Dự án bôxit: Nếu không an toàn thì dừng

TT – “Nếu cảm thấy không an toàn thì việc dừng là đúng và cần thiết” – ông NGUYỄN VĂN BAN (nguyên trưởng ban dự án nhôm của Tổng công ty Khoáng sản VN thuộc Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN – TKV).

Ông Ban nói như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về dự án bôxit tại VN.

Hồ lắng bùn đỏ tại công trình bôxit nhôm Tân Rai, Lâm Đồng - Ảnh: Lê Dung

Hồ lắng bùn đỏ tại công trình bôxit nhôm Tân Rai, Lâm Đồng - Ảnh: Lê Dung

Ông Nguyễn Văn Ban - Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Văn Ban - Ảnh: Việt Dũng

Ông Ban cũng cho hay phương pháp xử lý bùn đỏ áp dụng tại hai nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) không phải là phương pháp tiên tiến nhất. “Tai họa bùn đỏ tại Hungary đặc biệt trầm trọng. Đó là bài học đau đớn bởi Hungary được xếp vào diện những nước có trình độ nghiên cứu, xử lý quặng bôxit hàng đầu. Vì vậy tai họa này là cảnh báo rất lớn đối với VN. Nếu các dự án của VN không quan tâm đúng mức, không kiểm tra thật kỹ mà chỉ chạy theo mục đích kinh tế đơn thuần thì rất đáng lo ngại” – ông Ban nói.

Ông Nguyễn Văn Ban nhấn mạnh: Không ai có thể lường trước được những nơi xây dựng hồ chứa bùn đỏ đó có xảy ra những trận mưa lũ lớn làm vỡ hồ không. Có thể khi thiết kế chúng ta dựa vào tài liệu khí tượng thủy văn hàng trăm năm để tính nhưng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra đột biến và ghê gớm như hiện nay, việc thiết kế các hồ chứa bùn đỏ cần phải xem xét hết sức kỹ lưỡng, phải lấy những hệ số an toàn cao hơn rất nhiều, kể cả hệ số dự tính cho những đột biến xảy ra đối với thời tiết.

* Thưa ông, bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường cho biết đã thẩm định rất kỹ hai khu xử lý bùn đỏ của hai nhà máy và nói rằng hồ chứa bùn đỏ của VN sẽ theo mô hình của Úc, Brazil chứ không theo mô hình của Hungary. Liệu cách xử lý bùn đỏ như ở Úc và Brazil có phải là phương pháp an toàn không?

– Trước hết, nói về việc xử lý bùn đỏ phát sinh trong quá trình chế biến alumin thì thế giới có hai phương pháp là thải ướt và thải khô. Thải ướt thì rẻ tiền, nước nhiều, bùn ít và không cần hệ thống bơm cao áp để bơm bùn vào các hồ chứa. Bùn đỏ sau khi đưa vào hồ chứa thì để lắng dần. Phương pháp này có nguy cơ làm thẩm thấu xuống nước ngầm và vỡ hồ chứa giống như ở Hungary.

Còn phương pháp thải khô, tức bùn đỏ trước khi thải ra môi trường sẽ được lọc, ép để được loại bùn giống như đất, có độ ẩm khoảng 30%. Sau đó bùn này được đổ ra bãi đến khi đầy thì dùng đất lấp đi, dung dịch đi kèm bùn đỏ thì thu gom lại. Như thế khả năng tàn phá môi trường cũng như nguy cơ vỡ hồ chứa sẽ được loại trừ.

Tại hai dự án bôxit ở Tây nguyên, chúng ta xử lý bùn đỏ bằng phương pháp thải ướt nên mới phải làm các hồ chứa. TKV nói sẽ chia thành các ô chứa nhỏ nhưng để mỗi ô lắng đầy thì cần thời gian rất lâu vì tốc độ lắng ở bùn không nhanh, nghĩa là sẽ gây áp lực về sự nguy hiểm. Mặt khác, việc chia ô như thế có phải là giải pháp an toàn không thì cần có thẩm định đầy đủ và tính toán kỹ lưỡng.

* Tức là phương pháp xử lý bùn đỏ giống như mô hình của Úc và Brazil không phải là phương pháp tiên tiến?

– Đấy không phải phương pháp tiên tiến. Thải ướt là phương pháp lâu đời. Mặc dù TKV cho biết thực hiện theo kiểu chia ô nhưng mỗi ô vẫn là một hồ bùn đỏ và các hồ nhỏ này nằm trong một hồ bùn đỏ lớn, tức nếu có biến động thiên tai thì các hồ này sẽ bị tàn phá như nhau, nguy cơ thảm họa vẫn có thể xảy ra như ở Hungary. Vì vậy cách xử lý bùn đỏ tốt nhất là áp dụng phương pháp thải khô. Bùn đỏ lọc ra dạng khô, đổ ra bãi có xử lý chống thấm, đổ đầy đến đâu thì lấp đất đến đấy rồi hoàn thổ trồng rừng.

Tất nhiên đầu tư cho cách này sẽ tốn tiền hơn và đòi hỏi giải quyết vấn đề lắng của bùn đỏ phải tốt, tức là phải dùng những “thuốc” trợ lắng để lắng bùn. Trên thế giới người ta đã áp dụng phương pháp này và tôi cho rằng trong tương lai chúng ta nên áp dụng phương pháp thải khô. Một dự án bôxit cần giải quyết vấn đề môi trường triệt để và an toàn thì chúng ta phải xử lý cách đó và dùng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật khác của dự án một cách hiệu quả để bù lại, chẳng hạn loại bỏ việc vận chuyển bằng ôtô, xây dựng đường ống vận chuyển rẻ hơn.

* Ngoài việc xử lý bùn đỏ, ông đánh giá thế nào về công nghệ chế biến alumin được áp dụng tại hai dự án của VN?

– Trước hết, phải nói rằng ở Trung Quốc không một nhà máy nào xử lý loại bôxit như ở Tây nguyên. Nhưng hiện nay họ lại đang thiết kế cho chúng ta hai nhà máy ở Tây nguyên. Điều đó khiến tôi băn khoăn nhiều. Bôxit của VN dễ hòa tách ở nhiệt độ thấp nhưng có khó khăn trong việc lắng tách bùn đỏ. Vì vậy, khi thiết lập một quy trình công nghệ cho một nhà máy xử lý một loại quặng nhất định thì bắt buộc phải lấy mẫu đại diện, nghiên cứu, xác lập công nghệ cho loại quặng đó. Có người nói họ cũng có làm nhưng tôi có một số tài liệu được cung cấp thì thấy họ làm rất sơ sài.

* Vậy ông nghĩ sao về những kiến nghị dừng các dự án bôxit tại Tây nguyên?

– Tôi tham gia triển khai dự án ở Tân Rai từ lúc quy mô nhà máy chỉ 300.000 tấn alumin và khoảng 76.000 tấn nhôm. Sau này thay đổi chủ trương chưa làm nhôm, chỉ làm alumin thì tăng quy mô lên 600.000 tấn. Khi đó tôi đã có ý kiến chuyển địa điểm nhà máy từ Lâm Đồng xuống Bình Thuận và chuyển tinh quặng xuống bằng đường ống. Nếu xây nhà máy bên bờ biển thì tàu ghé tận nơi, alumin sản xuất ra bơm thẳng xuống tàu, đỡ rất nhiều chi phí. Ở ta có tiền lệ không tốt là cứ địa phương nào có mỏ khoáng sản thì bắt các dự án chế biến phải đặt ở địa phương đấy. Như thế toàn bộ quy luật của kinh tế bị phá vỡ hết.

Bây giờ nếu cảm thấy không an toàn thì việc dừng dự án là đúng, là cần thiết. Nhưng có dừng hay không thì phải trên cơ sở xem xét thiết kế, giải pháp có đủ độ tin cậy hay không. Nếu không đủ độ tin cậy thì dừng dự án. Hiện chúng ta có hai dự án, Tân Rai dự kiến tháng 4 sang năm vận hành nên từ nay đến đó thẩm định kỹ và thấy đảm bảo mới cho vận hành, nếu không thì dừng vĩnh viễn hoặc dỡ thiết bị chuyển địa điểm nhà máy.

Còn Nhân Cơ mới khởi công nhưng thật sự chưa làm, dự kiến ngày 25-10 mới làm nên có thể dừng vì dự án này cũng phi kinh tế và các điều kiện khác không đảm bảo. Tôi vừa đọc thông tin của TKV thấy tiền đền bù cho các dự án này từ 300 triệu đồng/ha đất màu giờ lên 1,2 tỉ, tức chi phí đã tăng, tính hiệu quả của dự án sẽ giảm. Một dự án bôxit bao giờ cũng phải đạt song song ba mục tiêu là hiệu quả kinh tế, bảo đảm về môi trường và an sinh xã hội.

KHIẾT HƯNG thực hiện

Chính phủ lắng nghe các kiến nghị về bôxit

Về những kiến nghị liên quan đến dự án khai thác bôxit tại Tây nguyên, ông NGUYỄN XUÂN PHÚC, bộ trưởng – chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết:

– Chúng tôi đang tập hợp ý kiến để báo cáo với Bộ Chính trị, với Chính phủ và Quốc hội. Chúng ta phải lắng nghe tất cả ý kiến của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ, trí thức để thảo luận, bàn bạc dân chủ và đi đến quyết định cuối cùng nhằm đạt được mục tiêu hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường.

* Thưa ông, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên dừng dự án khai thác bôxit tại Tây nguyên vì “ngừng sớm ngày nào đỡ tốn kém ngày đó”?

– Lo ngại là cần thiết, nhưng từ phân tích của các nhân sĩ, trí thức để đi đến quyết định cuối cùng thì chúng ta phải có thời gian. Vì đây là chủ trương đã được Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội chỉ đạo vừa qua. Tuy nhiên, chúng ta cũng lắng nghe để thảo luận thêm nhằm đi đến quyết sách cuối cùng trong vấn đề này. Việc dừng hay không thì Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ xem xét cụ thể sau.

* Về phía TKV cho rằng không nhất thiết dừng khai thác bôxit tại Tây nguyên vì đã đầu tư trên 400 triệu USD, bên cạnh đó bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cho rằng hồ chứa bùn đỏ an toàn về lý thuyết?

– Chúng ta phải nghiên cứu toàn diện hơn, ví dụ vấn đề công nghệ, đảm bảo an toàn, môi trường… trong tình hình thời tiết hiện nay để có quyết định chính xác, kịp thời trên cơ sở lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Với tình hình hiện nay, chắc chắn sẽ có chất vấn về bôxit, các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời về bôxit trên tinh thần nhìn thấy những vấn đề về biến đổi khí hậu, về công nghệ, thiết bị đảm bảo an toàn, đảm bảo tính hiệu quả về kinh tế – xã hội và môi trường.

V.V.THÀNH

* Ông HUỲNH PHONG TRANH (bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng):

Địa phương luôn lắng nghe

Đến lúc này, việc triển khai xây dựng các hạng mục của công trình bôxit ở Tân Rai (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) đang được thực hiện đúng quy trình, đạt tiến độ, ổn, an tâm. Đây là do TKV là chủ đầu tư và tổ chức thực hiện, địa phương chỉ có nghĩa vụ giải tỏa mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư. Chúng tôi tôn trọng các quyết định từ trên, hỗ trợ, phụ giúp được gì cho dự án mà TKV đang triển khai thì sẵn sàng làm tốt nhất.

Chúng tôi cũng có nghe dư luận về dự án bôxit, nhưng đến lúc này ngoài tìm hiểu qua kênh báo chí, tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào phản biện hay phản đối dự án. Tỉnh cũng chưa nhận được đề nghị nào của các nhà cách mạng lão thành, các cán bộ nghỉ hưu… xung quanh dự án bôxit. Điều này cũng dễ hiểu chúng tôi là địa phương, mà ý kiến góp ý và phản biện thì bao giờ cũng đi tìm địa chỉ trực tiếp. Ở cấp địa phương, chúng tôi luôn lắng nghe để hiểu hết cục diện nhưng không bình luận.

* Ông TRẦN ĐÌNH ĐÀN (chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):

Tôi nghĩ các đại biểu sẽ chất vấn

Theo chương trình vừa được các đại biểu Quốc hội thông qua thì tại kỳ họp không có thảo luận riêng về vấn đề khai thác bôxit ở Tây nguyên. Nhưng tôi nghĩ rằng trong các phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, đại biểu nào quan tâm đến vấn đề này thì họ sẽ phát biểu, chúng tôi sẽ tổng hợp để báo cáo Quốc hội. Các đại biểu quan tâm nữa cũng có thể chất vấn và tôi tin là anh Dương Trung Quốc sẽ có chất vấn về bôxit. Sau đó nếu thấy cần thiết thì Quốc hội mới có ý kiến, vì nguyên tắc làm việc của Quốc hội là tập thể quyết định.

* Ông TRẦN THẾ VIỆT (nguyên bí thư Thành ủy Đà Lạt):

“Quốc gia hữu sự” tôi phải lên tiếng

Tôi ký vào bản kiến nghị xem xét lại dự án bôxit vì nhận thấy những mối nguy thật sự đối với đất nước tôi, sự sống còn của dân tộc và quyền lợi của quốc gia. Nếu các dự án bôxit được triển khai sẽ gây ra bất ổn xã hội. Không thể đi ngược lại xu thế phát triển của thế giới ngày nay bởi người ta hướng đến phát triển bền vững nhất, cố tránh khai thác bôxit bằng mọi cách thì mình lại lao vào.

Bôxit/nhôm đâu phải kim loại quý, giá lại luôn bấp bênh, tại sao ta lại phải trả giá đắt cho cả tương lai; lợi ích thật sự có không khi mà ngay lúc đi xây dựng nhà máy cũng đã đi vay?

Tôi là một trí thức, từng cùng mọi người đi qua những tháng năm đấu tranh gian khổ mới có được đất nước như bây giờ. Khi “quốc gia hữu sự” thì tôi phải lên tiếng chứ.

N.H.T. – L.K. ghi

Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/407370/Du-an-boxit-Neu-khong-an-toan-thi-dung.html

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.