Kinh tế nhìn từ bản quyền truyền hình

Phạm Thái Lâm 

Phản bác lại những lời ca ngợi về các thành tựu kinh tế tưởng tượng trong nhiệm kỳ của ai đó, mình muốn nhìn kinh tế thực chất hơn từ bản quyền truyền hình các sự kiện lớn.

Vậy là Olympic Paris đã khởi tranh được vài ngày và không một đài truyền hình [VN] nào có bản quyền. Nó khác hoàn toàn với kỳ đại hội trước, vốn rất hứng khởi và nhiều màu sắc từ nhà đài.

Lý do là không đài nào còn tiền để mua bản quyền. Và cũng không ông lớn nào như Viettel, Vingroup tài trợ nữa.

Vì bản thân họ cũng đ*o còn tiền.

Điều tương tự xảy ra với sự kiện Wimbledon và Champions League.

Dân thì tất nhiên chửi toáng lên. Chẳng ai cần hiểu cho khó khăn của họ cả.

Từ vài năm nay (nó trùng với phong trào “wood and fire” của ai đó), doanh thu quảng cáo của các đài truyền hình và báo chí giảm thê thảm.

Hai tờ báo có lượng truy cập lớn nhất là VnExpress và 24h doanh thu quảng cáo giảm lần lượt 50% và 70% trong năm nay. Đến mức, 24h phải cắt giảm nhân sự hơn một nửa. Các đài truyền hình cũng thế. Có đài nợ lương nhân viên từ đầu năm tới giờ. Ai không chịu được thì tự động nghỉ. Ai gắng gượng thì mặt xanh nanh vàng.

Doanh thu quảng cáo chính là hàn thử biểu chính xác nhất về tình hình kinh tế, bất chấp các số liệu vẽ vời từ báo cáo của các bộ “mậu dịch”. Các nhãn hàng lớn thực chất đã cắt giảm chi phí quảng cáo tới 80% và mặc xác cho… Shopee muốn làm gì thì làm.

Điều này giải thích vào bất kỳ trang tin nào, bạn cũng thấy quảng cáo của Shopee đè vào mặt. Từ cái icon giảm giá xinh xinh nhảy múa, cho tới các banner tràn màn hình.

Shopee chính là nhà chi quảng cáo lớn nhất lúc này, nhưng cũng chỉ loanh quanh trên dưới 150 t/năm. Và đây chính là oxy của cả làng báo Việt Nam. Còn quảng cáo trên truyền hình đang dần về con số không, đặc biệt là ngoài Bắc.

Hai đài tạm sống ổn là HTV và Truyền hình Vĩnh Long trong Nam. (Nhưng HTV cũng đang vật lộn để tồn tại và đã phải bán nhiều khu vực trong thành phố cho các đối tác khác. Phú Mỹ Hưng từng là con gà đẻ trứng vàng cho HTV, giờ cũng đã bán cho SCTV).

Nói chung, doanh thu quảng cáo online và truyền hình sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Và nếu đến lượt Shopee cắt giảm quảng cáo nữa thì không biết sự thể sẽ thế nào.

Dân ta cảm tính và mắc chứng Myside Bias (thiên kiến phe ta) nặng. Nên chỉ tin vào sự tô vẽ hay các báo cáo mậu dịch để được phê pha trước công lao trời bể của “Người”. Chứ thực tình nền kinh tế thực sự thê thảm.

Và nếu nhìn tiếp vào doanh thu du lịch, nhà hàng-khách sạn, bất động sản (mình gọi là tứ trụ “hơi thở” kinh tế: Doanh thu quảng cáo, du lịch, nhà hàng và bất động sản) nữa thì sẽ thấy tuyệt vọng.

Vậy nên, khi cơn sụt sùi phong kiến kia đi qua thì hãy tỉnh ngộ lại một chút. Phải từ bỏ sùng bái ngẫu tượng và hình thành nhận thức công dân mới khá lên được. 

Và cũng cảm thông cho nhà đài và báo chí trước khó khăn của họ.

28.07.2024

P.T.L.

Nguồn: Thuỵ My RFI

This entry was posted in Kinh tế Việt Nam, Phạm Thái Lâm, Thuỵ My RFI. Bookmark the permalink.