LBT – Những “uốn nắn” của chuyên gia Lê Đăng Doanh nhắc nhở ta một điều: Ngân hàng Thế giới, cũng chỉ là một ngân hàng. Nó là nơi kinh doanh tiền tệ.
Chỗ khác đời: nó không cho cá nhân vay tiền mà chỉ cho các chính phủ vay tiền. Và không phải bất kỳ chính phủ nào cũng vay được, mà nó chỉ cho vay những chính phủ không còn chỗ nào để đi vay.
Không chỉ khác đời, Ngân hàng Thế giới còn hơn đời, ở chỗ nó nghĩ ra được những học thuyết chi phối tư duy và việc làm của bên đi vay.
Nữ tác giả Catherine L. Caufield nói được những điều đó trong cuốn sách “Trùm gây ảo tưởng – Ngân hàng Thế giới và nạn đói nghèo các quốc gia”, in năm 1996 và liên tiếp được hai ba nhà xuất bản in lại.
Việt Nam dịch và in nhiều sách, nhưng hình như vẫn bỏ sót chưa dịch và in cuốn sách này. Giá mà sách này bầy bán nhiều hơn sách bói toán, thì những uốn nắn của tiến sĩ Lê Đăng Doanh sẽ dễ hiểu hơn và sẽ nhiều tác dụng hơn.Bauxite Việt Nam
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chính thức công bố, VN trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lại có góc nhìn khác về kết quả này.
Thu nhập chủ yếu từ tài nguyên
Là chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về kết quả mà WB vừa công bố?
Trước hết, có thể nói chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, là một chỉ tiêu thô, tổng hợp và nó không nói gì được về sự bất bình đẳng về thu nhập trong xã hội. Có thể, một vài đại gia về bất động sản, ngân hàng, chứng khoán có thu nhập cả hàng trăm triệu USD/năm, trong khi đó những người nông dân nghèo, vẫn đang rất nghèo. Việc công bố về tỷ lệ hộ nghèo của VN (12,3%), nhưng ngay cả con số đó cũng chưa bao quát được hết, vì cái chuẩn hộ nghèo của chúng ta đã không kịp điều chỉnh theo trượt giá và chỉ tiêu lạm phát.
Có nghĩa là ông không đồng ý với WB?
Chưa hẳn thế. Theo tôi, việc VN từ một nước nghèo, có thu nhập thấp trở thành một nước có thu nhập trung bình đã là một kết quả rất đáng trân trọng thể hiện nỗ lực của VN trong vòng nhiều năm. Nhưng chúng ta cần phải nhìn lại và xem mức thu nhập đó có được dựa trên kết quả nào và trong tương lai, VN sẽ có thể vượt lên được cái “bẫy” có thu nhập trung bình hay không?
Cái “bẫy” ở đây là gì, thưa ông?
Người ta phân biệt cái “bẫy” thu nhập trung bình thành hai loại: Bẫy lương thấp, tức là những nước nghèo chỉ có làm gia công, lắp ráp, nên lương thấp. Còn công việc nghiên cứu khoa học, phát triển, triển khai, thiết kế thì không làm được. Việc phân phối, tiếp thị cũng không làm được. Để làm được các khâu đó đòi hỏi phải có trình độ cao.
Ngay thu nhập trung bình, người ta cũng chia ra làm 3 nhóm: Thu nhập trung bình thấp (1.000- 4.000 USD/người/năm). Trung bình trung bình (4.000- 8.000 USD/người/năm) và trung bình cao (tức 8.000-9.600- 9.800 USD/người/năm). Còn trên 10.000 USD/người/năm là nước có thu nhập cao và gia nhập nhóm OECD (các nước phát triển mới), mà gần đây nhất là Chile đã đạt được mức này.
Như ông vừa nói, cần phải xem mức thu nhập đạt được dựa trên kết quả nào, vậy VN đạt được thành tựu là nước có thu nhập trung bình dựa vào đâu?
Để đạt được thành tựu này, VN đã có một số thay đổi lớn: Chúng ta đã chuyển ra kinh tế thị trường, phát huy được tinh thần kinh doanh, sự năng động của những người dân và thu hút được đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt để đạt được sự tăng trưởng đó là chúng ta dựa vào khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ, tức làm gia công, lắp ráp. Thu nhập của VN hiện nay dựa vào tới hơn 70% từ tài nguyên, gồm có: Dầu thô, than đá, các khoáng sản, gỗ, gạo, thuỷ sản, cao su, cà phê. Thủy sản cũng chỉ mới là đông lạnh, chưa có chế biến. Điểm chúng ta phải tỉnh táo nhận ra, khi chúng ta đạt được mức thu nhập trung bình là trong bối cảnh, bất bình đẳng trong xã hội đã ở mức rất cao. Một số người buôn bất động sản, buôn bán chứng khoán rất giàu nhưng không tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội.
Như vậy, có thể nói thu nhập của chúng ta vẫn chủ yếu là “bán máu” (khai thác tài nguyên) và “ăn sổi” (bất động sản, chứng khoán)?
Chúng ta rất mừng khi một người nông dân áp dựng KHCN vào sản xuất các cây, con mới, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nhưng chúng ta cũng hết sức lo ngại, khi có những kẻ khai thác, tàn phá tài nguyên như đạp đá, bốc cát bừa bãi. Tất cả những cái đó đều không nộp vào ngân sách và ít tạo ra công ăn việc làm. Chúng ta đạt được mức thu nhập đó, nhưng cái vốn quý lớn nhất của chúng ta, là con người, thì lại không đào tạo được họ để trở thành những người có trình độ cao.
Chúng ta vẫn chưa thể đào tạo được chuyên gia nào để hoạt động, làm việc ở nước ngoài bằng nền giáo dục của chúng ta. Hầu hết những người VN đang làm việc ở nước ngoài hiện nay đều được đào tạo ở nước ngoài. Rồi chúng ta cũng không có một chuyên gia tài chính nào được đào tạo ở trường VN mà đi “kiếm cơm” được ở nước ngoài.
Cải cách toàn diện để vươn lên
Như ông nói ở trên, vấn đề thu nhập ở đây của chúng ta mới dựa vào “sức”, chứ chưa dựa vào “trí”. Để chuyển từ “sức” sang “trí”, chúng ta cần những thay đổi gì?
Chúng ta đạt được thành tựu này trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn rất nghiêm trọng từ sông ngòi cho đến ao, hồ. Rồi nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng, phá rừng làm cho nước nguồn ngày càng cạn kiệt, lũ bão ngày càng gay gắt hơn, khô hạn nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bên cạnh những thành tựu đáng trân trọng đó, chúng ta cũng phải thấy hết được những hạn chế, khuyết điểm, thiếu sót để khắc phục.
Ngay khi công bố kết quả này, WB cũng đã có rất nhiều lời khuyên đối với VN, nhất là về vấn đề cải cách để tiếp tục phát triển. Theo ông, VN cần phải cải cách những lĩnh vực nào?
Như tôi đã nói, chúng ta rất lo ngại cái “bẫy” thu nhập trung bình như các nước Đông Nam Á, từ Thái Lan đến Philippin, Malaysia, Indonesia…chỉ quanh quẩn ở mức thu nhập trung bình từ nhiều năm nay, tức chỉ dao động ở mức từ 1.500-5.000 USD/người/năm, không lên nổi. Chỉ có Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc vươn lên được.
Cũng xin lưu ý là, chúng ta đạt được thành tựu này trong bối cảnh nạn tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng. Bản thân chúng ta cũng lên án rất gay gắt tham nhũng, nào là “giặc nội xâm”, kẻ thù của đất nước nhưng trên thực tế việc hành động đạt được kết quả rất thấp.
Một khi muốn đạt được mức tăng trưởng mà giảm dần việc phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, chúng ta sẽ cần chuyển sang khai thác những nguồn lực nào?
Phải có sự cải cách rất rõ từ giáo dục, cho đến y tế, môi trường và phải có một quyết tâm chính trị như cách làm của Hàn Quốc, từ một nước rất nghèo phải đi XK lao động, XK tóc giả, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn đã chuyển sang đóng tàu, XK ôtô, điện tử. Do đó, chúng ta cần chuyển từ việc tăng trưởng chiều rộng dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang xây dựng các DN có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh quốc tế, thế giới, phát triển KHCN, dựa vào đội ngũ lao động có trình độ, trí thức.
Phải giải quyết từng bước, có quyết tâm những sự bế tắc như tôi đã nói ở trên, trước hết là thay đổi bộ máy hành chính có năng lực hơn, tiếp tục chống tham nhũng, giải quyết ô nhiễm môi trường, thu nhập bất bình đẳng và các vấn đề xã hội.
Thực tế, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta là như vậy, nhưng tiền lại chỉ tập trung vào một số ít người, còn đại đa số dân ta vẫn nghèo. Chúng ta có nên kiến nghị WB thay đổi công bố này?
Chúng ta không thể thay đổi được hoặc báo cáo với họ là chúng ta tái nghèo, mà phải vươn lên, phải tiến tới thành một nước phát triển, làm nghĩa vụ đi giúp đỡ các nước khác như cách làm ban đầu là chia sẻ và cử chuyên gia sang châu Phi hỗ trợ về SXNN. Có thể coi đây là bước ngoặt của sự thay đổi, chúng ta đang đứng giữa ngã 3 đường, nếu không vượt qua được, mình sẽ mãi mãi trở thành một nước “làng nhàng” quanh quẩn ở ngưỡng 1.000- 2.000 USD/người/năm, đấy là chưa kể đến các sự tác động mới như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Xin cảm ơn ông!