Trong khi Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn đang hối hả xuất khẩu than để hoàn thành kế hoạch năm 2010 (xuất khẩu 18 triệu tấn), nhiều nhà máy xi măng trong nước đã tạm thời đóng cửa do thiếu than.
Lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết, các nhà máy của Tổng công ty này cần 5000 tấn than cám/ngày, nhưng hiện TKV chỉ cung cấp được một nửa. Cho nên, đã có 2 lò nung của Tổng công ty Xi măng ngừng hoạt động, nhiều nhà máy khác có nguy cơ ngừng sản xuất. Công ty cổ phần Xi măng Bút Sơn phải dừng sản xuất một lò nung, lò nung còn lại “ăn đong” than từng ngày. Hàng loạt nhà máy xi măng khác: Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Tam Điệp, Hoàng Mai, Hải Phòng, Hà Tiên… cũng trong tình trạng tương tự.
Nhìn thấy viễn cảnh nhà máy của mình cũng sắp đến ngày phải đắp chiếu nếu không còn mua được than của TKV, mấy tháng qua, nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác đã sang Úc, Indonesia… lùng sục tìm kiếm đối tác để mua than. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp ký được hợp đồng nhập than, nhưng thực tế đang nảy sinh nhiều vấn đề cho thấy Việt Nam không dễ dàng nhập được than dài hạn, giá rẻ trong thời gian tới, nếu các doanh nghiệp không có sự phối hợp tốt với nhau.
Hiện đã có một số doanh nghiệp tìm các cách khác nhau để nhập được than, như Công ty PV Coal (thuộc Tập đoàn Dầu khí) đã sang Úc ký hợp tác đầu tư khai mỏ; ngay cả TKV cũng tìm đường sang Nga mua than… Trong khi các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước còn đang rối trí trong việc nhập than ở đâu thì có những doanh nghiệp tư nhân đã ký được hợp đồng nhập than 20-30 năm. Ví dụ như Công ty An Khánh (Thái Nguyên) đã nhanh tay ký hợp đồng nhập than với thời hạn trên 20 năm.
Việc các doanh nghiệp phải tự mình đi tìm hàng thay vì trông chờ mua than trong nước của TKV hay nhờ TKV đứng ra tìm nguồn nhập giúp là chuyện chẳng đặng đừng. Bởi, ngay chính TKV, sau khi độc quyền khai thác than và xuất đi gần hết thì chính tập đoàn này cũng đang tính tìm nơi nhập than cho các nhà máy điện của mình. TKV đã chẳng lo nổi cho mình nên thật dễ hiểu, tập đoàn này đã ba lần từ chối gánh vác nhiệm vụ “độc quyền nhập than” mà Bộ Công thương, với sự ấu trĩ cố hữu của mình đã giao cho. Thực tế, dường như đã quá thất vọng với TKV, đến thời điểm này, hầu như không có một doanh nghiệp nào nhờ vả TKV nhập than để bán lại cho mình. Duy nhất có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban đầu có nhờ TKV nhập than cho nhà máy Điện Duyên Hải 3, nhưng mới đây EVN cũng lại gửi công văn báo “thôi”. Cho nên, một cán bộ của TKV phải nói rằng: “TKV không đi nhập than được vì không có người mua”.
Nhưng ngay từ thời điểm này, người ta đã lo ngại quanh chuyện nhập than sẽ sớm xảy ra chuyện tranh giành hợp đồng với nhau giữa một số doanh nghiệp. Lo ngại điều này là có lý, bởi hậu quả lớn có thể xảy ra là phía nước ngoài gây sức ép, tăng giá bán than, và chính các doanh nghiệp nhập than sẽ gặp thiệt hại to lớn. Nếu các chủ mỏ nước ngoài dùng dằng, gây khó dễ, thậm chí không tiếp tục bán than (như Indonesia) để phục vụ nhu cầu trong nước họ thì an ninh năng lượng của Việt Nam sẽ đặt trước một thách thức to lớn.
Cuối năm 2009, Bộ Công thương cho rằng năm 2015 mới nhập than. Nhưng hiện nay, các chuyên gia ngành điện tính toán rằng, một nhà máy nhiệt điện chạy than mà có công suất 1.200 MW thì thời gian xây dựng không thể dưới 4 năm. Nếu muốn có một nhà máy hoạt động từ năm 2015 thì ngay từ cuối năm nay hoặc muộn nhất đầu năm sau đã phải có hợp đồng mua than để còn thiết kế công nghệ đốt lò. Cho nên, một số trung tâm điện lực lớn như Quảng Trạch, Long Phú, Sông Hậu… đang chuẩn bị đầu tư, khởi công trong năm nay và 1-2 năm tới đang cần phải có những hợp đồng như vậy, nhưng đến giờ này vẫn chưa chính thức có nguồn than.
Tệ hơn nữa là các cảng nhập than, tàu nhập than cỡ lớn cần đầu tư lớn, triển khai nhanh để chuẩn bị nhập than cho đến nay cũng chưa đâu vào đâu.
Tất cả cho thấy, tình hình đang rất cấp bách. Cho nên, từ giữa tuần trước, Bộ Công thương đã phải tổ chức một cuộc họp giữa các Cục, Vụ liên quan của Bộ này với đại diện các Bộ: Công thương, Tài chính, các tập đoàn: TKV, EVN, Dầu khí… để bàn hướng nhập than. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Sài Gòn Tiếp thị, cuộc họp này cũng không đi đến vấn đề cụ thể nào như thống nhất cho những doanh nghiệp nào làm đầu mối nhập than, chính thức bao giờ nhập, đầu tư các cảng nhập, tàu chở than ở đâu…
Hậu quả của tình trạng xuất khẩu, xuất lậu than quá bừa bãi trong suốt hàng chục năm qua đến giờ đã thấy nhãn tiền. Một sự chậm trễ trong việc tổ chức nhập than rồi đây có thể gây ra những hậu quả xấu nữa như: giá than tăng nhanh, gặp phải cạnh tranh quyết liệt với các nước (Thái Lan, Trung Quốc…) trong việc mua than, các nước xuất khẩu than có xu hướng thu hẹp lại, không xuất than để phục vụ trong nước.
Nhưng đáng tiếc, đến giờ, chuyện nhập than mới chỉ dừng lại ở bàn bạc, thậm chí bàn lùi (một số tập đoàn vẫn tưởng TKV còn nhiều than, chưa cần nhập). Trong khi đó, dù dự tính từ năm 2015, lượng than phải nhập đã lên đến 30 triệu tấn, dù biết rằng, nhiều nhà máy trong nước đã “đói” than, thì từ nay đến năm 2014, TKV vẫn tằng tằng xuất khẩu nốt những triệu tấn “vàng đen” còn lại của đất nước.
M. Q.