Vấn đề dân cày – Chưa bao giờ nóng bỏng như hiện nay

Trong các bài viết về nông thôn, trước đây tôi khá ấn tượng với các bài viết của anh Nguyễn Quang Thiều, người vừa trúng cử chức Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt nam khóa VIII mới đây. Ấn tượng về hình ảnh bức tranh anh vẽ “Nông thôn hơn 30 năm trước là hình ảnh con trâu đi trước người nông dân đi sau. Bây giờ cũng vẫn như thế không có gì khác. Có khác chăng là trước đây là ảnh đen trắng, nay là ảnh mầu”. Lời lẽ khá chua chát. Nhưng nói thế không có nghĩa tôi đã tán đồng hoàn toàn với quan điểm của người viết. Khách quan mà nói bức tranh nông thôn ngày nay có khác xưa. Đời sống người nông dân có cải thiện phần nào. Không có chết đói. Nhà cửa ngói hóa nhiều hơn. Nông dân bây giờ không mặc bộ cánh nâu truyền thống nữa mà chuyển qua các bộ quần áo có nhiều nylon hơn. Trung niên trở lên vẫn hút thuốc lào nhưng thanh niên thì đã phì phèo điếu thuốc trên môi, thậm chí còn hút cả Vinataba với giá 12 nghìn đồng một gói. Chắc vì vậy nên Nhà nước đã yên chí là nhờ ơn Đảng, Chính phủ, nông dân đã sướng, nông thôn đã đổi thay trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chắc cũng vì vậy nên Đảng và Nhà nước hiện đang có kế hoạch nâng lương cho các ngành như Y tế, Giáo dục… và cả tăng tiền trợ cấp hưu trí mà chả buồn ngó ngàng gì đến nông dân. Mừng cho các ngành được Đảng và Chính phủ quan tâm nhưng Đảng và Chính phủ cũng rất cần sớm có những chính sách thiết thực, hiệu quả để nông dân đỡ khổ.

Các chương trình xóa đói giảm nghèo như chương trình 135 giai đoạn 2 đã được rót vốn tới 14.000 tỷ đồng không phải đã làm giàu cho nông dân mà làm giàu cho các quan chức làm dự án và chính quyền địa phương. Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/4/2010, số tiền chi sai và thất thoát lên tới hơn 80 tỷ đồng. Tuy nhiên con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều lần. Các dự án đầu tư tiền tỷ đang bị bỏ xó, han rỷ vô dụng mà nông dân vẫn nghèo. Quan chức họ làm dự án có phải cho nông dân đâu. Một thực tế cho thấy việc ngói hóa nông thôn như tôi đã nêu trên không phải nông dân giàu lên do làm ăn mà do bán đất. Nước ta ước tính có 9,42 triệu héc ta đất nông nghiệp trong đó đất canh tác là 4,1 triệu héc ta. Nông dân chiếm khoảng sáu chục triệu người. Vậy là đất canh tác của nông dân chỉ có 480m2 cho mỗi người. Con số này chỉ bằng ¼ của nông dân Thái lan. Quỹ đất của nước ta đâu có nhiều.

Theo Hội Nông dân Việt Nam, trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở hạ tầng, mỗi năm cả nước có gần 200.000 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, tương ứng mỗi hộ có khoảng 1,5 lao động mất việc làm. Cái mỹ từ “đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng” thực ra là một hình thức cướp đất nông nghiệp. Đành rằng công nghiệp hóa phải sử dụng nhiều quỹ đất nhưng sử dụng như thế nào cho hợp lý, cho có lợi nhất cho quốc kế dân sinh mới là công nghiệp hóa đúng nghĩa chứ. Người nông dân khổ quá kêu lên là “Công phá Nông”. Hai giai cấp mà Đảng lấy làm đội ngũ tiên phong bây giờ “đánh nhau” chăng? Đâu phải. Thử xem giai cấp công nhân lao động được gì, họ có sướng không hay với đồng lương rẻ mạt được đánh đổi bằng mồ hôi tối ngày mà giới chủ trả cho, họ cũng đang khốn cùng không hơn gì nông dân. Ai là kẻ thụ hưởng từ xương máu của họ trước đây trong chiến tranh? Ai là kẻ hưởng lợi, giàu lên khủng khiếp từ đất đai và sự vắt kiệt sức lực của họ trên cánh đồng, xưởng máy hôm nay? Chắc chắn không phải là công nhân, nông dân.

Người nông dân có chút tiền đền bù đất tranh thủ làm nhà, mua xe máy. Do thất nghiệp, họ lại bán nhà, bán xe. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế bắt đầu lại và còn tệ hơn trước vì việc mất đất đã tạo ra một tầng lớp thanh niên nông thôn mới tiêm nhiễm thói xấu cờ bạc, hút chích, đua đòi ăn chơi. Các thanh niên này chẳng mặn mà gì với các chương trình dạy nghề và như ai cũng thấy tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên nông thôn tăng cao. Đã như thế, các khu công nghiệp lại thải ra môi trường hàng tỷ mét khối nước bẩn ô nhiễm. Con sông Thị Vải là một ví dụ trong hàng trăm các khu công nghiệp khác đang cướp phá, giết chết quỹ đất đai vốn chẳng nhiều nhặn gì so với dân số hơn 86 triệu người nước ta. Đã vậy chính quyền các tỉnh cộng với thái độ tắc trách, vô cảm của các Bộ ngành trung ương đã cho nước ngoài thuê hàng vạn héc ta đất với thời hạn 50-100 năm, thực ra là bán tống bán tháo đất đai Tổ quốc cho nước ngoài. Người nông dân sau khi đã đổ máu đổ xương ngoài chiến trường trở về quê (những người sống sót) lại vẫn là nông dân nghèo kiết xác. Họ đã cống hiến cho Đất nước, cho Đảng tất cả  để bây giờ được đối xử như thế này sao?

Nông dân ta vốn cam chịu mà nay đã phải gửi cả thư kêu khổ lên Thủ tướng mà ông bộ trưởng Cao Đức Phát trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Dân trí vẫn tỉnh queo phát biểu rằng “tôi không nghĩ đời sống người nông dân đi xuống”. Thử hỏi ông còn muốn để cuộc sống người nông dân xuống đến đâu?

Không chỉ mất đất, không chỉ thiếu đói, người nông dân còn chịu rất nhiều nỗi cơ cực khác. Họ không được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đúng nghĩa. Khi người dân quê mắc bệnh nhất là các bệnh nặng, họ phải bán hết đất đai, nhà cửa còn lại để lên thành phố chữa chạy. Chưa bao giờ tôi thấy những người nông dân rụt dè đến thế, quỵ lụy đến thế khi bước chân vào các bệnh viện Nhà nước. Các cô y tá mặt non choẹt nhưng đã sớm nhiễm thói công quyền lạnh lùng, vô lễ mắng xơi xơi vào mặt những bệnh nhân đáng tuổi mẹ, tuổi bà của họ. Tôi chứng kiến tại các phòng khám tại các bệnh viện công lớn của Hà Nội những cụ nông dân cả đời bươn chải làm ra hạt gạo cho các cô y tá, Bác sỹ đó ăn phải vật vã cả ngày cho đến 2 ngày mới đến lượt thăm khám. Mà nếu họ không có tiền lót tay, chắc chắn họ tiếp tục chờ dài cổ mới đến lượt được điều trị cho đúng với mức độ đau yếu bệnh tật của họ.

Tôi cũng chẳng dám nói đến những quyền con người mà những người dân nông thôn đáng được hưởng như cuộc sống văn hóa hay văn minh dân chủ nữa vì nói ra những điều cao xa ấy với người dân quê thì có mà nằm mơ. Ai mà chẳng biết những người dân lam lũ đang bị bọn người bất nhân mặc áo chính quyền đè nén, hãm hại ra sao. Những vụ quan chức và Chủ tỉnh tỉnh Hà Giang hiếp gái vị thành niên rồi tống các em vào tù để bịt đầu mối, những vụ “chuyển đổi mục đích sử dụng đất” ở Nghi sơn, công an bắn chết người dân vô tội như em Lê Xuân Dũng 12 tuổi; rồi vụ công an giao thông đánh chết người ở Bắc giang; rồi vụ công an giả dạng dân thường bắn vào nữ sinh sinh viên ở Thái Nguyên… cho thấy ở nước ta, đặc biệt ở nông thôn cuộc sống của nhân dân đã đến mức không còn gì để diễn tả nổi mức độ thê thảm.

Dân khổ tại ai, do ai? Có phải do bọn đế quốc câu kết với các thế lực thù địch gây nên hay không?

Câu hỏi này thiết tưởng phải do chính Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đặt ra và có trách nhiệm trả lời trước dân vì Đảng là “công bộc của dân”. Bác Hồ đã nói với các cán bộ lãnh đạo Đđảng và Nhà nước: Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều làm đầy tớ của nhân dân – Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi và nước mắt của nhân dân mà ra – Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân…

Có phải các “đầy tớ của dân” đang đền bù cho dân như thế này chăng?

17/8/2010

MXD

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.