Ngày 21 tháng 9, chỉ vài ngày trước thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ diễn ra tại New York, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ không nên tham gia vào tranh chấp trên biển Đông.
Lời phát ngôn này của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm này có ý nghĩa gì? Và có ảnh hưởng đến đâu tới bản thông cáo chung ASEAN-Mỹ sẽ được công bố vào thứ sáu tới? Việt Hà phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, trường Đại học New South Wales, chuyên gia châu Á về vấn đề này.
Bản tuyên bố chung
Việt Hà: Thưa ông, hôm 21 tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc nói Mỹ không nên tham gia vào tranh chấp biển Đông. Lời tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, có ảnh hưởng thế nào đối với bản tuyên bố chung của hội nghị?
Carl Thayer: Bản nháp của bản tuyên bố chung Mỹ-ASEAN đã rò rỉ ra bên ngoài, dài 13 trang, có trích đoạn nói do Mỹ đề nghị về vấn đề biển Đông, và có những dấu hiệu cho rằng bản tuyên bố nháp này có thể còn thay đổi nhưng nói chung bản tuyên bố khẳng định không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp. Và đó là lập trường tiêu chuẩn đối với ASEAN hay bất cứ nước nào khác là không nhắm vào Trung Quốc một cách cụ thể hay để Trung Quốc cảm thấy như vậy.
Lời tuyên bố này của Trung quốc không có gì là mới mẻ, nó đã xảy ra từ hồi tháng 7 sau khi ngoại trưởng Mỹ nêu lên quan điểm của Mỹ. Theo tôi lời tuyên bố này từ Trung quốc một phần có ý dọa các nước ASEAN đừng quá thân mật với Mỹ và khiến họ nhẹ bớt lời khi sử dụng những đề nghị từ phía Mỹ.
Ông Carl Thayer
Việt Hà: Theo ông, liệu bản tuyên bố chung có nói đến việc phải quốc tế hóa vấn đề biển Đông không?
Carl Thayer: Tôi tin là bản tuyên bố chung có nói đến bộ quy tắc ứng xử chung trên biển Đông giữa các bên. Bộ quy tắc này đã được cả Trung Quốc và ASEAN thống nhất vào năm 2002. Trung Quốc sử dụng từ quốc tế hóa có một nghĩa đặc biệt, bởi vấn đề tranh chấp trên thực tế đã được quốc tế hóa và Trung Quốc đã ký vào bộ quy tắc ứng xử chung với ASEAN có nghĩa là đã quốc tế hóa nó. Họ có bản hướng dẫn để thực hiện bộ quy tắc này, và điểm số 2 của bản hướng dẫn này nói rõ ràng là các nước ASEAN có quyền và nên gặp nhau để có sự đồng thuận trước khi gặp và bàn thảo với Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì lại muốn bàn thảo song phương mà thôi.
Việt Hà: Vậy tuyên bố mới này của Trung Quốc có sức nặng thế nào đối với bản tuyên bố chung và ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của ban tuyên bố?
Carl Thayer: Đó là lý do mà Hoa Kỳ muốn bản tuyên bố lúc này vẫn nằm trong vòng bàn thảo, có những bài báo từ một số nhà báo ở Singapore nói rằng ASEAN đang nghĩ lại, bởi vì căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản làm cho căng thẳng trong khu vực tăng cao, thì ASEAN không nên cùng nhau kết thành một khối đồng minh với Nhật và Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc.
Nhưng rất có thể là vấn đề biển Đông sẽ được đề cập đến trong bản tuyên bố này và tái khẳng định chủ trương không sử dụng vũ lực. Tất nhiên, bản tuyên bố này không có nhiều lắm sức nặng bởi vì Tổng thống Indonesia không tham dự thượng đỉnh. Nếu Indonesia gửi Tổng thống mình đến thượng đỉnh thì bản tuyên bố đã có sức nặng hơn. Nhưng chắc là cả Mỹ và ASEAN sẽ nhắc đến vấn đề biển Đông trong tuyên bố chung.
Đe dọa các nước ASEAN
Việt Hà: Trung Quốc đã từng đưa ra các tuyên bố liên quan đến tranh chấp biển Đông, rồi sau đó lại nói là không tuyên bố như vậy, theo ông liệu lần này cũng tương tự?
Carl Thayer: Nó đã từng xảy ra trước kia. Tháng 3 năm nay, cộng đồng ngoại giao và cộng đồng nghiên cứu chiến lược đã giật mình khi có tin rằng thứ trưởng Trung quốc nói với một giới chức cấp cao của Tổng thống Obama rằng biển Đông là mối quan tâm chính. Từ ‘mối quan tâm chính’ được sử dụng lại trong các tháng 7, 8, nó xuất hiện trên báo chí Trung Quốc. Nhưng bây giờ thì giới ngoại giao Trung quốc lại nói khắp nơi rằng họ chưa bao giờ nói vậy và đó không phải là chính sách của họ. Mỹ đã dựng lên tuyên bố đó. Họ đã kiểm tra lại và thấy là họ đã đi quá xa khi tuyên bố đó là mối quan tâm chính, nhưng Trung quốc sẽ không ngừng phản đối việc quốc tế hóa tranh chấp trên biển Đông.
Cái mà chúng ta thấy ở đây là một trò chơi cân bằng rất mong manh đang diễn ra, dù là Trung Quốc hay Hoa Kỳ đều có thể đi hơi quá. Vì thế chúng ta phải chờ xem Tổng thống Obama sẽ làm thế nào vào thứ sáu này, liệu ông ấy có thể xử lý tình huống thích hợp thế nào thì quả bóng sẽ lại về sân của Trung Quốc, và ta sẽ xem Trung Quốc sẽ lại sử dụng tuyên bố theo kiểu như đã làm với Nhật Bản hay lại làm ầm ĩ như vẫn làm trước kia nhưng vẫn để mọi sự diễn ra bình thường vì biết rằng có một hội nghị quan trọng sắp diễn ra vào tháng 10.
Ông Carl Thayer
Việt Hà: Ông có nói là mục đích của tuyên bố này của Trung Quốc chỉ để dọa các nước khác đừng quá thân mật với Hoa Kỳ, liệu các nước ASEAN có cảm thấy bị đe dọa hay không?
Carl Thayer: Một vài nước cảm thấy bị đe dọa, một vài nước thì không. Các nước ASEAN cũng bị chia rẽ trong vấn đề này. Những nước cảm thấy bị đe dọa có thể là Việt Nam, Philippines, vì những hành động của Trung Quốc trong nhiều năm qua và các hoạt động hải quân của Trung Quốc trực tiếp hướng tới họ, và động cơ đằng sau đó chưa bao giờ được giải thích cụ thể. Indonesia đã cho thấy một số quan ngại, nhưng nói nó không liên quan đến Trung Quốc mà với vấn đề tách biệt khác. Trung Quốc đang chơi trò chia rẽ nhưng chúng ta phải xem nó sẽ có kết quả thế nào.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.