Ông Bùi Kiến Thành: Làm bauxite ở Tây Nguyên không có hiệu quả kinh tế mà chỉ hủy hoại môi trường. Khi tính hiệu quả kinh tế của một dự án phải tính tất cả giá trị dự án đó làm ra và mất đi (nguồn http://nld.com.vn ).
Dù ký tên ủng hộ Kiến nghị dừng dự án bauxite ở Tây Nguyên nhưng tôi không nghĩ đến việc lên tiếng vì đây không phải là lãnh vực chuyên môn. Nay may mắn, nhờ có bài phỏng vấn ông Bùi Kiến Thành khi nói đến tính hiệu quả của giá trị dự án khi nó làm ra và mất đi, đã tạo động lực chính cho tôi viết bài này. Xin đóng góp thêm vài ý thật nhỏ về cái giá trị mất đi của một dự án.
Bauxite giống như dầu khí, than là những tài nguyên sẽ cạn kiệt sau khi khai thác. Đó là tính cạn kiệt của khoáng sản.
Và sau khi kết thúc của một dự án, phải tính đến phí tổn tháo gỡ (Decommissioning, abandonment hay removal costs). Phí tổn phá bỏ, tháo gỡ hay phí tổn bảo trì nếu tiếp tục duy trì dàn khoan ngoài khơi hay hồ chứa bùn đỏ. Ngay cả khai thác mỏ than cũng không có chuyện ngoại lệ. Vì vấn đề môi trường cho đời sống an toàn con người hôm nay và thế hệ tương lai. Vì chúng ta ai cũng biết rằng việc khai thác một số khoáng sản có thể gây tác hại khủng khiếp cho môi trường. Dầu tràn tràn dầu chảy vào vịnh Mexico ở Mỹ và bùn đỏ bauxite tràn ở Hungary là dẫn chứng sống động gần nhất.
Dù là chi phí phát sinh sau một thời gian dài, thường là 20 đến 50 năm, không phải là không tính được theo nguyên tắc giá trị hiện tại (NPV, net present value) trên một giải pháp kỹ thuật hiện đại chọn lựa tối ưu. Và ngành công nghiệp khai thác dầu khí ngoài khơi đã phải bắt buộc xét đến yếu tố này khi tính toán hiệu quả của một dư án khai thác. Luật dầu khí Na Uy buộc các công ty dầu khí phải dự trù phí tổn này, chia đều hàng năm khi một mỏ dầu đi vào sản xuất. Luật thuế Na Uy còn khắt khe hơn, không cho phép đưa khoản chi phí dự trù này (accrued costs for removal) vào phí được bớt thuế. Thuật ngữ chuyên môn gọi là asset retirement obligations (ARO). Tại Na Uy, các công ty/chủ dự án khai thác dầu khí và khoáng sản hàng năm phải dự trù chi phí này và tồn khoản nợ dài hạn (accumulated long-term liabilities) của ARO lên đến đến cả tỷ USD. Hàng năm phải điều chỉnh tồn khoản nợ này theo nguyên tắc giá trị hiện tại (NPV) cho đến kết thúc đời sống của một dự án khai thác. Khoản nợ dài hạn này, công ty hay chủ dự án sẽ phải đem ra để tái tạo môi trường theo phương án công nghệ hiện tại tốt nhất cho an toàn và môi trường sống.
Điều này có nghĩa là giá trị mất đi phải được tính bằng thuế và dự trù phí tổn để bảo vệ môi trường sau khi khai thác.
Ở Việt Nam, tôi không biết chắc công ty khai thác dầu khí (thí dụ PV Oil hay PV Gas …) phải chịu tỷ suất thuế lợi tức là bao nhiêu vì Việt Nam theo chính sách hợp đồng phân chia sản phẩm (Production sharing contract, PSC) còn Na Uy theo chính sách nhượng địa (consession system). Tại Na Uy, thuế lợi tức tổng quát là 28% cho tất cả các hoạt động kinh doanh, sản xuất nhưng 78% cho ngành khai thác dầu khí. Khoản thuế cách biệt 50% thu vào được dành cho phúc lợi công, không chỉ cho thế hệ ngày hôm nay mà nhiều thế hệ mai sau. Đây là trách nhiệm đặt trên vai mỗi nhà lập pháp.
Dự án khai thác bauxite Tây Nguyên quá lớn và quá nguy hiểm, cả về văn hóa, quốc phòng, kinh tế và môi trường. Trách nhiệm này thuộc về Quốc hội, không thể khoán trắng cho Tập đoàn Than Khoáng Sản (TKV) hay Chính phủ vì họ là người thừa hành, mặc dù Quốc hội đã mang tiếng gật gật trừ một lần can đảm ra nghị quyết lịch sử bác dự án đường sắt cao tốc (*).
Đã là người thừa hành thì viễn kiến của họ ngắn và mang tính cơ hội. Bởi vậy TKV hay bộ chủ quản Công Thương quên khoản giá trị mất đi này là điều dễ hiểu. Vậy toàn bộ tính toán hiệu quả kinh tế của dự án khai thái bauxite Tây Nguyên của TKV mang nhiều tính viển vông hơn là thuyết phục. Tỷ lệ hoàn vốn nội tại (IRR) của TKV là 11,4% (Tân Rai) và 10,6% (Nhân Cơ) là con số mới nhất sau những điều chỉnh ngược đời và lạc quan tếu chỉ là con số vô hồn, thiếu thuyết phục. Xin đọc thêm bài Độ tin cậy của những con số, từ nguồn http://nguyenvanphu.blogspot.com .
Tôi thiển nghĩ – xin cứ hiểu là thiện ý – khi ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khư khư bảo lưu dự án khai bauxite là “chủ trương lớn” là thời điểm ông Dũng hay vài-ông-ngồi-trên-ở-đâu-đó được báo cáo bằng những con số viển vông này.
Stavanger, Na Uy 31/10-2010
N. Q. M.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(*) Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) tâm sự: “Đại biểu Quốc hội các ông không giải quyết được thì chúng tôi coi các ông cũng chỉ là cái bưu điện thôi. Nghe dân nói như vậy tôi rất đau”. Nguồn: Tuoitre.