Vụ thanh trừng quân đội khiến vợ của Tập trở thành tâm điểm chú ý

Katsuji Nakazawa, “Military purges put Xi Jinping’s singer-wife in the spotlight,” Nikkei Asia, 11/07/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Đang có nhiều đồn đoán về việc liệu Bành Lệ Viện có đang giúp Tập Cận Bình kiểm soát quân đội Trung Quốc hay không.

Trong lúc nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình giải quyết “những thách thức phức tạp” mà các chỉ huy quân sự hàng đầu của ông gây ra, có lẽ ông sẽ dựa nhiều hơn vào một phụ tá lâu năm là người vợ Bành Lệ Viện.

Hai diễn biến gần đây đã gợi ý về điều này. Đầu tiên là việc khai trừ hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và sau đó là việc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng.

Quyết định khai trừ Ngụy Phượng Hòa và người kế nhiệm Lý Thượng Phúc đã được đoán trước từ lâu; cả hai đã ngừng xuất hiện trước công chúng từ năm ngoái.

Khi Tập, 71 tuổi, lên đảm nhận các chức vụ Chủ tịch nước và Tổng Bí thư đảng cách đây 12 năm, Ngụy, 70 tuổi, đã trở thành thành viên của Quân ủy Trung ương, cơ quan hàng đầu giám sát Quân đội Giải phóng Nhân dân. Ngụy đã phục vụ hai nhiệm kỳ 5 năm. Và Lý, 66 tuổi, người kế nhiệm Ngụy ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 3/2023, cũng là thành viên Quân ủy Trung ương.

Cuộc thanh trừng Lý Thượng Phúc (trái) và Ngụy Phượng Hòa khác với những lần thanh trừng trước, do họ được đích thân Tập Cận Bình bổ nhiệm.  © Reuters

Vụ khai trừ Ngụy và Lý chỉ là vụ việc mới nhất trong một loạt các cuộc thanh trừng của Tập nhắm vào quân đội đầy quyền lực của Trung Quốc. Nhưng về cơ bản, hai người này khác với những nhân vật quân đội nặng ký khác đã trở thành nạn nhân của chiến dịch chống tham nhũng đặc trưng của Tập: Cả hai đều được đích thân Tập bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Các cuộc thanh trừng này phản ánh sự lo lắng của Tập khi ông vẫn phải chật vật kiểm soát quân đội sau 10 năm cố gắng. Dù đã củng cố đáng kể quyền lực của mình, nhưng ông vẫn lo ngại về sự thiếu trung thành của quân đội.

Hồi tháng 6, Tập lưu ý rằng “quân đội Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp trong công tác chính trị,” nhấn mạnh đến “lòng trung thành chính trị” của quân đội. Khi đó, ông đang phát biểu tại Hội nghị Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương ở Diên An, một căn cứ cách mạng cũ ở tỉnh Thiểm Tây.

Diễn biến thứ hai chỉ ra vai trò cố vấn của Bành Lệ Viện có liên quan trực tiếp đến chức vụ của bà, một cựu ca sĩ ngôi sao trực thuộc quân đội. Gần đây, bà đã trở thành tâm điểm chú ý và nhận được nhiều sự quan tâm của truyền thông nhà nước.

Ca sĩ Bành Lệ Viện đóng vai trò lớn trong việc đưa Tập Cận Bình lên vị trí đứng đầu trong hệ thống cấp bậc chính trị, đảng, và quân đội Trung Quốc. (Hình ảnh từ CCTV)

Trong một động thái bất thường, Ngoại trưởng Vương Nghị, một thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực, đã ca ngợi “ngoại giao đệ nhất phu nhân” vào tháng 5 khi Tập thực hiện chuyến công du Pháp, Serbia, và Hungary, cùng với Bành.

Dẫn lời Vương, hãng tin Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng “ngoại giao đệ nhất phu nhân” là một “điểm nhấn” trong chuyến công du châu Âu ba nước của Tập.

Liên tục sử dụng danh hiệu “giáo sư” để gọi Bành – một thuật ngữ thường được dùng để chỉ những nhân vật nổi tiếng trong giới âm nhạc Trung Quốc – Tân Hoa Xã nói rằng bà đã cùng chồng tham dự hơn 20 sự kiện trong chuyến thăm, giao lưu với vợ của lãnh đạo ba nước châu Âu, cùng nhiều phụ nữ và học sinh.

Tân Hoa Xã cũng lưu ý rằng Bành đã được mời tới trụ sở của UNESCO ở Paris để nhận bằng khen danh dự ghi nhận vai trò đặc phái viên của cơ quan Liên Hiệp Quốc vì sự tiến bộ của giáo dục dành cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bản tin nói thêm rằng chính sách ngoại giao quyến rũ của Bành “đóng vai trò tích cực” trong việc nâng cao thiện chí của công chúng nước ngoài đối với Trung Quốc và thúc đẩy quyền lực mềm của nước này.

Brigitte Macron, Emmanuel Macron, Tập Cận Bình, và Bành Lệ Viện chụp ảnh ở Paris, Pháp. Truyền thông nhà nước Trung Quốc sau đó đã ca ngợi “chính sách ngoại giao đệ nhất phu nhân” của bà Bành. © Reuters

Khi bà kết hôn với Tập vào năm 1987, Bành đã là một ngôi sao nổi tiếng ở Trung Quốc. Sau khi giữ chức vụ Trưởng Đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng, bà được thăng chức Viện trưởng Viện Nghệ thuật Quân Giải phóng vào năm 2012.

Hồ sơ của Bành đã được chú ý nhiều hơn sau một bài viết đăng trên một tờ báo Hong Kong trước chuyến công du châu Âu của Tập. Đầu tháng 5, Tinh Đảo nhật báo đưa tin đệ nhất phu nhân đã trở thành thành viên Ủy ban kiểm tra và đánh giá của Quân ủy Trung ương.

Bài báo được công bố cùng với một bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh Bành, 61 tuổi, mặc quân phục, đang thanh tra một cơ sở giáo dục quân sự. Điều này đã làm dấy lên suy đoán rằng Bành, người bắt đầu sự nghiệp quân sự vào năm 1980 và vẫn còn là một sĩ quan quân đội tại ngũ, hiện đang ở vị trí có thể ảnh hưởng đến vấn đề nhân sự của quân đội.

Một số thay đổi nhân sự gần đây phù hợp với giả thuyết này. Chẳng hạn như trường hợp của Đổng Quân, người được chọn để thay thế cựu Bộ trưởng Quốc phòng bị thất sủng Lý Thượng Phúc. Sinh năm 1961, Đổng là cựu sĩ quan hải quân đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.

Người ta suy đoán rằng Đổng nằm trong số những người thân thiết với Bành vì cả hai đều là người gốc Sơn Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân duyệt đội danh dự trong khuôn khổ Đối thoại Bộ trưởng Quốc phòng Singapore-Trung Quốc lần thứ ba tại Bộ Quốc phòng Singapore, ngày 30/05. © Reuters

Vốn dĩ, lục quân có truyền thống mạnh hơn các nhánh khác của Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Là một phần trong nỗ lực xây dựng quân đội cho kỷ nguyên mới, Tập hiện đang ưu tiên Quân chủng Tên lửa, lực lượng được thành lập với tư cách kế thừa Quân đoàn Pháo binh số 2 và một sư đoàn liên quan đến vệ tinh. Đây là lý do tại sao Tập lại quyết định thăng chức Bộ trưởng Quốc phòng cho Ngụy Phượng Hòa và Lý Thượng Phúc, vốn có liên hệ với Quân chủng Tên lửa.

Tuy nhiên, hóa ra nhiều cá nhân có liên quan đến Quân chủng Tên lửa lại là những kẻ tham nhũng và thiếu trung thành với Tập.

Ngoài ra, cũng có nghi ngờ rằng thông tin mật liên quan đến quân đội Trung Quốc có lẽ đã bị rò rỉ ra bên ngoài thông qua người thân của hai người này, hiện đang cư trú ở nước ngoài.

Cân nhắc đến những việc này, việc Tập loại bỏ hai vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng là điều đương nhiên.

Nhưng người đứng đầu mới, Đổng Quân, và quan trọng là việc ông xuất thân từ hải quân, đang gây ra hỗn loạn. Dù hải quân đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược Đài Loan của Trung Quốc, nhưng vẫn đang có sự phản đối trước thay đổi nhân sự chưa từng có ở cấp cao nhất trong quân đội.

Người ta suy đoán rằng khi Tập thực hiện những thay đổi nhân sự chủ chốt trong quân đội, ông sẽ thông qua vợ mình để lựa chọn những nhân vật mà ông có thể hoàn toàn tin tưởng về lòng trung thành.

Điều này khiến nội bộ đảng lo ngại rằng vợ của lãnh tụ tối cao đang can thiệp vào chính trị.

Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông, người sáng lập ra “Trung Quốc mới,” hay nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là một nữ diễn viên. Nhưng bà đã bị kết án là thành viên của Tứ nhân bang cầm đầu Cách mạng Văn hóa 1966-1976. Sau khi bị kết án tử hình, cuối cùng bà đã chọn cách tự sát.

Trong khi Mao được cho là cảnh giác với tham vọng chính trị của Giang, thì Tập lại tin tưởng vợ sẽ giúp ông thực hiện tham vọng chính trị của mình. Nguyên nhân là do Bành đã đóng một vai trò quan trọng ở hậu trường trong quá trình chồng bà trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.

Để hiểu được điều này, chúng ta cần quay lại đầu thập niên 2000, khi Tập vẫn còn là quan chức cấp cao của tỉnh Chiết Giang. Câu chuyện bắt đầu từ những người tiền nhiệm của Tập, Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân. Dù đã trao cho Hồ chức vụ Tổng Bí thư vào năm 2002 và Chủ tịch nước vào năm 2003, Giang vẫn giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương mãi cho đến năm 2004. Bằng cách không từ bỏ chức vụ hàng đầu quân đội, Giang vẫn tiếp tục là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trên thực tế.

Một trong những điểm đến yêu thích của Giang là khu vực xung quanh Tây Hồ, một danh lam thắng cảnh và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Ông có thói quen tổ chức những bữa tiệc nhỏ ở đó.

Các ca sĩ ngôi sao của Đoàn Văn công từng được mời tham dự những sự kiện như vậy. Ca sĩ mà Giang yêu thích không phải là Bành, nhưng là một nữ ca sĩ cũng nổi tiếng không kém.

Nữ ca sĩ này đã mời đồng nghiệp Bành đến dự tiệc. Đương nhiên, Bành đã kể lại cho chồng biết về sự kiện này và họ đã tham dự cùng nhau.

Trước đó, Giang không biết rõ về Tập nhưng nhờ bữa tiệc này ông đã hiểu hơn về Tập. Mối liên hệ giữa hai người – do Bành tạo điều kiện – sẽ tiếp tục đóng một vai trò cực kỳ quan trọng giúp đưa Tập trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2012.

Bành cũng có những đóng góp đằng sau hậu trường cho chính sách ngoại giao của Tập, đặc biệt là đối với Nhật Bản.

Tháng 11/2009, vợ của Phó Chủ tịch Tập khi đó đã đến Nhật Bản để tham dự một loạt các buổi biểu diễn kinh kịch Trung Quốc của Đoàn Văn công thuộc Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng.

Vở “Vịnh Hoa Mộc Lan” đã được ra mắt tại Nhật Bản tại Đại học Gakushuin ở Tokyo. Các nghệ sĩ từ Nhật Bản và Trung Quốc đã tham gia diễn xuất và Bành chính là giám đốc nghệ thuật của đoàn kịch Trung Quốc.

Để kết thúc màn trình diễn, Bành, một giọng nữ soprano, đã song ca bài hát tiếng Nhật “Shiki no Uta” (Khúc ca bốn mùa) với nữ ca sĩ Nhật Bản Yoko Seri. Bành đã vừa hát vừa cầm một tờ giấy ghi chú để tránh nhầm lời.

Đây là buổi biểu diễn ca hát ở nước ngoài cuối cùng của Bành và nó sẽ đi vào lịch sử khi Thiên hoàng Naruhito, lúc đó vẫn còn là thái tử, đã bí mật tham dự.

Vào thời điểm đó, có sự phản đối mạnh mẽ trong Nội chính cung Nhật Bản đối với việc đương kim thái tử – người vốn là cựu sinh viên của Đại học Gakushuin – đến xem buổi biểu diễn của một đoàn kịch trực thuộc quân đội Trung Quốc với tư cách chính thức. Vì vậy, thái tử đã quyết định ẩn danh và các khán giả khác hoàn toàn không biết gì về sự hiện diện của ông.

Theo một người biết về sự kiện ngày hôm ấy, thái tử cũng đã gặp gỡ và trò chuyện với Bành.

Khoảng một tháng sau, vào tháng 12/2009, Phó Chủ tịch Tập đã đến thăm Nhật Bản và gây chú ý khi tiếp kiến Thiên hoàng Akihito, người hiện đã là Thái thượng Thiên hoàng.

Tập Cận Bình đã giành được thắng lợi lớn ở Trung Quốc khi bất ngờ diện kiến Thiên hoàng Nhật Bản vào ngày 15/12/2009. © Kyodo

Việc sắp xếp cuộc gặp giữa Tập và Thiên hoàng Akihito lúc bấy giờ đã được thực hiện vào phút chót. Nó diễn ra bất chấp việc Trung Quốc đã không tuân thủ một quy định của Nhật Bản trong đó yêu cầu các quan chức nước ngoài phải xin phép trước ít nhất một tháng để được gặp Thiên hoàng.

Vào thời điểm đó, Chính phủ do Đảng Dân chủ Nhật Bản lãnh đạo đã phớt lờ quy định này và cuộc gặp đã kéo dài hơn dự kiến do Tập và Thiên hoàng rất vui khi thảo luận về văn hóa.

Ở Trung Quốc, chuyến thăm Nhật Bản của Tập – đặc biệt là “cuộc gặp ngoại lệ đặc biệt” của ông với Thiên hoàng – được coi là một thành công lớn. Bản thân Tập cũng rất phấn khởi.

Nhưng chuyến thăm Nhật Bản của ông có thể đã không diễn ra tốt đẹp nếu không có sự hỗ trợ của người bạn đời trung thành. Khi nhìn lại, cuộc gặp giữa Thái tử Naruhito và Bành và cuộc gặp sau đó giữa Thiên hoàng Akihito và Tập có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Giờ đây, người ta lại một lần nữa chú ý đến nữ ca sĩ đã trở thành đệ nhất phu nhân, một sĩ quan quân đội tại ngũ mà Tập vô cùng tin tưởng nhờ những đóng góp đằng sau hậu trường trong quá khứ của bà cho các chương trình nghị sự chính trị và ngoại giao trong nước của ông.

Bành Lệ Viện có lẽ là sĩ quan quân đội duy nhất mà Tập có thể tin tưởng (Ảnh từ một triển lãm trước đây ở Trung Quốc)

Thậm chí có thể nói Bành là sĩ quan quân đội duy nhất mà Tập có thể thực sự tin tưởng. Và đó là một tình huống mong manh và nguy hiểm.

Sau khi khai trừ hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng mà mình lựa chọn, Tập hiện đang bận rộn chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương Ba, một sự kiện sẽ được cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ.

Hội nghị này thường đặt ra các chính sách kinh tế trung và dài hạn quan trọng của Trung Quốc. Nhưng lần này có thể có một tiếng trống thầm lặng giữ nhịp cho các hoạt động chính trị – đó chính là lòng trung thành với Tập, nhà lãnh đạo đầy quyền lực đang lãnh đạo đảng, quân đội, và nhà nước.

K.N. 

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn bản dịch: nghiencuuquocte.org

This entry was posted in Bành Lệ Viện, Katsuji Nakazawa, Nguyễn Thị Kim Phụng, Tập Cận Bình, Thanh trừng quân đội Trung Quốc. Bookmark the permalink.