Không thể biện minh việc dùng vũ lực ở Biển Đông

Kiềm chế, minh bạch yêu sách và chính sách, tăng sử dụng cơ chế hợp tác khu vực, bắt đầu từ những lĩnh vực dễ, ít nhạy cảm… là con đường để kiểm soát xung đột Biển Đông, các học giả kết luận tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông chiều 12/11.

Sau hai ngày thảo luận với 7 phiên, Hội thảo Quốc tế: “”Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” đã kết thúc chiều 12/11 tại Hà Nội.

Ghi nhận thành công của Hội thảo, GS Leszek Buszynski, Trung tâm Chiến lược và quốc phòng, Đại học quốc gia Úc còn gợi ý “thậm chí cần tính trao giải Nobel Hòa bình cho các hội thảo này vì đã có đóng góp thực sự hữu ích đối với hòa bình trên thế giới”.

Vẫn trong tầm kiểm soát”

Trên tinh thần “thảo luận thẳng thắn, khách quan, trung thực, xây dựng và cầu thị” như đánh giá của Giám đốc Học viện Ngoại giao Dương Văn Quảng, đơn vị đồng chủ trì Hội thảo với Hội Luật gia Việt Nam, trong hai ngày hội thảo, các học giả và giới làm chính sách đã cùng thảo luận về tình hình Biển Đông với những biến động khu vực, trong cán cân sức mạnh cũng như những hành xử của các bên liên quan đến Biển Đông.

Các học giả cho rằng, tình hình Biển Đông đang có xu hướng gia tăng căng thẳng, nhất là hai năm trở lại đây. “Các bên hiểu và diễn giải luật quốc tế khác nhau, làm nóng tình hình Biển Đông“, GS Mark Valencia (Mỹ) đánh giá.

Ảnh Huỳnh Phan.

Ảnh Huỳnh Phan.

Vấn đề chủ quyền Biển Đông sẽ khó giải quyết trong một hai thế hệ tới do nhiều tranh chấp liên quan tới nhiều bên, và quan trọng hơn, tất cả các bên đều coi Biển Đông là lợi ích căn bản không thể thỏa hiệp, Đại sứ Rodolfo Severino (Philippines, nguyên tổng thư ký ASEAN) nhận định.

Tuy nhiên, “điều đó không có nghĩa là xung đột ở Biển Đông không thể tránh được”, ông nói.

Dù tình hình “phức tạp hơn”, nhưng “vẫn còn trong tầm kiểm soát”, GS Hamzah (Malaysia) đánh giá.

“Việc kiểm soát xung đột ở Biển Đông có thể làm được và đã làm được“, Đại sứ Hasjim Djalal (Indonesia), người từng có kinh nghiệm 20 năm đưa ra sáng kiến và thúc đẩy các hoạt động hợp tác nhằm kiểm soát xung đột và tìm kiếm giải pháp ở Biển Đông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, “nếu dừng các hoạt động này thì xung đột có thể lại xảy ra”, vị đại sứ kì cựu khuyến nghị.

Hợp tác từ việc dễ, ít nhạy cảm

Tại hội thảo, Đại sứ Hasjim Djalal đã chia sẻ những bài học đúc rút trong quá trình hoạt động vì một Biển Đông hòa bình và ổn định.

Ông chỉ rõ, điều kiện để có thể thúc đẩy hợp tác là các bên không sử dụng vũ lực, phải có quyết tâm chính trị, không khuấy động dư luận trong nước, cần minh bạch chính sách và luật pháp.

Nguyên tắc thúc đẩy hợp tác là cần cởi mở; bắt đầu từ những việc dễ, ít nhạy cảm.

Theo Đại sứ Djalal, việc giải quyết vấn đề Biển Đông cần lãnh đạo cấp cao nhưng với tư cách cá nhân, không chính thức, không thể chế hóa.

Trong quá trình giải quyết, các bên “nhấn mạnh điểm đồng, không xoáy vào những điểm bất đồng; làm từng bước, bắt đầu từ những vấn đề có tính kỹ thuật; không lùi bước nếu không có được kết quả ngay“.

Tuy còn nhiều tranh cãi, các học giả đều thống nhất ở một điểm: các bên liên quan cần tăng cường kiềm chế, minh bạch yêu sách và chính sách của mình, nhất là chính sách quốc phòng.

Đồng thời, cần tăng cường sử dụng các cơ chế hợp tác khu vực, nhất là DOC, trước hết cần hướng tới các hoạt động hợp tác chung của khu vực trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn như bảo tồn môi trường, bảo vệ nguồn cá, cứu hộ cứu nạn vv.v…

“Không thể có lý do gì để biện minh cho việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề chủ quyền ở Biển Đông của bất cứ nước nào trong và ngoài khu vực”, Đại sứ Rodolfo Severino nói.

Trung Quốc cần làm rõ yêu sách, đối thoại khác biệt

Trong quá trình đó giải quyết tranh chấp, theo các học giả, vai trò của Trung Quốc là then chốt.

Cách ứng xử của Trung Quốc có tác động quyết định tới khả năng hợp tác trong khu vực nhằm kiểm soát và bảo đảm hòa bình và ổn định chung, GS Stein Tønnesson, Viện nghiên cứu Hòa bình Oslo nhận định .

Khi có quyết tâm chính trị, các nước lớn nói chung và Trung Quốc nói riêng cũng sẵn sàng nhượng bộ để giải quyết vấn đề lâu dài, GS Ramses Amer từ Thụy Điển nhận định.

Việc giải quyết các vùng chồng lẫn ở Vịnh Bắc Bộ là tiến bộ rõ ràng trong việc giải quyết vấn đề biên giới biển trong khu vực. Điều này phần nào thể hiện thiện chí của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề biên giới với các nước láng giềng.  Với Việt Nam, phân giới cắm mốc trên bộ cũng là một ví dụ.

Muốn như vậy, trước hết, Trung Quốc cần “làm rõ yêu sách của mình, nhất là đường đứt khúc 9 đoạn”, Đại sứ Hjala, Indonesia, vị tướng về hưu người Pháp Daniel Schaeffer… và nhiều học giả đặt ra tại hội thảo.

Bởi như học giả Stein Tønnesson (Na Uy), cách lí giải của vị Giáo sư người Trung Quốc, Tô Hạo rằng Trung Quốc luôn quan niệm vùng nước bên trong đường đứt khúc là vùng nước lịch sử. Trong công ước luật biển quốc tế cũng thừa nhận về các vùng biển lịch sử, như trường hợp vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là không hợp lý.

Học giả Stein Tønnesson (Na Uy) chỉ rõ vấn đề vùng nước lịch sử trong công ước luật biển được hiểu rất khác.

Trung Quốc nên công khai và làm rõ yêu sách của mình, đối thoại với các nước trong khu vực về các khác biệt nảy sinh”, ông Daniel Schaeffer nói.

Cựu Tổng thư kí ASEAN, ông Severino nói thêm, không phải chỉ riêng Trung Quốc mà Đài Loan cũng nên có giải thích về đường đứt khúc 9 đoạn, vì Đài Loan đưa ra đường này lần đầu tiên năm 1947.

Cụ thể hóa Tuyên bố Ứng xử Biển Đông

Các học giả nhấn mạnh, các cơ chế hợp tác khu vực cần được tăng cường sử dụng, nhất là Tuyên bố của các bên về ứng xử tại Biển Đông DOC và tăng cường trao đổi thẳng thắn về Biển Đông trong khuôn khổ ARF và đối thoại ASEAN-Trung Quốc.

Trong đó, DOC là công cụ quan trọng nhất để kiểm soát xung đột ở khu vực, GS Ian Storey (Singapore) nhấn mạnh.

Ông cũng thừa nhận một thực tế, việc triển khai DOC chưa thực sự có kết quả: DOC yêu cầu các bên tự kiềm chế, nhưng điều khoản này quá chung chung và các bên đã không tuân thủ một cách chặt chẽ.

DOC kêu gọi các bên thực hiện các hoạt động xây dựng lòng tin, nhưng từ năm 2002 tới nay chỉ mới thực hiện được một hoạt động chung giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Theo GS Ian Storey, các bên cần nghiêm túc thực hiện DOC, ASEAN cần có tiếng nói chung thúc đẩy thực hiện Tuyên bố này.

Tại hội thảo, vị GS người Singapore này khuyến nghị một số biện pháp xây dựng lòng tin sau trong khuôn khổ DOC: thông báo cho nhau trước về các cuộc tập trận, thiết lập đường dây nóng trong khu vực, đàm phán Hiệp định tránh va chạm ở Biển Đông (INCSEA), hợp tác khu vực bảo vệ môi trường và nghề cá, tuần tra chung chống cướp biển,  chống khủng bố và tìm kiếm cứu nạn ngư dân.

A. P. – H. P.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-12-khong-the-bien-minh-viec-dung-vu-luc-o-bien-dong

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.