Cổ thi Trung hoa có câu thơ nổi tiếng :
Thiên hạ cộng (tận) tri thu 天下共(盡)知秋
Thấy một lá ngô đồng rụng , mọi người đều biết mùa thu đã về.
Không chỉ bởi nét đẹp “mùa thu lá rụng”, câu thơ cổ chinh phục các nghệ sĩ và thức giả muôn đời chính bởi nét đẹp triết lý. Ở đây có quan hệ giữa cái cụ thể là chiếc lá rụng với cái trừu tượng là mùa thu, tình thu, hơi thu…! Lại có quan hệ giữa cái “một” đơn chiếc và cái tổng thể , “thiên hạ” , “cộng” hoặc “tận” là yếu tố rộng lớn, bao trùm. Lại có quan hệ giữa cảm giác nhìn thấy lá rụng trước mắt, với “tri” tức tri giác, là bước phân tích và tổng hợp của tư duy trừu tượng bên trong não bộ.
Sở dĩ chỉ nhìn qua mà biết, nhìn vật nhỏ mà biết điều lớn, nhìn hiện tượng bên ngoài mà biết bản chất bên trong là bởi thiên nhiên vốn có quy luật, mọi thứ đều ràng buộc với nhau chặt chẽ, cái nọ là kết quả của cái kia, cái này là tín hiệu của cái khác.
Trời sinh vạn vật nhưng ràng buộc chúng với nhau như vậy, vạn vật tương quan, nên dẫu “thiên vô ngôn” mà vạn vật vẫn cứ hữu duyên, hữu lý, hữu tình, một vài tín hiệu cũng tự nói thay tất cả.
Dẫu là một thi nhân đa cảm hay một thức giả túc trí , bằng những kênh riêng đều “ngộ” được lẽ huyền diệu ấy, nên họ thường kiệm lời. Hội họa cũng vậy, tranh thủy mặc, nhất là tranh Tề Bạch Thạch chỉ khắc họa vài nét đơn sơ, tưởng như rời rạc mà dưới mắt người thưởng ngoạn những nét chấm phá ấy cứ nối vào nhau, tạo nên những chỉnh thể sinh động, lấp lánh. Người thưởng ngoạn sẽ tự lấp đầy những khoảng trống mà họa sĩ hay thi nhân kia chẳng cần mô tả, nên tự cảm thấy mình được ủy nhiệm hoàn thành nốt quá trình sáng tác như một đồng tác giả. Trong khung cảnh ấy con người như thấy mình được đắm trong một thiên nhiên khoáng đạt, thanh cao, được chủ động khám phá, được tôn trọng, thì đáp lại, anh ta tự nhiên thấy mình cũng phải đáp ứng một cách nhạy cảm, trí tuệ , thanh cao, phải tự nâng mình lên cho xứng. Ta thấy trong lòng yên ả, cuộc sống sao mà đẹp!.
Thơ như thế, họa như thế, biết lắng nghe những tín hiệu từ lúc còn thầm kín, manh nha, mà đã hiểu nhau và đáp ứng nhau tương xứng, phải chăng đó chính là nét đẹp truyền thống của phép ứng xử phương Đông, văn hóa phương Đông?
*
Tiếc thay nét đẹp văn hóa truyền thống ấy dường như đã biến mất khỏi xã hội ta hôm nay.
Chưa cần tìm đâu xa, chưa cần cọ xát trực tiếp với phố phường kẹt xe, ẩu đả, văng tục, chẳng thèm để ý đến ai, soi đuốc khó tìm một cử chỉ tế nhị, thanh lịch; chỉ cần ngồi trong nhà, nhắp chú chuột vi tính, đọc những tin cả “lề phải-lề trái” về những vấn đề lớn đang chi phối bầu khí quyển xã hội, ta sẽ thấy một cơn bất an, vẩn đục, náo loạn nổi dậy trong lòng. .
Từ những dự án khổng lồ như khai thác Bô-xít Tây nguyên, dự án tàu cao tốc xẻ dọc Bắc Nam, đại chương trình Lễ hội Thăng long nghìn tuổi, chương trình mở rộng thủ đô, thái độ giữ gìn biên cương tổ quốc…đến những chương trình nhỏ hơn như cải cách giáo dục, đào tạo tiến sĩ và dựng bia tiến sĩ, làm thế nào để chống tham nhũng, chống nạn cướp đất của dân…, tất cả đều khiến ta đồng cảm ngay với những từ ngữ tả sự trơ lỳ đến cực độ của nhân tình thế thái: này đui điếc, cố tình, ngụy biện, này nước đổ lá khoai, nước đổ đầu vịt, này cố đấm ăn sôi, cãi chày cãi cối…đến đứt cả dâu thần kinh xấu hổ !
Những thông tin đập vào tai vào mắt đã không còn là những tín hiệu, những dự báo, mà đã thành những sự thật rành rành, thậm chí dù đui mù cũng phải biết, mà những người có trách nhiệm vẫn làm như không có gì xảy ra, như “không có gì mới” hết. Trước những lẽ phải tưởng đến “củ cải” cũng phải nghe, mà xem chừng người ta còn lỳ hơn củ cải. Có blogger phải bực mình thốt lên : Ừ thì có gì mới, nếu thành nô lệ của Tàu thì cũng đã bị Bắc thuộc 1000 năm rồi chứ mới gì đâu? Điều ngược đời là những phong cách trơ lỳ này lại ở những người thường lấy đặc điểm văn hóa phương Đông để phản bác những người không cùng chính kiến. Người phương Đông nhìn chiếc lá rơi đã biết cả một một thu đã về, nay thấy cả một làn sóng của giới trí thức và nhân sĩ lên tiếng ầm ầm như vậy mà những người có bổn phận phải lắng nghe lại không hề giật mình rằng thời thế đã biến đổi, nước đã đến chân, rằng niềm tin của dân đã rụng vèo vèo hơn lá rừng mùa thu hay sao?
Nhân bài thơ về chiếc lá ngô đồng, kẻ văn nhân không khỏi lan man nghĩ về những chiếc lá như một mô-típ giàu biểu cảm trong văn học : chiếc lá cuối cùng, chiếc lá đầu tiên, chiếc lá tình yêu, chiếc lá cô đơn, chiếc lá vô tình, chiếc lá thu phai, lá rụng trong vườn…và cả chiếc lá đa nữa. Nhưng liên quan đến câu chuyện về sự tế nhị và thô thiển , về sự thanh lịch và trơ tráo thì độc chiếm văn đàn là chiếc lá nho.
Không biết tự bao giờ chiếc lá nho đã được chọn làm tấm bình phong, làm vật trung gian hòa giải cho cái tục trước cái thanh, cái thô trước cái tinh, cái giả trước cái thật, cái xấu trước cái đẹp, cái ác trước cái thiện…, để những mặt đối lập ấy có thể cùng chung sống? Lá nho, tức lá bồ đào 葡萄, vì thế đã thành thứ lá ngụy trang, che mắt người đời.
Chiếc lá nho tuy thuộc loại lá có diện tích vào loại lớn nên được dùng làm vật che đậy, song nó chỉ có tác dụng ngắn hạn. Những vật liệu khác kiên cố hơn nhiều, như “mo” như “thớt” mà còn bị lật ra , hỏi chiếc lá nho bền được bao lâu?
Xứ sở của những câu thơ, những bức họa kết tinh của triết lý, tinh tế, nhạy cảm, phong nhã như bài về chiếc lá ngô đồng, như tranh Tề Bạch Thạch, là xứ Trung Hoa. Nhưng có mấy ai biết đây cũng chính là xứ sở thiên tài về sử dụng chiếc lá nho che sự chai lỳ? “Mười sáu chữ vàng” và “chiêu bài bốn tốt” chẳng phải là chiếc lá nho một thời hiệu nghiệm, từng che được bộ mặt khả ố của cả kẻ bán lẫn kẻ mua đối với giang sơn gấm vóc và văn hóa kiêu hùng của ta đấy ư?
Nhưng dân Việt là dân Phù Đổng, bình thường thì như đứa trẻ thơ, mà khi có giặc là vụt lớn lên trăm trượng, có thiên lý nhãn, biến tre trúc thành gươm đao, biến sắt thành ngựa chiến, biến hơi thở thành cuồng phong rực lửa, thì một chiếc lá nho kia chịu được mấy nả mà lo? Thắng bại chưa nói, nhưng chiếc lá nho đã rụng, nhiều chiếc lá nho khác rụng theo.
Vậy xin “update” câu thơ cổ tuyệt diệu kia thành :
Thiên hạ cộng tri…THÙ! 天下共(盡)知…讎
(một chiếc lá nho rớt xuống, cả thiên hạ trông rõ mặt kẻ thù)
Và câu thơ Việt ứng tác : Biển Đông rụng một lá nho
Tái tê “ba vạn”, tô hô…cửu trùng.
Đà lạt ngày 1-11-2010
HSP