“Nhóm lợi ích” *

Lê Việt Hoa

Kỳ 1. Giải oan cho ‘nhóm lợi ích’

NOVEMBER 26 2024

Ảnh: Chinhphu.vn, Canva. Đồ họa: V.K / Luật Khoa.

Trong nhiều phát ngôn của các lãnh đạo nhà nước Việt Nam, cụm từ “nhóm lợi ích” thường đường nhắc đến với hàm ý như là các lực lượng ngầm ẩn tìm cách bóp méo chính sách và pháp luật. 

Từ khi lên nắm chức tổng bí thư, ông Tô Lâm thường xuyên nhắc đến cụm từ này như là một sự cảnh tỉnh về các nhóm thế lực nào đó nằm bên ngoài đảng của ông. 

Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8, ông đề cập vấn đề “các nhóm lợi ích” đang tìm mọi cách tác động để nhằm trục lợi [1]. Mới đây, ông chỉ đạo ngành tòa án “tuyệt đối không để lợi ích nhóm trong thiết kế văn bản quy phạm pháp luật” [2] .

Tuy nhiên, điều mơ hồ nhất là các lãnh đạo nhà nước không giải nghĩa nhóm lợi ích là nhóm nào, họ hoạt động theo cơ chế nào, tồn tại bên trong hay ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam, làm sao để nhận diện nhóm lợi ích?

Thêm nữa, nhà nước Việt Nam có cho phép các nhóm lợi ích hoạt động hay không?  Và nếu quả thực có các nhóm lợi ích đang tìm cách bóp méo cơ chế chính sách để trục lợi riêng theo nghĩa xấu như các lãnh đạo vẫn thường cảnh báo, thì chính quyền đã sử dụng cơ chế nào để kiềm chế họ?

Mặt khác, nhóm lợi ích có đơn giản chỉ là các nhóm công ty, cá nhân tham nhũng đã bị bắt hay không?

Trước hết, cần phải hiểu về “nhóm lợi ích” từ nguyên gốc trong các hệ thống nhà nước dân chủ. Ở những hệ thống dân chủ, các nhóm lợi ích chẳng những hoàn toàn hợp pháp, mà còn là một dấu hiệu của một hệ thống lành mạnh để bảo vệ lợi ích của các thành phần khác nhau trong xã hội. 

Phần nội dung sau đây dựa trên cuốn sách “We the people: An Introduction to American Government content” của GS ĐH Harvard Thomas Patterson, xuất bản năm 2016 [3].

Nhóm lợi ích là gì?

Nhóm lợi ích, còn được gọi là các phe cánh (faction), nhóm gây áp lực (pressure group), nhóm lợi ích đặc biệt (special interest), các nhóm vận động hành lang (lobbying group), là bất cứ tổ chức nào chủ động tích cực gây ảnh hưởng đến chính sách. 

Nhóm lợi ích có nhiều điểm tương đồng với các đảng phái chính trị là đều là cầu nối người dân với chính quyền, nhưng khác biệt lớn nhất là trong khi phần lớn đảng phái chính trị nhắm vào đa số cử tri, trải rộng trên nhiều vấn đề, thì các nhóm lợi ích thường chỉ tập trung vào một hay một vài chính sách cụ thể nhất định.

Theo giáo sư Thomas Patterson, không nơi nào trên thế giới có nhiều nhóm lợi ích được tổ chức bài bản, có ảnh hưởng mạnh mẽ như ở Mỹ. Hệ thống chính quyền từ cấp liên bang, tiểu bang, đến chính quyền các quận hạt địa phương đều là đối tượng để các nhóm lợi ích này tiếp cận. Do cách tổ chức chính quyền phân cấp liên bang và tiểu bang của Mỹ đã mở ra vô vàn cánh cửa để các nhà vận động có thể tiếp cận các nhà hoạch định chính sách.

Mục tiêu của các nhóm lợi ích này là tạo ảnh hưởng đến tất cả các trọng điểm của hệ thống chính quyền như việc ra chính sách, quyết định của tòa án, lựa chọn dân biểu.  

Kể cả các chính quyền nước ngoài cũng tích cực vận động ảnh hưởng ở chính quyền liên bang Mỹ, các quốc gia muốn tạo ảnh hưởng lên các chính sách buôn bán vũ khí, cung cấp viện trợ quốc tế, nhập cư, thương mại. 

Gắn liền với các nhóm lợi ích là các nhà vận động hành lang (lobbyist). Riêng thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ có tới 11.500 nhà vận động đăng ký hoạt động. Con số này cao hơn hẳn ở các quốc gia khác, như ở thủ đô Berlin của Đức có khoảng 5.000 người, Paris của Pháp có khoảng 1.000 người. 

Nhóm lợi ích kinh tế  

Nhóm lợi ích có thể xuất phát từ bất cứ ngành nghề, nhóm dân số hoặc vùng địa lý nào. Phần đa các nhóm lợi ích được tổ chức vì mục tiêu quyền lợi kinh tế, trong đó nòng cốt nhất là nhóm doanh nghiệp. 

Một trong các hiệp hội lâu đời nhất ở Mỹ là Hiệp hội Quốc gia của các nhà sản xuất (the National Association of Manufacturers), được thành lập năm 1894, đại diện cho khoảng 14 ngàn nhà sản xuất. Một hiệp hội lớn khác là Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (the U.S Chamber of Commerce), đại diện cho gần ba triệu doanh nghiệp các loại lớn nhỏ. 

Các nghiệp đoàn thuộc nhóm lợi ích kinh tế vì họ vận động cho các chính sách có lợi cho người lao động. Lớn nhất là AFL-CIO có khoảng 12 triệu thành viên và 55 công đoàn thành viên. 

Các hội này thường được tổ chức bài bản, có thu phí thành viên, có lịch trình để tiếp xúc với các chính trị gia và người soạn thảo chính sách để đề xuất các điều khoản có lợi cho hội của mình. Các hội này cũng cung cấp các thông tin, số liệu cho những người làm chính sách đề xây dựng ra luật lệ mới, hoặc thay đổi các luật lệ đang được soạn thảo để giảm thiểu thiệt hại cho các thành viên trong hội của mình. Chẳng hạn, các hiệp hội lớn mạnh ở Mỹ như Hiệp hội Nhà đất, Hiệp hội Súng trường đã bỏ ra hàng trăm triệu đô-la mỗi năm cho mục đích vận động chính sách. 

Ngoài ra, hầu như ở bất kỳ ngành nghề nào cũng có các nhóm lợi ích tổ chức thành hiệp hội như hội nông dân, hội nghề nghiệp ngành y, ngành luật, giáo sư đại học. Các hiệp hội này đấu tranh để bảo vệ chế độ trợ cấp giá, đòi tăng lương, ra chính sách bảo vệ người làm trong ngành của họ. 

Nhóm lợi ích công dân 

Các nhóm này được lập nên không phải vì để đấu tranh cho lợi ích kinh tế như nghề nghiệp, lương thưởng hay chế độ phúc lợi, mà cho các mục đích khác như bảo vệ môi trường, giúp đỡ người vô gia cư, hoạt động nhân đạo. Hầu như tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội đều có một nhóm lợi ích nào đó. 

Các tổ chức này có thể cam kết mục tiêu vận động cho một chính sách nhất định nào đó, như quyền sở hữu súng, chính sách kiểm soát chất kích thích. 

Một số tổ chức lớn mạnh như Hiệp hội Quốc gia vì sự phát triển của người da màu (NAACP), Tổ chức Vì Phụ nữ (NOW), hay La Raza  nhóm lợi ích cho người Mỹ gốc Hispanic. Nhóm hoạt động môi trường như Sierra Club được thành lập từ cuối thế kỷ 19 để bảo vệ những cảnh quan của đất nước. 

Nói chung, sự tồn tại của các nhóm lợi ích ở Hoa Kỳ là một phần gắn liền với việc các ngành nghề, hội nhóm, thành phần xã hội khác nhau đòi hỏi các quyền lợi về kinh tế và phi kinh tế khác nhau. Họ tổ chức lại một cách bài bản và vạch ra các đường lối để đòi quyền lợi cho bản thân mình.

Nhóm lợi ích, do đó, là một thành tố bình thường của một xã hội bình thường. Vấn đề không nằm ở bản thân sự tồn tại của nhóm lợi ích, mà ở cách các nhóm lợi ích vận hành và hành lang pháp lý cho các hoạt động vận động hành lang này.

Chúng ta sẽ bàn về khía cạnh này ở những bài sau.

Nguồn: luatkhoa.com

*

Kỳ 2. Các nhóm lợi ích hoạt động như thế nào?

NOVEMBER 28 2024

Ở phần trướcLuật Khoa tạp chí đã giới thiệu về các loại nhóm lợi ích hoạt động trong mô hình dân chủ, điển hình là ở Hoa Kỳ. Bài này tiếp tục giới thiệu về cách thức hoạt động của các nhóm này. 

Giáo sư Thomas Patterson, trong cuốn “We the people: An Introduction to American Government, chia các loại hoạt động này thành hai nhóm: vận động chính sách từ bên trong và bên ngoài. Nhóm thứ nhất tạo ảnh hưởng thông qua các đầu mối chính thức trong hệ thống chính quyền, loại thứ hai là tạo ảnh hưởng bằng cách vận động cử tri bên ngoài.

Vận động từ bên trong 

Các nhà vận động nhắm vào tất cả các nhánh quyền lực nhà nước hòng gây ảnh hưởng lên hành pháp, lập pháp, tư pháp. Họ phát triển mối quan hệ thân thiết với các nhà làm chính sách, quan chức trong chính quyền, người làm trong hệ thống tòa án đủ các cấp bậc. Mục đích cuối cùng là để tìm cách xoay chuyển các chính sách, cách áp dụng luật, các phán quyết theo hướng có lợi cho các thành viên trong nhóm lợi ích của mình. 

Các nhà vận động sử dụng thông tin là vũ khí cho hoạt động của mình. Chẳng hạn, đối với một dự luật có thể ảnh hưởng xấu đến ngành nghề của mình, họ tìm cách trình bày chi tiết nhất các dự báo thiệt hại như số người mất việc, số lương hay chế độ có thể bị cắt. 

Thực tế, có rất nhiều dự luật được đưa ra ở Mỹ là dựa trên thông tin của các nhà vận động cung cấp. Văn phòng của các dân biểu thường chỉ có số nhân viên và kinh phí hạn hẹp. Trong khi đó, các văn phòng vận động chính sách, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, bất động sản, dược phẩm, thì có hầu bao rất rộng.

Về mặt lý thuyết, các nhà vận động phải đảm bảo uy tín là cung cấp thông tin, số liệu xác tín cho các chính trị gia, nếu không họ sẽ dễ dàng bị cắt đường giao dịch về sau. 

Vận động từ bên ngoài

Để tối đa hoá sự ủng hộ, các nhóm lợi ích còn nhắm vào số đông cử tri để quảng bá cho các lịch trình của mình. Họ liên lạc với các nhóm cử tri có cùng mối quan tâm để yêu cầu viết thư gửi lên các dân biểu để bỏ phiếu thuận hay chống cho một chính sách nhất định. Họ cũng có thể giúp tổ chức biểu tình, gọi điện thoại để cử tri gây áp lực lên chính quyền. 

Trong khi hoạt động tranh cử cấp tiểu bang và liên bang chỉ diễn ra mỗi mấy năm một lần, và các chính sách tranh cử thường bao trùm trên diện rộng, hoạt động của các nhóm lợi ích diễn ra khá thường xuyên, nhắm vào một vấn đề cụ thể. Như vậy, các nhóm lợi ích khá có lợi thế trong việc gây chú ý và tranh thủ sự ủng hộ của những người có cùng động lực. 

Vậy nhóm lợi ích có lợi không?

Các nhà tư tưởng theo thuyết đa nguyên cho rằng sự phát triển rộng rãi của nhiều nhóm lợi ích khác nhau sẽ giúp ích cho chính quyền hoạt động tốt hơn. Các nhóm này tập hợp các thành viên có cùng lợi ích, họ hiểu hơn ai hết những gì có lợi và có hại cho các thành viên trong nhóm của mình, và mang tiếng nói của người dân đến với chính quyền. 

Theo tư tưởng này, chính quyền không thể chỉ đơn giản là phục vụ cho lợi ích của số đông mà quên đi lợi ích của các nhóm nhỏ khác. Trong nhiều trường hợp, các nhóm nhỏ hơn cũng cần được thể hiện nguyện vọng và đòi hỏi lợi ích của họ. Các nhóm lợi ích là một cầu nối không thể thiếu cho mục đích này. Nếu mỗi nhóm thành phần trong xã hội đều được tổ chức theo các nhóm lợi ích của mình, các nhóm này đấu tranh cho lợi ích của các thành viên, thì chung cuộc ai cũng giành được một phần. 

Bên cạnh đó, bộ máy chính quyền không bao giờ có thể bao quát hết mọi lĩnh vực và mọi thành viên trong xã hội. Nếu các thành viên tự tổ chức lại và đưa tiếng nói ủng hộ hoặc phản đối của mình đến với chính quyền, thì phạm vi hoạt động của chính quyền sẽ rộng rãi hơn. 

Tuy nhiên,  quan điểm nói trên cũng nhận được nhiều chỉ trích. Nhà nghiên cứu khoa học chính trị Theodore Lowi đã chỉ ra hai nhược điểm lớn nhất của lập luận nói trên.

Vấn đề thứ nhất là trong một hệ thống mà các nhóm lợi ích được tự do vận động cho các chính sách chỉ có lợi cho mình, thì sẽ không còn có gì là lợi ích công cộng. Và những điều có lợi cho một nhóm lợi ích nào đó không có nghĩa là cũng có lợi cho số đông. 

Vấn đề thứ hai là không phải loại lợi ích nào, nhóm dân số nào cũng có khả năng và nguồn lực để tổ chức thành các nhóm lợi ích bài bản như nhau. Điều này dẫn đến việc các nhóm giàu có hơn, có nhiều động lực kinh tế hơn, sẽ dễ dàng thắng trong các cuộc vận động chính sách hơn. 

Nếu các nhóm lợi ích về kinh tế được hoàn toàn tự tung tự tác, hẳn nhiên họ sẽ thao túng cả chương trình nghị sự theo ý mình. Trong khi đó, các nhóm phi kinh tế, chẳng hạn như nhóm hoạt động vì môi trường, không thể đọ được với các nhóm sản xuất kinh doanh, cho nên trận chiến của họ khó thắng hơn nhiều. 

Cả hai hướng quan điểm bảo vệ và chỉ trích các nhóm lợi ích nói trên đều có nhiều điểm hợp lý. 

Thực tế, James Madison, một trong những nhà lập pháp đầu tiên của Hoa Kỳ, đã đưa ra tranh luận về tính hai mặt của nhóm lợi ích trong xã hội Hoa Kỳ. Mặc dù lo ngại các nhóm lợi ích sẽ giành được nhiều ảnh hưởng chính trị, nhưng ông vẫn cho rằng một xã hội tự do phải cho phép người dân được tổ chức lại thành các hội nhóm để cổ súy cho lợi ích riêng của mình. Một khi con người không được vận động một cách riêng lẻ từ nhiều góc độ về nhu cầu, giá trị, quyền sở hữu, thì dân tộc đó không phải là hoàn toàn tự do. 

Tóm lại, các nhóm lợi ích là một phần không thể tách rời trong một xã hội đa nguyên tự do. Đó là đại diện của một nhóm cá nhân có cùng chia sẻ lợi ích kinh tế, giá trị xã hội, niềm tin hoặc tầm nhìn về xã hội hay tương lai của dân tộc họ đang sống. Trong số này, các nhóm lợi ích kinh tế chiếm số đông đảo, có nhiều nguồn lực hơn cả để tạo ảnh hưởng trực tiếp lên các chính sách của quốc gia. 

Sự hoạt động đông đảo của các nhóm lợi ích có thể là một dấu hiệu cho thấy nhiều thành phần trong xã hội đang được tự do mưu cầu lợi ích cho bản thân mình. Tuy nhiên, do sự bất cân xứng về nguồn lực của các nhóm lợi ích về nhiều lĩnh vực khác nhau, xã hội luôn phải đối mặt với vấn đề một số nhóm lợi ích quá lớn mạnh thường đạt được những điều mình muốn, cho dù điều đó là có hại cho số đông. 

Phần tiếp theo sẽ thảo luận trong các chế độ phi dân chủ, các nhóm lợi ích có tồn tại không, và nếu có thì họ tồn tại ở đâu, dưới dạng thức nào. 

Nguồn: luatkhoa.com

*

Kỳ 3. Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao

5 Dec 2024 

TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tron Le / Unsplash

Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức hoạt động của các nhóm lợi ích trong các chế độ dân chủ, điển hình là ở Mỹ. Phần này xin giới thiệu về các nhóm lợi ích trong chế độ độc tài. 

Trong chế độ dân chủ đa nguyên, các nhóm lợi ích là một phần không thể tách rời của hoạt động xã hội. Nói chung, bất cứ nhóm công dân nào cũng có thể lập ra các nhóm lợi ích, đăng ký hoạt động, đóng phí, gây quỹ, tự đứng ra vận hành hoặc thuê các nhà vận động chuyên nghiệp để tìm cách đòi hỏi lợi ích cho nhóm của mình.

Do sự chênh lệch lớn về kinh phí, mạng lưới quan hệ và kỹ năng hoạt động, không phải tất cả các nhóm này đều đạt được hiệu quả ngang nhau. Tuy nhiên, đặc tính của cơ chế mở giúp cho các nhóm có nhiều cửa tiếp cận với chính quyền để đấu tranh cho quyền lợi của mình. 

Trái lại, trong các chế độ độc tài, các nhóm lợi ích tồn tại trong một môi trường và cơ chế hoạt động đặc biệt. 

Không cấm mà lại thành cấm 

Khác hẳn với không gian dân chủ, các nhóm lợi ích trong xã hội phi dân chủ như ở Việt Nam không có cùng thể thức. 

Trước hết, nhóm lợi ích theo nghĩa hiểu thông thường  sự tập hợp có tổ chức của một nhóm công dân để đấu tranh cho lợi ích của mình – thường bị cấm ở các chế độ độc tài. Mặc dù các nhà nước này không chính thức cấm người dân lên tiếng đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, họ thường cấm công dân tổ chức thành các hội nhóm để đồng loại lên tiếng. 

Về mặt hình thức, Việt Nam cũng có các nhóm lợi ích được đăng ký và hoạt động chính thức. Xét về tên gọi, các nhóm lợi ích này cũng rất đa dạng về ngành nghề như hội nhà văn, hội nông dân, hội luật sư; về lợi ích đặc biệt như hội người mù, hội khuyến học, hội cây cảnh, hội phụ nữ, v.v. 

Ở một mức độ nhất định, cũng có lúc các hội này tỏ ra đấu tranh cho lợi ích cho các hội viên của mình. Ví dụ như khi ông Hữu Thỉnh – chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học – nghệ thuật Việt Nam –  có lần đã mừng rỡ tuyên bố cho các hội viên rằng “nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”.

Đây là một ví dụ về việc một nhóm lợi ích đã đòi hỏi được tiếp tục chia một phần tiền thuế để nuôi các hội viên của mình. Song điều này hoàn toàn trái ngược với logic hoạt động của một nhóm lợi ích đã bàn ở chế độ dân chủ – vốn phải hoạt động bằng tiền lệ phí hoặc bằng các phương pháp tự gây quỹ khác. 

Về bản chất, hoạt động của Liên hiệp các hội văn học – nghệ thuật hay tất cả các hội nhóm kể trên đều được thành lập từ trên xuống, do nhà nước chỉ định, không phải do người dân tự tập hợp lại và thiết lập ra theo cơ chế tự  nguyện. Nói chung, các hội nhóm tương tự như trên đều là các nhóm lợi ích về mặt danh nghĩa. Chỉ có điều không phải là nhóm lợi ích của người dân, không phải do người dân tự vận hành. 

Nói cách khác, các chế độ độc tài không thích các cây đũa tập hợp thành một bó đũa vững chắc để cùng nhau đòi hỏi quyền lợi. 

Nhóm lợi ích phi chính thức 

Dù không được phép tổ chức một cách bài bản, các nhóm dân có cùng mối quan tâm vẫn có thể tập hợp lại một cách phi chính thức để tương trợ cùng nhau. Ví dụ, các nhóm dân oan mất đất Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm, Thủ Thiêm tập hợp cùng nhau để biểu tình đòi được xử lý vấn đề đất đai một cách công bằng.

Hay nhóm người dân thuộc một vùng địa lý nhất định, cố kết cùng nhau để kháng cự lại những điều họ cho là bất công, như nhóm người dân ở vườn rau Lộc Hưng.

Cách tổ chức không chính thức để bảo vệ một lợi ích nhất định này khá phổ biến trên toàn thế giới. Ở Pháp, nông dân thường có các cuộc biểu tình, ngăn chặn các tuyến giao thông chính để đòi hỏi chính phủ thay đổi chính sách có lợi hơn cho nông dân, bao gồm giảm nhập khẩu nông sản rẻ hơn từ nước ngoài.

Tuy nhiên, điều khác biệt lớn nhất là trong khi nhóm lợi ích phi chính thức như ở Pháp nói trên có thể gây áp lực, buộc chính quyền phải đàm phán và hứa hẹn thay đổi chính sách, thì các nhóm lợi ích phi chính thức ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều hình thức đàn áp. 

Một lần nữa, nhóm lợi ích phi chính thức ở Việt Nam cũng chỉ là sự tồn tại non nớt, mới manh nha đã bị giải tán, của một số người dân cùng đồng cam cộng khổ. 

Nhóm lợi ích tài phiệt 

Nếu không được đăng ký chính thức, không được công khai hoạt động, vậy làm thế nào các nhóm có cùng đòi hỏi lợi ích kinh tế hay các chương trình xã hội có thể vận động cho các chính sách có lợi cho mình? 

Câu trả lời là không làm thế nào được cả.

Đại đa số người dân trong các chế độ độc tài không có quyền tự tổ chức để đòi hỏi quyền lợi. Họ phải trông chờ vào những tổ chức tự xưng là đại diện cho nhân dân ban phát lợi ích cho mình. Ngoại trừ một số khác. 

Một số ít, nhấn mạnh là rất ít, nhóm cá nhân có cơ hội tiếp cận với những người ra quyết định sẽ có cơ hội vận động cho lợi ích của mình. 

Chẳng hạn, đối với một dự án giải tỏa đất để xây dựng các khu đô thị mới, sẽ có rất nhiều bên có lợi ích trái ngược nhau. Người dân có đất muốn giá đất cao nhất. Nhà đầu tư muốn giá đất thấp nhất. Nhóm hoạt động môi trường muốn ít can thiệp vào quang cảnh thiên nhiên và quy chuẩn môi trường cao nhất. Nhà thầu xây dựng muốn ít luật lệ về môi trường nhất. 

Trong tất cả các nhóm này, mặc dù người dân và các nhóm hoạt động môi trường có ít điều kiện tài chính hơn cả, nhưng họ có tiềm năng về số lượng và sự ủng hộ của các cộng đồng và kênh truyền thông khác. 

Trong một cơ chế mở, họ có thể được nhân lên sức mạnh nếu được mạnh mẽ lên tiếng. Trong một cơ chế đóng, họ bị bịt miệng hoàn toàn. 

Còn các nhóm nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, tuy số lượng ít, nhưng hiển nhiên có điều kiện tài chính vượt trội để có thể mặc cả với chính quyền. 

Nói cách khác, chế độ độc tài không chính thức công nhận nhóm lợi ích, không mở cửa cho phép người dân tự tổ chức đấu tranh cho lợi ích của mình. Ở Việt Nam không có ai được đăng ký là nhà vận động chính sách (lobbyist). Việc tiếp cận với chính quyền trở thành đặc quyền đặc lợi của một vài nhóm đặc biệt có quan hệ thân mật với người làm trong chính quyền. Những công ty lớn có thể hứa hẹn nhiều lợi ích đổi chác khổng lồ để quan chức chính quyền có thể sửa quy hoạch, thay tiêu chuẩn, viết lại chính sách. 

Như vậy, cuộc chơi về vận động chính sách trong một cơ chế phi dân chủ có phần giống với cơ chế dân chủ: các nhóm tài phiệt lớn mặc sức dùng các phương tiện tài chính và quan hệ cá nhân để vận động cho lợi ích của mình. Điểm khác biệt là còn các nhóm nhỏ thường dân thì bị cấm từ khâu tập hợp. 

Thực chất, việc cấm mọi nhóm lợi ích hoạt động là triệt tiêu các con đường bảo vệ lợi ích của đông đảo người dân, và chỉ dung dưỡng cho một số nhóm nhỏ chóp bu.

L.V.H.

Nguồn: luatkhoa.com

* Tên bài chung do BVN đặt

 

 

This entry was posted in Lê Việt Hoa, Luatkhoa, Nhóm lợi ích. Bookmark the permalink.