Tài nguyên bản địa: Có nhưng chưa đủ

Thượng Tùng 

Tài nguyên bản địa được kỳ vọng mang lại lợi thế cạnh tranh cho nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là ai hưởng lợi nhiều nhất từ những mắt xích béo bở trong chuỗi giá trị ngành hàng? Những thảo luận (*) khởi đầu từ trái dừa, loại trái cây chủ lực của tỉnh Bến Tre.   

Một thông tin có thể kém vui với nhiều bà nội trợ khi nước màu làm từ dừa, thường dùng để kho thịt, kho cá… có thể không còn nguyên chất như đã từng. Ông Lê Nhứt Thống, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Kỹ thuật Dừa, thông tin giá bán một thùng 30 lít nước dừa tại Bến Tre, thủ phủ dừa Việt Nam, hiện leo qua 400 ngàn đồng.

“30 lít nước dừa mới thắng được một lít nước màu”, ông Thống cho biết “nước dừa hồi giờ không xài, đổ bỏ” đang là đầu vào sản xuất nước dừa cấp đông và nước cốt dừa cấp đông, hút hàng tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Thống, chỉ những doanh nghiệp có người Trung Quốc “núp bóng” (chữ của ông Thống) mới xuất khẩu được qua thị trường Hoa lục.

Ông Lê Nhứt Thống, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Kỹ thuật Dừa, chia sẻ tại sự kiện tọa đàm “Tiền Mekong Connect 2024” với chủ đề “Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế”.

Từng là đại diện Việt Nam tham gia Hiệp hội Dừa châu Á – Thái Bình Dương, ông Thống nói: Chuỗi sản phẩm từ dừa “cả trăm” nhưng chuỗi giá trị ngành hàng của Việt Nam còn đơn giản do hạn chế về công nghệ. Chẳng hạn như đường dừa, có giá trị gia tăng cao do không gây tác dụng phụ với những người bị bệnh tiểu đường.

“Lớp ‘áo’ trên kẹo cao su dùng đường dừa”, ông Thống nhắc lại chuyến thăm một nhà máy tại Phillippines. Dây chuyền chiết xuất 8 công đoạn, thu được 8% chữ đường từ gáo dừa. Phillippines cũng là quốc gia áp dụng chính sách cấm xuất khẩu dừa trái nguyên liệu để phục vụ nền sản xuất trong nước.

Thực tế là đầu ra của trái cây vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chuẩn bị đối mặt với những hàng rào kỹ thuật ngày càng phức tạp từ thị trường nhập khẩu. 

Vừa tham dự một sự kiện về khởi nghiệp sáng tạo tại Thâm Quyến, PGS-TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, thông tin một số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc sẽ triển khai trồng sầu siêng tại đại lục. Đối với sầu riêng nhập khẩu, theo ông Quốc, sắp tới họ không chỉ sát hạch chất lượng trái, mà còn kiểm tra chất lượng đất tại vùng trồng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ tại sự kiện tọa đàm “Tiền Mekong Connect 2024” với chủ đề “Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế”.

Điều đáng lưu tâm là “tiêu chuẩn Trung Quốc” không giống ai và những nhà xuất khẩu buộc phải chấp nhận luật chơi nếu muốn tiến vào thị trường này. Đơn cử như trường hợp của Vinamit, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), bổ sung. Những chứng nhận hữu cơ của Mỹ, EU, Nhật Bản mà doanh nghiệp này được cấp đều vô giá trị tại Trung Quốc. Được biết, Vinamit đã chủ động khai báo với nhà nước Trung Quốc dự án trồng sầu riêng hữu cơ tại nông trường Phú Giáo (Bình Dương). Từ khi xuống cây giống, một đoàn công tác thuộc cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc đã qua làm việc tại nông trường, xem xét đất, nước tưới, vi sinh, hóa chất sử dụng…

“Tình thế xanh hóa nền kinh tế buộc chúng ta phải tư duy lại từ đầu”, bà Hạnh nói.

* Ý kiến ghi nhận tại tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM (HBBC) tổ chức tại TP.HCM cuối tuần rồi.

T.T.

Nguồn: Nguoidothi.net.vn

 

This entry was posted in Nông sản xuất khẩu, Thượng Tùng. Bookmark the permalink.