Chuyện lẩn thẩn Vịt

I. Nhân quyền hay Vịt quyền

Hôm nọ, đọc lá thư ngỏ của một ông cựu (ông Nguyễn Anh Dũng) gởi cho ông đương chức (ông Thượng tướng Công an Nguyễn Văn Hưởng) thì thấy xót xa. Xót xa vì thời nào cũng vậy. Những kẻ đương chức bao giờ mở mắt ra cũng toàn thấy màu hồng. Và những người đương chức càng cao thì thấy màu hồng càng nhiều vì họ đâu có chịu, đâu có biết cảnh lầm than của lương dân bá tánh. Có như vậy họ mới có tình “yêu ghế nồng nàn”. Lại thêm vào cái thời buổi minh quan thì ít, tham quan vô lại thì nhiều ắt mở mắt toàn màu hồng là điều dễ hiểu.
Chỉ nhưng, vì chưa được đọc bài viết của ông đương chức Văn Hưởng nên không dám lạm bàn. Cũng may thời nay là thời buổi của công nghệ thông tin tiên tiến. Thiên hạ có thể vào lục lại những lời “vàng ngọc” của các quan phụ mẫu mà không tốn chút sức lực. Do vậy, việc tìm bài viết của ông đương chức Văn Hưởng không có gì là khó.

Sau khi đọc xong bài viết của ông đương chức Văn Hưởng thì lại thấy buồn cười. Buồn cười vì ông cựu không (hoặc chưa) cầm sào đi chăn vịt một ngày. Bởi vì, nếu ông cựu đã đi chăn vịt một ngày thì ông cựu Anh Dũng sẽ thông cảm và đồng ý với ông tại nhiệm đương chức Văn Hưởng vấn đề Nhân quyền ngay tắp lự.

Vốn là người mà dòng họ có hơn 5 đời làm nghề chăn vịt. Từ thời phong kiến, rồi thời thực dân, thời đế quốc, và hiện giờ là thời XHCN. Do vậy, Tám Vịt tôi hiểu rất rõ cái nghề chăn vịt cũng như bọn vịt cần gì, muốn gì.

Là chủ, Tám Vịt tôi ban phát cũng như lo toan mọi thứ cho bọn vịt từ thức ăn, nước uống, và chỗ ngủ. Do vậy, Tám Vịt tôi là người quyết định mọi thứ chứ không phải bọn vịt. Tám Vịt tôi vẫn thường nghe:

– Đảng cho ta tình yêu

– Đảng cho ta mùa Xuân

– Đảng cho ta no ấm

– Đảng cho ta hơi thở

– Đảng cho ta trí tuệ

– Đảng cho ta tất cả

– Đường lối của Đảng

– Mừng Đảng mừng Xuân

– Đảng cho ta niềm tin

– Đảng cho ta cuộc sống

Như vậy, Đảng ban phát và lo toan cho người Dân Việt Nam tất cả – cũng như Tám Vịt tôi lo toan cho bọn vịt. Vậy thì, Đảng quyết định mọi thứ là đúng rồi. Và như vậy, có thể hiểu nôm na và khẳng định rằng thứ “Nhân quyền” mà ông tại Văn Hưởng nêu ra trong bài viết của ông ấy cũng như “Vịt quyền” của Tám Vịt tôi với bọn vịt ngu ngốc. Vậy thì, từ nay xin được gọi là “Vịt quyền” thay “Nhân quyền”  có được chăng?

II. Vịt mạng và Nhân mạng

Niềm vui vì bỗng phát hiện cái nghề chăn vịt của mình cũng cao cả ra phết còn chưa kịp lắng xuống thì đọc xong bài viết của ông Giáo sư họ Hà ở đất Thần kinh năm xưa. Ối chao, cái ông Giáo sư họ Hà chắc là người yêu nghề và chắc đã có tuổi nên đâm ra “lơ đễnh bác học” đó thôi.

Làm lãnh đạo đất nước – chẳng hạn như là Thủ tướng, hay Phó Thủ tướng – thì lời nói có sai lạc bao giờ.

– “Chặt chém hết thì bầu sao kịp”?

Do đó, chuyện “ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Bình lái ô tô đâm hai người phụ nữ và một đứa trẻ bị thương rồi bỏ chạy” có chi đâu mà phải bàng hoàng?!

Lẽ ra, báo chí nên đưa chuyện này lên mục “người tốt việc tốt” mới đúng. Bởi ông quan cấp tỉnh này đã nhất mực “học theo lời dạy của ông Phó Hùng”! Hơn nữa, ông Viện trưởng là Viện Kiểm sát Nhân dân. Chức vụ này là để chăn dắt nhân dân chứ đâu phải chăn dắt bản thân ông ta?

Hơn nữa, mạng người giá trị không bằng mạng vịt đủ thấy Đảng ta yêu mến lũ súc sanh tới cỡ nào! Từ rày xin được gọi là “Vịt mạng” thay cho “Nhân mạng” có được chăng?

III. Chỉ tại cái mũ bảo hiểm.

Hai vụ việc – một chết người, một bị thương nặng – do không đội mũ bảo hiểm. Báo chí “lề phải” chỉ dám xôn xao kiểu “tin vịt”. Nào “ngồi ghế mà chết”. Nào “xô đẩy mà vong mạng”… những kiểu đưa tin hết sức là bá đạo ngu dân khiến bá tánh được dịp bàn ra tán vào. Tiếp đến, bọn xấu hùa vào kích động tung tin thất thiệt khiến lòng dân rối bời.

Đến nay chưa có kết quả của Viện, hay Cục nào về hai vụ việc này. Vậy thử tìm hiểu nguyên nhân vì đâu. Theo những nguồn tin “chính thống” thì cả hai nạn nhân đền không mang mũ bảo hiểm.

Mũ bảo hiểm dùng để làm gì? Đơn giản là để bảo vệ người sử dụng nó. Do vậy, cứ tạm đặt giả thuyết là nếu hai nạn nhân đều gặp tai nạn thay vì gặp mấy chú Công an nhân dân thì hai nạn nhân có bị nguy hiểm tính mạng hay không?

Nguy hiểm quá đi chứ lị! Từ đó suy ra cả hai nạn nhân gặp nguy hiểm đến một người mất mạng và một người bị trọng thương là do “không đội mũ bảo hiểm”!

Vụ án ba con vịt và hơn mười năm tù còn rành rành ra đó. Vậy thì, lẽ nào vụ án nhân mạng một con người lại không bằng 3 con vịt? Trừ phi là mạng người không bằng mạng vịt!  Trong khi chờ đợi, Tám Vịt tôi mới rút ra bài học rằng:

– Kiếp sau xin được làm “vịt” để được Đảng yêu quý thay vì làm người.

IV. Cái mỏ vịt và giọng lưỡi bọn vịt

Vốn gắn bó với lũ vịt, Tám Vịt tôi rất rành cái mỏ vịt. Cái mỏ vịt nó dẹp dẹp trông đến xấu xí. Lúc còn nhỏ thì “kíu kíu”. Lớn chút nữa thì “cặp căp”. Rồi thì “cạc cạc”. Riêng những anh vịt cồ vì tắt tiếng luôn. Thanh đã khó nghe, nhìn thì xấu xí. Nhưng cái mỏ vịt có thể mở ra rất to để nuốt , ăn trọn miếng mồi lớn. Vì bọn vịt là giống tham ăn nên họ nhà vịt ít chia sẻ với đồng môn láng giềng. Cứ gặp miếng mồi nào thơm ngon là chúng ráng mở to cái mỏ xấu xí để mà nuốt trọn.

Và giọng lưỡi bọn vịt có thể thấy nhan nhản đầy trên các mặt báo sau khi tàu sân bay của Mỹ đi vào vùng Biển Đông.

Một đất nước cần có sự tôn trọng, và quân đội cũng cần sự tôn trọng. Nếu ai đó không làm tổn thương tôi, tôi sẽ không làm tổn thương anh ta; nhưng nếu có ai đó làm tổn thương tôi, tôi phải làm tổn thương anh ta

http://boxitvn.blogspot.com/2010/08/quan-oi-trung-quoc-canh-bao-hoa-ky-ve.html

Ối cha, ngư dân miền Trung có làm gì đâu mà họ phải bị đánh đập, cướp cá, bắt giam để lấy tiền chuộc vậy cà? Nếu như các chú “4t” có 24 chiếc tàu sân bay thì liệu chúng ta có nghe những lời “vàng ngọc” “cái gì mình không muốn thì đừng đem đến cho người khác” trên đây hay chăng?

Chỉ có những kẻ ngu ngốc mới đi tin lời bọn vịt cũng như làm bạn với cái mỏ vịt. Bởi vì, cái mỏ vịt xấu xí có thể há ra nuốt trọn miếng mồi ngay tắp lự để thỏa mãn cái tính tham ăn. Ngàn năm trước cũng vậy, bây giờ cũng vậy, và ngàn năm sau cũng vẫn vậy!

TV

Sau khi khối XHCN Đông Âu sụp đổ, chiến tranh lại kết thúc, vấn đề nhân quyền và dân chủ đã được một số nhân vật trong chính giới Hoa Kỳ và một số nước phương Tây sử dụng như một phương tiện hữu hiệu làm chuyển hóa thể chế chính trị ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Và hiện nay, nhân quyền đã trở thành vấn đề quốc tế. Các nước phương Tây đưa vấn đề nhân quyền vào trọng tâm chính sách đối ngoại của họ.

Bản chất của vấn đề nhân quyền mà họ đưa ra là gì?

Nếu xét về thể chế chính trị đó là một xã hội có nền chính trị đa nguyên, đa đảng. Và họ luôn luôn đề cao tự do cá nhân, nhân quyền là quyền không có biên giới, không bị phụ thuộc bởi chính trị, địa lý hay chủ quyền quốc gia…

Họ áp đặt những “tiêu chí” về nhân quyền cho các quốc gia mà họ đang muốn chuyển hóa, thay đổi các thể chế chính trị. Họ muốn tạo ra ở các quốc gia này một lực lượng “dân chủ” và sẽ trở thành lực lượng phản kháng, chống đối lại chính quyền hợp hiến. Nếu quốc gia nào không chịu nghe theo thì họ đưa vào danh sách các quốc gia “cần quan tâm đặc biệt”; rồi gây khó dễ cho hoạt động kinh tế, thậm chí cấm vận từng phần…

Chính vì vậy, những lý thuyết về nhân quyền, dân chủ theo kiểu phương Tây đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của những quốc gia không đồng quan điểm, trong đó có Việt Nam. Các quốc gia này không thể chấp nhận một thứ “dân chủ, nhân quyền” mà nếu đi theo đó, thì đồng nghĩa với tự đánh mất mình, làm thay đổi cả một nền văn hóa của một (hoặc nhiều) dân tộc, và dẫn đến đảo lộn trật tự xã hội, trật tự trong mỗi gia đình.

Đối với Việt Nam, từ nhiều năm qua, Hoa Kỳ và một số nước phương Tây luôn đặt vấn đề nhân quyền như một điều kiện để “mặc cả”. Họ luôn phê phán chúng ta “không có tự do tôn giáo”; “không có tự do báo chí”; “không có tự do lập hội”… Mỗi khi có công dân Việt Nam vi phạm pháp luật và bị xử lý theo pháp luật, nếu là phóng viên báo chí thì họ cho là “đàn áp báo chí”. Nếu là người theo đạo, người tu hành, thì họ bảo là chúng ta “đàn áp tôn giáo”. Còn với những người cố tình xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, có những hành động, âm mưu xâm hại đến an ninh quốc gia bị xử lý… thì họ gọi đó là những người “bất đồng chính kiến”, “những nhà dân chủ”…?

Vậy, thực chất vấn đề nhân quyền ở Việt Nam là như thế nào? Nhân quyền ở Việt Nam khác với nhân quyền phương Tây ở điểm gì? Và phải hiểu nhân quyền ở Việt Nam như thế nào cho đúng?

Nói về nhân quyền ở Việt Nam, có lẽ không gì rõ ràng, đầy đủ và ngắn gọn hơn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời các nhà báo nước ngoài vào tháng 1 năn 1946 : “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…” Và lời khẳng định của Bác “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” .

Trước Cách mạng Tháng 8, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, thì Việt Nam là nước thuộc đia nghèo khổ, bị cướp đi quyền độc lập và không có tên trên bản đồ thế giới. Nhân dân ta phải chịu cái nhục mất nước suốt gần một thế kỷ và trong thời gian đó, khái niệm nhân quyền không hề có với người Việt Nam. Nỗi khát khao độc lập, tự do, có được quyền làm Người khiến cả dân tộc vùng lên đấu tranh, lật đổ ách đô hộ của thực dân Pháp để có được Bản Tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chủ tịch đọc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945. Suốt hơn 30 năm sau đó, dân tộc ta một lần nữa đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hàng triệu người Việt Nam đã hi sinh để giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Tư tưởng về nhân quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành quan điểm lãnh đạo xuyên suốt của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng về quyền con người.

Đến nay Việt Nam được đánh giá là quốc gia có sự ổn định chính trị nhất, đang hội nhập mạnh mẽ vào kinh tế thế giới. Từ một nước “chạy ăn từng bữa”, nay chúng ta đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo. Và bất cứ ai cũng có thể thấy được sự thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và văn hóa tinh thần.

Từ khi Đảng ta bắt đầu công cuộc Đổi mới xây dựng kinh tế đất nước, và cho đến nay chúng ta đã hội nhập rộng rãi vào thế giới thì các tiêu chuẩn về quyền con người càng được củng cố rộng rãi, đời sống của người dân được nâng cao. Tất cả mọi công dân đều có quyền đóng góp ý kiến với tính chất xây dựng, nghiêm túc, có trách nhiệm vào tất cả các chủ trương, chính sách hoặc các vấn đề quan trọng của quốc gia. Người dân đã tự giác, hăng hái tham gia các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp để hội tụ những tấm lòng nhân ái và đóng góp rất to lớn vào việc thực thi các chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hiếm có một quốc gia nào mà mỗi khi xảy ra thiên tai bão lụt, người dân hăng hái đóng góp trên tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều… như ở Việt Nam. Những thành công của Nhà nước ta trong những năm qua về xóa đói giảm nghèo được cộng đồng thế giới coi là một tấm gương mẫu mực cho các quốc gia noi theo. Đói nghèo bởi dân tộc Việt Nam từng là nạn nhân của chế độ phong kiến, thực dân đế quốc. Nhất là các dân tộc thiểu số miền núi hàng ngàn đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên và chế độ phong kiến thực dân đã đẩy họ đến bần cùng quay về hoang dã. Vậy mà hiện nay những tư tưởng đen tối vẫn tìm mọi cách tuyên truyền lôi kéo họ trở về đời sống đói nghèo vô định, cản trở công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh đầy khó khăn gian khổ… Mặc dầu vậy, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã tập trung sức lực của cải, tiền bạc bằng những chế độ chính sách cụ thể lo cơm ăn, áo mặc, nhà ở, trường học, bệnh viện, đầu tư trang bị cho mọi nhu cầu đời sống văn minh ti vi, rađiô, sách báo… tạo điều kiện cho bà con hòa nhập với cuộc sống cộng đồng quốc gia và quốc tế. Có lẽ trên thế giới chưa có chính phủ nào làm được việc này. Cách mạng là thế đấy.

Cách mạng là làm cho cuộc sống người dân ngày một tốt hơn. Nếu như hơn 30 năm trước đây, đại bộ phận người dânViệt Nam chỉ nghĩ đến có cái ăn để mà sống và ước mơ “ăn no mặc lành” thì bây giờ khái niệm “ăn ngon mặc đẹp” đã trở thành phổ biến ở Việt Nam.

Không ít những người trước đây đã từng tham gia trong chính quyền Sài Gòn cũ nay trở về Việt Nam đã phải thốt lên rằng  họ không thể tưởng tượng nổi là Việt Nam lại phát triển đến như vậy.

Người dân đã bắt đầu quen với luật pháp, quen với nếp sống kỷ cương. Và ngày hôm nay người dân Việt Nam đang bắt đầu đi vào kỷ nguyên sống và làm việc theo luật pháp. Người dân được tự do sống theo các quy định của pháp luật và họ ý thức được rằng chỉ có những nguyên tắc của pháp luật mới bảo vệ được các giá trị đạo đức, quyền con người khi bị chà đạp. Lợi ích và quyền cá nhân của mỗi người phải được đặt trong quyền lợi chung của cộng đồng, của dân tộc chính vì thế người dân có thể tham gia tích cực vào các vấn đề xã hội và các tổ chức chính trị đoàn thể. Việt Nam hiện nay có hơn 700 đầu báo và tạp chí; 25 triệu người được sử dụng Internet và rất nhiều người trong số đó đã sử dụng Internet để đóng góp ý kiến vào các vấn đề xã hội. Đó chính là tự do, chính là nhân quyền. Người dân Việt Nam chấp nhận sự lãnh đạo của một Đảng cầm quyền, bởi lẽ họ thấy rõ hơn ai hết về những gì mà Đảng Cộng sản đã đem lại cho người dân trong suốt bao nhiêu năm qua. Nhìn sang các quốc gia bên cạch, nếu đa đảng để mà đất nước mất ổn định, lâm vào những cuộc chiến “nồi da xáo thịt”; để mà nạn khủng bố xảy ra thường xuyên thì chắc chắn người Việt Nam không thể chọn cái sự đa đảng ấy. Người dân Việt Nam chắc chắn cũng không thể chấp nhận một sự tự do mà công dân có quyền mang vũ khí rồi xả súng bắn chết học sinh, hoặc tự do chửi bới, bôi nhọ lẫn nhau; phủ nhận các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống…

Họ không thể mang quan điểm nhân quyền của nước họ áp đặt thành tiêu chuẩn cho Việt Nam. Mỗi quốc gia có bản sắc văn hóa riêng, có luật pháp riêng vì thế không thể lấy hình mẫu ‘nhân quyền’ của nước này đem sang nước khác được.

Cũng vẫn còn có những tiếng nói, còn những người không thấy được thành tựu của dân tộc. Họ sao chép những quan điểm, những tư tưởng của nước ngoài đưa vào Việt Nam và rồi nói đó là “phản biện” . Họ không chỉ bày tỏ những quan điểm mà còn mưu đồ tổ chức gây bạo loạn, hoặc móc nối với các tổ chức phản động lưu vong âm mưu lật đổ chế độ. Đó là những người rắp tâm vì mục đích cá nhân của mình mà coi rẻ lợi ích chung của cả dân tộc.

Khi đời sống vật chất được nâng cao thì những đòi hỏi về đời sống tinh thần cũng phát triển theo, đặc biệt là tâm linh. Trong những năm qua, hàng ngàn chùa chiền, cơ sở thờ tự đã được xây cất mới hoặc được trùng tu; các lễ hội văn hóa truyền thống đã được khôi phục ở tất cả các địa phương… Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ngày càng được phát triển và coi trọng. Người dân đã hoàn toàn tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo.

Tôn giáo chân chính thiêng liêng là khuyến khích con người sống nhân ái, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Chúng ta rất tôn trọng và tạo điều kiện cho tôn giáo phái triển nhưng cũng kiên quyết không để xảy ra những âm mưu lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị, để phá hoại mối đoàn kết toàn dân. Cho nên ai chưa hiểu về nhân quyền ở Việt Nam thì phải biết nhân quyền ở Việt Nam là: Cá nhân vừa phải có trách nhiệm với bản thân nhưng cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, phải gắn quyền con người với việc thực thi luật pháp thì quyền con người mới được đảm bảo.

Đảng và Nhà nước ta phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh và mọi người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… Chúng ta phấn đấu cho những mục tiêu nhân quyền, dân chủ mà đã được xác định, nhưng cũng không thể chấp nhận cái thứ “nhân quyền, dân chủ” theo kiểu phương Tây.

Mỗi công dân hãy biết quý trọng giá trị, bản sắc của dân tộc mình và hãy nhìn ra nước ngoài để thấy rõ hơn những thành tựu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong lĩnh vực Nhân quyền.

Nhân quyền ở Việt Nam là như vậy!

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.