Lê Phú Khải
.
Tôi rất bất ngờ khi thấy những giá trị mà nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện gửi thông điệp từ những năm 60 của thế kỉ trước về một lối sống ít hưởng thụ nhất nhưng cống hiến nhiều nhất nay lại có một vị chân tu là Thích Minh Tuệ lan toả nó đi khắp hành tinh này. Hai con nguòi Việt Nam này đã được lịch sử giao phó nhắc nhở nhân loại rằng, phải sống khiêm nhường với trái đất… để còn trời đất mà sống!
.
Ảnh: Sách Nguyễn Khắc Viện như tôi đã biết. NXB Thanh Niên 1999
Theo dõi hiện tượng tu hành của thầy Thích Minh Tuệ mấy tháng nay, tôi suy nghĩ miên man, liên tưởng đến nhiều nhân vật trong quá khứ, cũng như nhiều lĩnh vực như triết học, mỹ học, tâm linh học v.v.
Nhân vật đầu tiên mà tôi liên tưởng đến là nhà văn hoá nổi tiếng Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997). Sau 26 năm sống ở Pháp, dẫm nát những nẻo đường châu Âu và thế giới, ông trở về nước năm 1963 và sống bình dị trong những bộ đồ không là, ủi bao giờ. Ông thường nói: Tôi “nóng không quạt, ngứa không gãi, chọc không tức”!!! Đến nhà ông chơi, ông bảo: Nếu thấy nóng thì cậu cứ ở trần! Nhà tôi không có quạt!!! Khi ông nhận chức Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, lúc đến nhiệm sở, cả cơ quan Nhà xuất bản lo cuống quýt vì Nhà xuất bản chỉ ở gọn trong một ngôi biệt thự cổ từ thời Pháp, không thu xếp được một phòng riêng cho Giám đốc ngồi làm việc. Ông đi một vòng quanh cơ quan, thấy có một cái buồng tắm (toilet) bỏ không, mạng nhện giăng kín trên tường, ông bảo: dọn cái “buồng” nhỏ này cho sạch sẽ, rồi kê một cái bàn nhỏ, một cái ghế dựa, vài cái ghế đẩu để ông làm việc và tiếp khách. Ai cũng tưởng ông nói đùa… Vậy mà từ cái “buồng” nhỏ ấy, ông đã chỉ đạo Nhà xuất bản ngoại văn và hai tờ báo đối ngoại bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, cho ra những ấn phẩm rất có giá trị, giới thiệu Việt Nam ra thế giới, góp phần đối ngoại cho Việt Nam những năm tháng khó khăn nhất. Riêng ông, đã viết từ căn “phòng” nhỏ này những tác phẩm đồ sộ bằng tiếng Pháp như: Miền Nam Việt Nam sau Điện Biên Phủ (Le sud Vietnam après Điện Biên Phủ); Lịch sử Việt Nam (Historie du Vietnam); Lịch sử văn học Việt Nam (Anthologie de la litérature du Vietnam); Truyện Kiều dịch ra tiếng Pháp!
Lúc tặng tôi cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Pháp, ông cười nói: Lúc dịch Kiều sang tiếng Pháp, đến hai câu: “Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần”, tôi phải suy nghĩ cả đêm, vì trong tiếng Pháp chữ tài và chữ tai đâu có vần với nhau! (Nguyên văn dịch sang tiếng Pháp: De son talent, que nul n’en tire orguel, La malheur suit le talent comme son ombre). Nghĩa tiếng Việt của hai câu tiếng Pháp đó là: Không ai có thể tự kiêu về tài của mình; sự bất hạnh đi theo tài như cái bóng của nó! Tháng 11/1992 ông Viện được nước Pháp trao giải thưởng lớn Pháp văn (Grand prix de la Francophonie). Ngày lĩnh giải, hai vợ chồng ông vào tiệm Phở Hoà nổi tiếng trước cửa Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, gọi một tô phở và mượn chủ quán thêm một cái bát không để chia đôi cho hai người ăn! Ông chủ quán tỏ vẻ khó chịu. Tôi phải rỉ tai ông chủ quán rằng, ông già này mới lĩnh giải thưởng lớn, trị giá 400.000 franc, tương đương 80.000 đô, nhưng vì hai người già ăn không hết hai tô phở to nên ông tiết kiệm, chỉ gọi một tô! Ông chủ quán tỏ ra hiểu vấn đề và vui vẻ!
Lối sống “nóng không quạt, ngứa không gãi, chọc không tức” của ông Viện có cái gì đó đồng điệu đối với tu hành của thầy Thích Minh Tuệ. Đó là một Giá trị Việt Nam trước một nhân loại đang thi nhau sống gấp, thi nhau xa xỉ, thi nhau phá huỷ môi sinh. Một người có đến hàng trăm bộ quần áo mà vẫn đua nhau đi shopping sắm đồ! Tôi rất bất ngờ khi thấy những giá trị mà nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện gửi thông điệp từ những năm 60 của thế kỉ trước về một lối sống ít hưởng thụ nhất nhưng cống hiến nhiều nhất nay lại có một vị chân tu là Thích Minh Tuệ lan toả nó đi khắp hành tinh này. Hai con người Việt Nam này đã được lịch sử giao phó nhắc nhở nhân loại rằng, phải sống khiêm nhường với trái đất… để còn trời đất mà sống! Mảnh đất mà mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đang sống hôm nay chỉ là đất mượn của các thế hệ mai sau. Không thể trả lại cho chúng những bãi biển đầy rác ni-lông và những hận thù xuyên biên giới…
TP.HCM 7/2024
Tác giả gửi BVN