì chưa thấy làm lợi gì cho người dân, xã cũng không, còn về sau thì không biết”.

Hình ảnh được Pv. VietNamNet ghi tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại xã Tân Minh (Tràng Định, Lạng Sơn). Công ty này làm đường, trồng rừng ngay sát đường phân định biên giới, điểm cao quân sự. Ảnh: Duy Tuấn

Hình ảnh được Pv. VietNamNet ghi tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại xã Tân Minh (Tràng Định, Lạng Sơn). Công ty này làm đường, trồng rừng ngay sát đường phân định biên giới, điểm cao quân sự. Ảnh: Duy Tuấn

Bí thư xã Hà Lâu lấy làm lạ về dự án này: Khu vực Cty IG đầu tư trồng rất xa, khó khăn. Ban đầu IG nói là cứ có đất là được rồi, xa mấy chúng tôi cũng mở đường đi được. Miễn là các anh cấp đất thì chúng tôi mở đường. Rồi thì những khu vực trồng rừng đều rất xa, đường sá không có, muốn đầu tư phải bỏ rất nhiều vốn.

Rồi ông tỏ ra nghi ngờ: “Chắc là có vấn đề gì nữa chứ không chỉ trồng rừng đâu? Bởi tôi nghĩ là cái đồi ở trong bản Danh đang tranh chấp với người dân, đất không có mấy, toàn là đồi đá…, rất khắc nghiệt, hạn hán quanh năm, cỏ cũng khó sống chứ nói gì cây. Thế mà công ty này cũng muốn xin bằng được?”.

Trùng với diện tích rừng đã có chủ

Ở tỉnh Lạng Sơn, ngay sau khi VietNamNet phản ánh về “điểm nóng” ở xã Đông Quan (huyện Lộc Bình) tình trạng công ty IG lập hồ sơ thuê đất chồng lên cả đất của dân, chồng lên dự án khác chưa thanh lý, nợ tiền công (qua nhà thầu), đến nay sự việc đã có chiều hướng tiến triển tốt lên, có lợi cho người dân.

Chủ tịch xã Đông Quan: Nhiều người dân nghĩ mình bị lừa khi giao đất cho cty IG nhưng những lời hứa của họ không được thực hiện.

Chủ tịch xã Đông Quan: Nhiều người dân nghĩ mình bị lừa khi giao đất cho cty IG nhưng những lời hứa của họ không được thực hiện.

Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có quyết định tạm đình chỉ các dự án thuê đất, trồng rừng của Cty IG trên địa phương này và thành lập đoàn liên ngành kiểm tra. Xã Đông Quan nằm trong một số điểm kiểm tra.

Kết quả kiểm tra cho thấy: Tại xã Đông Quan hồ sơ xin thuê đất của Cty này đã trùng lên hàng trăm ha đất rừng nguyên liệu, đất rừng của Cty lâm nghiệp Lộc Bình. Đặc biệt là có tới 250ha đất rừng đã giao cho 14 hộ dân trong xã.

Ông Vỹ Sỹ Phóng, Chủ tịch UBND xã Đông Quan cho biết thêm: Những hộ dân bị nợ tiền công thì đã được trả hết. Lúc đoàn kiểm tra đến thì đã xong rồi.

Vị chủ tịch xã nói về cảnh tình của người dân khi dự án vào: “Khi vào thì có hứa hẹn tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, sau này sẽ hỗ trợ những công trình phúc lợi, nhà văn hoá, đường, kéo điện. Nhưng họ lấy toàn người có trình độ 12 thì xã này làm gì có, chỉ có số ít làm thuê thời vụ…. Chưa làm được cái gì hết.

Giải phóng đã bao nhiêu năm rồi nhưng ở đây nhiều vùng người dân vẫn đang phải đèn dầu tì tì thôi. Hiện giờ Cty IG chỉ cho người vào bảo vệ rừng đã trồng vì sợ người dân đốt đi. Người dân họ bức xúc vì lúc đầu nghe tin mở đường, kéo điện thì mừng nhưng đến giờ không thành mà rừng thì đã trồng rồi. Họ nghĩ là mình bị lừa. Hứa không đi đôi với làm. Tập tính của đồng bào dân tộc là thế”.

Một người dân xã Đông Quan bên hố cây bạch đàn được công ty này trồng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Đất rừng của nhiều người dân xã này đã "ra đi" theo lời hứa tốt đẹp mà dự án này mang lại. Ảnh: VietNamNet

Một người dân xã Đông Quan bên hố cây bạch đàn được công ty này trồng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Đất rừng của nhiều người dân xã này đã "ra đi" theo lời hứa tốt đẹp mà dự án này mang lại. Ảnh: VietNamNet

Về 52ha đất rừng chưa được cấp phép thuê nhưng đã trồng của công ty này, ông Phóng cho biết, hiện người dân vẫn tiếp tục chăn thả trâu bò như trước. “Cây đã trồng thì anh (Cty IG – P.v) không thể khiêng về được, họ vẫn vào để bảo vệ cây. Nếu dân mà chặt thì anh phải chịu thôi vì anh không phải là chủ đất”.

“Gần như là chiếm đất?”

Sau 3 năm triển khai dự án trồng rừng, không chỉ người dân một số địa phương không đồng tình với việc cho thuê đất rừng 50 năm, ngay cả cán bộ phòng ban chuyên môn ở cấp huyện cũng bức xúc.

Đến giờ, khi nói với phóng viên VietNamNet về dự án của Cty IG, ông Nguyễn Tài Tuệ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tràng Định đã phải thốt lên: Tôi cũng không mặn mà ở chỗ Cty IG này lắm đâu!

Không chỉ ông Tuệ mà nhiều cán bộ ở phòng chuyên môn này bày tỏ thái độ bức xúc đối với cách làm việc của một số cán bộ, nhân viên công ty này. Ông Tuệ cho biết: Tỉnh thì chưa có quyết định thu hồi đất, thiết kế trồng rừng thì họ tự thiết kế thôi, chúng tôi là cơ quan chuyên môn mà cũng không được biết. Kể cả giống cũng chưa được kiểm định của cơ quan chuyên môn VN. Thế nhưng công ty có nguồn gốc nước ngoài này lại tự ý triển khai trồng rừng của họ.

Đường và rừng bạch đàn của Cty InnovGreen tại xã Kháng Chiến. Ảnh: Hoàng Sang

Đường và rừng bạch đàn của Cty InnovGreen tại xã Kháng Chiến. Ảnh: Hoàng Sang

Còn ông, Triệu Minh Quân, Phó phòng NN&PTNT huyện Tràng Định thì thông tin rằng: Người của công ty này làm việc không có kế hoạch, thích là đến gọi đi, nếu cán bộ phòng nói là bận thì ngay lập tức họ chạy sang bên UBND huyện. Không biết họ nói gì nhưng tức khắc ngay sau đó có giấy “mời” cán bộ phòng “phối hợp” với họ.

Rồi ông Quân nói tiếp: “Mình thẩm định cho họ, ví dụ như 1000 ha thì tối thiểu anh phải trồng được 800 ha thì tôi mới thẩm định tiếp. Đằng này họ cứ thúc giục UBND huyện ra giấy mời buộc mình thẩm định tiếp. Cứ làm kiểu “đánh trồng bỏ dùi”. Gần như là chiếm đất?”.

“Chúng tôi đi thẩm định, công ty IG chỉ cho ăn và ít tiền xăng. Anh bảo, có lúc phải nhịn đói, những khu vực rừng sâu phải 2-3h chiều mới được ăn cơm… Nhiều lúc bực lắm… Họ trồng rừng mà mình có biết đâu. Đưa cây gì, trồng bao nhiêu ha, mật độ ra làm sao… không thèm báo cáo phòng”, một cán bộ phòng NN&PTNT huyện Tràng Định bức xúc.

D. T. – T. G. – H. S.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/xahoi/201011/Ky-2-Su-hoai-nghi-ve-du-an-trong-rung-cua-innovGreen-947756/

This entry was posted in kinh tế, tham nhũng. Bookmark the permalink.