Báo Bee.net.vn ngày 06/11/2010 đăng bài “Đỏ mắt tìm… đặc thù Thủ đô!” (http://bee.net.vn/channel/1983/201011/do-mat-tim-dac-thu-Thu-do-1777127/), bài báo nhấn mạnh: “Đặc thù nào cho Thủ đô, Hà Nội có quy định quản lý khác với các đô thị trên cả nước? Đây là “bài toán” nhiều ĐBQH đã soi vào dự thảo Luật Thủ đô để tìm “đáp số” tại phiên thảo luận tổ sáng 6/1”.
Trong lúc “Luật Thủ đô” mới chỉ là dự thảo và được mang ra thảo luận tại QH, có nghĩa là, ngoài các ĐBQH và người soạn thảo ra nó, thì chưa có ai được đọc bản dự thảo này, nhưng qua các ý kiến góp ý được tổng hợp trong một bài báo ngắn, ta có thể nói rằng, tầm nhìn của lãnh đạo Hà Nội (UBND TP Hà Nội) chưa xứng đáng với kỳ vọng về sự phát triển của một Thủ đô đã có lịch sử 1000 tuổi, và “nghìn năm văn hiến”.
1. Chỉ riêng tiêu đề của bài báo “Đỏ mắt tìm… đặc thù Thủ đô!”, người đọc đã thấy, cái hồn của Thủ đô là “nghìn năm văn hiến”, thì Hà Nội đã như là… bỏ quên? Đây cũng chính là nguy cơ cho “văn hóa Việt” nói chung mà ta đã thấy đã bị “xuống cấp”, được thể hiện trên các mặt về đời sống, kinh tế, văn hóa và xã hội của cả nước mà báo chí đã nói đến rất nhiều.
2. Theo ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) thì: “yêu cầu làm rõ trong dự án luật về mô hình chính quyền và vị trí pháp lý của Thủ đô chứ không phải là quy mô kinh tế.
Vị đại biểu TP HCM thẳng thắn nhận xét: “Trong dự thảo Luật Thủ đô thì cái lớn chưa thấy rõ, có chăng là được ngân sách nhiều hơn. Không khéo ban hành xong, các đô thị khác cũng thấy mình giống như… Thủ đô cả”.
Đành rằng, ngoài là Thủ đô của đất nước, Hà Nội cũng như là một tỉnh, cho nên có những yêu cầu đặt ra về phát triển kinh tế…, nhưng qua ý kiến này, ta thấy, lãnh đạo Hà Nội đang sa đà vào cái cụ thể (!?). Phải chăng, lãnh đạo Hà Nội muốn dựa vào QH để “luật hóa”, nhằm được ưu tiên về ngân sách trong quá trình xây dựng Thủ đô?
Đây chính là sự yếu kém về thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo Hà Nội, đã được thể hiện ở bản đồ án Quy hoạch Thủ đô rất nhiều tranh cãi trong thời gian qua, cũng như quá trình chuẩn bị cho sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội từ trước đây.
3. Lãnh đạo Hà Nội chưa thoát ra được tầm nhìn của một tỉnh, thể hiện qua đoạn trích: Trong khi đó quy định “đặc thù” về hạn chế cư trú tại Thủ đô lại nhận được sự không đồng tình của nhiều đại biểu. ĐB Nguyễn Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nói, không nên quy định vì không có tác dụng với thực tế và trái với Luật Cư trú (công dân có quyền tự do cư trú, PV). Đồng quan điểm, ĐB Tất Thành Cang (TP.HCM) đặt câu hỏi: “Nếu vậy thường trú tại Thủ đô là công dân loại một còn nơi khác là loại hai…?”.
Ta vẫn hay nói “Cả nước vì Thủ đô, Thủ đô vì cả nước”, như vậy, đâu là “Thủ đô vì cả nước”?
Rõ ràng là, nếu không có một tầm nhìn “Thủ đô vì cả nước”, thì không chỉ Thủ đô Hà Nội bị mai một dần trong ký ức của nhân dân, mà văn hóa Việt, theo thời gian sẽ bị nhạt nhòa, và đó mới là điều đáng báo động từ bây giờ.
4. Đáng chú ý nhất vẫn là ở nội dung “Thu phí mới, xử phạt cao là không căn cơ”.
Đây cũng là một nội dung được bàn luận tại QH.
Theo tôi, rõ ràng, đây là việc riêng của Hà Nội, không đáng bàn tại nghị trường QH, đành rằng, các vấn đề về: ách tắc giao thông, quản lý đất đai, môi trường… sẽ còn nhiều bất cập trong một thời gian dài và không riêng gì Hà Nội. Rất tiếc, không có ĐBQH nào nêu ý kiến này, mà vẫn sa đà vào việc… góp ý(!?).
Một lần nữa lại cho thấy, Hà Nội vẫn loay hoay với cái cụ thể, ngay cả định đưa nó vào một văn bản dưới dạng LUẬT.
Qua bài báo và những ý kiến nêu trên, tôi muốn nêu ra các vấn đề:
a. Quốc hội là nơi để luận bàn việc quốc gia đại sự, những việc lớn đại loại như phát biểu của GS Nguyễn Minh Thuyết và đề nghị của ông ngày 01/11/2010… mới đáng bàn và nên bàn luận kỹ tại QH; đồng thời phải đưa ra được các giải pháp khắc phục, thực hiện… một cách thiết thực, hiệu quả; có như vậy, QH mới thể hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình.
b. Nhân dân cả nước kỳ vọng ở QH nói chung và trách nhiệm của từng ĐBQH nói riêng là ở phương pháp để giải quyết những việc ở tầm quốc gia đại sự, không có lẽ, một lúc nào đó nay mai, QH cũng bàn việc ách tắc giao thông và mức phạt vi phạm hành chính của… TP Đà Nẵng!?
c. Quốc hội nước ta đã ở tuổi 65, nhưng cho đến nay mới chỉ có 2 sự kiện đáng nhớ, đó là tại kỳ họp thứ 7 khóa XII, QH bác tờ trình của Chính phủ về dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam, và sự kiện GS Nguyễn Minh Thuyết với phát biểu và đề nghị (nêu trên) tại kỳ họp này. Quả là buồn cho QH nước ta, nhưng quan trọng hơn, đó là nguy cơ của dân tộc Việt Nam.
06.11.2010
N.H.Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN