“Bô xít Tây Nguyên cần những lời giải đáp thỏa đáng”

Trao đổi với VnExpress sáng nay, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng nên có những buổi thảo luận bình đẳng, thiện chí giữa bên ủng hộ và phản đối dự án bô xít Tây Nguyên để có những kết luận xác đáng về dự án.

– Vì sao khi bắt đầu có nghiên cứu khả thi về dự án bô xít Tây Nguyên, ông cũng như nhiều nhân sĩ khác không đưa ra ý kiến mà để đến lúc đã đầu tư tới hơn 400 triệu USD mới gửi bức thư này?

– Khi bắt đầu nghiên cứu thực hiện dự án bô xít thì tôi cũng như nhiều người khác đã có kiến nghị cụ thể gửi các cấp lãnh đạo. Những góp ý này được đưa ra trước khi có trang web về bô xít Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đưa ra kiến nghị, lãnh đạo các cấp, các cơ quan chức năng chỉ tiếp thu một phần, và vẫn cho tiếp tục làm thí điểm dự án Tân Rai, Nhân Cơ để rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng hơn.

Còn bây giờ, chúng tôi đưa ra đề nghị ngừng thực hiện bởi có dẫn chứng cụ thể hơn từ sự cố bùn đỏ ở Hungary. Đây là thời điểm để mọi người cùng bình tĩnh lại, nghiên cứu cặn kẽ xem có nên làm tiếp hay không.

Giáo sư Chu Hảo từng tham gia khảo sát các dự án bô xít Tây Nguyên và là người cùng ký đơn gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị dừng triển khai dự án. Ảnh: Quang Minh

Giáo sư Chu Hảo từng tham gia khảo sát các dự án bô xít Tây Nguyên và là người cùng ký đơn gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị dừng triển khai dự án. Ảnh: Quang Minh

– Đại diện của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cho biết, dự án bô xít chấp nhận chi phí cao để giúp phát triển kinh tế Tây Nguyên. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định về độ an toàn của dự án. Ông có nhận xét gì về những ý kiến trên?

– Khẳng định của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ nói là trên lý thuyết chứ không phải thực tế. Còn việc công trình này có giúp phát triển kinh tế Tây Nguyên hay không thì phải xem xét kỹ hơn.

Có những công trình cụ thể, khi tính toán thì chưa thấy có lãi trong nhiều năm nhưng vì đem lại phát triển kinh tế cho cả một vùng như dự án Dung Quất thì lý do thực hiện là xác đáng. Tuy nhiên, với dự án bô xít Tây Nguyên thì tôi chưa thấy. Trong khi đó, hủy hoại về môi trường do dự án này là có thể thấy rõ ngay trước mắt.

Ở Tây Nguyên, rừng đã bị tàn phá rất nặng nề và một mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nơi đây là phải trồng lại rừng. Trong khi đó, dự án bô xít sẽ không đóng góp cho việc trồng rừng mà còn đem tới nguy cơ về một lượng lớn bùn đỏ tích tụ tại đây. Trong vòng 5-10 năm tới thì có thể chưa sao nhưng 50-100 năm sau thì sẽ là thảm họa cho thế hệ sau này.

– Ông và những người ký tên trong lá thư gửi các cấp lãnh đạo đều không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực bô xít. Trong khi đó TKV và những người ra quyết định lại có sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia chuyên ngành. Ông có tự tin là những người ký tên vào bản đề nghị có thể đưa ra đánh giá chính xác hơn?

– Nhiều người ký tên trong bản kiến nghị chưa có điều kiện đi khảo sát thực địa. Tuy nhiên, những phân tích được đưa ra là dựa vào những nghiên cứu thực địa tại Tây Nguyên của nhiều nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội các nhà khoa học kỹ thuật Việt Nam. Các nghiên cứu này được thực hiện song song cùng với các chuyên gia của TKV.

Tôi và gần 1.800 người cùng ký vào bức thư này tin vào những nghiên cứu độc lập của những nhà khoa học thuộc Liên hiệp hội các nhà khoa học Việt Nam bởi họ có chuyên môn và không có quyền lợi kinh tế gắn với dự án này.

Sắp tới Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và tổ chức các hội thảo để có những kết luận cụ thể hơn về các vấn đề môi trường, kỹ thuật, kinh tế giúp những cơ quan có thẩm quyền có thêm cơ sở để cân nhắc việc ngừng hay không đối với dự án bô xít Tây Nguyên.

Sự cố bùn đỏ ở Hungary là cơ hội để Việt Nam nhìn lại dự án bô xít. Ảnh: AP

Sự cố bùn đỏ ở Hungary là cơ hội để Việt Nam nhìn lại dự án bô xít. Ảnh: AP

– Những lý do dẫn đến đề xuất việc ngừng thực hiện dự án bô xít Tây Nguyên trong bức thư khá nặng nề. Tuy nhiên, những người ra quyết định cũng có rất nhiều thông tin và những phân tích riêng mới đi đến quyết định thực hiện. Ông có nghĩ là mình cũng như nhiều người khác đã quá cực đoan và chỉ nhìn thấy những mặt tiêu cực, chứ chưa nhận ra mặt tích cực của dự án này?

– Chúng tôi cũng có ý thức về vấn đề này. Do đó, chúng tôi đề nghị tổ chức nhiều cuộc hội thảo công khai, bàn một cách bình đẳng và thiện chí giữa bên ủng hộ và phản đối để đi đến những kết luận xác đáng. Nếu thực sự dự án đem lại hiệu quả phát triển kinh tế xã hội cho vùng Tây Nguyên và đảm bảo an toàn thì cần được chứng minh công khai cho mọi người được biết. Làm được điều này, những người ra quyết định sẽ giúp cho toàn dân hiểu được lý do thật sự khi thực hiện dự án bô xít chứ không nên để các thông tin chưa có lời giải đáp thỏa đáng như hiện nay.

Hoàng Ly

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/10/3BA2204A/

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.