Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy có đôi lời nói lại với TS Vương Hàn Lĩnh, từ Viện Luật pháp Quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (Bắc Kinh) quanh những nội dung trao đổi của vị TS này về vấn đề Biển Đông trên Tuần Việt Nam.
Thuộc quốc?
… Bỏ qua thái độ kì quặc khi một học giả dự hội thảo về vấn đề đa phương gồm đại biểu nhiều phía mà lại cứ khăng khăng đòi giải quyết vấn đề bằng song phương; cũng bỏ qua việc “lý sự” này nọ rồi tiến tới đe doạ thiên hạ: “…anh sẽ gặp rắc rối trong tương lai…Tôi nhắc lại nếu không chọn cách giải quyết như tôi vừa nêu, các anh sẽ phải hứng chịu các xung đột bằng vũ lực thậm chí chiến tranh”, người viết chỉ trao đổi thêm với vị tiến sĩ đôi điều về lịch sử.
Không biết ngài tiến sĩ nghĩ gì và dựa vào đâu mà dám cao giọng nhắc: “Nên nhớ rằng cho đến năm 1885 Việt Nam vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc“?
Vẫn biết với tấm bằng tiến sĩ luật, lịch sử không phải là chuyên sâu của ngài, nhưng cái cách “phán bừa” như vậy chỉ có mấy lý do: một là quá dốt, học không vào; hai là đầu óc bá quyền quá nặng nên cứ hoang tưởng là như vậy.
Người Việt Nam chưa bao giờ phủ nhận đã từng là châu quận của thiên triều Trung Quốc trong gần một ngàn năm cũng như sau khi giành được nền độc lập tự chủ cũng đã bị thiên triều cử đại binh sang đô hộ vài lần, lâu nhất là thời Minh – khoảng 20 năm.
Và để sống yên ổn bên cạnh anh hàng xóm lớn, nặng tư tưởng bá quyền, các thế hệ Việt Nam đã tìm ra cách chung sống hiệu quả bằng cách ứng xử “trong đế ngoài vương”, nghĩa là bên ngoài vẫn phải cầu phong, xưng thần với thiên tử Trung Quốc, nhưng bên trong thì đường hoàng là hoàng đế Việt Nam, “nghêng ngang riêng một biên thuỳ, thiếu gì cô quả thiếu gì bá vương”.
Tuy nhiên, ngài đừng chỉ nhìn cái bề ngoài mà ảo tưởng này nọ.
Sử sách Trung Quốc các ngài tuy biết không hề có sự thực thần phục của vua chúa Việt Nam mà vẫn đành ghi chép vậy thôi. Suy cho cùng, đó cũng là một cách “thắng lợi tinh thần” của AQ.
Dù có 3 lần đánh bại “ông” trên sông Bạch Đằng, dù Thoát Hoan có phải chui vào ống đồng chạy trốn, dù có chém chết Liễu Thăng nhưng sau đó “xứ Nam” vẫn phải cúng người vàng…. Dù quân Tôn Sĩ Nghị thua chạy tan tác, nhưng hoàng đế xứ Nam (dù xứ ngài cũng biết là giả) vẫn phải sang cống hoàng đế xứ ngài…
Nhắc lại một vài ví dụ như thế, những mong nhắc nhủ ngài về lo học lại lịch sử!
Thực thi chủ quyền và quyền tài phán với Biển Đông vài nghìn năm?
Cũng trong vấn đề lịch sử, ngài còn nói: “Bởi vì chính phủ Trung Quốc cho rằng tất cả những quần đảo nằm trong đường chữ U chín đoạn (đường lưõi bò) là thuộc về Trung Quốc và Trung Quốc đã thực thi chủ quyền và quyền tài phán từ cách đây hơn hai ngàn năm”.
Xin phép được bổ sung: từ đời Tiền Hán như Bộ Ngoại giao nước ngài đã nói.
Để trả lời ý tưởng đó, mong ngài dành chút thì giờ đọc đoạn văn dưới đây: “Chúng ta đã nghe quen luận điệu của nhà cầm quyền Trung Quốc rằng họ phát hiện ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ các đời Đường, Tống, Minh, Thanh. Tuy nhiên gần đây, họ lại tiến thêm một bước dài nữa về thời gian “phát hiện” ra hai quần đảo này.
Ngày 24 tháng 7 năm 2010, mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin:
“Trung Quốc là nước phát hiện và đặt tên sớm nhất, kinh doanh khai thác sớm nhất và quản lý sớm nhất quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa)” (ở đây họ không đề cập tới quần đảo Hoàng Sa vì coi đó đã là lãnh thổ của họ).
中国是历史上最早发现并命名、最早开发经营和最早管辖南沙群岛的国家
Họ viết như sau: “Nhân dân Trung Quốc phát hiện sớm nhất các đảo Nam Hải (tức Biển Đông) có thể truy ngược lên triều Hán. “Dị vật chí” của Dương Phù, Đông Hán có ghi “những mỏm nhô cao ở Trương Hải, (khi) nước cạn có nhiều đá nam châm”. “Trương Hải” ở đây là tên gọi của nhân dân Trung Quốc đương thời đối với Nam Hải. “Mỏm nhô cao” là tên gọi đương thời các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát, bãi trong quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa).
“Phù Nam truyện” của Khang Thái, tướng lĩnh Đông Ngô, Tam Quốc không chỉ đề cập tới quần đảo Nam Sa mà còn miêu tả hình dạng: “trong Trương Hải, đến đảo san hô, đáy (nền) đảo có Bàn cổ, san hô sống ở trên đó”…”
中国人民对南海诸岛的最早发现可以上溯到汉朝。东汉杨孚《异物志》有”涨海崎头,水浅而多磁石”的记载。这里的”涨海”是当时中国人民对南海的 称呼,”崎头”则是当时对包括西沙群岛和南沙群岛在内的南海诸岛的岛、礁、沙、滩的称呼。 三国东吴将领康泰所著《扶南传》不仅提到了南沙群岛,而且对其 形态描述道:”涨海中,到珊瑚洲,洲底有盘古,珊瑚生其上也”
Tra cứu trên mạng tiếng Trung Quốc được biết (trích giới thiệu theo nguyên văn): Dương Phù (năm sinh còn đợi khảo chứng) tự Hiếu Nguyên, người Phan Ngu quận Nam Hải thời Đông Hán (nay là người quận Chu Hải thành phố Quảng Châu). Học giả Hán Nghị Lang. Ngay từ nhỏ đã ra sức học tập kinh sử, trình độ nghiên cứu cực sâu. Năm 77 sau công nguyên vì tham gia và được chọn vào “đối sách hiền lương” do triều đình tổ chức nên được phong là nghị lang trở thành cận thần của hoàng đế… Những lúc rỗi rãi không tham dự chính sự đã chăm chỉ theo đuổi việc học, rất có thành tựu về học thuật, trong đó có cuốn “Nam duệ dị vật chí“, ghi chép tỉ mỉ sản vật và phong tục của Lĩnh nam cổ đại, là một tài liệu lịch sử quí báu ít có..
“Dị vật chí” được viết thành sách đầu thế kỷ 2 sau công nguyên… Đáng tiếc là đến đời Tống thì thất lạc… Cuối đời Thanh, Tăng Kiếm người Nam Hải, từ các cuốn “Tề dân cầu thuật”, “Sơ học ký”, “Thái bình ngự giám” đã biên tập thành “Dị vật chí” gồm hai quyển, lưu truyền đến bây giờ.”
… Ngô, Hoàng Vũ năm thứ năm (năm 226 công nguyên) chính quyền Ngô cử Chu Ứng, Tùng sự Tuyên Hóa và Trung lang Khang Thái đi sứ các nước ngoài. Sau khi trở về Khang Thái chọn viết “Truyện nước ngoài thời Ngô” còn có tên là “Phù Nam truyện”, cuốn sách này đã thất lạc, nhưng một số nội dung do được các sách như “Thủy Kinh Chú”* và “Thái bình ngự lãm”* ghi chép lại nên bảo tồn được câu đã dẫn trên: “trong Trương Hải đến đảo san hô, đáy (nền) đảo có đá, san hô sống ở trên đó”)
杨 孚(生卒年待考),字孝元,东汉时南海郡番禺人(今广州市海珠区人)。汉议郎学者。 他早杨年致力攻读经史,钻研颇深。 公元77年,以参加朝廷主办的”贤良对策”入选而获授为议郎,成为参与议政的皇帝近臣….杨在参预政事之余,勤奋治学,在学术方面也颇有成就,著有南 海郡人第一部学术著作也是我国第一部地区性的物产专著-《南裔异物志》。该书详细记载了古代岭南物产及风俗,是一份不可多得的珍贵史料
《异物志》成书于公元2世纪初….杨孚的《异物志》很可惜在宋代散佚…后清代南海人曾钊从《齐民要术》、《初学记》、《太平御览》诸书中辑录成两卷本《异物志》,流传至今。
……,吴黄武五年(公元226年),吴政权曾派遣宣化从事朱应、中郎康泰出使海外各国。康泰归来后撰写了《吴时外国传》,又名《扶南传》, 此书已佚, 但一些内容因《水经注》和《太平御览》等书的引録而保存了下来。康泰在《扶南传》中说:”涨海中,到珊瑚洲,洲底有盘石,珊瑚生其上也。”
Qua đoạn văn trích dẫn trên chúng ta có thể thấy mấy điểm rất đáng lưu ý sau:
– Cuốn “Dị vật chí” chỉ ghi chép tỉ mỉ sản vật và phong tục của Lĩnh nam cổ đại, chứ không hề có câu ghi chép về “Trương Hải, là tên gọi của nhân dân Trung Quốc thời đó đối với Nam Hải còn “mỏm nhô cao” là chỉ các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát , bãi ..” như mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã dẫn.
– Câu “Đáng tiếc là đến đời Tống thì thất lạc và câu “cuối đời Thanh…” cuốn sách đã được biên tập lại, cho thấy rõ là đoạn văn nói trên của Bộ Ngoại giao dẫn mới được thêm vào lúc này. Tức là do Tăng Kiếm người cuối đời Thanh viết chứ không phải là của Dương Phù viết từ thời Đông Hán.
Và cuốn “Thủy Kinh chú” theo giải thích của Trung Quốc: tác giả là Hách Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy thể kỷ 6 sau công nguyên, là cuốn sách chuyên ghi chép hơn một ngàn sông ngòi lớn nhỏ của Trung Quốc, đến đời Tống thất lạc mất 6 cuốn (trên tổng số 40 cuốn) được người đời sau bổ sung, đính chính lại.
Cuốn “Thái bình ngự lãm” là cuốn sách ra đời từ đời Tống, đã bị thất lạc bẩy, tám phần. Điều này cho thấy câu viết trong “Thủy Kinh Chú” và “Thái bình ngự lãm” về “Phù Nam truyện” của Khang Thái đã được người đời sau Trung Quốc thêm vào!
Vì vậy, căn cứ “phát hiện ra các đảo Nam Hải có thể truy ngược lên tận triều Hán” mà nhà cầm quyền Trung Quốc dẫn ra, chỉ chứng tỏ một sự bóp méo, xuyên tạc tài liệu lịch sử.
Từ một việc nhỏ này ta có thể thấy, những cái gọi là “chứng cứ lịch sử” được đưa ra là không đáng tin, không đáng bàn luận.
Lịch sử không phải là chuyện đùa, không phải muốn bẻ queo hay uốn thẳng thế nào cũng được.
Vì lí do sức khỏe, không có điều kiện vào TP.HCM để trao đổi trực tiếp với ngài, nên có đôi lời như vậy.
D. D. D.
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-11-lich-su-dau-phai-thich-be-cong-uon-thang-la-duoc-