Timothy Taylor
A Nobel for Acemoglu, Johnson, and Robinson: Institutions and Prosperity, Coversable Economist, tháng 10 năm 2024
Nguyễn Việt Anh dịch
Giải thưởng [của ngân hàng] Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2024 đã được trao cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson “vì những nghiên cứu về cách các thể chế hình thành và tác động lên sự thịnh vượng”. Hàng năm, Ủy ban Nobel đều cung cấp những thông tin hữu ích khi xuất bản cả bài viết tổng quan “Thông tin thường thức” về giải thưởng và bài tiểu luận “Nền móng khoa học” đào sâu hơn. Bài viết tổng quan thông tin thường thức bắt đầu bằng [những thông tin thuộc] loại thực kiện |fact| cơ bản về thế giới mà chúng ta đang sống trong đó, đòi hỏi chúng ta cần chú ý.
20% nước giàu nhất thế giới hiện giàu hơn 20% nước nghèo nhất khoảng 30 lần. Hơn nữa, khoảng cách thu nhập giữa các nước giàu nhất và nghèo nhất vẫn dai dẳng; mặc dù các nước nghèo nhất đã trở nên giàu hơn, song vẫn chưa bắt kịp được với các nước thịnh vượng nhất.
Chúng ta hãy dừng lại một chút để suy ngẫm về sự khác biệt gấp 30 lần đó.
Khi thảo luận về những khác biệt về thu nhập trung bình giữa, chẳng hạn, Hoa Kỳ với Pháp hoặc Thụy Điển hoặc Nhật Bản hoặc các nước có thu nhập cao khác, người ta có thể đưa ra lý do tại sao những khác biệt về mức thu nhập có thể không phản ánh những khác biệt thực tế về tiêu chuẩn sống cơ bản của người trung bình |average person|. Nhưng khi sự khác biệt là gấp 30 lần, điều đó có nghĩa là những vùng đất có thu nhập thấp hơn có ít sức khỏe hơn, ít giáo dục hơn, ít không gian sống hơn, ít giải trí hơn và ít tiếp cận hơn đáng kể với bữa tiệc sản phẩm và dịch vụ có sẵn ở các nước có thu nhập cao. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều người dân ở các nước có thu nhập thấp sẽ không thích chương trình nghị sự “giảm tăng trưởng”: thay vào đó, họ muốn có – hoặc ở đất nước của họ hoặc bằng cách di cư – mức sống cao hơn 30 lần so với hiện tại.
Những nhân tố nào có thể giải thích cho những khác biệt cực kỳ lớn này?
Bạn có thể chỉ ra những nhân tố địa lý như đất đai canh tác, những cảng tự nhiên, sông ngòi có thể đi lại, các tài nguyên thiên nhiên và khí hậu ôn hòa. Nhưng khi liệt kê những lý do khả dĩ, bạn thấy mình đang chỉ ra những cách mà một số nước có thể xây dựng nền kinh tế dựa trên sự đổi mới và công nghệ, mà đến lượt nó lại dựa trên nền giáo dục phổ cập, cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính vững chắc và pháp quyền. Nói gọn, bạn thấy bản thân mình đang nói về “các thể chế”.
Một số tác động sống động nhất của các thể chế có thể nhìn thấy qua những hình ảnh từ vệ tinh, như hình ảnh bán đảo Triều Tiên vào ban đêm, với ánh đèn chiếu từ Nam Triều Tiên, và Bắc Triều Tiên gần như tối đen, hoặc hình ảnh ban ngày về biên giới giữa Haiti với Cộng hòa Dominica, nơi phía biên giới Haiti bị người dân nghèo tuyệt vọng tìm củi đốt và chặt phá rừng, còn phía Dominica, rừng vẫn xanh tươi.
Nhưng “các thể chế” là một thuật ngữ quá rộng đến nỗi không rõ ngay lập tức nó bao gồm những gì hoặc bỏ qua những gì, do đó không rõ cách đo lường nó. Cũng không rõ các thể chế thúc đẩy tăng trưởng được hình thành như thế nào và liệu các thể chế này có đi trước tăng trưởng kinh tế hay cùng tiến hóa với tăng trưởng hay là kết quả của tăng trưởng. Không rõ liệu các thể chế đi kèm với sự thành công kinh tế ở một nơi có thể được chuyển đến các vùng đất khác hay không.
Những câu hỏi này khó giải quyết đến mức lập luận phải dựa trên chứng cứ định lượng, chứ không chỉ là cách kể chuyện. Các kinh tế gia đã cố gắng trong một khoảng thời gian dài: thực sự thì Giải Nobel kinh tế năm 1993 đã được trao cho Robert W. Fogel và Douglass C. North “vì đã đổi mới nghiên cứu về lịch sử kinh tế bằng cách áp dụng lý thuyết kinh tế và phương pháp định lượng để giải thích sự thay đổi kinh tế và thể chế”.
Vậy thì phân tích của Acemoglu, Johnson và Robinson có gì mới?
Ủy ban Nobel viết: “Nhìn chung, những đóng góp của họ có hai mặt. Thứ nhất, Acemoglu, Johnson và Robinson đã đạt được sự tiến bộ đáng kể trong nhiệm vụ phức tạp về mặt phương pháp luận và khó khăn về mặt thực nghiệm là đánh giá định lượng tầm quan trọng của các thể chế đối với sự thịnh vượng. Thứ hai, công trình lý thuyết của họ cũng đã thúc đẩy đáng kể việc nghiên cứu lý do và thời điểm các thể chế chính trị thay đổi. Vì thế, những đóng góp của họ bao gồm những câu trả lời có ý nghĩa cũng như các phương pháp phân tích mới lạ”.
Dưới đây là cái nhìn thoáng qua về hai loại đóng góp này. Về “đánh giá tầm quan trọng định lượng của các thể chế đối với sự thịnh vượng”, một số tác phẩm nổi tiếng nhất của họ dựa trên kinh nghiệm lịch sử của chủ nghĩa thực dân. Acemoglu, Johnson và Robinson lập luận theo nghĩa rộng rằng có 2 loại thể chế thuộc địa: loại khuyến khích các quyền tư hữu và loại “tước đoạt”. Họ lập luận thêm rằng các cường quốc thực dân sẽ chọn bất kỳ cách tiếp cận nào mang lại sự giàu có lớn nhất cho họ.
Hãy xem xét hai nhân tố. Nhân tố thứ nhất là liệu dân số của khu vực bị thực dân hóa có đông đúc hay ít đông đúc hơn hay không. Nếu dân số đông đúc, thì thế lực thực dân có nhiều khả năng sử dụng các thể chế “tước đoạt” để lấy từ người dân; nếu ít đông đúc hơn, thì những kẻ thực dân có nhiều khả năng gửi người dân từ đất nước của họ đến sống ở đất nước bị thực dân hóa, và những người định cư đó sẽ yêu cầu các quyền tư hữu và những thể chế dung hợp hơn trước khi họ sẵn lòng đi. Nhân tố thứ hai là môi trường dễ mắc bệnh của đất nước bị thực dân hóa. Nếu đất nước dễ mắc các bệnh như sốt rét, thì đất nước thực dân sẽ ít muốn gửi người định cư hơn và có nhiều khả năng chọn những thể chế “tước đoạt” hơn; nếu đất nước khó mắc các bệnh, thì đất nước thực dân sẽ có nhiều khả năng gửi người định cư hơn, bên cạnh đó chính những người định cư ấy sẽ yêu cầu các thể chế dung hợp hơn trước khi họ sẵn lòng đi đến.
Nghiên cứu kinh tế nổi bật nhất có thể đưa ra những dự đoán bất ngờ. Công trình này cho thấy rằng những khu vực vốn đã khá thịnh vượng và đông dân trước khi bị thực dân hóa có nhiều khả năng sẽ kết thúc với các thể chế “tước đoạt”, trong khi những khu vực ít thành công hơn trước đó và mật độ dân số thấp hơn sẽ kết thúc với các thể chế dung hợp hơn. Vì thế, trong một khoảng thời gian kéo dài như một thế kỷ trở lên – nếu các thể chế của chủ nghĩa thực dân quan trọng – người ta sẽ thấy một “sự đảo ngược vận may”: nghĩa là, những vùng đất thành công hơn về kinh tế vào thời điểm bị thực dân hóa sau đó sẽ bị những vùng đất kém thành công hơn về kinh tế vượt qua.
Bản phác thảo rất ngắn này gợi ý những thách thức của chương trình nghiên cứu này. Bạn cần thu thập dữ liệu về mật độ dân số và mức tử vong do bệnh tật của thế kỷ 19. Bạn cần thu thập dữ liệu về nhiều loại “thể chế” và phân loại chúng thành thể chế tước đoạt hoặc thể chế dung hợp. Bạn cần rút ra các kết nối. Nhiệm vụ tiếp theo cũng tìm kiếm những vấn đề mang tính lịch sử ngoài quá trình thuộc địa hóa mà cách tiếp cận chung này có thể được áp dụng.
Nếu nhìn vào khoảng thời gian sau khi bị thực dân hóa, một câu hỏi hiển nhiên là các thể chế có thể được lựa chọn và thay đổi như thế nào. Giả sử có một chính phủ cầm quyền sử dụng các thể chế tước đoạt để tích lũy của cải cho những người trong nội bộ bằng cách bóc lột các dân thường. Yếu tố gì có thể khiến điều này thay đổi? Acemoglu, Robinson và Johnson lập luận rằng cốt lõi của khó khăn ở đây là “vấn đề cam kết” – tức là các nhà lãnh đạo chính trị có thể khó giữ lời hứa của mình. Ủy ban Nobel viết:
Một lời hứa của giới tinh hoa hoặc một nhà độc tài về việc thực hiện những cải cách cải thiện phúc lợi ngày hôm nay mà sẽ mang lại lợi ích cho dân chúng vào ngày mai thường không đáng tin vì giới tinh hoa có động cơ để nuốt lời hứa sau này và hành động vì lợi ích ngắn hạn của họ. Tương tự như vậy, những lời hứa của những người ủng hộ cải cách chính trị, những người sẵn lòng đền bù cho giới tinh hoa hiện tại vì đã đồng ý một cách hòa bình, là không đáng tin vì những khuyến khích để đền bù cho giới tinh hoa trước đây khi họ không còn nắm quyền cũng không đáng tin. Xung đột xã hội kết hợp với vấn đề về độ tin cậy thậm chí có thể khiến giới tinh hoa đóng băng sự đổi mới và thay đổi công nghệ, nếu những thay đổi như vậy được coi là đe dọa tới quyền lực của họ.
Cách tiếp cận này đã trở thành một cơ sở cho nghiên cứu trong tương lai, một phần vì nó tạo ra một khung khổ chung cho những giải thích chính trước đó về cách mà sự hiện đại hóa diễn ra. Ngoài ra, ủy ban Nobel còn giải thích:
Thật bổ ích khi đặt sự đóng góp của Acemoglu và Robinson vào đúng bối cảnh và liên hệ nó với những tài liệu đã có từ cuối những năm 1990. …Hãy nhớ rằng câu trả lời tiêu chuẩn cho lý do tại sao giới tinh hoa từ bỏ quyền kiểm soát các thể chế kinh tế và chính trị đã được thể hiện trong lý thuyết hiện đại hóa và những giải thích liên quan (Lipset, 1959, 1960). Theo các lý thuyết này, quá trình phát triển kinh tế xã hội cuối cùng sẽ mang lại sự dân chủ hóa, về cơ bản là một phụ phẩm của sự tiến bộ kinh tế. Khi xã hội trở nên giàu có hơn, sự giàu có này mang lại nền giáo dục ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đông đảo hơn và xung đột dần dần nhẹ nhàng hơn về bất bình đẳng thu nhập, tất cả các nhân tố này đều tạo điều kiện cho quá trình dân chủ hóa. Một cách tiếp cận thứ hai, thách thức các lý thuyết về hiện đại hóa (và các lý thuyết khác về cấu trúc), lập luận rằng sự dân chủ hóa thay vào đó là phụ phẩm của các khuôn mẫu tương tác chiến lược giữa các giới tinh hoa chính trị. Theo cách tiếp cận này, những kỹ năng cá nhân, may mắn hoặc sai lầm chiến lược là những phần không thể thiếu trong quá trình dân chủ hóa. … Trong khi góc nhìn thứ hai cho rằng nền dân chủ thường được ban cho hoặc phá hoại từ trên xuống, thì ngược lại, cách tiếp cận thứ ba để giải thích về sự dân chủ hóa lại chỉ ra tầm quan trọng của các lực lượng xã hội trong xã hội, quan trọng nhất là các tác nhân giai cấp khác nhau (Moore, 1966). Sự quả quyết chính trong truyền thống này là nền dân chủ được áp đặt từ dưới lên bởi người dân thông qua việc huy động dân chúng (Rueschemeyer và cộng sự, 1992). Theo góc nhìn này, giới tinh hoa độc tài đương nhiệm sẽ không quan tâm đến việc ban hành các cải cách hoặc mặc cả với phe đối lập dân chủ nếu họ không sợ quần chúng nhân dân hoặc mối đe dọa sắp xảy ra của cuộc cách mạng.
Acemoglu và Robinson đã tích hợp 3 truyền thống này bằng cách cung cấp các điều kiện cấu trúc (như các cuộc khủng hoảng kinh tế), liên hệ chúng với các sở thích |preferences| dành cho các thể chế và lực lượng xã hội (như mối đe dọa của cuộc cách mạng), và bằng cách cung cấp những điều kiện mà giới tinh hoa chiến lược chọn để cải cách (như mở rộng quyền bầu cử). Đây là một trong những lý do tại sao cách tiếp cận của họ trở nên có sức ảnh hưởng đến vậy.
Cuối cùng, họ lập luận theo cách tiếp cận “cửa sổ cơ hội” |window of opportunity| đối với sự tiến hóa hướng tới nền dân chủ và các thể chế dung hợp hơn. Thường thì các vấn đề cam kết được mô tả ở trên sẽ đóng băng cải cách. Nhưng một số loại căng thẳng kinh tế và chính trị nhất định có thể phá vỡ các lực đóng băng cải cách, ít nhất là trong một khoảng thời gian, và ít nhất là mở ra một cửa sổ để cải cách.
Một lần nữa, một giá trị của lý thuyết là nó có thể giải thích được những khuôn mẫu về thực kiện mà nếu không thì có thể không rõ ràng. Ví dụ, các công trình sau này lập luận rằng các nước bước vào quá trình dân chủ hóa thường trải qua sự sụt giảm GDP trước đó. Khuôn mẫu này cho thấy rằng không phải tăng trưởng kinh tế dẫn đến sự dân chủ hóa, mà thay vào đó chính là những căng thẳng kinh tế phá vỡ các liên minh hiện có.
Những giải Nobel kinh tế thường được trao không phải vì những người nhận giải đưa ra câu trả lời cuối cùng, mà vì họ khởi động nhiều nghiên cứu trong tương lai. Theo tiêu chuẩn đó, công trình của Acemoglu, Robinson và Johnson chắc chắn đủ điều kiện để nhận giải.
T.T.
—
Timothy Taylor là Quản lý biên tập của Journal of Economic Perspectives [Tạp chí Các Quan điểm Kinh tế], đặt trụ sở tại trường đại học Macalester ở St. Paul, bang Minnesota, có thể đọc trực tuyến miễn phí với sự hỗ trợ của Hội Kinh tế Mỹ.
Tác giả của cuốn Nhà kinh tế tức thời: Mọi điều bạn cần biết về cách nền kinh tế vận hành |The Instant Economist: Everything You Need to Know About How the Economy Works|, Penguin Books xuất bản vào tháng 1/2012. Có ở trang Amazon và ở trang Barnes and Noble.
Tác giả của cuốn Những nguyên lý của Kinh tế học: Kinh tế học và Nền kinh tế | Principles of Economics: Economics and the Economy|, một cuốn sách giáo khoa đại cương ở bậc đại học có ở SGK Media, Inc. Ấn bản lần 5 được xuất bản vào năm 2020.
Giảng viên cho một vài khóa học của The Teaching Company bao gồm Kinh tế học không kỳ vọng |Unexpected Economics|, Kinh tế học: Một dẫn nhập |Economics: An Introduction|, Nước Mỹ và nền kinh tế toàn cầu mới |America and the New Global Economy|.
Nguồn bản dịch: phantichkinhte123.com