Vài lời về Chỉ số Sáng tạo

Giang Công Thế (Hiệu Minh)

Nhân có tin TBT Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thử tìm thông tin về đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Theo báo cáo 2024 của WIPO (World Intellectual Property Organization – Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới) thì Việt Nam có GII đứng thứ 44/133 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2020 đến nay (2024) thứ hạng luôn trong khoảng từ 42 đến đến 48.

Để phát triển khoa học và công nghệ thì GII đóng vai trò quan trọng. Và để cải thiện GII không thể thông qua nghị quyết hay vài năm hô quyết tâm mà cần môi trường cho sáng tạo cho nhiều thập kỷ với tầm nhìn chiến lược.

Trong 10 năm nữa mà GII cải thiện thành 30-40 cũng là siêu rồi.

Lấy vài ví dụ, hiện nay đang có thế hệ Phono Sabiens sinh ra trong thời đại điện thoại thông minh, lớn lên cùng trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh, và công nghệ thực tế ảo, yêu thích học hỏi và tương tác trực tuyến và thành thạo công nghệ.

Thế hệ trong bụng mẹ đã biết smartphone và mạng xã hội vì bố mẹ chúng đi siêu âm 3D có kết quả đã tung lên mạng khoe, chưa chừng chào đời cũng livestream luôn cho cả thế giới chiêm ngưỡng. 

Nhớ thời du học Ba Lan rồi về nước (1977), thấy bạn bè và cả tôi toàn một lũ quần loe tóc dài, đi lại khệnh khạng, ông bà, bố mẹ nhìn ngao ngán, rồi lũ này vô dụng, nhờ chi chúng. Nhưng sau 30-40 năm, đám “vô dụng” ấy thành lãnh đạo, chủ tịch, giám đốc những tập đoàn lớn. 

Bây giờ cũng thế. Nhắc đến Gen Z, Phono Sabiens (tạm gọi là Gen Z), người ta cũng tưởng tượng một lũ nửa người nửa ngợm, đầu trùm kín, đeo khẩu trang, chả cần biết đến ai, bỏ việc như cơm bữa, đi lại như những xác không hồn (zombie), tay cầm smartphone và chúi mũi vào màn hình bé tý là thế giới của chúng, bố mẹ chết cúng online cũng ổn.

Những tưởng chúng sẽ chả làm nên trò trống gì, nhưng thật ra, những “zombie” đó sẽ làm chủ thế kỷ 21. Dạy chúng đổi mới sáng tạo theo não trạng thế kỷ 20, kêu gọi suông bằng khẩu hiệu như thế kỷ 19 là vô ích.

Tính cá nhân (identity) của thế hệ này rất cao, “tôi mới là số 1”, thì khẩu hiệu “chung tay vì sự nghiệp khoa học” sẽ không có giá trị gì và cũng khó tin chúng bỏ thời gian đọc khẩu hiệu trên phố hay xem tivi bàn chung chung như kiểu “khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Việt Nam và Nvidia đã ký kết mở Trung tâm R&D và Trung tâm Dữ liệu AI nhằm thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thêm việc làm cho nhân lực trong nước, một tin vui cho thế hệ Gen Z ưa thích và sống bằng công nghệ.

Các trung tâm không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu, ứng dụng AI, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mà còn tạo cơ hội việc làm cho đội ngũ nhân tài trong nước.

Dùng AI để phát triển đất nước thì rõ là đúng hướng rồi. Để định hướng cho “lũ zombie” thì người lãnh đạo cũng phải có cái đầu trên một bậc, có tầm nhìn công nghệ hàng chục năm kèm theo kế hoạch thực hiện, có tâm với phát triển, mới đủ trình độ tạo ra môi trường cho Gen Z và Phono Sapiens sáng tạo. 

Một ví dụ khác, nước mình có hai Viện Hàn lâm (VAST – Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, VASS – Khoa học Xã hội) cũng tiêu tốn khá ngân sách và đã đến lúc cần một đánh giá khách quan về kết quả khoa học sau 50 năm đóng góp của họ, dựa vào đó để có thể định hướng cho hàn lâm xứ mình trong 50 năm tới.

Cứ theo não trạng phát triển, Viện Hàn lâm xin cho như cũ thì thế hệ Phono Sapiens có thể không nói gì (vì chúng chả liên quan) nhưng trong thâm tâm thì chúng nghĩ, ai mới là zombie trong sáng tạo khoa học.

Về GII 

Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu (The Global Innovation Index – GII) là bảng xếp hạng hàng năm các quốc gia theo năng lực đổi mới và hiệu suất của họ. Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố GII. 

GII đo lường cái gì?

• GII đo lường khả năng đổi mới, áp dụng công nghệ và tạo ra tác động kinh tế xã hội của một quốc gia;

• GII sử dụng hơn 80 chỉ số để đo lường hiệu suất đổi mới của một quốc gia;

• GII khám phá tầm nhìn rộng lớn về đổi mới, bao gồm giáo dục, cơ sở hạ tầng, môi trường chính trị và sự tinh vi trong kinh doanh.

GII được tính như thế nào?

• GII sử dụng cả dữ liệu chủ quan và khách quan từ các nguồn như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Liên minh Viễn thông Quốc tế;

• GII tính toán điểm mạnh và điểm yếu của nhóm thu nhập dựa trên điểm số của nền kinh tế so với điểm trung bình của nhóm thu nhập.

Mục đích của GII là gì?

• GII nhằm mục đích công nhận rằng đổi mới là động lực chính của phát triển kinh tế;

• GII cung cấp bảng xếp hạng và phân tích đổi mới cho khoảng 130++ nền kinh tế.

G.C.T.

Nguồn: FB Giang Công Thế

 

This entry was posted in Giang Công Thế, Khoa học công nghệ. Bookmark the permalink.