Hai bài báo đáng chú ý

(Còn tại sao chúng đáng chú ý, xin nhường cho các bạn đọc sáng suốt)

Bài 1

Lưu Hiểu Ba, Ôn Gia Bảo: hai gương mặt nước Trung Hoa

Le Monde ngày 09.10.2010

http://www.lemonde.fr/idees/article/2010/10/09/liu-xiaobo-wen-jiabao-deux-visages-de-la-chine_1422926_3232.html

Phạm Toàn chọn và dịch

Người ta chỉ biết tới Lưu Hiểu Ba, người nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2010 như một gương mặt trí thức có nụ cười e lệ đọng lại ở vài kiểu ảnh, mấy tấm ảnh lặp đi lặp lại, in đi in lai để phổ biến ra khắp thế giới. Lại có một gương mặt Trung Hoa khác, đó là ông thủ tướng Ôn Gia Bảo, được nằm kín trang bìa tạp chí Time Magazine, đúng vào cái tuần có công bố cái quyết định dũng cảm của Ủy ban Nobel Oslo: cái bộ mặt này lộ ra một vẻ tự tin, một sự bình tĩnh mà từ lâu chẳng ai bắt gặp trên gương mặt một nhà lãnh đạo Trung Hoa nào.

Trong một cuộc trò chuyện công bố trên tờ tạp chí Mỹ và được đài CNN quảng bá rộng rãi, ông Ôn Gia Bảo công khai tuyên bố về “quyền tự do diễn đạt (chính kiến), cần thiết cho mọi quốc gia”. Ông nêu lên sự cần thiết phải có những “cải cách chính trị” và giải thích rằng một trong những lý tưởng chính trị của ông là làm sao cho “mỗi con người có thể sống một cuộc đời hạnh húc và xứng với phẩm chất con người” – lời tuyên bố không được các cơ quan truyền thông trong nước đăng lại.

Ấy thế nhưng, cuộc đời của Lưu Hiểu Ba, một người bị kết án tháng mười hai năm 2009 vì đã tham gia vào việc cho lưu hành một văn bản kêu gọi dân chủ hóa nước Trung Hoa – Hiến chương 08 – cuộc đời đó lại chẳng xứng với phẩm chất con người và cũng chẳng hạnh phúc. Trừ phi có một phép lạ mầu nhiệm nào đó, còn thì ông Lưu chắc là sẽ không thể đi nhận giải ở Oslo. Chính phủ Trung Hoa đã gọi sự lựa chọn của Ủy ban Nobel là “điều tục tĩu” và đã triệu tập đại sứ Na-Uy ở Bắc Kinh để bày tỏ sự tức giận của họ.

Ngay sau khi công bố giải thưởng vào ngày thứ sáu mồng 8 tháng mười, những kẻ làm công việc kiểm duyệt trên Internet đã lao vào việc để chặn mọi phong trào đoàn kết trên mạng với Lưu Hiểu Ba.

Chính quyền ở Trung Hoa rất ngại điều lựa chọn này của Ủy ban giải thưởng Oslo. Hồi tháng chín, họ thậm chí đã cấp tốc cử thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh tới Oslo để cảnh bào người Na-Uy về những suy thoái trong quan hệ song phương Hoa Na-Uy nếu Ủy ban giải thưởng Nobel chọn Lưu Hiểu Ba. Không riêng Ủy ban giải thưởng Nobel tỏ ra không bận lòng gì tới những dậm dọa ấy, mà cách thức tuyên ngôn để lý giải quyết định của Ủy ban cũng sáng tỏ lạ lùng: đúng thế, Trung Hoa đã có được những bước tiến về kinh tế chưa từng có; đúng thế, “phạm vi cho công chúng tham gia về chính trị cũng đã được mở rộng”. Song chính vì thế mà “thể chế mới của nước Trung Hoa cũng phải kéo theo những trách nhiệm ngày càng gia tăng”.

Bởi vì nước Trung Hoa đang khát khao được quốc tế kính nể nên nó cũng không thể cứ chơi mãi cái trò con bài nào họ cũng “đúng”. Một quốc gia không thể cứ mãi mãi đi tới thể chế siêu cường bằng các phương pháp của một Nhà nước-lưu manh (nguyên văn: Etat-voyou – ND). Đã tới lúc cần nhận rõ rằng cái khuôn mẫu một chủ nghĩa tư bản chuyên chế phớt lờ Nhà nước pháp quyền là một ảo tưởng. Một người đã nhận giải thưởng Nobel Hòa bình người Tiệp Khắc, ông Vaclav Havel, người đã dũng cảm khởi xướng ra bản Hiến chương 77, đã ủng hộ việc chọn trao giải này cho ông Lưu Hiểu Ba.

Nhưng, hoàn toàn không giống như nước Tiệp Khắc của những năm 1980, xã hội Trung Hoa của năm 2010 đang chuyển mình và ngày lại ngày nó lại càng buộc chính quyền Trung Hoa phải nhường cho nó một không gian. Trong hàng ngũ các nhà trí thức, người ta đã thảo luận về những “giá trị phổ quát”. Đây không phải là chuyện bị sức ép nên phải hành động, các nhà lãnh đạo Trung Hoa hẳn sẽ rạng ngời vinh quang nếu các vị đó đi trước một bước trong việc thực thi những điều đẹp đẽ cao sang ông Ôn Gia Bảo từng tuyên bố.

Bắt đầu với việc trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba.

Bài 2

Ông Thủ tướng Trung Hoa bị kiểm duyệt ở bên Trung Quốc

Libération ngày 10.10.2010

Phạm Toàn dịch

http://www.liberation.fr/monde/01012294916-le-premier-ministre-chinois-favorable-au-multipartisme

Bài của PHILIPPE GRANGEREAU phóng viên của báo Libération tại Bắc Kinh

Ôn Gia Bảo ngày 6 tháng 10 năm 2010 (ảnh REUTERS/Yves Herman)

Ôn Gia Bảo ngày 6 tháng 10 năm 2010 (ảnh REUTERS/Yves Herman)

Có phải là ông Thủ tướng Trung Hoa bắt đầu thành nhà bất đồng chính kiến? Những tuyên bố lạ tai của ông trả lời đài CNN hôm chủ nhật có thể khiến ta nghĩ như vậy. Ông công khai kêu gọi tự do ngôn luận, kêu gọi từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, và ông cũng úp mở nói tới đa nguyên đa đảng.

Hệ quả của một chuyện vẻ đâu như là một sự liều lĩnh chưa từng có, các phát ngôn của ông Thủ tướng đã hoàn toàn bị kiểm duyệt bỏ ở Trung Hoa. Kể từ hôm chủ nhật tới nay, không một tờ báo nào, cũng chẳng có một diễn đàn chính thức nào nhắc nhỏm gì tới các ý kiến của ông. Ngược lại, trên vài ba trang mạng hiếm hoi thoát được sự kiểm duyệt, người ta chỉ nói tới những chuyện đó thôi.

“Nếu ông Thủ tướng mà làm được cái việc thúc đẩy các cải cách chính trị, thì ông sẽ trở thành con người vĩ đại đầu tiên của thế kỷ hai mươi mốt”, một bạn net nói. Các bạn net khác tỏ ra hoài nghi hơn. “Nhà mình đừng có mà ngây thơ đó nha […] các bạn thực bụng nghĩ là họ đang tự đào hố chôn họ sao?”.

Mùa hè năm nay, ông Thủ tướng Trung Hoa nổi bật lên vì đã kêu gọi “cải cách chính trị – mặc dù vẫn chưa nói ra rõ ràng đó là cải cách những gì.

«Không gì cưỡng lại được nhu cầu dân chủ của người dân Trung Hoa»

Hôm chủ nhật, ông đã đi xa hơn: “Tôi tin rằng tự do ngôn luận là điều cần thiết cho mọi quốc gia, cả những nước đã phát triển cũng như các nước đang phát triển. Vả chăng, tự do ngôn luận là điều đã được ghi trong hiến pháp nước Trung Hoa  […] không gì cưỡng lại được nguyện vọng và nhu cầu dân chủ của người dân Trung Hoa”, ông đã nói như vậy để đáp lại câu hỏi của nhà báo Fareed Zakaria của đài CNN, ông này đã nêu câu hỏi xin ông Thủ tướng họ Ôn hãy nói rõ hơn quan niệm của ông về “cải cách chính trị”. “Tôi đã suy nghĩ chín về vấn đề này, ông Ôn Gia Bảo thanh thản đáp lại nhà báo của CNN. Quan niệm của tôi là một chính đảng khi đã cầm quyền thì nó phải khác với cái thời kỳ đảng đó còn đấu tranh giành chính quyền. Sự khác biệt chủ yếu là ở chỗ cái đảng ấy cần cư xử sao cho phù hợp với hiến pháp và pháp luật.”

Ông Ôn Gia Bảo còn tiếp tục tiên báo việc tan hòa Đảng cộng sản vào bên trong Nhà nước. “Các chính sách và các đề xuất của đảng này có thể phải được hòa tan trong hiến pháp và trong các văn bản luật thông qua các tiến trình thích hợp nhất.”

Xét lại vấn đề “Toàn quyền lãnh đạo của Đảng”

Nói như vậy tức là ông Ôn Gia Bảo đã xét lại một vấn đề thiêng liêng sống còn là “toàn quyền  lãnh đạo của Đảng” –  ông cũng nói giống như một trong những người tiền nhiệm là ông Thủ tướng Triệu Tử Dương từ hai mươi năm trước, ông này đã bị thanh trừng sau vụ đàn áp phong trào đấu tranh tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Bằng cách gợi ý rằng đa nguyên đa đảng là một mục tiêu để đạt tới, ông Ôn Gia Bảo nói thêm: “Tất cả các chính đảng, tất cả các tổ chức, và tất cả mọi người không trừ ai, đều phải tuân theo hiến pháp và các luật lệ đang có hiệu lực. Theo quan niệm của tôi, đó chính là bản chất của một hệ thống chính trị hiện đại.”

Kinh ngạc hơn nữa, ông Ôn Gia Bảo còn phá vỡ một trong những nguyên tắc cơ bản của Đảng cộng sản của ông – “nguyên tắc tập trung dân chủ” bằng cách nói rõ ra những sự chia rẽ trong nội bộ Bộ Chính trị của Đảng về vấn đề cải cách chính trị. “Mặc cho vẫn còn có tranh chấp về quan điểm, và mặc cho vẫn còn có người cưỡng lại, tôi sẽ hành động theo lý tưởng của mình, hành động không ngừng nghỉ để thúc đẩy cải cách chính trị trong phạm vi các khả năng của mình.”

“Tôi sẽ không nhụt chí trước sức mạnh của bão tuyết”

Hoàn toàn biết rõ là ông có thể gặp nguy cơ to lớn, ông Ôn Gia Bảo tỏ ra là một thánh tử vì đạo tiềm năng của chính nghĩa. “Tôi muốn nói với ông để nhấn mạnh thêm vào những điều tôi vừa nói, rằng tôi sẽ không nhụt chí trước sức mạnh của bão tuyết mưa sa, và tôi sẽ kiên cường cho tới ngày cuối cùng của đời mình.”

Trong đoạn cuối hùng hồn chẳng thua gì chính khách Mirabeau (thời Đại Cách mạng Pháp 1789), ông giáng mạnh: “Không thể ngăn chặn được ý nguyện của nhân dân. Thắng lợi thuộc về những ai bơi xuôi dòng, và thất bại sẽ thuộc về những ai lội ngược.”

“Thật nghịch lý, nhà Trung Quốc học người Úc Geremie Barmé nhận xét, lời lẽ của ông Ôn Gia Bảo không khác lắm với những lời lẽ đã đem lại mười một năm tù cho nhà bất đồng chính kiến đấu tranh cho dân chủ Lưu Hiểu Ba…”

This entry was posted in Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.