Lũ lớn và bài học phá rừng xung yếu

TT – Toàn tỉnh Quảng Bình thành biển nước mênh mông, có những vùng dân cư nước ngập lên nóc nhà. Nước lũ lên nhanh, người dân không kịp trở tay dẫn đến chết, mất tích. Số lượng lớn lương thực, gia súc… là nguồn kinh tế chủ lực của nông dân bị lũ cuốn trôi sạch.

Một bãi gỗ bên đường Hồ Chí Minh, sát vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tháng 9-2009 - Ảnh: Hải Luận

Một bãi gỗ bên đường Hồ Chí Minh, sát vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tháng 9-2009 - Ảnh: Hải Luận

Địa thế của tỉnh Quảng Bình là đoạn eo thắt, chiều ngang hẹp nhất đất nước, có dãy Trường Sơn cao vút trời. Vậy mà nhiều năm nay tỉnh Quảng Bình vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch khai thác rừng đầu nguồn, xung yếu nhất. Chỉ tính riêng hai năm (2008-2009) UBND tỉnh Quảng Bình đã cho phép các công ty lâm – công nghiệp trong tỉnh khai thác gần 25.000m3 gỗ tự nhiên.

Nếu làm một phép tính nhỏ, 15 năm trở lại đây tỉnh Quảng Bình đã phá bao nhiêu rừng? Việc “bán rừng” lấy tiền đóng ngân sách ở đây giống như chống lũ hiện nay, lũ lớn tràn ngập toàn tỉnh, trong khi lực lượng cứu hộ chỉ từng nhóm người nhỏ, không thấm tháp vào đâu so với hàng trăm nghìn người cần cứu giúp.

Quảng Bình có thể phải hứng chịu những trận lũ lớn nữa. Vì Hội đồng nhân dân tỉnh vừa thông qua nghị quyết về việc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Quảng Bình giai đoạn 2008-2020. Theo đó, tổng sản lượng các loại gỗ khai thác trong thời kỳ quy hoạch 2008-2020 là 3 triệu m3, trong đó gỗ khai thác rừng tự nhiên là 180.000m3, một con số không nhỏ chút nào!

Đáng nói hơn, người ta cho khoanh vùng rừng từ mép đường Hồ Chí Minh (nhánh tây) trở lên biên giới Việt – Lào thuộc loại rừng sản xuất ở địa bàn hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, do Công ty lâm – công nghiệp Long Đại khai thác. Phía bắc xung quanh vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (đèo Đá Đẽo, huyện Minh Hóa, phía đông đường Hồ Chí Minh) do Công ty lâm – công nghiệp Bắc Quảng Bình khai thác.

Năm 2008, Công ty lâm – công nghiệp Long Đại đóng vào ngân sách nhà nước vỏn vẹn trên 3,8 tỉ đồng (gồm tất cả hoạt động của công ty).

Ông Nguyễn Viết Nhung, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, nhận xét: “Hai công ty được phép khai thác gỗ tự nhiên mỗi năm đóng vào ngân sách khoảng 7 tỉ đồng. Số tiền này đối với một tỉnh không thấm tháp vào đâu so với lượng lớn gỗ đã khai thác. Mỗi năm Chi cục Kiểm lâm tỉnh xử phạt hành chính về hành vi mua bán động vật, vận chuyển gỗ… đi qua tỉnh Quảng Bình cũng bằng chừng đó”.

Vì được khoanh vùng là rừng sản xuất nên người ta có thể thoải mái khai thác ở các khu vực trên, trong khi về mặt cấu trúc địa hình rừng núi của Quảng Bình và những chỗ các đơn vị đang khai thác chủ yếu là rừng nguyên sinh. Những nơi này đều là chỗ xung yếu, đầu nguồn của các sông Kiến Giang, Đại Giang (người dân hay gọi là Long Đại), Gianh… Bởi vì một con sông lớn có rất nhiều con sông, suối nhỏ từ các cánh rừng đổ ra.

Phá rừng ở đỉnh dãy Trường Sơn chẳng khác nào nhà dột từ nóc!

Cái giá phải trả qua cơn lũ lịch sử này, người dân tỉnh Quảng Bình gánh chịu nặng nề và thấm thía bài học giữ rừng. Ở những vùng núi cao chưa bao giờ có lũ lớn như Minh Hóa, Tuyên Hóa thì nay lũ vừa lớn vừa ngâm nhiều ngày.

Một lần nữa bài học mất rừng thật đau xót. Nếu tiếp tục đối xử thô bạo với thiên nhiên, chúng ta sẽ còn trả giá nhiều hơn.

H. L.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Ban-doc/Ban-doc-gui-bai-viet/404682/Lu-lon-va-bai-hoc-pha-rung-xung-yeu.html

This entry was posted in Môi Trường and tagged , . Bookmark the permalink.