Tương lai nào cho Syria?

Đỗ Kim Thêm

Hiện tình

Syria đang sống trong một bước ngoặc lịch sử sau khi chế độ độc tài sụp đổ nhanh chóng và Bashar al-Assad trốn sang Nga để tỵ nạn. Các nhóm nổi dậy chiến thắng đang cố gắng duy trì trật tự công cộng và thảo luận về các kịch bản cho tương lai. Lòng dân hân hoan về một khởi đầu mới đầy hứa hẹn pha trộn với những lo âu vì tương lai đất nước còn đầy bất trắc.

Trong 54 năm qua, chế độ Assad đã cai trị đất nước như một tài sản riêng của gia đình và bảo vệ cho chế độ trường tồn là khẩu hiệu chung của giới thân cận. 

Với sự trợ lực của Nga, Iran và Hezbollah, Assad đã sử dụng vũ lực tàn bạo, kể cả vũ khí hoá học, để đàn áp nhiều cuộc nổi dậy khiến cho hàng trăm nghìn người dân thiệt mạng. Không ai dám phản đối bạo quyền, vì sẽ bị đàn áp dã man và chịu cảnh tù tội cho đến chết. Cảnh nhà tù Sednaya với hơn 13.000 phạm nhân bị hành hình được phát hiện sau ngày chiến thắng là một hình ảnh cực kỳ thương tâm.

Theo một ước tính, có ít nhất là nửa triệu người dân chết, 130.000 mất tích và khoảng 14 triệu phải di tản. Con số thực tế phải cao hơn, vì không ai có thể cập nhật hay kiểm chứng, kể cả Liên Hiệp Quốc.

Cuối cùng, chế độ này đã bị đánh bại chỉ trong vài ngày và để lại một di sản tang thương, đất nước hoang tàn, xã hội phân hoá và cạn kiệt tài nguyên.

Hiện nay, Syria không thể tìm ra giới lãnh đạo với ý thức về giá trị và kinh nghiệm cho việc điều hành một đất nước dân chủ. Vấn đề không chỉ là đứng ra kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử tự do, vì để thực hiện, Syria cần có các đảng phái chính trị và phong trào xã hội dân sự, nhưng đó lại là một tiến trình thành lập trong lâu dài, và trong tình thế mới, cộng đồng hải ngoại sẽ đóng vai trò quan trọng. 

Trong thời kỳ Assad cai trị, phân nửa dân số Syria có may mắn trốn ra nước ngoài. Hơn một triệu người tỵ nạn ở Đức vào năm 2015 là một bằng chứng. Họ được sống và làm việc trong những điều kiện thuận lợi hơn, nhưng quan trọng nhất là học được sinh hoạt dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhưng họ có thỏa thuận được với các lực lượng trong nước và tự nguyện hồi hương để xây dựng đất nước không, đó là một vấn đề mới.

Liệu Syria có đủ điều kiện cần thiết để tái lập hòa bình và tái thiết hay sẽ tổ chức nhà nước theo chế độ Taliban không? 

Một nhà nước theo kiểu Taliban? 

Trong điều kiện giao thời và vì bối cảnh của Afghanistan không có điểm tương đồng, nên tương lai này khó xảy ra. Quân đội Syria được đào tạo kém, trả lương thấp và suy sụp tinh thần, không chống trả nhiều và sự phản kháng mang tính tượng trưng. Syria có quá nhiều phe nhóm và tông phái khác chung sống cần phải được tôn trọng. 

Tuy nhiên, việc đồng thuận để phân quyền nội bộ trong tinh thần đoàn kết, ôn hòa và bao dung là những thách thức quan trọng. 

Một dấu hiệu khích lệ là cho đến nay, không có một hành động trả thù đẫm máu nào trong các phe nhóm bộc phát và không có sự can thiệp thô bạo của ngoại bang, trừ việc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho việc khởi động gần sáu tháng trước đó. 

Mặt khác, không có gì đảm bảo cho một tiến trình tái lập hòa bình trong lâu dài, vì các biện pháp trả thù của phe nhóm còn trung thành theo chế độ Assad có thể xảy ra. 

Thực thi công lý 

Syria bị chia cắt thành các khu vực thù địch. Khái niệm về nhà nước dân tộc đòi hỏi một tiến trình nhận thức của người dân trong khi nhu cầu trước mắt là phải xử lý các tội phạm. Nhu cầu hòa giải và bình định Syria là tất cả các thành phần liên quan phải có ý thức về thực thi công lý. Các tài liệu thông tin về tội ác của chế độ Assad giờ đây phải được bảo mật. 

Tin vui đầu tiên là trong cuộc họp tại thủ đô Damascus, Thủ lĩnh phiến quân Hồi giáo al-Jaulani và Thủ tướng đương nhiệm Mohammed al-Jalali đồng thuận là Mohammed al-Bashir được giao nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới. Hai bên đã thống nhất được các vấn đề chuyển giao quyền lực và công việc hành chính trong an hoà.

HTS và Abu Muhammad al-Jaulani, một cựu thủ lĩnh của al-Qaeda, hiện nay đang trở thành lãnh đạo nhóm “Hajat Tahrir al-Sham” (HTS), được ca ngợi là một anh hùng trong việc thực hiện cuộc lật đổ Assad, và mang lại tinh thần đoàn kết dân tộc. 

HTS là hậu duệ của Mặt trận al-Nusra trước đây, một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda. HTS có mối liên hệ với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. 

Tuy nhiên, HTS luôn phản đối Nhà nước Hồi giáo (IS) vì chọn giải pháp ưu tiên cho Syria là theo tinh thần Hồi giáo, nhưng không theo khuôn khổ cai trị Kalifat. HTS góp phần đáng kể vào việc đánh bật IS ra khỏi miền Bắc Syria. Trong thời kỳ đầu, HTS không thể làm hài lòng tất cả mọi người và mọi tông phái.

Kể từ năm 2017, al-Jaulani đã gây chú ý cho chính trường đầy hỗn loạn là liên tục gửi tín hiệu ôn hòa và cố gắng hợp tác với các nhóm không chủ trương thánh chiến. 

Trong những năm gần đây, al-Jaulani tỏ ra rất nghiêm túc trong nỗ lực này qua việc xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với nhiều phe nhóm khác nhau. al- Jaulani chủ trương một Syria đa dạng mà các tông phái khác nhau có thể cảm thấy yên tâm hợp tác. 

Bằng chứng điển hình là sau chiến thắng tại Aleppo của HTS, tất cả các Kitô hữu có thể tiếp tục đến nhà thờ và không có phụ nữ nào bị buộc phải đội khăn trùm đầu. Nhưng cũng có phe nhóm khác cho rằng nỗ lực này không đáng tin cậy. 

Liệu các phe nhóm có thể tiếp tục hợp tác trong khi họ có quá nhiều dị biệt sâu xa về tín điều và ý thức hệ không? Điều gì xảy ra tiếp theo? Tất nhiên, về cơ bản, còn phải chờ xem nội dung thoả thuận trong việc phân quyền. 

Các tác nhân chủ động 

Bị chia cắt lãnh thổ trong nhiều năm nội chiến, Syria còn bị phân hoá xã hội thành nhiều nhóm dân quân khác nhau  nay đã liên kết thành một liên minh dưới sự lãnh đạo của HTS. 

Thực ra, tham gia vào việc lật đổ Assad còn có Quân đội Quốc gia Syria (Syrian Nationale Army, SNA) và Lực lượng Dân chủ Syria (Syrian Democratic Force, SDF). SDF do lực lượng dân quân người Kurd YPG lãnh đạo và cũng kiểm soát các khu vực rộng lớn ở phía Đông Bắc Syria. 

Mỹ vẫn đang bảo vệ YPG vì lực lượng dân quân này là đối tác quan trọng của Washington trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. 

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng dân quân này là một chi nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm và do đó đang chiến đấu chống lại lực lượng này. Mối quan hệ giữa YPG và HTS cũng được coi là nhiều vấn đề còn tiềm tàng. 

Ngoài ra, Syria là đất nước đa sắc tộc và tôn giáo: Alawite, Druze và Thiên chúa giáo. Nhóm thiểu số Alawite là nhóm ủng hộ chính cho chính phủ Assad.

Ảnh hưởng của ngoại bang

Syria có tầm quan trọng địa chiến lược trong khu vực và được các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi lợi ích riêng và Israel cũng có liên quan. Các nước sử dụng Syria như một tuyến đường trung chuyển. 

Chế độ Assad sụp đổ làm cho cán cân quyền lực thay đổi. Hiện nay, có nhiều suy đoán về các diễn biến, vì các nước phải thay đổi chính sách ngoại giao cho phù hợp với tình hình mới. 

Nhìn chung, ba quốc gia Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ có cùng một quan điểm là không muốn cứu vãn tình thế đã rồi và thay đổi số phận cho Tổng thống Assad.

Đối với Iran, Syria là một tuyến cung cấp quan trọng cho Hezbollah tới Lebanon. Sức mạnh quân sự của Iran và tổ chức “Trục kháng chiến” do nước này lãnh đạo ở Syria cũng đã suy yếu. Các nhóm dân quân ở Trung Đông có quan hệ chặt chẽ với Iran, bao gồm cả Hezbollah của Lebanon và Hamas của Palestine, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Sau khi Israel phát động tấn công vào Hezbollah ở Lebanon vào tháng 10/2024, Hezbollah đã liên tiếp huy động lực lượng quanh Deir ez-Zor ở Syria để quay trở lại trận chiến ở Lebanon. Iran cũng ưu tiên tăng viện trợ cho Hezbollah và Hamas, khiến giảm đáng kể cho Syria.

Có những giả định cho rằng chính phủ mới của Syria sẽ chống Iran, nghĩa là, một trụ cột rất quan trọng của trục phản kháng do Iran lãnh đạo chống Israel sẽ biến mất. 

Mối bận tâm lớn trước đây của Iran là nếu để mất Syria, thì Lebanon và Iraq lâm nguy. Tuy nhiên, nay Iran không còn chủ trương can thiệp Syria, thừa nhận việc chiến đấu cho Assad sẽ vô ích, nên quyết định rút các lực lượng. Tình hình thay đổi nên Iran phải lo đối đầu với Israel có thể sẽ tấn công vào cơ sở có trang bị vũ khí hạt nhân của mình.

Nga có vấn đề phức tạp khác vì có một căn cứ hải quân nằm tại Tartus trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria và một căn cứ không quân Hmeimim gần Latakia, ở phía Tây Syria

Sau năm 2015, Nga đã sử dụng hai căn cứ này để tiến hành các cuộc áp đảo phe đối lập của Syria. Ngoài ra, Nga đã sử dụng các căn cứ này để phô trương thanh thế và cạnh tranh ảnh hưởng với phương Tây ở các nước châu Phi. 

Do cạn kiệt nhân lực và vũ khí cho chiến trường Ukraine, vào tháng 6/2024, Nga quyết định giảm số lượng từ hơn 65.000 binh sĩ đồn trú tại Syria xuống 4.000. Một số lượng lớn vũ khí như hệ thống tên lửa phòng không S-300 đã được chuyển về Nga. 

Vì quân đội Nga đang sa lầy ở Ukraine, nên thanh thế của Nga tại Syria suy giảm. Vào ngày 6 tháng 12, Nga đã triệu hồi các nhà ngoại giao và rút quân đội ra khỏi các căn cứ.

Liệu Nga có thể thỏa thuận với chính phủ mới của Syria để giữ lại hai căn cứ này không là vấn đề sẽ thương thảo. 

Ả Rập Saudi, Jordan hay Lebanon tỏ ra không quan tâm đến một nhà nước sụp đổ hoàn toàn như Syria. Mọi người đều muốn có một đất nước ổn định cho người dân hồi hương. Đây cũng là mối lo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tyyip Erdogan. 

Erdogan đã nhiều lần muốn đàm phán với Assad để hồi hương ba triệu người Syria đang tỵ nạn mà Thổ xem là gánh nặng lớn về an ninh và ngân sách. Assad luôn từ chối đàm phán và yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rút hoàn toàn ra khỏi miền Bắc Syria. 

Sau khi chế độ Assad sụp đổ, Erdogan hy vọng người tỵ nạn Syria có thể tự nguyện hồi hương hoặc tìm cách trục xuất.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng vẫn chiếm đóng các khu vực ở phía Đông Bắc Syria và chủ yếu hành động chống lại người Kurd ở đó để ngăn chặn họ trở nên mạnh mẽ hơn. 

Trong những năm gần đây, quyền tự trị của người Kurd là mối quan tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng việc hồi hương những người tỵ nạn Syria, sau khi tình hình thay đổi, sẽ quan trọng hơn các mục tiêu khác. 

Có khoảng 900 lính Mỹ đồn trú ở Syria. Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden tuyên bố binh sĩ Mỹ cũng sẽ ở lại cho đến khi có thông báo mới. 

Trong khi đó, Israel đã đưa quân vào vùng đệm trên Cao nguyên Golan bị chiếm đóng và các khu vực khác của Syria. Theo các tin tức mới nhất, không quân Israel đã không kích ở khu vực thủ đô Damascus nhằm phá hủy các cơ sở quân sự. 

Kết luận 

Nhìn chung trong toàn cảnh, tình hình chưa hoàn toàn ổn định và các phe nhóm càng ngày càng tỏ ra quan tâm hợp tác, nhưng còn có tinh thần cảnh giác trong tình trạng đối đầu tiềm tàng. 

Nhìn về tương lai, động lực xung đột trong nội tình đang suy giảm. Giai đoạn đàm phán để hoà giải chính trị được tiến hành và sẽ định hình cho tương lai. Tình hình chung sẽ bớt đi hỗn loạn, nếu việc phân quyền đạt được kết quả. 

Ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga vẫn tìm cách tiếp tục gia tăng ảnh hưởng trong vai trò trung gian hòa giải và còn chiếm ưu thế, nên Mỹ khó có khả năng phát huy ảnh hưởng và Trung Quốc càng ít hơn.

Thời kỳ chuyển tiếp đang khởi đầu, nên còn quá sớm để suy đoán là Syria sẽ hồi sinh với triển vọng dân chủ, hoà bình và thịnh vượng.

Đ. K. T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đỗ Kim Thêm, Syria, Trung Đông. Bookmark the permalink.