Bài viết này chỉ nêu lên những hiện thực thiên nhiên đang xảy ra tại đất nước ta làm cơ sở cho một bài toán sơ cấp mà trong dự án phải được đề cập một cách nghiêm túc. Đó là lượng nước mưa của thiên nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người.
Lượng mưa ở khu vực miền Trung trong những ngày qua là chưa từng có trong cả một trăm năm qua. Chỉ tính riêng tại Ninh Thuận, trong hai ngày, lượng nước mưa đã trên 700 mm, nhiều hơn hai lần lượng mưa bình quân một năm của vùng này. Vậy thì, với lượng mưa bình quân đo được ở Tây Nguyên từ 2.500 đến 2.800 mm/năm, nếu kịch bản thiên nhiên xảy ra như ở Ninh Thuận và các tỉnh miền Trung vừa qua thì điều gì sẽ xảy ra và cách khắc phục phải tiến hành như thế nào?
Trong thiên nhiên, lượng nước mưa được thoát đi bằng 3 con đường:
1- Thấm xuống dưới mặt đất để tạo thành những mạch nước ngầm.
2- Chảy xuống vùng thấp, các ao hồ, xuống suối, sông để đổ ra biển.
3- Bay lên trời dưới dạng hơi nước.
Với 110 ha của 5 hồ chứa và 50 ha dự phòng tức 160 ha hay 16.000.000 m2 thì cách giải quyết lượng nước mưa như thế nào?
Con đường thứ nhất, đã được triệt tiêu nhờ lớp vải kỹ thuật và công nghệ chống thấm tiên tiến.
Con đường thứ hai, cũng được ngăn chặn, không thể thải ra ngoài vì không thể làm hủy hoại môi trường do bùn đỏ hòa lẫn trong nước mưa.
Con đường thứ ba, tôi không thể tính được tỉ lệ nước mưa sẽ bốc hơi cho nên chỉ tạm tính là cân bằng với lượng nước đổ trực tiếp và thấm xuống từ các sườn dốc của dãy núi bao quanh thung lũng làm hồ chứa bùn đỏ.
Như vậy, toàn bộ lượng nước mưa có thể xem như được giữ nguyên trong thung lũng, tức 5 hồ chứa và hồ dự phòng, hoặc có thể bốc hơi một tỷ lệ ít.
Làm một bài toán đơn giản, lượng nước tăng thêm trong khu vực hồ chứa hàng năm là: 2,5 m X 16.000.000 m2 = 40.000.000 m3 nước (được hòa với bùn đỏ). Nhà máy hoạt động trong 30 năm, số lượng nước mưa thêm vào hồ tối thiểu được giữ trong hồ là một cột nước cao 75 mét, khối lượng: 40.000.000 m3 X 30 = 1.200.000.000 m3 (một tỉ hai mét khối). Đây chỉ là khối lượng nước tối thiểu được thêm vào hồ chứa bùn đỏ của một nhà máy thí điểm. Nếu lượng mưa bất thường tăng thêm như năm nay thì lượng nước còn tăng thêm đến mức nào?
Cần phải thấy rằng lượng nước này vẫn còn tồn tại hàng trăm năm sau và có thể là vĩnh viễn, không thể nào khô được vì không còn đường thoát.
Cách khắc phục đảm bảo an toàn tuyệt đối áp dụng đối với hồ chứa bùn đỏ, nhưng không khả thi, đó là phải ngăn chận lượng nước mưa rơi xuống hồ chứa, tức là phải làm một mái che rộng hơn 16 triệu mét vuông và máng xối, cống thoát cho hồ chứa bùn đỏ.
Vì dân, vì nước, vì tương lai dân tộc, cần phải bàn bạc kỹ lưỡng dự án bauxite – đề tài nóng của dân tộc Việt Nam hiện nay.
N. Đ. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN