James Palmer, “Salt Typhoon Stirs Panic in Washington,” Foreign Policy, 7/12/2024
Tạ Kiều Trang biên dịch
Quy mô đầy đủ của vụ tấn công mạng vẫn chưa được công bố, nhưng vụ việc đã khiến thái độ đồng lòng chống Trung Quốc tại Washington thêm phần mạnh mẽ.
Hoang mang tại Washington tiếp tục gia tăng do nhóm tin tặc Salt Typhoon (Bão Muối) tấn công vào hệ thống viễn thông của Mỹ. Mối đe doạ từ các cuộc tấn công mạng do Trung Quốc tiến hành.
Giới chức tình báo và an ninh Mỹ thể hiện mối lo ngại ngày càng tăng trước tình trạng các mạng viễn thông của Mỹ bị nhóm tin tặc Salt Typhoon, có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, xâm nhập với quy mô diện rộng trong những năm gần đây.
Chưa có thông tin đầy đủ nào về mức độ đạt được của Bắc Kinh trong vụ việc được công bố. Tuy nhiên, báo chí đã liên tục đưa tin về số lượng nhà cung cấp bị ảnh hưởng và quy mô của các vụ tấn công kể từ khi báo cáo về các cuộc tấn công mạng nghiêm trọng do Salt Typhoon gây ra bắt đầu xuất hiện từ tháng 9 năm ngoái.
Nhiều quan chức Mỹ đương nhiệm và cựu quan chức (ẩn danh) nhận định rằng Washington đang “lâm vào bế tắc” và tình hình là “khủng khiếp”. Chính phủ Mỹ ban đầu xem nhẹ mối đe doạ này, nhưng giờ đây họ đang khuyến khích nhân viên chuyển sang sử dụng các ứng dụng nhắn tin mã hóa.
Tâm điểm của hoang mang xuất phát từ lo ngại rằng Trung Quốc nay đã có thể vào được các “cửa hậu” (backdoors) vốn được chính phủ Mỹ thiết lập ra nhằm giám sát các hoạt động trong nước. Dù chưa có báo cáo xác nhận nhưng một số nhà phân tích an ninh đã công khai bày tỏ việc họ tin rằng nhóm tin tặc Salt Typhoon đã xâm nhập vào các hệ thống nằm trong khuôn khổ Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài.
Vụ xâm nhập của Salt Typhoon để lại những hệ quả có tác động sâu rộng. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc đã truy cập được những gì? Có thể đó là các bản ghi cuộc gọi, bản ghi âm các cuộc trò chuyện riêng tư giữa các chính trị gia, nhà ngoại giao, và quan chức an ninh Mỹ, hoặc còn nhiều hơn thế.
Giới chức Mỹ được cho là phải thận trọng khi sử dụng các phương thức giao tiếp không bảo mật. Độc giả hẳn còn nhớ, vào năm 2016 vấn đề này là tin tức trang nhất, nhưng đến năm 2024 lại là tin nằm trang cuối. Trên thực tế, mọi người vẫn ưu tiên sự tiện lợi, do đó các biện pháp bảo mật hiệu quả phải là những giải pháp khả thi, không phải là những giải pháp hoàn hảo. Các cuộc thảo luận mật lâu nay đôi khi vẫn diễn ra qua các kênh không bảo mật.
Câu hỏi quan trọng hơn có lẽ là: Trung Quốc có thể làm gì với những thông tin thu thập được? Đây là câu hỏi có thể giúp các quan chức Mỹ cảm thấy an tâm phần nào. Trong quá khứ, những vụ xâm nhập vào các kênh thông tin mật của Mỹ, ví dụ như các cuộc trò chuyện bí mật của CIA, đã mang lại những thông tin tình báo không cần qua trung gian và cho phép Trung Quốc hành động, giúp loại bỏ được các điệp viên CIA và hỗ trợ cho các đồng minh như Iran và Nga.
Tuy nhiên, dữ liệu mà Salt Typhoon thu thập được có thể quá lớn khiến cho Trung Quốc gặp khó khăn khi xử lý. Năng lực phân tích hạn chế có thể làm chậm công tác tình báo của Trung Quốc, nhất là khi việc chia sẻ thông tin nội bộ gặp phải những rào cản lớn. Tại Bắc Kinh, những người thông thạo tiếng Anh và có hiểu biết về văn hóa Mỹ thường không được tuyển vào những vị trí công việc có tính chất nhạy cảm trong chính phủ.
Dù vậy, điều này có nghĩa là Trung Quốc đang nắm giữ kho dữ liệu chứa thông tin quan trọng về các hành động của chính phủ Mỹ, những thông tin mà Trung Quốc chưa khai thác bây giờ nhưng có thể làm bất cứ lúc nào. Salt Typhoon cũng đã thâm nhập vào một số bộ phận của chính phủ Mỹ, những bộ phận trực tiếp xử lý các vấn đề quan trọng mà Bắc Kinh quan tâm, chẳng hạn như bộ phận phụ trách lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ.
Và dường như Washington không có cách nào để đáp trả hiệu quả ngoài việc chấp nhận rằng hệ thống của họ đã bị xâm nhập. Các bản cáo trạng hình sự mà Mỹ liên tục đưa ra đối với các đối tượng có liên quan đến an ninh mạng Trung Quốc chỉ là những màn kịch rỗng tuếch, không có tác dụng răn đe với minh chứng là những cuộc tấn công liên tiếp đến từ Salt Typhoon.
Salt Typhoon đang khiến thái độ đồng lòng chống Trung Quốc của Washington trở nên cứng rắn hơn, nhất là trong thời điểm đầy biến động khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức. Cần nhớ rằng Mỹ cũng tiến hành hoạt động gián điệp mạng chống lại Trung Quốc. Dù Bắc Kinh phủ nhận thực hiện vụ tấn công nhưng các quan chức Trung Quốc có thể sẽ thầm bác bỏ những lo ngại mà Mỹ nêu lên vì họ coi đó là đạo đức giả.
Dù vậy, cơn tức giận ở Washington không thể nào ngăn được, vì chẳng có gì làm các chính trị gia bực bội hơn là việc bị nước ngoài can thiệp vào đời sống riêng tư, nhất là đời sống của chính họ.
J.P.
Nguồn: Nghiencuuquocte.org