Vì người ta vẫn muốn làm bằng được Đường sắt cao tốc, nên tôi gửi thư này đến các vị.
Thưa các vị!
Các nhà khoa học và các chuyên gia đã cho chúng ta biết công nghệ và kỹ thuật đường sắt cao tốc và tàu cao tốc rất tinh vi và phức tạp: chỉ một cái đinh, một cục đá trên đường ray, một chiếc bu lông bị đánh cắp hoặc xiết hơi lỏng đã có thể gây ra tai nạn; một va chạm nhỏ, một nắm đất, một hòn sỏi bé tí ném vào tàu đang chạy có thể làm vỡ kính, hỏng vỏ tàu và thậm chí phá toang toa tàu. Vận hành và quản lý vô cùng khó, 3.000 người mới chọn được 6 người đủ tiêu chuẩn đào tạo thành lái tàu, phải 7 năm học mới thành lái tàu đạt yêu cầu. Phải có một đội ngũ công nhân và Kỹ sư khá lớn rất giỏi trong trình độ này mới vận hành quản lý được. Điều này vượt quá xa trình độ của ta hiện nay. Rất phi kinh tế và 2020 cũng chưa có nhu cầu. Tàu cao tốc là tàu chở khách, không phải để chở hàng hóa. Đến năm 2020 nhân dân vẫn đi ô tô và xe lửa với đường ray mở rộng 1,45m là chủ yếu. Những người cần nhanh thì người ta đi máy bay chỉ hết dưới 2 giờ (HN-TP Hồ Chí Minh) nhanh hơn tàu cao tốc. Tàu cao tốc sẽ ít khách, lỗ vốn.
Yêu cầu đầu tư cho đường sắt cao tốc khoản tiền quá lớn trong khi còn nhiều việc cấp bách, thiết thực hơn cần đầu tư giải quyết: úng lụt ở hai thành phố lớn mỗi lần mưa to, ùn tắc giao thông thường xuyên, đầu tư vào công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn để nông dân bớt nghèo khổ, dự phòng đối phó với biến đổi khí hậu, bớt mất đất đi khi nước biển dâng cao v.v. Tiền đầu tư quá lớn ấy lại là tiền đi vay nước ngoài nợ nần chồng chất để lại cho cháu chắt trả bao giờ cho hết. Đó là kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ đẫy” ư? Sẽ tốn bao nhiêu đất đai cho đường sắt cao tốc trong khi đã mất rất nhiều ruộng vì đầu tư cho nhà cao tầng, mất bao nhiêu đất để họ bán thu lợi kếch xù, cho nước ngoài mua (hoặc cho thuê dài hạn) làm sòng bạc, xây công viên thu tiền, rồi 140 sân golfs.
Ai muốn làm, ai hăng hái làm Đường sắt cao tốc?
a. Các nước đã làm đường sắt cao tốc: Nhật Bản, Trung Quốc, họ đã có công phu nghiên cứu ra công nghệ, kỹ thuật, họ muốn bán cho ta để thu tiền.
Họ đã xây dựng nhà máy chế tạo thiết bị, sản phẩm, vât liệu, vật tư phục vụ cho “Đường sắt cao tốc” chả lẽ chỉ dùng một lần. Họ cần khai thác tối đa khả năng và công suất của những nhà máy ấy cho có lợi, họ phải động viên khuyến khích cho ta làm để có chỗ bán sản phẩm. Nếu được thì họ kiếm được việc cho Kỹ sư, công nhân của họ. Trung Quốc rất muốn được ký thực hiện dự án “Đường sắt cao tốc” để đưa được nhiều người của họ vào làm việc và cũng là để “giãn dân”.
b. Các vị có chức quyền Việt Nam rất hăng hái quyết tâm làm.
Dự án đã bị Quốc hội bác bỏ với đa số phiếu nhưng lại kết luận mập mờ: “Quốc hội chưa thông qua giao lại cho Chính phủ nghiên cứu kỹ và hoàn thiện thêm”. Một số báo cáo cũng chỉ thị đưa tin như thế, điều đó chứng tỏ các vị nắm quyền còn có mưu đồ đặt lại vấn đề. Vì sao vậy? Vì đã trót ký hoặc trót hứa, nếu không làm thì mất thể diện. Quốc hội bác bỏ dự án là chạm tự ái, là thách thức uy quyền của vị “không thể không làm đường sắt cao tốc”, nên người ta muốn đặt lại vấn đề, hòng thực hiện cho kỳ được để khẳng định uy quyền của mình. Hơn nữa, mỗi dự án đều có “mầu”, dự án vừa thì “hoa hồng” vừa, dự án lớn thì “lại quả” lớn.
Quá trình thi công, giải ngân còn có thể có thể có các hình thức cúng, biếu tinh vi đố ai biết được.
Để đạt được mục đích, người ta sẽ dùng nhiều thủ đoạn: Vận động thuyết phục từng đại biểu Quốc hội, mua chuộc, răn đe và cuối cùng là áp đặt “ai là đảng viên thì bỏ phiếu thuận theo lãnh đạo”.
Ai phản đối dự án “Đường sắt cao tốc”?
Các tầng lớp nhân dân đóng thuế xót xa về khoản chi phí lớn, vay nợ dùng vào việc viển vông, ngông cuồng, đáng phải để cho nhiều việc bức xúc, thiết thực, ích nước lợi dân hơn, phản đối.
Các nhà trí thức am hiểu về công nghệ, kỹ thuật tinh vi và phức tạp của việc làm đường sắt và tàu cao tốc vượt xa trình độ vận hành và quản lý của ta hiện nay và thấy rằng làm “đường sắt cao tốc là phi kinh tế”, thiệt hại cho đất nước, đã và sẽ phản đối.
Hàng vạn nông dân sẽ bị mất đất canh tác, phải di dời không biết ở đâu, làm gì để sống, cuộc sống bấp bênh, mờ mịt… sẽ phản đối quyết liệt.
Các cấp chỉ huy quân đội tỉnh táo, các tướng tá hưu trí, các lão thành cách mạng và những người tâm huyết quan tâm đến an ninh Quốc gia sẽ phản đối, nhất là cho Trung Quốc thực hiện dự án. Người Trung Quốc đã vào địa bàn chiến lược Tây Nguyên khai thác bô xít, đã có mặt trên rừng mà họ thuê dài hạn, đã có mặt ở khắp giải đất ven biển, đã khống chế Biển Đông, nếu họ làm “đường sắt cao tốc” thì sẽ đưa ồ ạt người của họ thâm nhập khắp ngõ ngách của nước ta. Đó sẽ là hiểm họa khôn lường.
Các vị đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bác bỏ dự án sẽ tiếp tục phản đối bất chấp mọi thủ đoạn áp đặt. Các vị chưa bỏ phiếu và một số vị đã bỏ phiếu thuận sau khi tiếp xúc dư luận, suy nghĩ, cân nhắc giữa lợi ích Quốc gia và lợi ích của một nhóm người sẽ tỉnh ngộ ra và cũng sẽ phản đối.
Độc lập, chủ quyền và lợi ích của Tổ Quốc trên hết
NTV
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập