Báo, đài nào sẽ kết thúc nhiệm vụ?

Lưu Nhi Dũ 

3.12.2024 

TBT Tô Lâm chỉ đạo rất quyết liệt về tinh giảm bộ máy và xem đó như một cuộc cách mạng, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, và phải làm ngay.

Với hệ thống báo chí, cú quy hoạch từ thời ông Nguyễn Tấn Dũng, chủ trì và tác giả là ông Nguyễn Bắc Son, bộ trưởng 4T lúc ấy thất bại không phải vì ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn ăn hối lộ vào tù, ông Đinh Thế Huynh đột nhiên “biến mất”, mà quy hoạch máy móc, làm một số tờ báo uy tín bị hạ cấp, phải nháo nhác đi tìm cơ quan chủ quản mới. Số lượng báo chí không giảm mà còn tăng thêm, đặc biệt nhiều đài truyền hình mọc lên; ngân sách vẫn oằn mình gánh nhiều cơ quan báo chí.

Lần này việc tinh giảm bộ máy đang diễn ra hết sức kiên quyết. Theo đó, kết thúc hoạt động của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Báo Nhân Dân. Kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam.

Kết thúc hoạt động các tạp chí của các ban đảng Trung ương, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Tạp chí Cộng sản

Tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV).

Nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành để giảm bớt ngân sách. 

Đó là chưa kể các báo, tạp chí thuộc các Hội Văn học nghệ thuật, tồn tại hay không tồn tại và tồn tại như thế nào?

Lại nữa, nên và kết thúc những tạp chí vớ vẩn, thường núp bóng tư nhân, chuyên hù dọa các doanh nghiệp để kiếm sống. Bằng chứng là nhiều “nhà báo” của loại hình báo này bị bắt vì tống tiền trong thời gian qua, đã nói lên tất cả. 

Chỉ riêng việc kết thúc hoạt động của các đài truyền hình nêu trên, ngân sách lợi biết bao nhiêu. 

Đó chỉ là quy hoạch, sắp xếp lại các cơ quan truyền thông cấp trung ương. Hiện tại mỗi tỉnh thành đều có đài truyền hình, có thực sự cần thiết khi mà VTV đã có những đài khu vực? 

Trong nghề ai cũng biết sản xuất chương trình truyền hình rất tốn tiền. Chẳng lẽ mỗi tỉnh một đài truyền hình – phát thanh để chiếu phim Hàn, Trung Quốc và những cuộc thi âm nhạc belero? Nên tập trung đầu tư báo tỉnh thành báo đa phương tiện, có thể phát truyền hình OTT, audio, cùng việc sử dụng các nền tàng xã hội như YouTube, Tiktok…, thì cần chi một đài truyền hình? Tinh giản 63 đài truyền hình cấp tỉnh, ngân sách đỡ tốn biết bao nhiêu tiền. Cần nhớ rằng hiện nay tuyệt đại đa số báo tỉnh đều nhận ngân sách để hoạt động. 

Còn những TP lớn như Hà Nội, TP HCM có cần nhiều báo như vậy?

TP HCM chẳng hạn, hiện có 6 cơ quan báo chí có cơ quan chủ quản là UBND TP gồm: Báo Pháp luật TP, Tạp chí Du lịch TP, Tạp chí Giáo dục TP, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Khoa học phổ thông. Thành ủy TP HCM là cơ quan chủ quản của các tờ báo sau: Sài Gòn Giải Phóng, Người lao động, Phụ nữ TPHCM, Tạp chí Cựu chiến binh và báo Tuổi trẻ TPHCM. Đó là chưa kể còn có Trang tin Điện tử Thành ủy TP HCM! Tại sao đã có Báo SGGP, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ TP HCM, còn có trang tin này và nó ngốn bao nhiêu tiền ngân sách mỗi năm? 

Đa phần các tờ báo này đã tự chủ về mặt tài chính nhưng với “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy đang tiến hành, chắc chắn phải quy hoạch lại. Hơn nữa, không thể và vô lý khi Thành ủy và UBND TP HCM có nhiều cơ quan ngôn luận như vậy?

Ai còn ai mất thì chưa biết hết nhưng chắc chắn phải tinh gọn hệ thống báo chí, để tập trung đầu tư cho những tờ báo có chất lượng và tự chủ tài chính được.

Chờ xem…

L.N.D.

Nguồn: FB Nhi Dũ Lưu

 

This entry was posted in Lưu Nhi Dũ, Tinh giản bộ máy. Bookmark the permalink.