Cắt giảm nhựa có lợi hơn cho nền kinh tế?

Nguồn: theconversation.com

Bảo Như dịch

05.12.2024

Khi bạn mua một chai nước ngọt hoặc một thanh sô cô la, giá có lẽ không quá đắt. Nhưng nếu tính cả chi phí thực sự của bao bì nhựa – cho đến lúc kết thúc vòng đời của nó – thì sao?

Ví dụ, chi phí để dọn sạch ô nhiễm từ việc sản xuất nhựa đó, hay chi phí để quản lý rác thải nhựa khi bạn vứt bỏ nó? Hay thậm chí là các chi phí y tế phát sinh do ô nhiễm nhựa ảnh hưởng tới sức khỏe con người? Và cũng đừng quên chi phí thiệt hại gây ra cho sinh vật trên cạn và dưới biển, cũng như toàn bộ hệ sinh thái. Biên lai đó sẽ dài cả dặm.

Từ cuối tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 vừa qua, đại diện của 175 nước và khoảng 600 tổ chức quan sát môi trường đã tập trung tại Hàn Quốc để tham gia vòng đàm phán thứ năm và cũng là vòng đàm phán cuối cùng của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về Hiệp ước toàn cầu về nhựa. Kỳ vọng, và cũng là nội dung tranh cãi gay gắt nhất về một hiệp ước đặt mục tiêu giảm sản xuất nhựa cuối cùng đã sụp đổ. Chốt lại, các nước chỉ thống nhất được là đến năm 2025 sẽ lại tiếp tục họp.

Điều này cũng phản ánh sự khác biệt giữa mong mỏi của giới khoa học và môi trường và lợi ích kinh tế của các nước. Mặc dù giới khoa học đồng thuận về việc cắt giảm sản xuất vì nhựa đang gây nhiều hệ lụy về môi trường và sức khỏe, nhưng nhiều quốc gia lại lo ngại các tác động tiêu cực tiềm tàng đến nền kinh tế nếu giảm sản xuất nhựa.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên thế giới, cả các ước lượng kinh tế và đánh giá môi trường cho thấy các quốc gia nên quan tâm đến điều ngược lại: không giảm sản xuất nhựa có thể là mối đe dọa kinh tế lớn hơn so với cắt giảm.

Sản xuất nhựa, trên đà không ngừng tăng, đang gây ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, và dẫn đến những chi phí khổng lồ để chạy đuổi theo các hệ lụy của sản phẩm nhựa khi đi đến cuối vòng đời của nó. Tính riêng về lượng phát thải vào môi trường, ngành công nghiệp nhựa ước tính chiếm 5,3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2019. Nếu không có thay đổi gì, ước tính lượng khí thải này có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba vào năm 2050. Về ảnh hưởng tới môi trường, tác động của nhựa đến đa dạng sinh học là rất nghiêm trọng. Hiện nay, tổng hợp dữ liệu nghiên cứu về vi nhựa trong cá biển cho thấy, 26% cá biển đã ăn phải vi nhựa – t lệ này đã tăng gấp đôi chỉ trong một thập niên. Và hệ quả tất yếu, một cuộc khủng hoảng sức khỏe đã diễn ra: ví dụ, một ước tính vào năm 2010 cho thấy ít nhất 1,8 triệu người ở Châu Âu đang phải chịu các bệnh liên quan đến việc tiếp xúc với các hóa chất có trong nhựa.

Trước những hệ lụy này, các nhà khoa học, các tổ chức môi trường đều nhấn mạnh cần phải giảm sản xuất nhựa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.

Chi phí khổng lồ của cuộc khủng hoảng nhựa

Cái giá phải trả của cuộc khủng hoảng nhựa trên toàn cầu là không thể đo đếm được. Nhưng trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học đã nỗ lực phân tích dữ liệu hiện có để xác định một phần chi phí phải trả. Đầu tiên, có chi phí thu gom, phân loại, tái chế và xử lý rác thải nhựa đô thị. Những chi phí này, được bù đắp bằng doanh thu từ việc bán nhựa tái chế và điện được tạo ra từ quá trình đốt, ước tính dao động từ 643 tỷ USD đến 1,61 nghìn tỷ USD trên toàn cầu trong giai đoạn 2016-2040. Các hoạt động này chủ yếu do các thành phố hoặc công ty quản lý rác thải hộ chịu trách nhiệm thực hiện, nhưng thực chất cuối cùng, người nộp thuế mới là người chi trả hóa đơn. Tiếp theo là thiệt hại đối với môi trường đại dương và môi trường trên cạn. Các loài tiêu biểu như các loài sinh vật biển, chim biển và các loài khác trên cạn gặp nguy hiểm do ăn phải vi nhựa. Chi phí cho những thiệt hại sinh thái này ước tính dao động từ 1,86 nghìn tỷ USD đến 268,50 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2016  2040.

Ô nhiễm nhựa cũng tác động nhiều đến sức khỏe con người. Hiện nay chưa có đánh giá rõ ràng về quan hệ nhân quả của các hạt vi nhựa mà con người ăn phải đến các vấn đề sức khỏe nhưng các chất phụ gia trong nhựa, chẳng hạn như hóa chất gây rối loạn nội tiết, thì có liên quan đến khuyết tật trí tuệ, tiểu đường, béo phì, vô sinh, rối loạn nội tiết tố và ung thư. Các bệnh liên quan đến các hóa chất này ước tính gây thiệt hại hàng năm từ 384 đến 403 tỷ USD chỉ ở riêng Mỹ, 44 tỷ USD ở EU và 18 tỷ USD ở Canada – theo giá năm 2010. Nếu tính trong giai đoạn 2016 – 2040, những chi phí này lên tới 11,21 đến 11,69 nghìn tỷ USD. Đây vẫn còn là những ước tính thận trọng, vì các gánh nặng chi phí này vẫn còn tăng lên hàng năm, tăng theo sản lượng nhựa tăng và mức tăng dân số. Tính ở cả ba khía cạnh – quản lý chất thải, ô nhiễm đại dương và môi trường trên cạn, và sức khỏe cộng đồng – thì ô nhiễm nhựa tích tụ trong hệ sinh thái toàn cầu, tính từ năm 1950, có thể gây thiệt hại từ 13,7 đến 281,8 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2040. Con số này tương đương với 548 tỷ USD đến 11,27 nghìn tỷ USD mỗi năm – để so sánh – con số này gấp 2,5 lần GDP của Đức hiện nay. Những tính toán này cho thấy rõ thiệt hại kinh tế khổng lồ mà cuộc khủng hoảng nhựa gây ra, điều mà không mấy ai hình dung mỗi khi ăn kẹo hay uống nước ngọt và xả rác thải nhựa vào thùng rác.

Vấn đề là khi đàm phán hiệp ước về việc phải cắt giảm sản lượng nhựa trên thế giới bị sụp đổ, sản xuất nhựa vẫn tiếp tục đà tăng lên, các hệ thống xử lý sẽ khó theo kịp, dẫn đến nhiều nhựa hơn bị thải vào môi trường. Nếu không có gì thay đổi, lượng nhựa thải ra môi trường có thể tăng gấp đôi, lên tới 121 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050 (tăng từ mức 62 triệu tấn mỗi năm ở mốc năm 2020).

Bản đồ toàn cầu được xếp lại từ các chai nhựa. Ảnh: Drpixel/ Shutterstock.

Thực ra, theo đánh giá của các nhà khoa học, các ước tính về gánh nặng do rác thải nhựa gây ra vẫn còn không đầy đủ. Chẳng hạn, các tính toán hiện nay vẫn còn khoảng trống đo lường tác động của nhựa đến các nước bên ngoài khối Âu  Mỹ, cũng như các tính toán thiệt hại cho các hệ sinh thái trên cạn trên thế giới, chi phí xử lý dọn dẹp vi nhựa (hiện tại, chỉ có thể xử lý được rác nhựa lớn chứ chưa xử lý được vi nhựa) và thách thức rất lớn trong việc xử lý nhựa chìm xuống đáy đại dương.

Mặt khác, gánh nặng của chi phí ô nhiễm nhựa khác nhau giữa các quốc gia. Một báo cáo gần đây của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy, mặc dù các nước thu nhập thấp và trung bình chỉ sử dụng nhựa bằng 1/3 so với các nước giàu nhưng chi phí cho vòng đời của nhựa ở các nước này lại cao hơn tới 8 lần so với các nước giàu, do các nước nghèo hạn chế năng lực trong việc đưa ra các tiêu chuẩn sản xuất nhựa, điều kiện sản xuất không đảm bảo, thải ra môi trường nhiều, quản lý chất thải chưa tốt, cơ sở hạ tầng để thu gom và tái chế còn kém… Các quốc gia hưởng lợi từ sản xuất và bán nhựa bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ả Rập Xê Út. Các quốc gia giàu có không chỉ sản xuất nhựa mà còn đẩy rác thải nhựa sang các nước nghèo bằng cách xuất khẩu một phần rác thải nhựa sang các nước đang phát triển để tái chế. Không phải lúc nào tái chế cũng hiệu quả nên còn làm tăng nguy cơ rác thải nhựa vào môi trường ở các nước tái chế. Các nước nhập khẩu rác thải nhựa lớn hiện nay gồm có Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia, nhập khẩu rác thải nhựa từ Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh. Mặc dù các nước đang phát triển cũng đang siết lại để giảm nhập rác thải nhựa, nhưng đây vẫn đang là điểm đến chính của dòng rác thải nhựa toàn cầu – và đương nhiên đi cùng với đó là các hệ lụy môi trường và xã hội.

Giảm sản xuất nhựa: Một cơ hội kinh tế?

Trái với những tranh cãi về việc giảm sản xuất nhựa có thể gây ảnh hưởng tới nền kinh tế, thì các nghiên cứu đã chỉ ra giảm sản xuất nhựa không gây trở ngại, mà có thể mang lại lợi ích kinh tế. Đã có nghiên cứu cho thấy chi phí ròng của việc không hành động gì để giảm lượng nhựa ở tất cả các quốc gia vào năm 2040, với kịch bản ít nhất và nhiều nhất tương ứng là 18,3 – 158,4 nghìn tỷ USD. Nếu không hành động để giảm lượng nhựa, ước tính chi phí thiệt hại do ô nhiễm nhựa gây ra từ năm 2016 đến năm 2040, cũng theo hai kịch bản ít nhất và nhiều nhất 13,7 – 281,8 nghìn tỷ USD.

Như vậy, nếu không hành động (để giảm nhựa) thì chi phí ròng sẽ gấp đôi so với hành động để giảm nhựa.

Mặc dù bất kỳ quá trình chuyển đổi nào cũng sẽ dẫn tới tăng chi phí ngắn hạn cho khu vực tư nhân, nhưng việc tránh thiệt hại về môi trường do tiếp tục sản xuất nhựa sẽ mang lại lợi ích ròng dài hạn – và thậm chí có thể là lợi ích ngắn hạn, nếu tính cả đến việc các chi phí xử lý hệ quả của cuộc khủng hoảng nhựa vẫn còn bị tính thiếu.

Các nhà khoa học đề cập đến một nền kinh tế “hậu nhựa”, chỉ nên dùng nhựa cho những sản phẩm thiết yếu còn nhựa dùng một lần sẽ bị cấm. Cũng có các đề xuất các chương trình khuyến khích (chẳng hạn như bằng tiền) dùng các mặt hàng tái sử dụng nhiều lần như chai, cốc, hộp đựng thực phẩm, khay và bao bì… Việc chuyển đổi này sẽ tạo ra một lĩnh vực mới tập trung vào tái sử dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo cách có lợi cho tất cả mọi người mà không gây hại cho sức khỏe con người hoặc hệ sinh thái. Nếu không sớm có chuyển đổi, người tiêu dùng nhựa hôm nay và nhiều thế hệ tiếp theo sẽ phải trả giá cho các chi phí ô nhiễm nhựa ngày càng tăng cao.

Nguồn bản dịch: Tia Sáng

 

This entry was posted in Bảo Như, Ô nhiễm môi trường, Tia Sáng. Bookmark the permalink.