“Bi thảm” khi thiếu độc lập và tự chủ

Gia đình ông Đoàn Duy Thành, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, vừa gửi cho Sáu Nghệ tôi cuốn “Lý luận Hồ Chí Minh” do ông viết với lời chú giải: “Nội dung cuốn sách Lý luận Hồ Chí Minh (Cảm nhận của tác giả) đã được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia và Tác giả nhất trí thông qua ngày 11/08/2010”. Trong sách có lời giới thiệu của ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, có đoạn: “Tác giả đã dày công nghiên cứu các tác phẩm của Bác, các tác phẩm viết về Bác ở trong nước, ở nước ngoài, cả các tác phẩm “trong luồng” và “ngoài luồng” nhằm thông qua các góc nhìn của nhiều phía khác nhau, thậm chí đối lập nhau để từ đó, rút ra những vấn đề cốt lõi. Đó là có một Lý luận Hồ Chí Minh minh triết và nhân văn”. Tác phẩm có nhiều thông tin theo thiển nghĩ của tôi là bổ ích nên xin trích phần ông Đoàn Duy Thành viết về giai đoạn cải cách ruộng đất, gửi đến trang Bauxite Việt Nam để giới thiệu với quý độc giả.

Hai nước bạn lớn là Liên Xô và Trung Quốc “góp ý kiến”, muốn đẩy mạnh cuộc kháng chiến, phải cải cách dân chủ, mang lại quyền lợi thiết thực cho nông dân, công nhân, nhân dân lao động, phải chỉnh huấn, giáo dục, đưa mạnh cán bộ là công nông vào cơ quan lãnh đạo các cấp, bớt những thành phần lớp trên (địa chủ, tư sản) và tiểu tư sản, trí thức trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Trước tình hình đó, Cụ Hồ đã phải chọn một giải pháp khả thi ở trong nước lúc bấy giờ; vì trái ý kiến các đồng chí bạn, thì khó có thể nhận được viện trợ để hoàn thành mục tiêu sống còn của dân tộc, là: Độc lập – Tự do cho Tổ quốc.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn và thống nhất thực hiện, trước hết là việc giảm tô, vận động địa chủ hiến ruộng; chia ruộng đất công và ruộng địa chủ hiến chia cho nông dân không có ruộng cày cấy.

Cụ Hồ bàn với Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật cải cách ruộng đất để làm cơ sở pháp lý cho cuộc cải cách ruộng đất.

Cuộc vận động giảm tô và hiến điền bước đầu thu được kết quả, được nhân dân đồng tình, những địa chủ lớn ở vùng tạm chiếm trước đây đều nộp đơn hiến ruộng đất nên việc giảm tô cũng nhanh chóng thành công. Nhưng một số nơi làm không đúng ảnh hưởng đến kết quả cuộc vận động giảm tô và hiến điền.

Trong điều kiện Liên Xô, Trung Quốc đều muốn ta tiến hành cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức, chỉnh huấn cán bộ phải làm khẩn trương, chúng ta khó có thể từ chối, và phía bạn còn muốn ta phải làm theo cách làm của họ, về cả mô hình kinh tế và mô hình bộ máy Đảng, bộ máy nhà nước.

Trước tình thế đó, sự độc lập tự do của cá nhân phải bị hạn chế để giành lợi ích to lớn hơn là giải phóng đất nước. Tổ quốc có được độc lập thì mọi người mới có được tự do. Lòng người là khó lường, được cái này lại đòi cái nọ, “Nhân tâm nan mãn, khê hác dị doanh” (lòng người khó lấp đầy, khe sâu dễ lấp đầy), hoặc “Họa hổ họa bì, nan họa cốt, tri nhân tri diện, bất tri tâm” (vẽ hổ thì vẽ da của nó thôi, chứ khó mà vẽ xương; biết người thì biết mặt người thôi, chứ khó mà biết được lòng người).

Thế của ta lúc này là phải biết đối xử làm sao cho được mọi bề, mà trước hết là phải giành cho mục tiêu chính giải phóng đất nước khỏi giặc ngoại xâm Pháp.

Tháng 11-1953, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Cương lĩnh ruộng đất. Tháng 12-1953, Quốc hội đã thông qua Luật cải cách ruộng đất gồm 5 chương, 38 điều. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 197/SL ban bố Luật cải cách ruộng đất.

Ban chỉ đạo cải cách ruộng đất được thành lập do đồng chí Trường Chinh một con người nổi tiếng là thận trọng làm Trưởng ban. Tổ chức và con người như thế, dù công việc rất mới và rất khó khăn với đất nước, nhưng chắc sẽ đem lại kết quả cao cho nông dân, cho nhân dân ta phấn khởi đẩy mạnh cuộc kháng chiến.

Để làm tốt công việc đó, Chính phủ đã tổ chức những lớp chỉnh huấn cho cán bộ cao cấp nhằm nắm vững đường lối của Đảng trong cải cách ruộng đất, huy động lực lượng cán bộ tham gia chiến dịch giảm tô và cải cách ruộng đất. Sau khi rút kinh nghiệm các đợt giảm tô, và thí điểm cải cách ruộng đất ở một số nơi, như ở Thanh Hóa, Thái Nguyên… Cụ Hồ đã thấy hết những vấn đề phức tạp của cải cách ruộng đất. Cụ đã đến nói chuyện với lớp Chỉnh Đảng khóa III cho cán bộ cao trung cấp, tổ chức tại Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang, ngày 29/3/1953: “Trong lúc làm vấn đề ấy (CCRĐ), các cô, các chú nên luôn luôn đánh dấu hỏi (?). Làm để làm gì, còn phải làm gì mới?”. “Đích là chỗ nhắm vào, không nhắm đúng là lung tung, không đúng đường thì thất bại. Thanh Hóa nhắm sai: Đấu ai, phú nông và cả bần cố nông. Rồi có cả bọn phản động, nhận mình khờ dại chui vào. Có nơi trói người, đốt ngón tay, đập chết người, thật là dã man…”. “Chính sách mình bây giờ là tuyệt đối không đánh đập ai hết, bắt được người phải tìm đủ chứng cớ, tùy tội mà phạt nặng nhẹ. Chính phủ phạt, đánh đập là dã man, là tư bản phong kiến. Vì không nắm vững chính sách, để bọn phản động chui vào làm để dân hoang mang, bọn nó phản tuyên truyền.” (Ghi đúng theo cuốn sổ tay học tập lớp Chỉnh Đảng khóa III của đồng chí Vũ Kiên, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định năm 1953).

Ngay từ buổi đầu làm cải cách ruộng đất, Cụ Hồ đã chỉ đạo, nói rất rõ, thế mà cải cách ruộng đất đã xảy ra như thế nào, thì mọi người đều biết, cho nên hiểu được “lòng người” là điều quan tâm đầu tiên của Cụ Hồ. Những sai lầm của cải cách ruộng đất đã để lại hậu quả lâu dài cho dân tộc, cho đất nước, là sự hận thù, sự lừa dối, xảo trá, vu khống như: tố điêu, ép cung, bịa chuyện… gây tai họa cho bao gia đình, làm mất đi những truyền thống tốt đẹp về gia đình, họ hàng, làng xóm, mà cha ông ta đã dày công xây dựng hàng nghìn năm. Trước những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành đã nêu rõ: “Trung ương Đảng  và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, tr.236).

Luật cải cách ruộng đất đã có quy định từng điều rất cụ thể, cán bộ thực hiện được học tập rất kỹ trong các lớp tập huấn tuy nhiên khi thực hiện lại sao chép cách làm của nước khác. Các cán bộ của Đoàn, Đội, mà lúc đó được tôn thành một cụm từ, làm ghê rợn lòng người: “Nhất đội nhì trời”, nên không ai dám ngăn cản hành động của họ. Một trang sử “bi thảm” của cả dân tộc, mà bất cứ ai nghĩ lại, đọc lại, nhớ lại, đều phải đánh dầu hỏi (?) Tại sao lý luận Hồ Chí Minh không được thể hiện trong lúc đó? Kinh nghiệm thực tế phải giữ vững độc lập, tự do, đúng bản lĩnh và phù hợp với thực tiễn của đất nước và nhân dân ta; không phụ thuộc, không sao chép cách làm của người khác là thắng lợi.

Cụ Hồ là người từng trải việc đời, nắm được lòng dân và xu thế thời đại. Trong cải cách ruộng đất, Người đã rút ra được nhiều bài học, nhất là việc giáo dục, phát động quần chúng nếu chỉ nói một chiều “thuận” mà không nói điều “nghịch” thì rất nguy hiểm, làm cho nhân dân chỉ thấy thuận lợi, mà không thấy khó khăn. Nếu chỉ dạy người ta nói, mà không dạy người ta làm thì cũng đưa đến hậu quả khôn lường.

[…] Làm cách nào quy tụ nhân dân, dưới khẩu hiệu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” sau cải cách ruộng đất là việc rất khó khăn, nhưng phải làm cho được, dù khó khăn bao nhiêu, thời gian kéo dài bao nhiêu, thì cũng phải làm, nếu không làm được, thì mục tiêu “Hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc” rất khó hoàn thành.

Những sai lầm của việc đấu tố không chỉ có trong cải cách ruộng đất, mà cũng phổ biến trong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, nhưng cải tạo công thương chỉ làm ở một số thành phố và tiến hành sau cải cách ruộng đất nên phần nào giảm bớt sai lầm, khuyết điểm, tác hại của nó cũng chỉ thu hẹp trong một số thành phố.

[…] Người đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển thủ công nghiệp và công nghiệp. Sau khi hoàn thành sửa sai trong cải cách ruộng đất lòng dân tạm thời ổn định, sản xuất được đẩy mạnh, nông dân tham gia vào “đổi công”, “vần công”, giúp đỡ nhau sản xuất. Với sự giúp đỡ của các cố vấn các nước bạn, sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất và sửa sai, Việt Nam tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng quan hệ sản xuất mới để lên chủ nghĩa xã hội. Đây là vấn đề rất mới đối với nước ta nhưng Liên Xô, Trung Quốc đã làm, và cuộc sống của nhân dân được bao cấp, bảo đảm ấm no, hạnh phúc. Được tuyên truyền, nhất là mong sớm được no, ấm nên người dân ủng hộ và tham gia hợp tác một cách rầm rộ. Tuy nhiên khi phê duyệt Điều lệ hợp tác xã nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ phê chuẩn “tạm thời” vì thấy mô hình này chưa thực sự phù hợp với Việt Nam và còn phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

Đ. D. T.

Bút tích trong cuốn sổ tay học tập lớp Chỉnh Đảng khóa III của ông Vũ Kiên, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định năm 1953, được giới thiệu trong cuốn sách của ông Đoàn Duy Thành. Ảnh chụp lại của Sáu Nghệ.

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.