Phải yêu nước mình lắm…

Lưu Trọng Văn


Có thể là hình ảnh về 3 người và bàn cờ

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và PGSTS Hoàng Dũng đến thăm nhà trí thức yêu nước Nguyễn Đình Đầu. Ảnh FB Hoàng Dũng

Nguyễn Huệ Chi

Tôi từng có may mắn cùng với Cụ là thành viên trong Hội thảo kỷ niệm 90 năm Trường Viễn Đông bác cổ năm 1991; trong hội thảo này cụ lần đầu đưa những tấm bản đồ cổ cụ thu thập và lưu giữ nhiều năm trong đó có ghi Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam ra trình diện trước một hội thảo quốc tế. Cụ cũng đã phát biểu hưởng ứng lời phản biện của tôi với học giả TQ ở Hồ Nam, khi ông ta phản bác tôi rằng văn thơ chữ Hán của người Việt trong các thời tự chủ vẫn nên được nhìn nhận là thuộc nền văn học TQ ngoại vi, trong khi tôi dứt khoát phủ nhận điều đó và coi việc VĐBC chưa chú trọng đến cả thơ và văn xuôi chữ Hán như những loại hình nghệ thuật ngôn từ của nền văn học cổ đại và Trung đại Việt Nam là một thiếu sót. Tổng kết cuộc hội thảo này, GS Vandermetch đã phải ghi nhận luận điểm của chúng tôi. Xin thành kính phân ưu cùng gia quyến và cầu mong hương hồn nhà trí thức nặng lòng dân tộc Nguyễn Đình Đầu an lạc.

Lần đầu gã đến nhà cụ để hỏi cụ về các bản đồ chứng minh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Cụ lấy từng tấm bản đồ cổ cũng như hiện đại của Trung Quốc đều không có Hoàng Sa, Trường Sa trong khi các bản đồ thời nhà Nguyễn và sau này của Việt Nam đều ghi Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Cụ nói điều này làm gã giật mình: tôi biết trước sau gì Trung Quốc cũng dòm ngó Hoàng Sa, Trường Sa để chiếm Biển Đông, nên từ lâu tôi đã tìm kiếm và lưu giữ những tấm bản đồ này.

Gã nói với cụ: Phải yêu nước mình lắm mới thành nhà sử học. Cụ rơm rớm nước mắt rồi đưa những ngón tay xương xẩu bấu vai gã.

Vậy thôi.

Một lần nữa gã tới thăm cụ. Cụ đứng bên ô cửa sổ nhìn ra hàng cây dầu cổ trên con đường Huyền Trân Công Chúa. Cụ bảo, tôi rất sợ khi trời tối trùm lên hàng cây kia bị những ánh đèn xe chiếu, hiện lên bóng các cháu gái đứng đường chờ khách. Tại sao các cháu gái lại chọn con đường mang tên Huyền Trân Công Chúa này để chờ khách nhỉ? Hay, các cháu từ nhỏ không được học sử để biết Huyền Trân Công Chúa là ai?

Bẵng đi thời gian, một vài cuốn sách sử của cụ bị ngưng phát hành vì ai đó không muốn sự thật trong đó phơi bày. Gặp cụ, cụ không buồn. Cụ bảo, muôn đời lịch sử vẫn sẽ là lịch sử.

Rồi cụ trăm tuổi.

Rồi trong một buổi gặp gỡ các nhà sử học do Dương Trung Quốc tổ chức. Gã đến sớm nhất. Đang ngồi thì giật mình có những ngón tay gầy guộc gõ vai mình. Cụ! Cụ ngồi xe lăn nhưng ánh mắt vẫn tinh anh lắm. Rồi cụ nắm tay gã hồi lâu như để dò coi sức khoẻ gã thế nào. Cụ vui khi thấy sức khoẻ người cụ quen biết vẫn tốt. Đột nhiên cụ hỏi, bố cậu thời trẻ có thích nghe hát cô đầu không? Gã đáp, dạ, ông già cháu vẫn hay cùng Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương đi nghe hát cô đầu ở Khâm Thiên ạ. Cụ cười rồi kể, bố tôi ở phố Hàng Giày, Hà Nội thường xuyên đi nghe hát cô đầu. Bố tôi mê hát cô đầu hay mê một cô hát cô đầu không biết nữa nên đặt tên tôi là “Đầu”.

Thôi, tạm biệt nhé chú Nguyễn Đình Đầu ơi! Cháu xin được nhắc lại câu này “Phải yêu nước mình lắm mới thành nhà sử học” để đưa tiễn chú.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lưu Trọng Văn, Nguyễn Đình Đầu, Trí thức độc lập. Bookmark the permalink.