Hơn ba tuần đã trôi qua sau thời điểm định mệnh 4-10-2010 – khi bể chứa số 10 của nhà máy luyện alumin tại TP Ajka bị vỡ một mảnh đập chắn khiến hơn 1m2 dung dịch bùn đỏ có độ kiềm rất lớn tuôn tràn và phá hủy các khu cư dân, gây thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử Hungary – cho đến nay, đề tài bùn đỏ đã dần dần không còn hiện diện trên trang nhất các mặt báo của nước này.
Song song với việc khắc phục hậu quả của bùn đỏ và tái ổn định đời sống cư dân những vùng bị bùn đỏ hủy diệt, những bài học về xử lý môi trường trong sản xuất công nghiệp đã và sẽ để lại nhiều trải nghiệm quý báu cho chính giới, không chỉ tại Hungary.
Ai là thủ phạm?
Câu hỏi này, nếu cách đây hơn hai chục ngày đã được các quan chức chính phủ Hungary nêu ra một cách cương quyết và gay gắt – Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) – thì đến giờ, các tuyên bố đã “kín kẽ” hơn nhiều. Bởi lẽ, trong một quốc gia dân chủ và pháp quyền, chỉ tòa án mới có quyền đưa ra lời phán xử tối hậu trong những vấn đề như vậy.
Tuy nhiên, trước mắt, búa rìu dư luận vẫn chủ yếu tập trung vào MAL Zrt., doanh nghiệp chủ sở hữu nhà máy luyện alumin ở TP Ajka. Bản thân tập đoàn bị đặt dưới sự giám sát và điều hành trực tiếp của Nhà nước, thông qua một Ban quản lý, đứng đầu là trung tướng, TS. Bakondi György, Cục trưởng Cục Phòng chống thảm họa Quốc gia (OKF) – các chủ sở hữu gần như bị vô hiệu hóa vì không còn thực quyền.
Ba lãnh đạo của MAL Zrt. – Tổng giám đốc Bakonyi Zoltán, Giám đốc Kỹ thuật Deák József và người chịu trách nhiệm về môi trường, kiêm phụ trách phòng thí nghiệm Fodor Józsefné – cũng bị coi là các nghi phạm trong vụ án đang được Cục Điều tra Quốc gia Hungary tiến hành.
Hơn thế nữa, tài sản của của ông Bakonyi Zoltán và bà Fodor Józsefné hiện đang bị phong tỏa, và nỗ lực hỗ trợ các nạn nhân bùn đỏ của MAL Zrt. (doanh nghiệp này muốn bỏ ra 1,5 tỷ Ft trong vòng 5 năm cho mục đích nói trên) cũng bị ngăn chặn, vì chính phủ cho rằng nếu cần bồi hoàn thì phải lấy từ chính tài sản của các thủ phạm.
Dầu vậy, những phát biểu mang tính chính thức của nội các đã tỏ ra khá dè dặt. Trả lời câu hỏi của “Tiền Phong”, đại úy Petróczi Tímea, Phát ngôn viên phụ trách Báo chí của ông Bakondi György, thận trọng: “Nguyên nhân thảm họa hiện vẫn là đối tượng của cuộc điều tra, chúng tôi không muốn đưa ra các giả thuyết. Chúng tôi sẽ thông báo ngay với công luận khi có kết quả điều tra”.
Nguyên nhân tại đâu?
Qua câu trả lời trên, bà Petróczi Tímea đã đả động đến một vấn đề cốt lõi trong sự cố bùn đỏ tại Hungary: một khi chưa xác định chính xác nguyên nhân, khó quy được trách nhiệm.
Cho đến nay, Ban lãnh đạo MAL Zrt. vẫn giữ quan điểm trước sau như một, rằng họ không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm trong vụ tràn bùn. Bởi lẽ, theo MAL Zrt., kể từ khi tiếp quản hệ bể chứa bùn đỏ (năm 1997), họ đã đầu tư rất nhiều kinh phí để tuân thủ mọi quy định về kỹ thuật và bảo vệ môi sinh, hơn thế nữa, các cơ quan chức năng đã kiểm tra thường xuyên trạng thái các bể chứa (lần gần nhất là 2 tuần trước khi thảm họa xảy ra) mà không bao giờ phát hiện ra điều gì nguy hiểm.
Theo góc độ ấy, MAL Zrt. cho rằng tai họa xảy ra là bởi những yếu tố môi trường và biến động thiên nhiên bất hạnh, không thể lường trước. Ngoài ra, ngay sau khi sự cố xảy ra, tập đoàn này cũng tự tiến hành những cuộc kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân sự cố và theo ý kiến giám định sơ bộ của các chuyên gia thổ nhưỡng, việc xây dựng một vách chắn sâu tới 8-16m dưới lòng đất (tới tận các lớp chống thấm) có thể là nguyên nhân chính của thảm họa.
Tấm vách bê tông đó được Nhà nước Hungary chỉ đạo xây trong hai giai đoạn (1990-1994, và 2001), dài tổng cộng 7,3 km, bao quanh bể chứa số 10 với mục đích ngăn chặn sự lan tỏa của nước bùn đỏ nhiễm kiềm. Tuy nhiên, trong nhiều năm, lượng nước mưa tích tụ và không thể thoát đi đâu đã khiến đập chắn bùn bị úng, các tầng đất bị trượt dẫn đến việc vách bể chứa bị vỡ.
Nếu ý kiến giám định này được xác nhận thì vai trò của Nhà nước trong việc áp đặt đối với doanh nghiệp một giải pháp kỹ thuật “hoàn toàn sai lầm và thiếu chuyên môn” (nhận định của đại diện pháp luật MAL Zrt.) như vậy có thể khiến phần trách nhiệm của MAL Zrt. trong sự cố sẽ được công luận xem xét dưới một cách nhìn khác.
Vách chắn cố nhiên không phải là yếu tố kỹ thuật duy nhất đóng vai trò trong thảm họa vừa qua. Trong trao đổi với “Tiền Phong”, bà Petróczi Tímea thừa nhận rằng Hungary dùng công nghệ thải bùn ướt, không thể bằng thải khô. Bà cũng cho biết: nhân sự cố tràn bùn, các giám sát viên của Đặc phái viên Chính phủ (được giao nhiệm vụ quản lý và phụ trách MAL Zrt.) hiện đang tích cực chỉnh sửa công nghệ và giải quyết các vấn đề tài chính trong việc nâng cao các giải pháp kỹ thuật, nhằm đảm bảo an toàn hơn trong sản xuất và môi trường.
Đồng thuận xã hội
Báo chí và công luận Hungary đều cho rằng những câu hỏi về nguyên nhân kỹ thuật và trách nhiệm cá nhân còn phải rất lâu mới có được câu trả lời rốt ráo, bởi đó là những vấn đề rất phức tạp, liên quan tới nhiều vấn đề luật pháp và cả cơ cấu tổ chức chính quyền tại Hungary. Một thực tế mà ai cũng thấy và đồng tình là các nạn nhân bùn đỏ phải được ổn định cuộc sống trong thời gian ngắn nhất, bất kẻ phán quyết sau này của tòa án có buộc trách nhiệm cho bên nào đi nữa.
Trong vấn đề này, Hungary đã đặt được sự đồng thuận xã hội lớn lao hơn bao giờ hết. Một phong trào quyên góp rộng lớn chưa từng thấy đã được rất nhiều cá nhân và tổ chức đề xướng, đem lại kết quả hết sức mỹ mãn: chỉ trong vài ngày đầu, TP Ajka và các vùng lân cận đã không còn chỗ chứa cho hàng cứu trợ. Tính đến nay, người dân và các doanh nghiệp Hungary đã bỏ ra hàng tỷ Forint để ủng hộ các đồng bào kém may mắn của họ!
Rất nhiều tình nguyện viên đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, tranh thủ về Kolontár và Devecser – hai làng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơ lũ bùn đỏ – trong thời gian rảnh rỗi cuối tuần của mình, để hỗ trợ công việc của chừng 4.000 nhân viên công lực làm việc ngày đêm tại hiện trường. Về căn bản, các vùng cư dân mà lũ bùn đỏ tràn qua đã được dọn dẹp tươm tất – ước tính, trong 3 tuần, đã có tới 1,5 triệu m3 bùn đỏ, rác thải, đất bị ô nhiễm và nhà cửa bị phá được chở đi và gom tại tại bể chứa số 6, hiện đã đầy ắp, để chờ xử lý.
Về phía chính quyền, một loạt các biện pháp đồng bộ đã được đưa ra để xử lý thảm họa. Chính phủ Hungary cho thành lập một Quỹ Cứu trợ để nhận các khoản quyên góp từ cư dân và doanh nghiệp – đích thân Tổng thống và Thủ tướng Hungary đã gửi thư đến từng công dân, kêu gọi sự ủng hộ “đối với những người chịu thảm họa, mất nhà cửa và hiện cần khởi đầu một cuộc sống mới”, trên tinh thần “đoàn kết trong hoạn nạn”. Đến ngày 25-10, đã có hơn 700 triệu Ft được chuyển về Quỹ, chờ sự phân bổ về từng địa phương do Ủy ban Cứu trợ thực hiện.
Nội các Hungary cũng đã tiến hành đàm phán với các ngân hàng để nạn nhân sự cố bùn đỏ được hoãn chi trả các khoản tín dụng, đồng thời, những khoản phí điện, nước, sưởi… của cư dân cũng được “châm chước”. Theo đề xuất của Chính phủ, nhiều hãng bảo hiểm cho biết, họ sẵn sàng giúp đỡ các nạn nhân bằng cách hoỗ trợ cả những khoản không có trong hợp đồng bảo hiểm.
Ăn ở và sinh kế, vấn đề quan trọng nhất của cư dân vùng bị bùn đỏ hủy diệt cũng được chính phủ đặt ra ngay từ những ngày đầu. Người dân có nhiều lựa chọn: có thể nhận nhà trong khu cư dân mới do nhà nước chuẩn bị xây dựng tại nơi ở cũ, hoặc chuyển đến những ngôi nhà trong danh sách mà nhà nước đề xuất tại các vùng khác trên đất nước. Trong việc này, cách cư xử của chính quyền cũng rất cẩn trọng: nguyện vọng và ý muốn của từng cư dân được lắng nghe và tôn trọng, cho dù vì lý do tâm lý, ban đầu đa phần đều muốn bỏ đi nơi khác và chỉ sau một thời gian nhất định, họ mới nghĩ lại và phần lớn vẫn bày tỏ mong muốn ở lại nơi chôn rau cắt rốn.
Trước mắt, chính quyền Hungary đã tỏ ra xuất sắc – như nhận định của Ủy ban Châu Âu – trong việc chăm lo nơi ăn ở tạm thời và đảm bảo điều kiện y tế cho mấy ngàn người chịu ảnh hưởng của lũ bùn đỏ. Tại khu dân cư bị hủy hoại hoàn toàn bởi bùn đỏ ở làng Kolontár, một công viên tưởng niệm sẽ được dựng lên như một lời cảnh báo về hiểm họa môi trường – còn hệ thống đường sắt chạy qua địa phương cũng được phục hồi với chi phí 500 triệu Ft.
*
Sẽ còn là quá sớm nếu muốn tổng kết về hậu quả về kinh tế và thiệt hại môi trường do sự cố bùn đỏ vừa rồi tại Hungary gây ra. Trước mắt, chính quyền Hungary đang tiến hành kiểm tra – với những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất – ở các vùng đất canh tác, xem mức độ ô nhiễm đến đâu và cần thay đất đến độ sâu nào. Các con sông, nhánh sông bị ô nhiễm cũng liên tục được xem xét, với mục tiêu tái phục hồi hệ sinh thái trong thời gian nhanh nhất.
Về dài hạn, Đặc phái viên Chính phủ Bakondi György cho biết, Hungary đang tính toán đến việc đổi mới và hiện đại quá công nghệ luyện alumin và chứa bùn đỏ, giải pháp khả dĩ là chuyển sang công nghệ thải khô. Bởi lẽ, bùn đỏ theo cách hiểu “chuẩn” của Liên hiệp Châu Âu, được bảo quản với độ ẩm 25% (chứ không phải 70% như ở Kolontár), và nồng độ kiềm là 10 (độ pH, trái với giá trị 13 độ pH ở Hungary), thì không phải là rác thải nguy hiểm vì không bị chảy và không làm ngập môi trường xung quanh.
Hungary cũng sẽ thông qua luật cho phép các cơ quan bảo vệ môi trường và phòng chống thảm họa có quyền kiểm tra chặt chẽ những cơ sở công nghiệp nguy hiểm, và buộc các doanh nghiệp có liên quan phải mua bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc, để trong trường hợp bất cứ tai nạn hay thảm họa nào xảy ra, luôn có đủ kinh phí để bồi hoàn thiệt hại.
Trong cái rủi cũng có cái may, sự cố vừa qua tại Hungary đã giống một hồi chuông khiến chính quyền, doanh nghiệp và cư dân nước này quan tâm hơn đến vấn đề môi trường, thường được coi là chuyện xa vời, không thực tế. Người dân cũng được biết đến nhiều thông tin khoa học xác tín về bùn đỏ, một “vấn nạn” mà Hungary phải chịu từ nửa thế kỷ nay, khi còn là một cường quốc trong khối XHCN về chế biến bauxite và luyện alumin.
Như Phát ngôn viên Petróczi Tímea cho “Tiền Phong” biết, trong dịp này, tất cả các bể chứa trên lãnh thổ Hungary (hiện chứa khoảng 50 triệu m3 bùn đỏ) đều đã được tái kiểm tra nghiêm ngặt. Ngoài ra, để đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của người dân, diễn tiến cuộc điều tra được Sở Cảnh sát Quốc gia “bạch hóa” thông qua người phát ngôn bất cứ khi nào nếu báo chí cần tiếp cận.
Những nỗ lực ấy của chính giới Hungary cho thấy, ngay cả khi thảm họa xảy ra, vẫn có thể rút ra được những bài học và kinh nghiệm cho tương lai, nhất là trong một vấn đề phức tạp, phụ thuộc nhiều vào sự biến thiên của thời gian và các yếu tố kỹ thuật khó lường trước, như việc luyện alumin và xử lý bùn đỏ.
(*) Bài viết đã trích đăng trên “Tiền Phong”.
H.L.
Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2610