Khoa học và chính trị là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, một bên có chức năng tìm ra chân lý, một bên theo đuổi lợi ích cho giai tầng mình đại diện bằng phương tiện nhà nước.
LTS: Giống như văn chương minh họa bị chỉ trích là hời hợt, xa cách làm giảm giá trị của văn giới, trong thực tiễn cuộc sống, nếu việc nghiên cứu khoa học cũng làm theo kiểu minh họa sẽ làm giảm giá trị của các tiền đề căn cứ, và hệ lụy là những di hại không lường về đường lối, chính sách. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn riêng của TS. Nguyễn Sĩ Phương luận bàn về vấn đề này. Mời độc giả cùng suy ngẫm và tranh luận thêm.
Tự đóng khung mình
Xin được mượn tiêu đề bài viết của cố Nhà văn Nguyễn Minh Châu – cây cổ thụ một thời của làng văn Việt Nam – đăng trên báo Văn nghệ số 49 và 50, ngày 5/12/1987, vào thời khắc lịch sử khởi đầu chủ trương “Đổi mới” của đất nước, “cởi trói cho văn nghệ“, chấn động văn đàn lúc bấy giờ, đến nay vẫn còn nóng bỏng thời sự, không chỉ đối với văn học.
Ông cho rằng, “mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động”, đẩy “những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của văn học“, vào tình thế khi “viết y như một kẻ gian phi lúc nào cũng như đang lén lút thu giấu cái gì quốc cấm trong cạp quần“, “phải xoay trở, làm động tác giả“, “một lúc phải vặn vẹo… hai cây bút: một cây viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc“.
“Trong khi đó, những cây bút minh họa… ca ngợi một chiều thì lại thoải mái, chẳng có gì phải luồn lách, phải đắp đậy, rào đón, chỉ phải cái nó công thức, sơ lược, nhạt, và càng ngày người đọc càng thấy nó giả, ca ngợi một chiều sự giả dối không thể nào bào chữa, đắp đậy nổi, so với cuộc đời thực bên ngoài“. “Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng“.
Còn trong khoa học? Ở cấp hệ thống xã hội chủ nghĩa, từ cách mạng tháng 10 năm 1917 tới thời điểm bài viết trên, đã đào tạo ra bao thế hệ, hàng bao triệu viện sỹ, giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư, chuyên gia khoa học, với bao trường đại học, hội, hãng, viện nghiên cứu. Giới khoa học nước ta cũng ra lò từ đó.
Chưa có một chủ trương đường lối chính sách lớn nào của bất kỳ nước xã hội chủ nghĩa nào khi ra đời không được cho là đúng đắn, và đều được khẳng định bằng những tiền đề căn cứ khoa học do chính đội ngũ trên xây dựng. Nhưng rốt cuộc, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, còn ta phải tiến hành “đổi mới“, chứng tỏ đường lối từng được cho là đúng đắn thực ra chưa đúng. Thủ phạm trước hết nằm ở nền tảng khoa học được dùng làm căn cứ cho nó không phải là khoa học đích thực.
Từ luận án tiến sỹ, thạc sỹ, đến luận văn đại học, các công trình nghiên cứu, các sách giáo khoa (trừ những ngành khoa học chính xác) hầu hết đều bắt đầu bằng chương, mục, gọi là cơ sở lý luận trình bày học thuyết Mác – Lênin với những trích dẫn các tác phẩm kinh điển liên quan, tới đường lối chính sách nghị quyết của Đảng, không phải để phân tích đánh giá nó mà để khẳng định sản phẩm họ nghiên cứu ra là đúng bởi xuất phát từ đó.
Nghĩa là khoa học bị nhầm lẫn đối tượng lẽ ra được nghiên cứu để làm nền tảng cho đường lối chính sách; bổ khuyết, thời sự hoá học thuyết của Mác, như ông đã khẳng định đó là học thuyết mở, và thực tế đã chứng minh, thì lại tự giới hạn mình trong phạm vi của đường lối chính sách đó, tự đóng khung trong khuôn khổ những luận điểm của học thuyết, vừa minh hoạ cho nó, vừa lấy nó làm thước đo, chứ không phải lấy thực tiễn mới là thước đo của chân lý (Các Mác).
“Sinh con rồi mới sinh cha”?
Vậy là, minh hoạ không chỉ trong văn học như Nguyễn Minh Châu than thở, mà cả trong khoa học. Sẽ không ngạc nhiên, khi một luận án tiến sỹ người Việt làm ở Đông Đức vào thập niên 80, lúc nước ta đang khủng hoảng thiếu tiền mặt, phải trả lương bằng sản phẩm của chính xí nghiệp làm ra, với đề tài Cải cách tiền lương Việt Nam, mất tới già nửa luận án trình bày cơ sở lý luận, bởi phải tóm tắt đường lối chính sách của cả 2 đảng, sau khi trình bày thực tế trả lương Đông Đức, được khảo sát trong 3 năm, đưa ra đề xuất: trả lương bằng sản phẩm ở ta chỉ là quá độ, tiến tới phải trả lương bằng tiền như Đức, theo đúng chủ trương nước ta đã đặt ra?!
Ngay đến khoa học tự nhiên, để ủng hộ chủ trương phân phối lương thực độn lúc đó, do cả nước thiếu gạo, bao nhiêu bài báo, công trình khoa học kể cả từ Viện Dinh dưỡng, đều khẳng định: lương thực độn bổ hơn gạo!? Dựa vào tính toán thành phần dinh dưỡng của chúng, bất chấp ăn uống thuộc lĩnh vực văn hoá ẩm thực truyền thống, cùng khả năng tiêu hoá, hấp thu, không được xét đến.Có nghĩa là thực thi chính sách trước, rồi mới tìm căn cứ khoa học cho chính sách sau, kiểu sinh con rồi mới sinh cha, tránh sao khỏi, khoa học thay vì tìm kiếm chân lý biến thành công cụ gọt đẽo chân lý.
Tính minh họa làm giảm chất lượng bản thân các công trình khoa học. Một luận án tiến sỹ khoa học (Dr. Habil) của Đông Đức với đề tài “phân loại hàng hoá trong thương nghiệp“, chưa kể một chương đầu chiếm 1/5 luận án trình bày học thuyết Mác liên quan, cùng đường lối chính sách Đông Đức, trong các chương còn lại đều phải mở đầu hoặc kết luận bằng luận điểm phân biệt bản chất từng đối tượng nghiên cứu trong 2 chế độ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Nghĩa là so với một công trình tương tự bên Tây Đức, chỉ xét riêng về đầu tư thời gian nghiên cứu, luận án này đã kém ít nhất 1/5 so với họ. Học vị Dr. Habil ở Đức là giấy thông hành ngồi ghế giáo sư – thầy của tiến sỹ, họ sẽ cho ra lò tiếp nối bao nhiêu tiến sỹ nữa hệt thầy?
Khi đồng nhất khoa học với chính trị
Khoa học minh họa gây hậu quả không nhỏ cho cả lĩnh vực đào tạo ở ta, không chỉ nằm trong từng luận án, sách giáo khoa, mà cao hơn, ở cả mục tiêu và chương trình đào tạo.
Cùng một mục tiêu, lấy ví dụ chuyên ngành kỹ sư kiến trúc (thuần túy kỹ thuật), so với các nước Âu Mỹ hiện nay, xét về quỹ thời gian (ở đây chưa xét đến quan điểm), ở ta bị mất đi tổng cộng từ 1 đến 2 học kỳ/ tổng số 8-10 học kỳ đào tạo lẽ ra để học chuyên môn như họ thì phải dành để học các môn tư tưởng, chính trị, dẫn tới trình độ kỹ sư ra trường không thể sánh được họ (ngoại trừ cá biệt). Chương trình đào tạo đó, tự nó mâu thuẫn với sử dụng vốn là mục tiêu của đào tạo, ở chỗ, trong khi một kỹ sư “Tây” hoặc ta du học “Tây”, không hề học chính trị tư tưởng của ta, về ta làm việc, được tín nhiệm, thì kỹ sư ở “Ta”, chính trị tư tưởng được học hơn họ, phải chịu số phận ngược lại khi làm cùng kỹ sư du học “Tây” hay sang “Tây”, do kém chuyên môn lẫn thực tế.
Không nhà nước nào thay được nhà khoa học vượt ra khỏi giới hạn minh họa ngoài bản thân họ, và chỉ khi họ coi khoa học là đích phấn đấu của cuộc đời, với những tấm gương quên mình như Bruno nằm trên giàn hoả thiêu của chế độ thần quyền lúc đó coi trái đất đứng yên, vẫn khẳng khái chân lý do ông khám phá: dù sao trái đất vẫn quay.
Khoa học và chính trị là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, một bên có chức năng tìm ra chân lý, một bên theo đuổi lợi ích cho giai tầng mình đại diện bằng phương tiện nhà nước.
Câu chuyện – con sư tử uống nước đầu nguồn trông thấy con nai uống phía cuối nguồn, liền nhảy chồm tới thét, con nai kia sao mày dám làm đục dòng nước của ta, ta sẽ xé xác mày – cho thấy một hình ảnh trực quan, chân lý (khoa học) sẽ thuộc về kẻ mạnh (nắm chính trị). Một khi đồng nhất khoa học với chính trị trong cùng một chủ thể, nếu luật pháp không có chế tài đủ mạnh phòng ngừa, đặt ra yêu cầu tất yếu: khoa học làm căn cứ cho chính sách, phải được nghiên cứu, phản biện, giám định độc lập. Điều này lý giải tại sao nước Đức không thiếu gì các nhà khoa học trong bộ máy chính quyền, có vô số viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng thuộc nhà nước, nhưng bên cạnh báo cáo kinh tế quốc dân hàng năm của chính phủ, Quốc hội Đức vẫn cần báo cáo giám định độc lập của 5 cá nhân nhà khoa học kinh tế hàng đầu nước Đức, thuê khoán rất tốn kém, tới hàng triệu Euro.
Có thể nhận ra rủi ro chính sách rất lớn khi chính cá nhân hoặc cơ quan hoạch định chính sách lại tự đưa ra căn cứ khoa học, không được giám định độc lập, qua dự án đường sắt cao tốc, khi một tiến sỹ – đại biểu Quốc hội phát biểu ủng hộ đường sắt cao tốc, chỉ bởi ông đã ra nước ngoài, thấy rất thuận tiện, bà mẹ đi làm, học sinh đi học bằng tàu cao tốc.
Trong khi thực tế họ chỉ đi tàu điện hoặc tàu nội thị, xe buýt, chứng tỏ ông hoặc đã nhầm tàu điện, nội thị thành tàu cao tốc, hoặc nhầm bà mẹ trẻ em đi du lịch với đi làm và đi học. Đến cả Báo cáo giải trình bổ sung của Chính phủ gửi Quốc hội viện dẫn ví dụ nước Đức, cũng đưa luận chứng hoàn toàn sai, khi cho rằng “nước Đức đã nâng cấp đường sắt khổ 1.435 mm để vận chuyển cả hàng hóa và hành khách với tốc độ vận chuyển hành khách 200 km/h. Phương án này không hiệu quả cho nên các tuyến đường sắt cao tốc của Đức hiện nay đều được xây dựng mới“, trong khi thực tế mạng đường sắt Đức luôn được mở rộng hoàn thiện đồng bộ, đường sắt cao tốc chỉ phát triển song song trên cơ sở đó, do tập đoàn kinh doanh đường sắt đầu tư chứ không phải nhà nước như ta.
Tới dự Luật Thủ đô dựa trên “Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu pháp luật về thủ đô của nước ngoài” tới 11.955 chữ; được coi như một căn cứ khoa học, do tổ công tác chỉ nghiên cứu trên văn bản qua biên dịch, gửi Ban soạn thảo, không thấy giám định, trong khi thế giới có tới gần 200 quốc gia rất khác nhau và khác ta, với 3 triệu người Việt sống ở đó, đủ chuyên gia có thể giám định tại chỗ. Bảo vệ Trục Thăng Long trong quy hoạch Thủ đô, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn viện dẫn luận chứng khoa học: Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm tuyến đường tương tự như tuyến này.
Thực tế ngược lại, đại lộ Champs – Elysées (Pháp), đường Trường An (Trung Quốc), Thủ đô Hàn Quốc, Nhật đều không có tuyến đường nào rộng tới 350 m, lại dài thẳng băng tới 30 km như vậy!
Cả một thuyết tương đối đồ sộ của Einstein cũng chỉ xây dựng trên mỗi tiên đề thực tế, tốc độ ánh sáng là cao nhất và không đổi trong mọi hệ quy chiếu. Chỉ cần tìm ra được một loại vật chất có tốc độ hơn ánh sáng thôi, thuyết tương đối của Einstein sẽ bị phủ nhận. Vì thế, không có lý do gì các chính sách trên vẫn được coi là đúng khi dựa trên một thực tế sai. Cần phải áp dụng tiêu thức nghiệt ngã đó để thải lọc mọi chính sách khởi trình, nếu nước ta muốn đuổi kịp thế giới hiện đại vốn không phải dễ dàng.
Nguyễn Minh Châu từng day dứt tiếc nuối “chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra toàn những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới?“, “chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ?“. Còn đối với khoa học minh họa nước ta, đến bao giờ mới nghe được một “lời ai điếu” như Nguyễn Minh Châu cất lên?
N.S.P
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-09-29-hay-doc-loi-ai-dieu-cho-nghien-cuu-khoa-hoc-minh-hoa