Những câu chuyện ở Singapore

Huy Nguyễn 

Tôi được mời dạy một khóa ngắn hạn về thời tiết và khí hậu tại trường Lasalle College of the Arts. Trước khi nhận lời mời tôi khá ngạc nhiên và tự hỏi tại sao một trường nghệ thuật lại quan tâm đến thời tiết và khí hậu? Tại sao lại là tôi mà không phải là một giáo sư gạo cội nào đó? Và dạy cho ai? Thực tế đó là một chương trình mở, một chuỗi các seminar do trường đăng cai, hội tụ học viên đến từ 20 quốc gia khác nhau ở các lĩnh vực khác nhau. Họ cũng đến từ nhiều ngành khác nhau, từ kinh tế, môi trường, nghệ thuật, và thậm chí cả triết học. Có lẽ họ thích cách nói chuyện về khí hậu bình dân hơn là nghe giảng bài kiểu học thuật. 

Trường nghệ thuật Lasalla.

Đó là một chương trình thú vị khi các chuyên gia ở các lĩnh vực khác quan tâm đến khí hậu và mong muốn làm điều gì đó trong công việc của họ có tương tác với khí hậu và thời tiết. 

Chuỗi bài nói chuyện của tôi về các câu chuyện kể ở những nơi tôi từng đi qua, từng làm nghiên cứu. Không thiên nhiều về học thuật.

Chẳng hạn: có một nghệ sĩ chuyên chụp ảnh và quay phim các đàn chim di cư trong nhiều năm và xây dựng các câu chuyện về chim với các ý niệm về nguồn cội, về môi sinh và cảnh quan. Nhưng rồi những năm nay đàn chim không về. Ông hụt hẫng, kiếm tìm câu trả lời cho việc đó. Ông nói: trái đất nóng lên, mùa lạnh và nóng thay đổi, cảnh quan thay đổi và những đàn chim mất đi ngôi nhà của chúng. Không quan ngại sao được (?).

Rồi một câu chuyện khác khi nhiều người cho rằng Singapore là một quốc gia của máy điều hòa. Thực tế là bất cứ căn phòng hay tòa nhà nào của Singapore cũng phải gắn máy điều hòa dù khi xây dựng họ đã cố gắng tìm cách hài hòa với thiên nhiên nhất. Điều này khó tránh khỏi, bởi Singapore chỉ cách đường xích đạo khoảng 150 km, không khác khí hậu của Việt Nam là mấy. Họ có dân số khoảng 6 triệu người trên một quốc đảo với diện tích 734 km vuông. Họ bắt buộc phải xây nhà cao tầng, cao ốc và như vậy phải dùng điều hòa nhiều. Họ đang lo lắng rằng khí hậu ngày càng nóng lên và họ sẽ khó thích ứng ở ngoài trời khi rời căn phòng tiện nghi của họ. 

Rồi một câu chuyện khác, chuyện về người di cư và nhập cư đến Singapore. Tôi được nghe và học được rất nhiều chuyện thú vị từ những người đã đến Singapore và ở lại. Có những người từ Châu Âu, từ Úc đến nơi đây đã 30 năm và ở lại luôn. Thực tế Singapore là một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, sống hài hòa trên một quốc đảo của giao thương kinh tế toàn cầu. Từ những năm 1900s, Sing đã là nơi giao thương sầm uất nhất Châu Á rồi. 

Điều ngạc nhiên là tại sao một quốc gia non trẻ, không tài nguyên nhưng lại có nền kinh tế lớn mạnh như bây giờ với GDP đầu người khoảng 88.000 USD (?) Tôi đem câu hỏi này tới những người Singapore thì được trả lời ngắn gọn: “Nền quản trị, dịch vụ và làm việc siêng năng nghiêm túc”. Họ tối ưu quản trị và dịch vụ nên họ giàu. Đơn giản chỉ có thế. Tôi thì nghĩ những người nhập cư đến đây vốn dĩ là những người giỏi, những người đã thoát ra khỏi những hoàn cảnh khó khăn của họ, hoặc những người không khó khăn nhưng dám vượt qua “vùng an toàn” của họ để tìm đến một vùng đất mới, để tìm kiếm cơ hội, để thách thức chính họ và thành công. Một điểm nữa tạo nên sự khác biệt đó là sự tập trung trong công việc. Tôi quan sát trong nhiều buổi seminar, rất ít người trong số họ mở điện thoại ra xem. 

(Singapore tuyên bố độc lập từ Anh Quốc vào năm 1963 và hợp nhất với các cựu lãnh thổ khác của Anh để hình thành Liên bang Malaysia, tuy nhiên, Singapore bị trục xuất khỏi Malaysia hai năm sau khi gia nhập. Đây là kết quả của sự khác biệt sâu sắc về chính trị và kinh tế giữa các đảng cầm quyền của hai nước. Kể từ đó, kinh tế Singapore phát triển nhanh chóng, được công nhận là một trong ‘Bốn con Rồng châu Á’ cùng với Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan – Trích từ wiki).

H.N.

Nguồn: FB Huy Nguyen

This entry was posted in Biến đổi khí hậu, Huy Nguyễn, Thể chế và phát triển. Bookmark the permalink.