Lũ bùn đỏ Hungary – bài học cho Việt Nam

Đoạn đê bị vỡ của một hồ chứa bùn đỏ thuộc nhà máy Ajkai Timfoldgyar, Kolontar, cách thủ đô Budapest của Hungary 160 km, ảnh chụp ngày 08/10/2010. AFP PHOTO / STR

Đoạn đê bị vỡ của một hồ chứa bùn đỏ thuộc nhà máy Ajkai Timfoldgyar, Kolontar, cách thủ đô Budapest của Hungary 160 km, ảnh chụp ngày 08/10/2010. AFP PHOTO / STR

Các nhà môi trường tâm huyết với đất nước cảnh báo khả năng tác hại của lũ bùn đỏ do khai thác bauxite ở Việt Nam, tương tự như thảm họa môi trường xảy ra ở Hungary kể từ ngày 4/10.

Sóng thần bùn đỏ

Khoảng 1,1 triệu m3 bùn đỏ từ bể chứa chất thải của một nhà máy sản xuất nhôm cách Budapest 160 km về phía tây nam đã tràn ra một khu vực rộng 40 km2. Thứ bùn đỏ mà các dự án khai thác bauxite ở Việt Nam sẽ phải đối phó, đang tạo ra một thảm họa quốc gia cho Hungary. Bị vỡ đập chắn, dòng độc chất được gọi là “sóng thần bùn đỏ” đã cuốn đi 270 ngôi nhà, xe cộ, phá hủy đường xá cầu cống. Ít nhất đã có 4 người chết, 6 người mất tích và 123 người phải đưa vào bệnh viện, đa số chịu đựng những vết bỏng khủng khiếp do hóa chất trong bùn đỏ thấm qua quần áo. Nghiêm trọng hơn nữa, thảm họa sinh thái này có nguy cơ làm ô nhiễm con sông Danube thơ mộng của châu Âu.

Bùn đỏ là một trong những vấn đề môi trường hết sức phức tạp, cũng đã được các nhà khoa học chúng tôi cảnh báo dự đoán những khả năng xấu có thể xảy ra.

TS Nguyễn Ngọc Sinh

Vấn đề khai thác bauxite ở Việt Nam lắng dịu gần nửa năm nay lại nóng trở lại trên báo chí và các trang mạng. Tuổi Trẻ Online là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam đưa tin về thảm họa môi trường do sản xuất nhôm từ Bauxite ở Hungary. Bài báo “Lũ bùn đỏ kinh hoàng ở Hungary” làm nhiều người Việt Nam giật mình. Bùn đỏ là chất thải kịch độc của quá trình tinh luyện bauxite thành nhôm, mỗi tấn nhôm được sản xuất ra sẽ tạo ra khoảng 3 tấn bùn đỏ.

Trả lời Nam Nguyên, GSTS Đặng Hùng Võ nguyên – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường – từ Hà Nội nhận định:

“Chắc chắn đấy là một cảnh báo tốt để Việt Nam có những cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc gìn giữ tài nguyên khoáng sản. Nên chờ đến lúc công nghệ có những thay đổi, để có thể giảm được các tác động đến môi trường. Còn nếu với những công nghệ hiện nay, chúng ta phải dùng lượng bùn đỏ quá lớn để tuyển quặng thì chắc chắn là tác hại môi trường có thể tính đến được những việc rất cụ thể, như hiện nay đang xảy ra ở các nước đặc biệt như tình trạng ở Hungary”.

Bùn đỏ tràn vào làng Kolontar, cách thủ đô Budapest - Hungary 160 km, ảnh chụp ngày 8 tháng 10 năm 2010. AFP PHOTO / STR

Bùn đỏ tràn vào làng Kolontar, cách thủ đô Budapest - Hungary 160 km, ảnh chụp ngày 8 tháng 10 năm 2010. AFP PHOTO / STR

Tại Việt Nam, có hai dự án khai thác bauxite được triển khai dù các nhà khoa học, đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến không đồng thuận. Dự án thứ nhất ở Tân Rai ở Lâm Đồng đã thực hiện từ tháng 7/2008 và Nhân Cơ ở Đăk Nông khởi công hồi đầu năm 2010. Trong cả hai dự án này, điều mà các nhà khoa học Việt Nam lo ngại nhiều nhất là tác hại môi trường lâu dài của chất thải bùn đỏ.

“Bom bẩn” rình rập Tây Nguyên

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, ngay sau khi có thông tin về thảm họa lũ bùn đỏ tàn phá một khu dân cư ở Hungary, TS Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam – từ Hà Nội nhận định:

Một khối lượng chất thải như thế thì lớn chuyện chớ đừng có nói chơi! Làm ở ngay cái cao nguyên này nếu nó chảy xuống dưới thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Người dân Tây Nguyên

“Bùn đỏ là một trong những vấn đề môi trường hết sức phức tạp, cũng đã được các nhà khoa học chúng tôi cảnh báo dự đoán những khả năng xấu có thể xảy ra, nếu như có sự cố liên quan tới bùn đỏ. Đây là một ví dụ, một minh chứng để nói rằng là những điều các nhà khoa học chúng tôi nêu lên không chỉ là dự báo mà nó hoàn toàn có khả năng xảy ra. Cho nên đã thận trọng rồi lại càng phải thận trọng hơn nữa khi cho tổ chức khai thác bauxite ở Tây Nguyên”.

Cùng với báo TuổiTrẻ Online, VietnamNet có bài Bùn đỏ từ khai thác bauxite – “bom bẩn” rình rập. Ngoài việc trình bày vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, khiến nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở ba vùng thuộc lãnh thổ phía Tây, tác giả bài báo đã trích lại bản tin TTXVN ngày 1/12/2009 liên quan tới phương án xử lý bùn đỏ trong dự án Bauxite Nhân Cơ ở tỉnh Đăk Nông. Theo đó, khi dự án sản xuất alumin Nhân Cơ đạt 650.000 tấn alumin/năm thì tổng lượng bùn đỏ phát sinh khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Nhà máy Nhân Cơ sẽ tiến hành xử lý bùn đỏ bằng phương pháp chôn lấp sau đó tiến hành hoàn thổ phục hồi môi trường. Bùn đỏ trước khi thải ra bãi sẽ được rửa ngược dòng 6 bước nhằm tận thu kiềm và alumin kèm theo bùn đỏ. Địa điểm hồ chứa bùn đỏ rộng hơn 200 ha được lựa chọn ở các thung lũng phía Nam khu vực nhà máy alumin. Các đập ngăn sẽ được xây dựng để tạo ra các hồ thải theo các giai đoạn hoạt động của nhà máy. Tổng thể tích của các hồ theo tính toán đảm bảo được 30 năm vận hành cho nhà máy.

Người dân Tây Nguyên mà chúng tôi tiếp xúc cũng đọc bài báo về lũ bùn đỏ xảy ra ở Hungary và gắn kết nó với các dự án khai thác bauxite ở Lâm Đồng và Đăk Nông:

Khai thác Bauxite ở Bảo Lộc. Photo courtesy of haylentieng.org

Khai thác Bauxite ở Bảo Lộc. Photo courtesy of haylentieng.org

“Nếu không có cách xử lý thì chắc chắn chất thải sẽ chảy ra… Một khối lượng như thế thì lớn chuyện chớ đừng có nói chơi! Làm ở ngay cái cao nguyên này nếu nó chảy xuống dưới thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hơn nữa nói làm đường sắt đi xuyên ba tỉnh thì có vẻ không thực tế lắm, nhiều người nói là đường sắt ra đời họ cũng chả dám bước lên, Tây Nguyên núi rừng tàu lửa làm sao được…”.

Việt Nam thức tỉnh?

Trước những lo ngại về một thảm họa lũ bùn đỏ trong các dự án Tân Rai, Nhân Cơ tương tự như đã xảy ra ở Hungary, chưa kể những khó khăn đã bộc lộ về vấn đề giao thông vận chuyển alumin từ Tây Nguyên về Cảng Kê Gà Bình Thuận, GSTS Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường phát biểu:

“Hiện nay về phía nhà nước Việt Nam đã có những quyết định theo cách cho thí điểm tại hai nơi. Trong khi hình thành quyết định ấy đã có xem xét tới ý kiến của các nhà khoa học, ý kiến của những người làm quản lý, việc này thể hiện được trách nhiệm là trong hoàn cảnh đấy thì quyết định như vậy.

Chắc chắn đấy là một cảnh báo tốt để Việt Nam có những cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc gìn giữ tài nguyên khoáng sản.

GSTS Đặng Hùng Võ

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Việt Nam cần phải cảnh giác đối với những quyết định về khai thác khoáng sản. Bởi vì chúng ta cần đặt trong mô hình là nếu sự việc đó không thực sự cần thiết quá mức, không có tác động làm tăng một cách đáng kể GDP, thì cũng phải tính tới những thời gian phù hợp, công nghệ phù hợp trong tương lai… vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn. Hơn nữa đây là lượng dự trữ cho con cháu, chúng ta cần phải tính đến thời điểm nào là phù hợp”.

Trong những tháng gần đây, báo chí im ắng không có thông tin gì về việc triển khai 2 dự án bauxite thí điểm ở Lâm Đồng và Đăk Nông.

Trước đó hồi cuối tháng 4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và một số giới chức chuyên gia đã có chuyến đi thị sát tại chỗ hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Phái đoàn cũng xuống tận cảng Kê Gà ở Bình Thuận, là nơi sản phẩm alumin từ các nhà máy ở Tây Nguyên sau này được chuyển về trước khi xuống tàu xuất ra nước ngoài. Sau chuyến đi, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Than-Khoáng sản điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án để bảo đảm đồng bộ, sớm đưa dự án đi vào hoạt động. Ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải liên quan tới các công trình như hồ chứa bùn đỏ, dự án tuyển quặng bauxite, dự án đường giao thông vận chuyển và cảng biển. Các thông tin trên mạng mà chúng tôi xem được cho thấy các dự án khai thác bauxite từng gây tranh luận sôi nổi ở Việt Nam với nhiều ý kiến không đồng thuận, đang gặp nhiều khó khăn trên thực tế.

Nhiều chuyên gia hy vọng, thảm họa bùn đỏ ở Hungary thực sự thức tỉnh những giới chức có thẩm quyền của Việt Nam, về chiến lược khai thác tài nguyên khoáng sản đặc biệt là vấn đề bauxite ở Tây Nguyên.

N.N.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/online-domestic-review-hungary-toxic-sludge-disaster-is-a-lesson-for-vietnam-nnguyen%20-10082010212933.html

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.