“Một quả bom hóa học nổ chậm”

Nhật báo Pháp LE MONDE (số đề ngày 9.10.2010) phỏng vấn nhà khoa học Olivier Donard, giám đốc Học viện khoa học phân tích và vật lí – hóa học về môi trường và vật liệu (Institut des sciences analytiques et de physico-chimie pour l’environnement et les matériaux, thuộc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học CNRS và Trường đại học Pau) về nguy hại, ngắn hạn và dài hạn, của bùn đỏ đang lan tràn ở vùng Ajka, Hungary.

Bùn đỏ là gì ?

Đó là những phế chất thải ra khi người ta khai thác alumina (để sản xuất ra nhôm) từ quặng bauxit. Bùn đỏ như vậy là những phế chất khoáng sản, ở thể rắn, màu đỏ là do thành phần ôxit có trong bauxit. Bình quân, mỗi tấn nhôm được lấy ra từ 4 tới 5 tấn bauxit, thải ra 3 tấn bùn đỏ.

Bùn đỏ độc hại vì sao ?

Nguy cơ nằm ở hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất là sự độc hại tức thời : trong bùn có xút — từ 3 đến 12 kg xút cứ mỗi tấn nhôm được sản xuất, theo một nghiên cứu của Trường bách khoa Montréal — và những chất ăn da (caustique) khác như ô xit calci, hay vôi sống, tùy phương pháp khai thác quặng. Đó là những hợp chất có tính ăn mòn rất lớn. Khi hòa tan trong nước mưa hay trong những dòng nước, chúng tạo ra môi trường có độ kiềm rất cao (alcalin). Cụ thể là khi tiếp xúc với dung dịch này, người ra bị phỏng hay thương tổn ở làn da.

Về dài hạn, vấn đề xuất phát từ những nhân tố kim loại có trong các chất thải này.

Đó là những kim loại nào ? nguy cơ ra sao ?

Muốn thế phải biết chính xác thành phần hóa học của bùn đỏ ở Hungary. Nó tùy thuộc vào loại quặng bauxit tại đây. Nói chung, có rất nhiều ôxit sắt, ô xit nhôm hay alumina, xilit, titan, chì, c’rôm, và có thể cả thủy ngân nữa.

Bản thân kim loại trong đó không có vấn đề. Vấn đề là dạng thức hóa học của kim loại và hoạt tính của nó. Ví dụ như ôxit nhôm : ở thể rắn thì không độc, nhưng ở trong một dung dịch, nó có hoạt tính cao và có thể xuyên thấu các màng sinh học. Tương tự, c’rôm dưới dạng c’rôm VI rất dễ sinh ra bệnh ung thư. Chì và thủy ngân cũng tùy theo nồng độ và dạng thức hóa học.

Có điều chắc chắn là các kim loại này ở liều lượng cao đều có tiềm năng độc hại. Đối với đàn động vật và thảm thực vật, đó là những thứ thuốc độc.

Tình trạng nhiễm độc môi trường sẽ kéo dài bao lâu ?

Tai họa vừa xảy ra ở Hungary là một quả bom hóa học nổ chậm. Vùng bị bùn đỏ tràn ngập sẽ bị tác động mạnh mẽ, phải mấy chục năm nữa mới có thể khôi phục. Tiền lệ ở Minamata (thành phố ở tây-nam Nhật Bản, dân chúng bị nhiễm độc thủy ngân) cho thấy rằng đối với loại ô nhiễm môi trường này, đơn vị đo lường thời gian là thập niên. Bùn đỏ sẽ quánh khô và lúc đó sẽ thêm nguy cơ do bụi đỏ bay theo gió. Nếu sang bên ấy, chắc chắn tôi sẽ đeo mặt nạ. Rồi tới mùa mưa những năm tới đây, hợp chất kim loại sẽ di động trên mặt đất và theo các dòng nước. Đất đai sẽ không canh tác được, mà có trồng trọt được thì cây trái rau cỏ chứa kim loại cũng không thể ăn được. Hiện nay chúng ta chưa có đầy đủ thông tin, nhưng tôi e rằng toàn bộ vùng bị bùn đỏ sẽ trở thành vùng đất lâm nạn.

Bây giờ phải làm gì ?

Hungary có những êkip khoa học xuất sắc, có khả năng ứng phó. Nhưng cấp thiết phải cùng nhau học tập một cách tập thể cách xử lí một vấn đề như vậy. Rất nên huy động giới khoa học ở cấp độ Âu Châu.

Người ghi: Pierre Le Hir

Bản dịch của Diễn Đàn

Nguồn: http://www.diendan.org/the-gioi/qua-bom-hoa-hoc-no-cham/

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.