Di sản Nguyễn Phú Trọng từ góc nhìn báo chí quốc tế

BBC Tiếng Việt 

22 tháng 7 2024

.

Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam có đường lối ngoại giao khéo léo, có nền kinh tế tăng trưởng tốt, nhưng kém bao dung với tiếng nói bất đồng, nhiều xung đột xã hội, bộ máy quan liêu trì trệ, pháp quyền đi xuống nhường chỗ cho quyền lực cá nhân.

.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại một di sản nhiều mặt. Ảnh: Getty Images

Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời vào ngày 19/7, hàng loạt hãng tin, tờ báo, đài phát thanh, truyền hình quốc tế đã đưa tin, trong đó có nhiều bài viết, bản tin đánh giá sự nghiệp của ông cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Không ít tờ báo chính thống tại Việt Nam đã lược thuật theo cách chọn lọc các đánh giá tích cực từ báo chí quốc tế và bỏ qua các đánh giá tiêu cực.

Trên thực tế, ngoài những đánh giá tích cực một chiều từ các cơ quan báo chí cộng sản như báo Granma và hãng thông tấn Prensa Latina của Cuba, một số báo nhà nước của Trung Quốc, Lào… báo chí từ thế giới tự do có đánh giá rất đa dạng, đa chiều về sự nghiệp của ông Trọng.

Tựu trung, có một số đánh giá nổi bật sau:

  • Kinh tế Việt Nam khởi sắc dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng;
  • Đường lối ngoại giao “cây tre” khéo léo giúp Việt Nam cân bằng quan hệ với các cường quốc trong bối cảnh có nhiều xung đột mới;
  • Chiến dịch chống tham nhũng đưa nhiều quan tham vào lò, nhưng không giải quyết được gốc rễ vấn đề về mặt hệ thống, khiến bộ máy hành chính trì trệ do quan chức sợ không dám ra quyết định;
  • Việt Nam càng giống Trung Quốc, khi mà các thể chế và quy tắc không quan trọng bằng quyền lực cá nhân;
  • Việt Nam ngày càng không khoan nhượng với tiếng nói bất đồng, bắt nhiều nhà hoạt động, trấn áp các tiếng nói phản kháng từ thường dân;
  • Ông Trọng đã thất bại trong công tác nhân sự khi không có người kế nhiệm.

Cây tre linh hoạt

Với chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, Việt Nam tăng cường quan hệ với nhiều quốc gia ở các thái cực khác nhau thông qua đường lối “ngoại giao cây tre”. Ảnh: Getty Images.

Theo báo The Washington Post, trên trường quốc tế, ông Trọng được coi là một người thực hiện khéo léo chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam khi điều hướng tốt mối quan hệ với các đối tác kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ, đồng thời xây dựng quan hệ với các quốc gia như Ấn Độ và Nga.

Về “ngoại giao cây tre”, hãng tin AP viết: “Ông Trọng học ở Liên Xô từ năm 1981 đến 1983 và có nhiều đánh giá cho rằng dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam sẽ xích lại gần Nga và Trung Quốc hơn. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này đã theo đuổi một chính sách thực dụng được gọi là ‘ngoại giao cây tre’, một cụm từ mà ông Trọng đưa ra dựa trên đặc tính linh hoạt của loại cây này, đó là dẻo dai, nghiêng ngả nhưng không gãy trước gió bão địa chính trị”.

Theo Reuters, đường lối “ngoại giao cây tre” mà ông Trọng chủ trương là nhằm “thêm bạn, bớt thù”. Với đường lối này, Việt Nam đã đón Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023 và hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất: Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Danh sách các nước có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam gồm Trung Quốc (2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Úc (2024) minh họa sống động cho đường lối ngoại giao đó.

Ông Trọng là nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo phương Tây. Trong ảnh (từ trái qua, hàng trên trước): với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris (2018), với Thủ tướng Anh David Cameron tại London (2013), với Thái tử Philippe của Bỉ tại Brussels (2013), với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tại Brussels (2013). Ảnh: Getty Images.

Hãng tin Reuters viết rằng, ba tháng sau khi nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ, vào tháng 12/2023, Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ với Trung Quốc (Cộng đồng chia sẻ tương lai), một đối tác kinh tế cộng sản lớn nhưng có nhiều xung đột lãnh thổ với Việt Nam tại Biển Đông.

Với đường lối ngoại giao ấy, Việt Nam đã chào đón Tổng thống Nga Vladimir tới thăm vào tháng 6/2024.

Nhiều tờ báo, trang tin khác cũng có đánh giá tương tự về ông Trọng và Việt Nam khi xét về đường lối đối ngoại, rằng “ngoại giao cây tre” giúp Việt Nam duy trì được quan hệ nhìn chung là tốt với các cường quốc đối lập nhau, dù cho đường lối ấy cũng khiến Việt Nam đôi lúc gặp rắc rối. Trước khi Việt Nam đón ông Putin hồi tháng 6, Mỹ đã lên án mạnh mẽ.

‘Đốt lò’ và tình hình kinh tế

Báo The Washington Post viết: “Trong nước, nỗ lực chống tham nhũng của ông đã cố gắng khơi dậy niềm tin của công chúng vào Đảng Cộng sản và sự quản lý của đảng đối với nền kinh tế Việt Nam, một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, với các lĩnh vực có văn hóa khởi nghiệp đang phát triển”.

Hãng tin AP đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi nạn tham nhũng là mối đe dọa chết chóc duy nhất đối với tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam.

AP viết: “Ông Trọng đã phát động cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp, gọi là ‘Đốt lò’, làm cháy cả doanh nghiệp lẫn các quan chức cấp cao. Từ năm 2016, hàng ngàn cán bộ đảng đã bị kỷ luật. Những người này bao gồm các cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tổng cộng đã có tám ủy viên Bộ Chính trị bị loại bỏ với các cáo buộc liên quan đến tham nhũng, trong khi giai đoạn 1986-2016 không có trường hợp nào”.

Một bài viết hôm 19/7 của Reuters có đoạn: “Dưới thời ông Trọng, Việt Nam tiếp tục phát triển nhờ hưởng lợi từ cuộc cải cách ‘Đổi mới’ năm 1986 – biến đất nước này từ một quốc gia nông nghiệp bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.

Tăng trưởng GDP hằng năm của Việt Nam đạt trung bình 5,8% trong thập kỷ qua và duy trì mức tăng trưởng khá ngay cả trong thời gian Covid-19 tàn phá các nền kinh tế ở nhiều nơi khác trên thế giới.

Hình ảnh mà ông Trọng xây dựng là một người ghét sự dư thừa, sống trong những ngôi nhà khiêm tốn do nhà nước cấp và từ chối những món quà tết đắt tiền từ bạn bè”.

Hãng tin Bloomberg hôm 19/7 viết: “Ông Trọng là người ủng hộ mạnh mẽ việc mở cửa đất nước từng bị cô lập để đón đầu tư nước ngoài. 

Việt Nam chuyển đổi thành một trong những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại nhất trên thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. 

Tính đến cuối năm 2023, giá trị xuất khẩu của Việt Nam gần bằng quy mô nền kinh tế nước này, trong đó cựu thù Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất”.

Theo đánh giá của các chuyên gia trên báo chí quốc tế, ông Trọng tin rằng có thể làm trong sạch Đảng Cộng sản Việt Nam bằng chiến dịch chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo: một mặt khơi gợi ý thức đạo đức, lương tâm đối với cán bộ, mặt khác trừng phạt những kẻ tham nhũng.

Tuy nhiên, với cơ chế đảng trị, không có sự cân bằng và kiểm soát quyền lực, nhà nước pháp quyền không thực sự vận hành với đầy đủ chức năng, các cơ chế trách nhiệm giải trình thiếu minh bạch, cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng bị đánh giá là vô vọng.

AP dẫn lời Giáo sư Zachary Abuza từ Trường National College (Mỹ) nói rằng: chống tham nhũng chỉ là cách ông Trọng củng cố quyền lực và đập tan các phe nhóm khác.

“Đây chỉ là thứ chính trị đấu đá tay bo, khi mà các lãnh đạo cấp cao tìm cách củng cố quyền lực và tài sản”, ông Abuza viết trong bài bình luận trên RFA: “Mô hình lãnh đạo tập thể đã qua rồi”.

Đánh giá với báo giới, nhiều nhà quan sát chính trị và kinh tế Việt Nam cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đã dẫn tới một bộ máy hành chính trì trệ. Các quan chức do quá sợ hãi nên không dám ra quyết định, khiến nhiều thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục liên quan đến đầu tư, bị trì hoãn. Giải ngân đầu tư công cũng đình trệ. Kinh tế Việt Nam lãnh nhiều hệ lụy từ cuộc chiến này.

Siết chặt tự do

Đặt mục tiêu bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam lên đầu, ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ trương không khoan dung đối với các quan điểm bất đồng với lập trường chính thống của Đảng.

Ba nhà hoạt động môi trường (từ trái qua): Bà Hoàng Thị Minh Hồng bị tuyên 3 năm tù với tội danh trốn thuế năm 2023; bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt tháng 9/2023 và bị truy tố với tội danh chiếm đoạt tài liệu; ông Đặng Đình Bách bị tuyên 5 năm tù với tội danh trốn thuế năm 2022.

Báo The Washington Post viết: “Đồng thời, ông Trọng siết chặt sự kìm kẹp của nhà nước đối với các quyền tự do khác. Ông giám sát các chỉ thị cứng rắn của Đảng Cộng sản nhằm vào giới truyền thông, các nhóm xã hội dân sự và các thách thức chính trị nội bộ”.

Ông Joshua Kurlantzick, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), trong bài viết ngày 19/7 nêu đánh giá về di sản của ông Nguyễn Phú Trọng như sau:

“Di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một đất nước Việt Nam không những sở hữu một nền ngoại giao khéo léo, thu hút nguồn vốn đầu tư bằng lực lượng lao động năng động, mà còn có công dân ngày càng hiểu biết hơn về thế giới và ngày càng bức xúc với vấn đề ô nhiễm, tham nhũng, đàn áp tôn giáo và bị thiếu thốn tự do nói chung. Đây có thể là một ngọn lửa âm ỉ ít được để mắt tới”.

Báo The Washington Post nhắc lại rằng bên cạnh những tiến triển trong quan hệ song phương thì nhân quyền vẫn là vấn đề mà Mỹ quan tâm. Tổng thống Joe Biden trả lời báo chí sau chuyến thăm Hà Nội: “Tôi muốn nêu rõ rằng chính quyền của tôi và người dân Mỹ đặc biệt coi trọng về vấn đề nhân quyền. Và chúng tôi sẽ tiếp tục… cuộc đối thoại thẳng thắn của chúng tôi”.

The Washington Post dẫn số liệu ước tính của nhóm hoạt động nhân quyền Dự án 88 (Project 88) rằng dưới thời ông Trọng, Việt Nam bỏ tù gần 200 người vì lý do chính trị, bao gồm các nhà hoạt động công đoàn, nhà báo và nhà hoạt động môi trường.

Báo The Guardian của Anh dẫn lời các chuyên gia cho rằng, do quyền lực và danh tiếng của ông Trọng như vậy, nên bất kể người kế nhiệm nào cũng khó mà đi chệch lộ trình mà ông đã vạch ra, bao gồm kinh tế, ngoại giao và sự bất khoan dung với những tiếng nói chỉ trích chính quyền.

Tờ báo này dẫn thông tin từ tổ chức Quan sát Nhân quyền cho biết hơn 160 người hiện đang bị giam sau khi thực hành các quyền dân sự và chính trị một cách hòa bình. Trong 10 tháng cuối năm 2023, tòa án đã kết án ít nhất 28 nhà hoạt động với các bản án tù nhiều năm.

Báo New York Times hôm 20/7 đăng bài viết, trong đó có nội dung cho rằng ông Trọng đã lãnh đạo một cuộc trấn áp “hà khắc nhất” nhằm vào giới bất đồng chính kiến:

“Dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, không gian cho xã hội dân sự, vốn chưa bao giờ rộng mở cho quốc gia có khoảng 100 triệu dân, ngày càng bị thu hẹp. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Việt Nam có số tù nhân chính trị nhiều thứ hai ở Đông Nam Ávới hơn 160 người đang bị giam giữ chỉ vì thực hiện những quyền căn bản của mình“.

Các đánh giá khác

Báo New York Times ngày 20/7 viết rằng, ông Trọng đại diện cho thành phần theo chủ nghĩa Marx-Lenin trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, bên cạnh những người khác được xem là thực dụng và ôn hòa hơn.

“Ông Trọng qua đời có thể làm gia tăng hy vọng ở phương Tây về khả năng một nhà lãnh đạo ít giáo điều hơn xuất hiện. Ông Trọng là người duy nhất trong Bộ Chính trị trưởng thành trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, một thế hệ được xem lớn tuổi hơn nhiều người khác trong đảng”.

Trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu từ Viện ISEAS-Yusof Ishak Institute (Singapore), cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng “đã củng cố quyền lực số một trong hệ thống chính trị”.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang đánh giá: ông Trọng qua đời sẽ có nguy cơ để lại khoảng trống quyền lực khi kế hoạch chuyển giao quyền lực của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã không thực hiện được.

“Tôi nghĩ điều này sẽ dẫn đến một quãng thời gian rất khó khăn cho Việt Nam để các đồng minh chính trị tiến hành thương lượng xem ai sẽ đảm đương trọng trách của ông Nguyễn Phú Trọng. Câu chuyện này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kế nhiệm khi các thành phần khác nhau [trong đảng] không đạt được sự đồng thuận”.

Hãng tin AP ngày 19/7 trích lời Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang rằng di sản của Nguyễn Phú Trọng được xem là “phức tạp”, một phần do những hậu quả không mong muốn của chiến dịch chống tham nhũng của ông. Theo chiến dịch này đã dẫn đến sự xói mòn các thể chế trong Đảng Cộng sản. Những thể chế này rất quan trọng để duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các phe phái khác nhau trong đảng.

Ông Giang nhận xét rằng sự thay đổi này đã làm cho Việt Nam ngày càng giống Trung Quốc, nơi mà quyền lực cá nhân thường quan trọng hơn so với các thể chế và quy tắc.

Cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng để lại một khoảng trống chính trị lớn ở Việt Nam. Mặc dù ông Tô Lâm được xem là người có khả năng cao nhất sẽ trở thành tổng bí thư, ông Giang dự đoán “một thời kỳ rất bất định” trong chính trị Việt Nam vì các quy tắc và thể chế điều hành đất nước đang “lung lay”.

Báo Le Monde hôm 20/7 viết: Cái chết của người theo chủ nghĩa Lênin, người đã cai trị đất nước bằng bàn tay sắt, khó có thể thay đổi chính sách an ninh và kiểm soát xã hội mà ông đưa ra khi lên nắm quyền lãnh đạo đảng vào ngày 19/1/2011.

Ở Việt Nam, quyền lực tối cao có thể do tổng bí thư đảng nắm giữ, chủ tịch nước bị coi là số ba của đất nước (thủ tướng là số hai). Những thay đổi nhanh chóng ở vị trí này đã dẫn đến một mức độ bất ổn nhất định”.

Tác giả Joshua Kurlantzick viết trên trang Council on Foreign Relations hôm 19/7 rằng:

“Như nhà quan sát lâu năm về Việt Nam là David Hutt đã lưu ý, cách mà ông Nguyễn Phú Trọng củng cố quyền lực khiến Đảng Cộng sản Việt Nam, và do đó cả đất nước, dễ bị lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo tương lai còn độc tài hơn nữa. 

Theo quan điểm của tôi, một nhà lãnh đạo tương lai thậm chí sẽ không bận tâm đến việc giả vờ chia sẻ quyền lực giữa một số quan chức cấp cao. 

Ông Hutt cũng lưu ý, và tôi đồng ý, rằng những thay đổi của ông Nguyễn Phú Trọng khiến quân đội trở thành một lực lượng mạnh mẽ hơn trong nội tại Việt Nam sau nhiều thập kỷ tăng cường kiểm soát dân sự và chuyên nghiệp hóa các lực lượng vũ trang. Trong khu vực mà một quốc gia, Myanmar, vẫn nằm dưới sự cai trị của quân đội (ít nhất là trong các khu vực vẫn còn do chính quyền quân sự kiểm soát), và quân đội vẫn là một diễn viên chính trị quan trọng ở Campuchia, Indonesia, Lào, Philippines và Thái Lan, việc Việt Nam gia nhập danh sách này là một xu hướng không đáng mong đợi”.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

This entry was posted in Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, Thể chế chính trị Việt Nam. Bookmark the permalink.