Nỗi lo sợ “ĐỘI”

(Sợ ông đội, sợ Đội Cải cách) 

Kim Văn Chinh 

.

Và “ông đội” không loại trừ khả năng quay lại VN nếu như nền chính trị nước nhà với các hình thức dân chủ, dù sơ khai nhất, không đủ mạnh để ngăn chặn sự trỗi dậy của ông đội…

.

Người đời ai cũng có nỗi sợ của mình. Sợ là một yếu tố tâm lý gắn liền với bản năng sinh tồn thuộc về bán năng gốc của con người (muốn sống, sợ chết). 

Hồi còn nhỏ, lớn lên trong môi trường văn hóa miền quê, tôi thấy trẻ con ai cũng sợ ma. Từ sợ ma, kéo theo nỗi sợ bóng tối, rồi sợ bâng quơ một địa điểm nào đó gắn liền với trí tưởng tượng trẻ thơ về ma…

Khi lớn lên, như tôi được đi nhiều vùng quê, rồi vào Nam chiến đấu, “được” đi đêm và thấy cảnh đêm ở nhiều địa điểm mà người địa phương cho là có ma và họ rất sợ nhưng mình chẳng thấy gì, chẳng sợ gì… Rồi thấy người chết thật, quân ta, quân nó đủ cả, có khi thấy thây chết còn mới, có khi thây chết thành ma đã lâu trơ thể xác cho thiên nhiên phơi nắng gió… mà chả thấy sợ gì nữa… Chai sạn nỗi sợ rồi chăng? 

Khi về lại quê hương mới thấy không phải rằng tôi đã hết sợ ma. Đi đêm qua mấy chỗ hồi trẻ con đồn thổi có ma mà vẫn lạnh hết sống lưng… Hóa ra ma vẫn còn trong ta gắn với bản năng sợ của mình… 

Nỗi sợ gì kinh hoàng nhất?

Khi tôi nghe những người lớn hơn mình kể lại thì tôi thấy trong TK 20 tôi sống, nỗi sợ “đội” là nỗi sợ kinh hoàng nhất mà nhân dân vùng Đồng bằng và Trung du miền Bắc và Khu 4 phải chịu đựng. Đội ở đây là Đội cải cách – lực lượng quyền lực tuyệt đối khi về các làng các xã thực hiện Cải cách Ruộng đất (CCRĐ). 

Hồi ấy dân có câu: “NHẤT ĐỘI NHÌ TRỜI”.

(Khi CCRĐ xảy ra 1956, tôi mới 3 tuổi nên hầu như không nhớ gì về sự kiện này).

Nhưng qua các lời kể của các bậc lớn tuổi hơn thì thời kỳ cải cách ruộng đất, ông đội cải cách là nỗi kinh hoàng của nhân dân hồi đó… 

Tư liệu cho thấy: 

Đội CCRĐ là hình thức thực hiện các hoạt động CCRĐ với việc thành lập các “đội” theo từng xã về tất cả các xã tiếp quản chính quyền và làm các việc liên quan đến CCRĐ.

Đội trưởng thường là cán bộ khu 5 hoặc khu 4 được tập huấn và đi thực tế ở các bước thí điểm CCRĐ. Các đội viên lấy từ các lực lượng quân đội bán vũ trang không thuộc địa phương. (Xem Tô Hoài với tác phẩm Ba Người Khác vì Tô Hoài cũng được đi tham gia làm đội viên).

Bước đầu, các đội cán bộ cải cách ruộng đất đi vào các làng xã và áp dụng chính sách “3 Cùng” (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với các bần cố nông trong làng xã đó. Chính thức các đội tiếp quản chính quyền. Đội kết nạp các thành phần người địa phương nghèo túng vào và gọi họ là “rễ”, “chuỗi”, “cành” của đội, đưa họ thành lực lượng trang bị súng gác và cho họ học tập riêng, sau đó triển khai chiến dịch từng bước như sau:

• Phân định thành phần: Đội Cải cách Ruộng đất ra mắt làng xã, và tất cả các gia đình trong xã được họ phân loại thành 5 thành phần: (a) địa chủ; (b) phú nông; (c) trung nông cứng (TN lớp trên); (d) trung nông vừa ; (e) trung nông yếu (TN lớp dưới); (f) bần nông; (g) cố nông. Tỷ lệ địa chủ được quy định trước và các đoàn và đội cải cách đều cố truy tìm để đạt tỷ lệ địa chủ như một quy định bắt buộc, gọi là “kích thành phần”. Nhiều nơi máy móc theo chỉ thị là số lượng địa chủ phải đạt 5% dân số… 

• Phân loại địa chủ: Tất cả các gia đình bị xếp vào thành phần địa chủ như nói trên được đội cải cách phân loại thêm một lần nữa thành (a1) Địa chủ gian ác (cường hào); (a2) Địa chủ thường; (a3) Địa chủ có ủng hộ kháng chiến. 

Thành phần địa chủ gian ác bị đội cải cách bắt ngay lập tức và quản thúc (giam giữ).

• Áp dụng thoái tô: Đối với các gia đình có địa chủ bị bắt nói trên, đội cải cách thông báo với họ về các sắc lệnh giảm tô của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bao gồm: sắc lệnh giảm tô xuống còn 25% vào tháng 11 năm 1945, Sắc lệnh số 87/SL năm 1952 và 149/SL năm 1953 giảm tô thêm 25%. (Tại miền Bắc, tô hay địa tô là tiền thuê ruộng mà tá điền phải trả cho địa chủ sau mùa gặt, có thể trả bằng thóc).

Căn cứ theo đó, địa chủ nào chưa giảm tô cho nông dân thì bây giờ phải trả cho những nông dân làm công cho họ khoản nợ đó – gọi là “thoái tô”. Nếu không trả đủ nợ thì tài sản bị tịch thu, phân phát cho nông dân, chủ yếu cho bần nông và cố nông trong làng. Sau bước này, có những gia đình địa chủ phải bán đi rất nhiều tài sản để trả nợ hoặc bị tịch thu toàn bộ tài sản kể cả nhà ở để ra đầu làng ở, vì nếu [trước đó] sống trong vùng kiểm soát của Pháp thì không biết gì về các sắc lệnh của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

• Học tập tố khổ, truy bắt địa chủ: Các bần nông, cố nông, “chuỗi”, “rễ” được đội cải cách cho học lớp tố khổ do họ mở, qua đó học viên được nhận dạng các tội ác của địa chủ, và được khuyến khích nhớ ra tội ác của từng địa chủ đã bóc lột, chèn ép họ như thế nào. Sau khi học qua lớp tố khổ, nhiều du kích và cốt cán cải cách ruộng đất trở nên quá khích, thậm chí họ “vác súng vào thành phố truy bắt địa chủ và con cái địa chủ là cán bộ công nhân viên chức nhà nước”.

• Tố cáo công khai: Các buổi xét xử được tổ chức, thông thường vào ban đêm. Số lượng người tham gia tố cáo từ vài trăm đến cả ngàn người, huy động từ các làng xóm lân cận, và thời gian từ một đến ba đêm tùy theo mức độ tội trạng của địa chủ. Trong buổi đấu tố, các nông dân bước ra tố cáo địa chủ đã bóc lột, áp bức họ như thế nào. Tại các tỉnh có tổ chức cải cách ruộng đất, Đảng Lao động cho ra tờ báo lấy tên là Lá Rừng (ngụ ý tội ác địa chủ nhiều như lá rừng) tường thuật chi tiết các vụ tố cáo. Sau khi bị quần chúng tố cáo, các địa chủ được tạm giam để chờ tòa án nhân dân xét xử.

• Xử án địa chủ: Tại các huyện, một tòa án nhân dân đặc biệt được lập ra và đi về các xã xét xử các địa chủ. Sau khi kết án, nếu bị kết án tử hình, đội tự vệ xã sẽ thi hành án, có thể là trước công chúng. Những người không bị xử bắn thì trả về các làng xã, nhưng gia đình và thân nhân của họ thường bị người dân địa phương ác cảm và phân biệt đối xử.

Tại sao phải sợ ĐỘI?

Đội – bản chất là những cán bộ văn hóa bậc thấp được trao quyền như ông trời con trong hành xử mọi chuyện trong làng, xã… 

Ai không nghe đội thì có thể bị quy kết là phản động ngay.

Ai làm đội phật lòng thì cũng dễ bị đội quy kết ngay.

(Rất nhiều chuyện thương tâm rơi nước mắt về chuyện làm phật lòng ông đội thời kỳ này).

Nhất đội nhì trời.

Sau này, khi sửa sai, người ta giải tán các đội cải cách, sửa nhiều quyết định sai trái của đội. Nhưng nhiều việc như đã giết người (tử hình nhầm) thì không cứu vãn được nữa.

Các ông đội cũng không có ai bị kỷ luật hay đến tội cả.

Người chịu trách nhiệm cao nhất lúc đó là Cụ HCM, cụ có khóc (lau nước mắt trước quốc dân đồng bào và tuyên bố vài cán bộ cao cấp chịu trách nhiệm miễn chức, mất chức như Trường Chinh thôi chức TBT, Nguyễn Đức Tâm thôi chức TB Tổ chức… nhưng trên thực tế các cán bộ này vẫn làm cán bộ cao cấp đến lúc chết.

Chỉ có nhân dân nhiều người oan sai trong CCRĐ chịu mất mát khổ đau…

Và nỗi sợ ông đội trở thành nỗi ám ảnh của mấy thế hệ biết về quyền lực ông đội.

Ông đội có trở lại không?

Nhiều năm tôi đã tưởng ông đội là sản phẩm ấu trĩ của nền chính trị VN và vĩnh viễn nó không quay lại nữa.

Nhưng khi chứng kiến nước Nga sau 1990 tôi mới thấy mình nhầm.

Siloviki của Putin chính là ông đội hiện đại của nước Nga.

Và ông đội không loại trừ khả năng quay lại VN nếu như nền chính trị nước nhà với các hình thức dân chủ dù sơ khai nhất không đủ mạnh để ngăn chặn sự trỗi dậy của ông đội… 

Người Việt bây giờ vẫn còn nhiều người sợ ma quá! Bản năng gốc của người Việt hầu như vẫn còn y nguyên, thậm chí méo mó hơn hồi tôi còn trẻ con (1960) là cơ hội cho ông đội có thể quay lại…

K.V.C.

Nguồn: FB Kim Van Chinh

This entry was posted in Cải cách ruộng đất, Kiểm soát quyền lực. Bookmark the permalink.