Foreign Affairs, 14-10-2010
GEORGE J. GILBOY là nghiên cứu trưởng tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học MIT và là một học giả của Ủy ban Quốc gia về Quan hệ đối ngoại Mỹ-Trung. ERIC HEGINBOTHAM là một nhà nghiên cứu chính trị thuộc tập đoàn RAND.
Vào tháng Năm và tháng Sáu 2010 công nhân Trung Quốc (TQ) tổ chức các cuộc đình công lan rộng tại nhiều nhà máy ở vùng Hoa Nam. Bằng cách vận dụng các luật bảo vệ lao động thông qua năm 2008, họ đã nhận được sự chấp thuận ngấm ngầm của chính phủ về cuộc tranh đấu quyền lao động, được các công ty tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Vào tháng Tám, thủ tướng Ôn Gia Bảo lại đọc một bài viễn văn nổi tiếng, cảnh báo rằng nền kinh tế và tiến trình hiện đại hóa TQ sẽ bị lâm nguy nếu nước này không chịu cải tổ hệ thống chính trị. Tháng Mười, nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, đang ngồi tù, một trong hằng trăm người ký bản Hiến chương 2008 đòi một nền dân chủ hiến định, được giải Hòa bình Nobel. Chuỗi sự kiện này đã khiến người ta tập trung chú ý vào các viễn tượng cải tổ chính trị và xã hội tại TQ.
Thật ra, cho đến nay vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy Đảng Cộng sản TQ (ĐCSTQ) sẽ phát động các cuộc cải tổ quan trọng trong một tương lai gần. Nhưng dẫu sao thì bài diễn văn của Ôn Gia Bảo cũng nêu rõ một vấn đề cốt lõi của TQ trong trường kỳ: một mặt, xã hội TQ ngày càng trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi nhiều hơn, và mạnh dạn hơn; nhưng mặt khác, nhà nước độc tài vẫn cố duy trì một chế độ kềm kẹp chính trị-xã hội thiếu mềm dẻo. Trong bài “Sự chuyển đổi sắp đến của TQ”, đăng trong Foreign Affairs, số tháng Bảy/ tháng Tám năm 2001, chúng tôi lý luận rằng những căng thẳng ngày nảy sinh giữa nhà nước và xã hội TQ sẽ thôi thúc các cải tổ xã hội và chính trị, bởi vì nếu không chịu đổi mới thì sẽ làm gia tăng xung đột xã hội, làm nguy hại việc phát triển kinh tế, và phá hoại khả năng quản trị đất nước của ĐCSTQ. Đồng thời, chúng tôi cũng cảnh báo, tiến trình chuyển đổi của TQ có thể “lâu dài và đầy biến động hơn nhiều người đã dự kiến”.
Kể từ năm 2001 cho đến nay, kinh tế TQ tăng trưởng liên tục, lợi tức đầu người gia tăng, và chính phủ đã từng bước đối phó với bất ổn xã hội, bằng cách bãi bỏ những loại thuế năng nề và đầu tư vào các vùng nông thôn. Chính quyền Bắc Kinh đã chặn đứng bất ổn ở các đô thị bằng cách đầu tư vào ngành địa ốc, cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng, và xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội cơ bản. Tuy nhiên, nhiều căng thẳng mà chúng tôi phát hiện năm 2001 đển nay lại xuất hiện rõ nét hơn. Bởi vì trong khi hệ thống chính trị TQ tiếp tục đẻ ra nhiều lạm quyền, thì một xã hội giàu có hơn, đầy đủ khả năng hơn luôn luôn tìm cách bảo vệ lợi ích của mình. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (VKHXHTQ) ước tính rằng con số vụ bất ổn xã hội đã gia tăng từ 40.000 năm 2001 lên trên 90.000 vụ vào năm 2009. Thông tin của VKHXHTQ cho biết rằng những biến động này ngày càng lớn hơn, bạo động hơn, có khả năng tràn lan từ tỉnh này sang tỉnh khác hơn, các thành phần tham dự và các vấn đề tranh chấp-khiếu kiện trở nên đa dạng hơn.
Nạn chiếm đoạt đất đai tràn lan, sự chênh lệch lợi tức gia tăng, và tệ nạn tham nhũng là những vấn đề gay gắt nhất của xã hội TQ. Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Nhà nước TQ ước tính rằng từ năm 1996 đến năm 2006, viên chức chính quyền và bè cánh của họ trong các doanh nghiệp đã chiếm đoạt bất hợp pháp hơn 10.360 kilômét vuông (4000 square miles) đất đai mỗi năm. Trong vòng 10 năm ấy, 80 triệu nông dân đã mất nhà ở. Yu Jianrong, một nhà nghiên cứu cấp cao trong chính phủ, nói rằng những vấn đề liên quan đến đất đai tiêu biểu cho một trong những khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải đối phó.
Khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội TQ cũng ngày một gia tăng; theo báo chí TQ, hệ số GINI của quốc gia này, một thước đo về bất bình đẳng lợi tức, đã tăng đến 0.47 [0 tiêu biểu cho bình đẳng tuyệt đối và 1 là bất bình đẳng tuyệt đối, ND.] Hệ số này tương đương với hệ số GINI của các nước Châu Mỹ La Tinh, một trong những khu vực có mức chênh lệch giàu-nghèo cao nhất thế giới. Thực trạng có thể còn tồi tệ hơn các con số cho biết. Wang Xiaolu, phó giám đốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia thuộc Sáng hội Cải tổ TQ, ước tính rằng mỗi năm có khoảng 1.300 tỉ đôla tiền thu nhập – tương đương 30% GDP của TQ – không được khai báo. Trên 60% tiền thu nhập trốn thuế là của bộ phận giàu có nhất nước, tức 10% dân số TQ, đa số là đảng viên ĐCSTQ và thân nhân của họ. Việc sử dụng quyền lực chính trị để làm giàu quá đáng đã gây nhiều phẫn nộ trong dân chúng, và những người giàu có rất biết điều đó. Vì vậy hiện nay giới đại gia TQ phải sử dụng trên hai triệu người cận vệ, và nền công nghiệp an ninh tư nhân (private security industry) đã lớn mạnh ngành kinh doanh trị giá 1.200 tỉ đôla kể từ ngày nó được thành hình năm 2002.
Những chính sách bất công và nạn tham nhũng, tràn lan trong các hệ thống tập trung quyền lực chính trị và của cải, đang đe dọa tương lai kinh tế TQ. Những chính sách kinh tế gần đây đã dành hầu hết vốn cho vay, tiền đầu tư, và trợ cấp theo chính sách nhà nước cho những xí nghiệp và công ty độc quyền nào có móc nối chính trị. Tình trạng này đã gây nhiều thiệt thòi cho chính những khu vực có khả năng thúc đẩy mức tiêu thụ, gia tăng hiệu năng kinh tế, khuyến khích sáng kiến và tạo ra công ăn việc làm, như công nghiệp nhẹ, khu vực dịch vụ, và các xí nghiệp tư. Hệ thống chính trị TQ cho phép vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và khuyến khích công nhân viên giả mạo bằng cấp, các công ty sản xuất hàng dổm, và các nhà nghiên cứu xuất bản các thành tích nghiên cứu ngụy tạo. Tệ nạn này làm suy yếu khả năng sáng tạo của TQ.
Mặc dù các vấn đề đất đai, bất công xã hội, và các rủi ro kinh tế làm tăng thêm các mối xung đột và tiềm năng bất ổn, nhưng xã hội TQ cũng đang phát triển theo nhiều hướng khá tích cực. ĐCSTQ ngờ vực bất cứ tổ chức xã hội dân sự độc lập nào, và sự can thiệp của nhà nước thường ngăn cản không cho các tổ chức xã hội dân sự phát triển đầy đủ. Tuy vậy, trong thập niên vừa qua, người TQ đã lũ lượt tham gia các tổ chức dân sự. Những tổ chức này gồm có các phòng thương mãi, các ủy ban chủ nhà trong khu phố, các câu lạc bộ thể thao và giải trí, các hội bảo vệ súc vật và môi trường, các câu lạc bộ nghệ thuật và văn hóa, và những tổ chức nhân đạo. Theo VKHXHTQ, những tổ chức này đã cung ứng nhiều dịch vụ công ích quan trọng, và từ năm 2001 đến năm 2008 số tổ chức dân sự đã tăng gấp đôi, lên đến 410.000 tổ chức. Ngoài ra, mặc dù ĐCSTQ đã dựng nên một Đại Trường thành lửa (Great Firewall) trên Internet, nhưng cộng đồng cư dân mạng sinh động của TQ luôn biết cách để tránh né các cơ quan kiểm duyệt, và trong vài trường hợp đã thúc đẩy thành công một số thay đổi. Những phát biểu trên mạng thường xuyên tố cáo nạn tham nhũng và lạm quyền của các quan chức nhà nước, và đã khiến chính phủ thay đổi nội qui nhà giam sau khi một công nhân di trú, ông Sun Zhigang, chết trong khi bị giam giữ; ngưng sử dụng tục lệ hạ nhục người phạm tội ở nơi công cộng như một biện pháp trừng phạt; và chống phân biệt đối xử với người mang HIV/AIDS và siêu vi gan.
Xã hội TQ đã thay đổi, và nhà nước độc đảng cũng đang thay đổi theo. Để tiếp tục nắm quyền, ĐCSTQ đã biết thích nghi hơn và theo đuổi một số cải tổ có ý nghĩa, gồm có những cải tổ nội bộ Đảng, cũng như hệ thống pháp quyền và việc điều hành chính phủ. Những biện pháp này không đưa TQ vào con đường đi đến thể chế dân chủ phương Tây, nhưng chúng tiêu biểu cho một cuộc mặc cả đang diễn ra giữa nhà nước và xã hội – theo đó việc sử dụng quyền hạn độc đoán của nhà nước sẽ bị giới hạn hơn, công dân sẽ hưởng nhiều tự do cá nhân hơn, và sinh hoạt xã hội sẽ có không gian thông thoáng hơn.
Từ năm 1999, khi giới lãnh đạo chóp bu TQ thay đổi hiến pháp để bảo vệ quyền tư hữu và cho phép giới tư bản gia nhập ĐCSTQ, đảng đã lao vào một chương trình cải tổ chính trị nội bộ. Chương trình này tăng cường việc ra quyết sách tập thể (collective decision-making), đặt ra những nguyên tắc để quân bình các quyền lợi phe phái, triển khai các qui tắc cho việc thừa kế các chức vụ lãnh đạo đảng, và cải thiện hệ thống thăng thưởng trong nội bộ, ngõ hầu thành tích chuyên môn được xét cùng với các yếu tố chính trị. Mặc dù ĐCSTQ đàn áp những người chỉ trích ở ngoài đảng, nhưng hiện nay đảng đang cho phép các đảng viên tranh luận tương lai của đảng một cách công khai, nhất là trong phạm vi Trường Đảng Trung ương, nơi đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai của TQ.
Trong việc theo đuổi cải tổ nội bộ đảng, các viên chức của ĐCSTQ trở nên bén nhạy với nhu cầu tranh thủ hậu thuẫn vừa trong đảng vừa cả ngoài xã hội để tiếp tục cầm quyền. Việc tranh giành cho mình một hậu thuẫn rộng lớn hơn đã khuyến khích một số viên chức chấp nhận các chương trình thử nghiệm địa phương trong sự nghiệp đổi mới chính trị. Nhưng những cải tổ làm gia tăng tính cạnh tranh và sự cởi mở chính trị cũng mang theo nhiều rủi ro. Bản thân các cán bộ theo đuổi hậu thuẫn chính trị và xã hội (và tranh luận những bất đồng cốt lõi về chính sách) có thể tạo ra làm rạn nứt sự đoàn kết của ĐCSTQ. Một hậu quả như thế có thể dẫn đến tiến trình tự do hóa rộng lớn hơn, nhưng cũng có thể dẫn đến xung đột chính trị. Hơn nữa, nhu cầu cạnh tranh trước tiên có thể làm một số lãnh đạo TQ dè dặt hơn trong lập trường ủng hộ cải tổ hệ thống chính trị.
Kể từ năm 2001, TQ đã tăng cường việc cải tổ hệ thống pháp luật, cải thiện luật thương mại, luật bảo vệ quyền tư hữu, luật bảo vệ quyền công dân, và tính chuyên nghiệp trong hệ thống toà án. Mỗi năm có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp trường luật; TQ hiện có 170.000 luật sư, hơn 13.000 văn phòng luật sư, hàng ngàn giáo sư luật khoa, và hàng chục ngàn nhân viên pháp lý. Nhiều người trong giới này ủng hộ một phong trào ngày càng lớn mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi công dân (weiquan, vệ quyền).
Ý nghĩa đầy đủ của nhiều cải cách cơ chế và pháp lý có thể phải mất nhiều năm mới xuất hiện, Kể từ đầu thập niên 2000, nhiều chủ gia cư đã mạnh dạn vận dụng những quyền qui định trong Luật Xây dựng 1994 (the 1994 Construction Law) để tham gia quản trị khu dân cư của mình. Năm 2008, một số công dân đã trích dẫn Luật lập pháp 2000 (the 2000 Legislation Law) để kiến nghị Quốc hội TQ xét lại các chính sách thuế khóa của Bộ tài chánh một cách triệt để hơn. Một số cải tổ khác đã mang lại kết quả nhanh chóng hơn: trong năm 2010, toà án TQ đã xử gần 400.000 vụ khiếu kiện lao động ở trong nước (gấp 2 lần rưỡi năm 2007), nhờ Luật lao động 2008.
Mặc dù có tiến bộ từng bước, nhưng những cải tổ pháp lý sơ khởi của TQ vẫn tồn tại song hành với những lạm quyền của chính phủ, bao gồm việc coi tự do phát biểu chính kiến là một tội hình sự. Trong những năm qua, chẳng hạn, TQ đã giam giữ một số trí thức và các nhà hoạt động về tội chính trị – gồm nhà vận động pháp lý Chen Quangcheng (Trần Quang Thanh), nhà tranh đấu nhân quyền Hu Jia (Hồ Giai), và luật sư Gao Zhisheng (Cao Trí Thịnh). Chính quyền Bắc Kinh còn giam giữ nhiều người khác, như nhà địa chất Mỹ, ông Xue Feng (Tiết Phong), về tội xâm phạm “bí mật quốc gia”.
Những cải tổ chính quyền và hành chinh gần đây đã cải thiện việc điều hành quốc gia tại TQ. Những bản nghiên cứu doanh nghiệp do các tổ chức ngoài nước và trong nước thực hiện, như Bản tường trình về khả năng cạnh tranh toàn cầu trong thời kỳ 2010-2011 của Diễn đàn kinh tế thế giới đã xác nhận điều này. Nhưng mặc dù những thí nghiệm tuyển cử ở cấp xã ấp hiện nay đã cải thiện quyền giám sát của người dân và trách nhiệm của chính quyền, ĐCSTQ vẫn chưa chịu đưa những thử nghiệm này lên cấp huyện và thị xã. Việc thí nghiệm với mục đích gia tăng sự tham dự của dân chúng vào sinh hoạt chính trị cấp thị xã, như những quyết định về ngân sách, cũng còn bị hạn chế tương tự.
Những thay đổi trên sẽ đưa cuộc chuyển hóa của TQ đến đâu? Một số người tại TQ (và thậm chí ở Phương Tây) cho rằng TQ không cần cải tổ thêm nữa. Vì dẫu sao, theo họ, chính quyền Bắc Kinh đã duy trì được đà tăng trưởng kinh tế và cơ bản giữ được ổn định xã hội. Nhưng một số lãnh đạo TQ nhận ra những nguy cơ trong việc bám vào nguyên trạng (the status quo), như thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nêu ra trong một bài diễn văn đọc vào tháng Tám 2010. Có nhiều lộ trình khác nhau có thể đưa TQ đến một tương lai chính trị tự do hơn, nhưng không có một con đường nào nhanh chóng và êm ái để TQ chuyển đổi qua thể chế dân chủ phương Tây. Đài Loan cũng có một nền văn hóa chính trị Trung Hoa, đã cống hiến một mô hình tốt về chuyển đổi từ một nhà nước độc đảng Lê-nin-nít sang một hệ thống dân chủ hơn. Những mô hình khác có thể bao gồm cải tổ rồi quay ngược lại (reforms followed by reversals), như những chuyển biến thấy được ở Nam Tư, Nga, hay Mê-hi-cô.
Những nhà lãnh đạo TQ rốt cuộc có thể quyết đoán rằng những cải tổ hệ thống là quá nguy hiểm và vì thế họ vẫn không muốn đi những bước tiếp theo – như hợp thức hoá các tổ chức xã hội dân sự, gia tăng nỗ lực tách rời đảng khỏi nhà nước, và mở rộng hệ thống chính trị để tiếp nhận sự đóng góp và giám sát to lớn hơn từ xã hội. Tuy vậy, sự chuyển biến từng bước là điều chắc chắn vẫn tiếp tục diễn ra trong khi ĐCSTQ cố chèo chống giữa những những nan đề do một xã hội chuyển biến nhanh chóng đặt ra. Những cải thiện từng nấc (incremental improvements) đã tạo điều kiện cho những cải tổ nhằm tự do hóa trong tương lai có khả năng thành công hơn, nếu chúng được thử nghiệm. Tất nhiên, mỗi một bước điều chỉnh để thích nghi với tình hình mới đều đặt ra nhiều rủi ro cho ĐCSTQ, như sự xuất hiện một giai cấp trung lưu năng động chính trị hơn hay một sự phân hoá nội bộ đảng.
Ngay cả việc tự do hóa chính trị thành công cũng sẽ không đảm bảo rằng TQ sẽ trở nên hoà hoãn hơn hay đi theo một đường lối phù hợp với lợi ích của Mỹ. Thật vậy, mặt đen tối của việc tăng cường tự do và cởi mở đã bắt đầu biểu hiện. Một số tướng lãnh TQ đang sử dụng các phương tiện truyền thông để chất vấn các chính sách đối ngoại của Bắc Kinh và tạo hậu thuẫn quần chúng cho quân đội. Nhiều thị dân trẻ tuổi, có trình độ và rất rành internet, đang ủng hộ một dạng dân tộc chủ nghĩa Trung hoa rất bài ngoại. Và người dân TQ (có thể có sự hậu thuẫn của chính quyền) đang có hành vi làm cho các mối xung đột với những quốc gia láng giềng của TQ trở nên tồi tệ, chẳng hạn các tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trong Biển Đông Trung Hoa. Tuy vậy, tiến trình tự do hoá đang tiếp tục tại TQ là phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ — không phải chỉ vì đây là một thành tựu nhân văn quan trọng. Một TQ được cải tổ chính trị sẽ là một tấm gương khích lệ nhiều quốc gia khác tại châu Á và các nơi khác. Nếu được củng cố vững vàng, một chế độ TQ tự do sẽ trở nên phồn vinh và ổn định hơn, đồng thời hệ thống chính trị nước này có thể có khả năng sửa đổi những sai lầm trong chính sách đối ngoại nếu chúng xảy ra.
Khi chúng tôi viết [về sự chuyển đổi của TQ] trên báo này năm 2001, các quan chức Hoa Kỳ vừa mới nhận ra TQ là một “đối thủ chiến lược” (strategic competitor). Chúng tôi tranh luận rằng, trong tư thế là một quốc gia hùng mạnh hơn nhiều, Hoa kỳ có nhiều phương cách để giới hạn những tuyên bố đầy khẩu khí như thế và để tránh thi đua tăng cường an ninh quốc phòng quá đáng với TQ. Tuy nhiên, một thập niên sau, việc lựa chọn để tránh một cuộc đối đầu giữa hai cường quốc không còn nằm trong tay một mình Hoa Kỳ. Với sự gia tăng sức mạnh tương đối về kinh tế và quân sự, Bắc Kinh bây giờ phải chịu trách nhiệm ngang hàng với Hoa Kỳ nhằm tránh xung đột. Việc TQ tăng cường các lực lượng quân sự tại Eo biển Đài Loan, phát triển các tên lửa đạn đạo chống chiến thuyền và đóng thêm tàu ngầm, cùng việc tuyên bố chủ quyền rộng lớn trên lãnh thổ và lãnh hải trong các Biển Nam và Đông Trung Hoa, cũng như diễn nghĩa rộng rãi các quyền trong khu kinh tế đặc biệt của mình là một thái độ khiêu khích và ngày càng tăng kể từ năm 2001.
Như vậy, Hoa Kỳ ngày nay phải tìm một thế quân bình khó hơn trước. Washington phải tiếp tục xây dựng các khả năng an ninh tại Châu Á nhưng cũng phải cố tránh các khiêu khích không cần thiết, phải biết tự chế trong các tuyên bố về TQ, và đẩy mạnh việc tiếp xúc giữa quan chức của hai quân đội. Mặc dù các lãnh đạo TQ có thể không phản hồi nhanh chóng, nhưng Hoa Kỳ phải kiên trì trong việc tìm kiếm mẫu số chung cho các vấn đề như năng lượng, mậu dịch và tài chính toàn cầu, và an ninh khu vực đồng thời tiếp tục trấn an Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ không chống lại sự lớn mạnh của một TQ hoà bình. Nhưng nếu Bắc Kinh không nhìn nhận trách nhiệm tự chế của mình, Hoa Kỳ phải cứng rắn đáp lại bất cứ sự khẳng định quyền lực nào của TQ. Không đủ cứng rắn có nghĩa là mời gọi TQ đi vào con đường phiêu lưu trong chính sách đối ngoại, một sự phiêu lưu sẽ làm TQ xao lãng thách thức đích thực của mình: cải tổ chính trị trong nước.
Nguồn: http://www.foreignaffairs.com/articles/66773/george-j-gilboy-and-eric-heginbotham/chinas-dilemma
Túy Vân phỏng dịch
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN