Lọc dầu Dung Quất: Hiệu quả kinh tế chưa thấy, lợi ích xã hội mờ mịt

– “Bây giờ cứ nói định tính hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội nhưng nên có con số cụ thể. Vì mọi tính toán giá dầu thời điểm quyết dự án vào 13 năm trước khác bây giờ. Hay đây là con số bí mật không được tiết lộ? Chứ một số anh em DN nói có phải ta đầu tư nhà máy lọc dầu Dung Quất bằng mọi giá không?”, ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) nêu ý kiến.

Cũng như ông Thời, ĐBQH ở các tổ thảo luận hôm nay khi bàn về dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất đều cho rằng phải công khai tổng mức đầu tư để đo lường hiệu quả kinh tế.

Dù, ngay từ đầu, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc đã nói với các ĐBQH tổ Thanh Hóa – Thái Nguyên – Cần Thơ “chúng ta không đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu, mà đặt trong tổng thể với hiệu quả chính trị, xã hội” nhưng xem ra các ĐBQH vẫn chưa mấy hài lòng.

Bài học lớn về dự án kéo dài mãi mãi

Trăn trở lớn nhất, đó là việc xây nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi với quyết tâm chiến lược “phát triển vùng kinh tế động lực miền Trung”, nhưng cuối cùng với dự án chậm tiến độ đến 9 năm, tăng vốn 3 lần mà tác động lan tỏa kinh tế còn mờ mịt, thậm chí có ĐBQH Hà Nội còn khăng khăng “chỉ có lỗ”.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Chúng ta không đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu, mà đặt trong tổng thể với hiệu quả chính trị, xã hội. Ảnh: LAD

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Chúng ta không đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu, mà đặt trong tổng thể với hiệu quả chính trị, xã hội. Ảnh: LAD

Nói như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, tính toán ban đầu từ năm 1997 đã chỉ ra, nếu đặt Dung Quất ở Bà Rịa – Vũng Tàu có thể tiết kiệm được 500 triệu USD, nhưng cuối cùng vẫn đặt tại Quảng Ngãi vì muốn tạo động lực phát triển miền Trung, tránh việc quá ưu tiên cho hai đầu Nam – Bắc.

Như Chính phủ báo cáo, nhà máy mới vận hành thương mại được 6 tháng nhưng “đã có tác động tích cực đối với khu kinh tế Dung Quất, đưa vùng đất nghèo khó, giàu truyền thống cách mạng này phát triển mạnh mẽ”.

Nhưng ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu một thực trạng, trong hơn 2.500 hộ dân phải di dời, đến nay nhiều nơi chưa được bố trí phương án sản xuất ở nơi tái định cư. Trong khi đó, chỉ 600 lao động địa phương được đưa vào làm việc ở nhà máy. Hiệu ứng lan tỏa từ nhà máy với khu kinh tế Dung Quất chưa rõ rệt.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) ví von: “Dự án này nghịch lý về mặt kinh tế và thuận lợi về chủ trương. Nhưng ta chưa nắm được biến đổi khí hậu và trữ lượng dầu khí. Các chuyên gia nước ngoài đã nói 20 năm nữa nguồn dầu trong nước hết, nếu đi mua về giá đội lên nữa, như vậy phải vài ba chục năm mới hoàn vốn. Quyết toán thế nào, lỗ, lãi ra sao? Lợi ích xã hội đang mờ mịt”.

Ngay Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khi lật lại những ý kiến trái chiều về địa điểm, vốn của nhà máy cũng đi đến kết luận “công trình này kéo dài mãi mãi, đây là một bài học lớn rút ra khi xây các công trình khác”.

Đáng lo ngại, theo nhiều ĐB, là chi phí cơ hội đã mất, và người dân chưa được hưởng lợi bao nhiêu.

Nên có kiểm toán độc lập

Hoan nghênh quyết tâm chính trị của dự án, song nhiều ĐBQH cũng rút ra kết luận, đã đến lúc không thể xây công trình trọng điểm quốc gia chỉ để mang lại “hiệu quả chính trị”. Quốc hội phê duyệt dự án, nhưng báo cáo thẩm tra của UB Khoa học, công nghệ, môi trường lại quá dễ dãi, gần như là bản tóm tắt báo cáo Chính phủ, phải chăng Quốc hội quá dễ dãi.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào: Lợi ích xã hội đang mờ mịt. Ảnh: LAD

ĐB Nguyễn Ngọc Đào: Lợi ích xã hội đang mờ mịt. Ảnh: LAD

ĐBQH Chu Sơn Hà và Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) đề xuất, QH cần giao cho cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán nhà máy lọc dầu Dung Quất và báo cáo QH để làm rõ hiệu quả đến đâu, như thế nào, rút ra bài học cho công trình khác. “Phải làm rõ để có quyết sách đúng đắn cho các công trình quốc gia“, ông Sơn nói.

Hàng loạt câu hỏi cũng được đặt ra như “giá thành sản phẩm của nhà máy có phải cao hơn giá nhập về?”, “nếu tính cả các khoản trả lãi do chậm tiến độ thì tiền đội lên bao nhiêu?”.

ĐB Lê Thanh Bình (Bắc Ninh) băn khoăn, “sắp tới xây dựng thêm các nhà máy lọc dầu nữa ở Thanh Hóa, Vũng Tàu, liệu rút ra được những kinh nghiệm gì từ đây, yêu cầu Chính phủ phải làm rõ”.

Nếu có kiểm toán độc lập, theo ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM), cũng cần trả lời câu hỏi, trong vòng bao nhiêu năm mới thu hồi lại được 3 tỷ vốn đầu tư. Tại sao có thời điểm xăng tồn kho lớn trong khi Nhà nước vẫn phải đi nhập. Cần tổ chức đánh giá phân phối tiêu thụ sản phẩm thế nào?

Quyết liệt nhất là đòi hỏi phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 3/2011) trước khi ra Nghị quyết kết thúc dự án.

Để chứng minh nhận định của Chính phủ về hiệu quả tốt đẹp của dự án, Nghị quyết QH phải ghi rõ một số nhiệm vụ cụ thể. Từ đó, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát thêm 3 – 5 năm nữa.

nữa.

“Ba phải”

ĐBQH Bùi Sĩ Lợi (ngoài cùng bên phải). Ảnh: Hoàng Long

Đánh giá vai trò giám sát của QH với các công trình trọng điểm, ĐBQH Bùi Sĩ Lợi nói: “Báo cáo của Ủy ban KHCN&MT Quốc hội trùng với báo cáo của Chính phủ. Như vậy không thể hiện được trách nhiệm của một cơ quan thẩm tra.

Các ủy ban khi thẩm tra dự án phải thể hiện tính trung thực của cơ quan giám sát chứ không phải cứ xuôi chèo mát mái. Có thể nói tính chiến đấu không cao hay như người ta nói là ba phải.

Nhiều lần dự các cuộc giám sát của các ủy ban ngay từ đầu, tôi thấy hiện tượng các báo cáo giám sát ban đầu nói rất mạnh mẽ nhưng càng về sau, tính chiến đấu cứ giảm dần, các yếu tố phê phán cứ bị hạn chế dần.

Phê phán của các ủy ban không phải là chê bai Chính phủ hay bộ ngành nào mà thể hiện tính trách nhiệm của Quốc hội khi phát hiện ra thiếu sót giúp cho Chính phủ. Phê phán để tình hình tốt hơn lên”.

L. N. – C. N.

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.