Nợ công

Nguồn: Economist Intelligence Unit

Nguồn: Economist Intelligence Unit

(TBKTSG) – Nợ công, một lần nữa, lại làm nóng nghị trường Quốc hội, trong đó ba vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là quy mô, tính an toàn, và tài trợ nợ công.

Về quy mô, Bộ Tài chính ước tính đến cuối năm 2010, nợ công của Việt Nam vào khoảng 56,7% GDP, tăng nhanh từ mức 52,6% GDP của năm 2009. Tuy nhiên, định nghĩa nợ công của Bộ Tài chính chỉ bao gồm nợ của Chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh chứ không bao gồm nghĩa vụ nợ của ngân hàng trung ương, các đơn vị trực thuộc Chính phủ, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước như định nghĩa của UNCTAD. Theo định nghĩa này, nợ công của Việt Nam hiện nay không dưới 70% GDP vì theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến 31-12-2008, riêng tổng dư nợ nội địa của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã lên tới 287.000 tỉ đồng (hay 20% GDP năm 2008), mà tổng dư nợ này lại tăng lên đáng kể trong năm 2009 do chính sách kích cầu của Chính phủ. Không những thế, thống kê nợ của doanh nghiệp nhà nước thường rất không đầy đủ, được minh chứng qua trường hợp của Vinashin với tổng dư nợ thực tế, theo một đại biểu Quốc hội, có thể lên tới 120.000 tỉ chứ không phải 86.000 tỉ như báo cáo của Chính phủ.

Cần nhấn mạnh là tỷ lệ nợ công/GDP chỉ phản ảnh một cách hết sức phiến diện mức độ an toàn hay rủi ro của nợ công. Nợ công khoảng 100% đủ để một nước như Hy Lạp rơi vào tình trạng phá sản, trong khi đó nợ công lên tới hơn 200% như Nhật Bản vẫn được coi là an toàn. Như vậy, mức độ “an toàn” hay “nguy hiểm” của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP, mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của nền kinh tế.

Nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách (cả trong và ngoài dự toán) tăng từ 2,8% GDP năm 2001 lên tới 9,6% GDP năm 2009 (theo EIU). Điều này vi phạm một nguyên tắc cơ bản của quản lý nợ công bền vững, đó là nợ công ngày hôm nay phải được tài trợ bằng thặng dư ngân sách ngày mai. Đây là nguyên nhân chính khiến Fitch giảm xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+ (tức là thấp hơn “mức đầu tư” (investment grade) bốn bậc) vào cuối tháng 7-2010.

Với nhu cầu tiếp tục đầu tư để phát triển, chắc chắn nợ công của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới. Cụ thể là với tỷ lệ tiết kiệm nội địa/GDP ngày một giảm (hiện khoảng 27%) trong khi mức đầu tư toàn xã hội ngày một tăng (hiện khoảng 42% GDP) thì bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ sẽ phải tiếp tục đi vay rất nhiều để bù đắp khoản chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư.

Tốc độ tăng GDP cao là điều kiện cần để tăng nguồn thu và đạt thặng dư ngân sách. Tuy nhiên, ở Việt Nam tăng trưởng GDP chủ yếu do tăng lượng đầu tư mà không đi kèm với tăng hiệu quả, bằng chứng là hệ số ICOR không ngừng tăng lên. Vì đầu tư không thể tăng mãi nên đến một lúc nào đó, tốc độ tăng trưởng sẽ phải giảm. Đáng lo ngại là chính vào lúc tốc độ tăng trưởng GDP giảm cũng là lúc nhiều khoản nợ nước ngoài của Chính phủ đáo hạn.

Ở Việt Nam lạm phát đã trở thành cái bóng đi sau tăng trưởng GDP. Bằng chứng là khi nền kinh tế vừa chớm phục hồi thì CPI và lãi suất đã tăng nhanh trở lại. Hệ quả là trong năm 2010, lợi suất trái phiếu trong nước lên tới trên 11%, đồng thời lợi suất trái phiếu quốc tế cũng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Nợ công ở Việt Nam tăng nhanh trong khi thâm hụt ngân sách đã trở thành kinh niên, đầu tư lại không ngừng mở rộng kéo theo lạm phát và lãi suất cao khiến cho việc tài trợ nợ công ngày càng trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, Bộ Tài chính vẫn chưa có một chiến lược quản lý nợ công thuyết phục. Mức độ nợ công theo định nghĩa quốc tế hiện nay là bao nhiêu? Tính an toàn của nợ công trong 5-10 năm tới như thế nào? Nợ công sẽ được tài trợ ra sao? Đây là những câu hỏi chờ đợi câu trả lời của Chính phủ trong kỳ họp Quốc hội lần này.

V. T. T. A.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/doisong/42539/No-cong.html

(*) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.