Dân Trần
(VNTB) – Con đường rộng 37 m, dài 7 cây số nhưng giá tới 7.238 tỷ đồng.
UBND tỉnh Cần Thơ vừa có quyết định phê duyệt dự án nâng cấp quốc lộ 91 theo kiểu đường đô thị, có tốc độ thiết kế 60 km/h. Con đường rộng 37 mét, tổng chiều dài khoảng 7.040 mét, bao gồm cầu Bình Thủy có chiều dài khoảng 145 m, rộng 28 m. Dự án này có tổng mức đầu tư xây dựng gần 7.238 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Tức là kinh phí xây dựng mỗi cây số đường này là hơn 1 ngàn tỷ đồng. Đây là con số ban đầu, chưa biết là sẽ có phát sinh thêm các chi phí khác trong quá trình thi công như nhiều con đường đã được làm ở trên cả nước trước đây hay không.
Với số kinh phí tới hơn 1.000 tỷ cho mỗi cây số này thì đây sẽ là một trong những con đường đắt đỏ nhất Việt Nam và thậm chí là đắt nhất thế giới. Trước đây đã có một vài con đường ở TP.HCM và Hà Nội có giá hơn 1.000 tỷ/km và được mệnh danh là “đường dát vàng”, “đường đắt nhất hành tinh”.
Công ty Đại Quang Minh trước đây từng công bố 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TP.HCM) có tổng chiều dài khoảng 11,9 km có mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng. Hoặc đoạn đường Hoàng Cầu – Voi Phục (Hà Nội) có chiều dài 2,274 km nhưng tổng vốn đầu tư dự án này lên tới 7.780 tỷ đồng, tương đương 3.420 tỷ đồng/km.
Nên nhớ rằng kinh phí xây dựng đường cao tốc Bắc Nam dài 654 km (6 làn xe) là khoảng 118.000 tỷ đồng (tính cả chi phí giải phóng mặt bằng), thì chia ra chỉ là khoảng 180 tỷ đồng/km. Hay cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay là Hà Nội – Hải Phòng (thiết kế tốc độ đạt 120 km/h) thì cũng chỉ có mức đầu tư là 45.500 tỷ đồng cho 105 km, hay mỗi cây số là khoảng 450 tỷ đồng. Kinh phí như vậy vẫn còn chưa bằng phân nửa con đường ở Cần Thơ.
Chẳng biết giá tiền giải phóng mặt bằng ở Cần Thơ cao cỡ nào trong thời buổi bất động sản đóng băng hiện nay. Nhưng cho dù là cao thì người dân sẽ nhận được bao nhiêu tiền đền bù trong số tiền ngân sách chi ra? Vì trên thực tế thì theo Luật Đất đai hiện hành, người dân không có quyền tư hữu đất đai thì giá tiền đền bù, “thu hồi” đất sẽ vẫn là rẻ mạt.
Một trong những chiêu trò thường thấy của các quan chức tại địa phương khi xây dựng đường xá đó là “vận động người dân hiến đất”. Khi có quyết định xây dựng đường, các cán bộ sẽ tới từng nhà khuyên người dân góp đất làm đường để thuận tiện giao thông và trao bằng khen cho những người hiến đất cho nhà nước. Sau khi vận động được một số thì những người không chấp nhận hiến đất sẽ được đền bù với mức giá “hỗ trợ”. Nói là nhà nước hỗ trợ nhưng thực ra số tiền này rất thấp so với giá thị trường nhưng cũng vừa đủ để các quan chức đạt được “thỏa thuận” với người dân.
Với những nhóm người kiên quyết yêu cầu được đền bù đúng giá thị trường thì nhà cầm quyền sẽ áp dụng chiêu vừa đấm vừa xoa. Tức là một mặt họ tới lui thỏa thuận nhiều lần để từng bước nâng giá đền bù lên một mức thích hợp cho cả hai bên. Một mặt họ hăm dọa, gây khó dễ cho người dân trong các thủ tục hành chính, hoặc đời sống, làm ăn. Ép người dân phải giao đất cho nhà nước nếu không sẽ không thể làm ăn nổi tại địa phương sở tại.
Đây là lý do khiến nhiều người dân buộc phải “tự nguyện hiến đất” cho nhà nước. Chính từ đó mới có hàng chục ngàn vụ người dân bị mất đất, do bồi thường với giá rẻ mạt, rồi phải lặn lội ra tận thủ đô kêu oan hàng chục năm trời cho tới nay vẫn chưa ai giải quyết.
Bởi vậy chuyện con đường giá ngàn tỷ mỗi cây số, người dân vẫn chưa hiểu số tiền đó sẽ đi về đâu?
Tham khảo:
(1) https://vietnamfinance.vn/can-tho-dau-tu-lon-tieu-ton-1000-ty-dong-de-lam-1-km-duong-d113769.html
D.T.