Cả người Mỹ lẫn châu Âu đều bi quan về tương lai của họ trong khi họ đang gượng dậy từ cuộc khủng hoảng toàn cầu do chính những hệ thống tài chính của họ gây ra. Với thị kiến bị vặn vẹo vì nỗi âu lo về sự suy yếu của phương Tây, họ đánh giá quá cao sức mạnh của hệ thống Trung Quốc, giống như họ đã lý tưởng hóa Nhật Bản vào thập niên 1980. Đúng, thành quả kinh tế của Trung Quốc còn ấn tượng hơn của Nhật Bản trước đây. Kể từ khi áp dụng chính sách cải cách theo định hướng thị trường và mở cửa cho ngoại quốc vào đầu tư và giao thương vào năm 1978, Trung Quốc đã gặt hái được những thành quả chưa từng có trong lịch sử với mức tăng trưởng thu nhập đầu người luôn vượt hơn 7% liên tục suốt ba thập niên.
Nhưng có nhiều nguyên nhân đã khiến Trung Quốc đạt được những thành quả kinh tế đáng kể như thế, trong đó có một số nguyên nhân lại chẳng dính dấp gì đến sự khôn ngoan của những chính sách đã được thực thi, chẳng hạn như Trung Quốc có hơn 70% dân số đang ở độ tuổi lao động hoặc có một thị trường nội địa khổng lồ. Hơn thế nữa, chiến lược kinh tế của Bắc Kinh đã chuyển biến trong 30 năm cải cách và mở cửa vừa qua. Những kinh tế gia Trung Quốc trào tiếu khái niệm cho rằng có một “mô hình phát triển kiểu Trung Quốc” nhất quán.
Tại một hội nghị chuyên đề mà tôi đã tham dự gần đây ở Bắc Kinh, những kinh tế gia phương Tây đã tranh luận về lý do tại sao giai đoạn cất cánh trong thập niên 1980 lại thành công như vậy. Có phải là do chính sách giải thể chế độ hợp tác hóa nông nghiệp và quay trở lại lối canh tác hộ gia đình? Hay là vì những thí điểm khu vực đã giảm thiểu nguy cơ cho chương trình cải cách? Hay là việc phân tán hệ thống tập trung tài chính đã mang lại nhiều khích lệ cho quan chức chính quyền địa phương để họ thúc đẩy hoạt động thị trường tự do? Hay là quá trình thị trường hóa trục tiệm quanh biên độ của kế hoạch trung tâm? Nhưng những nhà kinh tế Trung Quốc lại tỏ ra hứng thú hơn trong việc truy tầm nguyên nhân đã khiến cải cách thị trường trì trệ vào thập niên 2000. Họ nghiêm khắc lên án những chính sách mới nhằm tăng cường vai trò của nhà nước trong kinh tế, ưu đãi những ngành kỹ nghệ nặng do nhà nước làm chủ và bóp nghẹt những xí nghiệp tư nhân.
Sau khi đã thu được thành công trong giai đoạn cất cánh bằng giải pháp thử nghiệm định hướng thị trường, giới lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu tung ra một khối lượng tiền khổng lồ để đầu tư vào công nghiệp và hạ tầng cơ sở. Giải pháp đó đã hoạt động tốt nhằm mô phỏng theo những quốc gia đã phát triển, công nghiệp hóa nhanh chóng và thuyên chuyển công nhân từ vùng nông thôn lên những khu công nghiệp duyên hải. Nhưng bây giờ vì Trung Quốc đang chuyển mình sang một giai đoạn mới, với mức lương gia tăng và một tầng lớp công dân có trình độ giáo dục và yêu cầu cao hơn, giải pháp này không còn phù hợp nữa. Chính quyền đang mày mò tìm kiếm những chiến lược mới, chẳng hạn như thực thi chính sách “tự chủ cách tân” mà có lẽ sẽ chẳng có cơ hội thành công với cùng một cách thức huy động nguồn tài nguyên từ trên xuống dưới. Tôi đoan chắc rằng cho đến lúc những người đề xướng ra cái mô hình Trung Quốc ấy hiểu rõ điều họ muốn đích xác là cái gì thì hoàn cảnh thay đổi sẽ buộc người Trung Hoa phải vứt bỏ nó đi.
Người ngoại quốc có thể cảm thấy choáng ngợp trước những kỳ tích kinh tế của Trung Quốc, nhưng chính người Trung Quốc thì lại quá ám ảnh với những phó phẩm tiêu cực của chúng. Hố cách biệt giữa giàu và nghèo được thu hẹp lại trong thập niên đầu của chương trình cải cách theo định hướng thị trường, nhưng từ đó sự phân bố thu nhập càng ngày càng trở nên mất quân bình với hệ số Gini là 0,47, [Hệ số Gini có giá trị từ 0 đến 1. Hệ số bằng 0 tượng trưng cho sự bình đẳng thu nhập tuyệt đối, hệ số bằng 1 tượng trưng cho sự bất công thu nhập tuyệt đối – ND] cao hơn nhiều quốc gia đang phát triển khác hoặc cả Hoa Kỳ. Tham nhũng đã trở thành căn bệnh phổ biến.
Công dân nổi lên phản đối nạn sông ngòi bị ô nhiễm bởi chất độc công nghiệp là một tình huống thường thấy. Ô nhiễm môi trường đã lên đến mức độ thảm họa – 16 trong số 20 thành phố bị ô nhiễm không khí nặng nhất trên thế giới nằm ở Trung Quốc. Ngân hàng thế giới đưa ra con số ước tính tổng thiệt hại do ô nhiễm không khí và nguồn nước ở Trung Quốc là 5.8% GDP vào năm 2007.
Người phương Tây hay than vãn về quá trình quyết sách tại các nước dân chủ là vô trật tự, kéo dài phí thời gian và tỏ ra ghen tỵ với sự quả quyết trong lối cai trị độc tài của Trung Quốc. Thực ra tiến trình soạn thảo chính sách của Trung Quốc cũng không mang tính quyết định cao như họ tưởng. Đạt được sự đồng thuận của giới chức quan liêu để đưa ra những cải tổ táo bạo đã trở nên ngày càng khó khăn bởi vì giới lãnh đạo ngày nay thiếu hẳn quyền lực cá nhân tuyệt đối như kiểu Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình ngày nào. Chính quyền trung ương không có khả năng bảo đảm thực thi đúng đắn những chỉ thị do mình đưa xuống cho 35 đơn vị cấp tỉnh mặc dầu bí thư đảng và chủ tịch của những đơn vị này đều do trung ương bổ nhiệm. Trung ương đề ra những quy chế để bảo vệ môi trường và cải thiện sức khỏe, giáo dục và chế độ hưu bổng. Nhưng giới lãnh đạo cấp tỉnh thì chỉ cứ phớt lờ đi thôi bởi vì việc thăng chức của họ chủ yếu dựa vào tỷ lệ tăng trưởng.
Những người ngoại quốc khâm phục chắc phải ngạc nhiên khi biết được rằng sự tăng tốc của phát triển kinh tế đã nâng cao nguy cơ bất an chính trị cho giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc. Những chính trị gia cộng sản băn khoăn về khoảng thời gian còn lại mà họ còn có thể cưỡi trên đầu trên cổ một xã hội ngày càng năng động, cởi mở với thế giới bên ngoài, và biết nhiều hiểu rộng hơn thời Mao Trạch Đông. Họ nhìn thấy những mối đe dọa quyền lực của họ lẩn quất khắp mọi ngõ ngách, cho nên đã phải đầu tư nặng nề để kiểm soát nội dung truyền tải trên hệ thống thông tin đại chúng và internet, ngăn chặn những kẻ khiếu nại không cho đổ về Bắc Kinh và nghiền nát bất cứ tổ chức nào không chịu lệ thuộc vào hệ thống quản chế của nhà nước. Một bản phân tích mới đây của Trung Quốc cho biết ngân sách Chính phủ chi tiêu để giữ vững an ninh nội địa tương đương với ngân sách chi tiêu cho quốc phòng. Ấy vậy nhưng Chính phủ vẫn cảm thấy bàng hoàng khi chứng kiến những cuộc bạo động phản đối của các dân tộc thiểu số tại Tây Tạng và Tân Cương, điều này cho thấy khả năng kiểm soát và điều phối của bộ máy trấn áp vẫn còn nhiều khiếm khuyết.
Năm 1989, hàng triệu sinh viên tổ chức biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và khắp 132 thành phố khác trên toàn quốc. Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản trở nên chia rẽ trong việc chọn lựa giải pháp đối phó với những cuộc biểu tình này, và nước Cộng hòa nhân dân được sống còn chỉ vì quân đội đã đàn áp mãnh liệt các cuộc biểu tình theo lệnh của Đặng Tiểu Bình. Hệ thống chính trị vẫn rất dễ bị thương tổn trước sự phối hợp nguy hiểm của những kẻ chống đối và sự chia rẽ công khai trong giới lãnh đạo. Nỗ lực của Đảng Cộng sản nhằm cấu tạo kênh hào nằm ngoài cơ chế tuyển cử để công chúng tham gia thất bại trong việc ngăn cản sự gia tăng các hoạt động chống đối. Trong lúc đó, internet và hệ thống truyền thông thương mại đã khiến việc che mắt quần chúng về những chia rẽ của giới cầm quyền trở nên khó khăn hơn. Sự chia rẽ trong giới lãnh đạo được điện báo đến công chúng qua mạng internet đã kích hoạt nhiều cuộc nổi dậy mang tính chất cách mạng tại các chế độ độc tài toàn trị khác. Dẫu có những thành tựu kinh tế ngoạn mục, Trung Quốc cũng khó tránh khỏi số phận tương tự.
Susan Shirk
Giám đốc Học viện Nghiên cứu Hợp tác và xung đột hoàn cầu, Đại học California
Susan Shirk là giám đốc Học viện Nghiên cứu hợp tác và xung đột Hoàn cầu toàn hệ thống của Đại học California và là Giáo sư vinh danh Ho Miu Lam tại Khoa Nghiên cứu quan hệ quốc tế và Thái Bình Dương, Đại học California, tại San Diego. Lần đầu tiên bà đến Trung Quốc là năm 1971 và khởi sự làm công tác nghiên cứu ở đó cho đến nay. Từ 1997 đến 2000, bà đảm đương chức vụ Phó trợ lý Ngoại trưởng tại Văn phòng Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương, đặc trách Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Đài Loan, Hồng Kông, và Mông Cổ. Những tác phẩm đã xuất bản của bà gồm: “Trung Quốc: Một siêu cường mong manh”, “Trung Quốc đã mở cửa như thế nào: Thành công chính trị của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về cải cách đầu tư và ngoại thương” và “Luận lý chính trị của cải cách kinh tế tại Trung Quốc”. Cuốn “Thay đổi truyền thông, thay đổi Trung Quốc” của bà sẽ do Nhà xuất bản Đại học Oxford phát hành vào tháng 12, 2010.
Hồ Kim Sơn dịch
Dịch từ: http://www.economist.com/debate/days/view/553#con_statement_anchor
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN